Ngày này năm ấy

NGÀY NÀY NĂM ẤY Thế là cũng sắp qua mùa hè, cái cây phượng già ở đầu ngã ba vẫn còn hoa đỏ rực. Những xác thắm rơi xuống nằm im lìm dướ

Những mầm cây hạnh phúc
Mưa tháng tư
Người lập dị

NGÀY NÀY NĂM ẤY
Thế là cũng sắp qua mùa hè, cái cây phượng già ở đầu ngã ba vẫn còn hoa đỏ rực. Những xác thắm rơi xuống nằm im lìm dưới nền cỏ hơi úa, nắng oi ả mới tràn về trên khắp nẻo đường qua. Hình như chẳng còn tiếng ve nào tấu lên cái đơn điệu của nó với những thanh âm râm ran như của tháng sáu trước. Chỉ còn cây phượng vĩ bông đỏ như thắp lửa và những cành lá cười với gió ngoe nguẩy trông dập dìu tựa cơn sóng nhấp nhô. Muôn cảnh trước mắt, một ít đã trôi màu theo thời gian. Chỉ có dáng cây phượng là đứng im theo năm tháng và lưu dấu bộ tứ lên bóng mát hiên đời. Chúng mình từng lớn lên những con đường quanh co, rồi tắm chung một dòng sông yên ả. Ngày tháng ấy ta lạc vào vườn cổ tích với hoa xinh bướm lượn! Nghe thời gian trở mình đắp lên tường rêu phong. Lòng mình thì cứ như chùm xuyến xao nở rộ, hương chẳng nhạt với vị quê cay nồng. Ra đi rồi bỏ lại phía sau nỗi nhung nhớ tha thiết, về nhặt lại những tháng ngày đã qua. Người ở lại có nhớ ta chăng? Ta về bên đó lòng tràn đầy nỗi buồn.
Thằng Lúa đã trở về quê cũ! Trên tay còn cây kiếm nhựa được cha mua lúc xe ghé trạm dừng. Nó đem theo cả một đống đồ chơi với những cuốn truyện tranh. Xe vừa tới đầu làng! Nó ba chân bốn cẳng chạy một mạch trong cái sự nôn nao, bỏ lại người cha tít ở sau lưng đang vác những hành lý to đùng, bước chân đi mệt nhoài dưới cái nắng mùa hè. Mấy ngày trước lúc còn ở quê ngoại! Nghe ba mẹ bàn với ông ngoại sẽ cho nó về quê nội để tiện việc học hành. Nghe xong mừng lắm! Cái ước ao từ lâu nay thành hiện thực rồi. Thế là cả đêm đó nó không tài nào ngủ được, cứ mong trời mau sáng để nhanh chóng trở về. Nhớ quê nội với lũy tre xanh rì và hàng dừa nghiêng tỏa bóng mát trong hồn. Nhớ những con đường mà dấu chân đầu đời đã in hằn lên nát! Nơi ấy là khung trời của cánh diều vút cao! Nơi ấy là tiếng gọi nghe thiêng liêng văng vẳng trong trí nhớ, trả lời bằng nỗi lòng rung cảm với xuyến xao. Nơi ấy là đây! Là nơi nó đang đứng! Tuổi thơ như màu phượng cháy đỏ góc trời hè. Nhớ ba đứa bạn thân thiết cứ vào mỗi độ hè tập kết dưới gốc cây phượng già, rồi bàn nhau đi chơi đến khi khói lam chiều tỏa bốn đứa mới trở về. Thế mà bây giờ, chỉ có riêng mỗi nó ngồi tựa dưới gốc cây! Tiếng nói lẫn tiếng cười của ba thằng còn lại sao im ắng không như những hè rồi. Chắc có lẽ từ ngày nó rời xa làng quê thì ba đứa kia cũng không còn ra đây để vui đùa. Nó thoáng lên nét buồn rồi đăm chiêu như những cành phượng khẳng khiu dang tay muốn ôm lấy bầu trời.
“Nè…nè sao không ở lại xách tiếp hành lý mà con chạy đi luôn vậy.” – Ba và má của nó vừa đến thở hổn hển. Trên tay lỉnh kỉnh những thứ đồ đạc, và một số quà phương xa để biếu cho người thân họ hàng.
“Đồ của con có gì đâu mà xách, chỉ có mấy bộ đồ để trong cái giỏ của má mà thôi.”
“Vậy thì xe máy múc, xe tăng, súng, sách vở, quả bóng, những thứ đồ chơi này là của ai? Chỉ mang theo chỉ mỗi cây kiếm nhựa thế hả?” – Má vừa lên tiếng. Chỉ là nói cho vui vì cái tật gấp gáp, từ từ rồi cũng sẽ gặp lại bạn bè, chúng nó có bỏ xứ đi đâu mà nôn với nóng để rồi phải vội vàng.
Ba lột cái nón tai bèo nhăn mặt rồi quạt người phe phẩy. Cái nắng của tháng bảy thật oi bức ngột ngạt, nhưng nó cũng là gam màu tô đẹp làm nổi bức tranh quê. Thấy rõ cánh đồng xanh trải dài đến muôn xa tít tắp, những hàng cây tỏa hồn, những mái ngói yên buồn lặng lẽ buổi trưa xế, và những con đường cứ uốn lượn như chú rắn khổng lồ đang miệt mài bò đi. Ba má nhìn về ngõ cuối xóm rồi liên tục thở dốc, thấm mỏi mệt sau cuộc hành trình đường dài suốt mấy giờ trên xe.
“Thôi ngồi xuống gốc phượng nghỉ ngơi một lát rồi chúng ta đi tiếp.” – Ba nói xong lấy chai nước ngửa mặt lên mà nốc ực ực như khát lâu lắm rồi.
“Đã sắp tới nơi rồi mà còn nghỉ mệt gì nữa. Ráng qua hết cái đường này là mình đã tới nhà. Không chừng bây giờ nội của thằng Lúa cũng đang đợi chờ cơm.” – Má nói xong rồi ôm lấy chiếc giỏ giục phải đi vội vã.
Thằng Lúa còn nấn ná ở lại gốc cây phượng như chưa hề muốn đi. Ba má hiểu được nó đang nhớ chúng bạn, vì có trưa hè nào nơi này mà im hơi lặng tiếng của bốn ông trời con. Từ lúc Lúa bước chân ra đi tới nay cũng mấy mùa phượng nở. Cũng từ độ ấy cái xóm làng quen thuộc bỗng nhiên im ắng đến lạ thường. Đâu còn thấy cái cảnh bốn thằng đi khắp xóm nói chuyện rần rần, quậy phá chẳng cho ai nghỉ trưa rồi người ta lấy roi đuổi chúng chạy đi thục mạng. Tuy là nghịch vậy nhưng người lớn thương lắm! Từ lúc thằng Lúa theo ba má đi xa, cứ hễ ba thằng còn lại đi đâu chơi, họ cứ hỏi Lúa khi nào mới trở về! Mà mỗi lần có ai hỏi thì gương mặt của cả ba đứa cứ hiện lên nét buồn bã rồi nhìn nhau lặng lẽ. Hiểu được tâm trạng của thằng Lúa lúc này! Ba nói:
“Về lần này là ở luôn chẳng có đi nữa đâu. Ba má sẽ đăng ký nhập học cho con cùng lớp với thằng Tý, Tèo, Bừa. Thoải mái mà vui chơi học tập, nhưng nếu cứ phá phách lì lợm chẳng nghe lời dạy bảo! Ba sẽ bắt về quê ngoại để khỏi phải gặp bạn bè vui chơi như thời gian vừa qua. Nào, đi về nhà thôi, nội đang chờ cơm nước.”
Ba nói xong cũng đeo ba lô lên để chuẩn bị bước đi. Lúa cũng ngoan ngoãn đi theo sau, vừa đi rút kiếm múa rồi đánh với cái bóng chính mình. Làng quê quá đỗi yên bình, tiếng đưa võng cọt kẹt nhà chú Chín khẽ vang lên rất đều kèm với giọng ru con. Chắc là bé Nụ đang ngủ say theo lời ru của thím Hoa. Còn kia là nhà của chú Thiện nay lại trồng thêm cái giàn bí xanh mướt, con trâu cái miệng còn đang nhai bên lũy tre xanh mát. Nơi này cũng có chút khác lạ so với những năm trước, cái bãi đất trống mà cứ mỗi chiều chiều chúng hay ra thả diều, giờ mọc lên những dãy nhà rất cao. Những con đường đang bắt đầu trải nhựa, hàng me cao xanh ngát cũng dần dần biến mất khỏi ánh nhìn, sẽ vắng thêm tiếng chim. Quê hương đang đổi mới trong tương lai phía trước. Những đứa trẻ may mắn được sinh ra trước đó, sẽ vẽ vào hồn và kể cho những đứa trẻ sau nghe về nét đẹp gần gũi của quê mình xưa cũ. Lúa nhìn vào nhà chú Chín nơi cánh võng đang đung đưa rồi khẽ thầm một mình «Bé Nụ ngủ ngoan nhé, khi em lớn lên anh Lúa kể em nghe những hoài niệm của xóm mình mà tuổi anh đã thấy». Lúa thương em Nụ lắm! Nhớ lúc chưa đi xa, Nụ mới có một tuổi, thím Hoa hay bế sang nhà chơi, gặp bốn thằng cứ giành nhau để được bế em Nụ. Những lần như thế thím Hoa hay nói rằng:
“Bốn đứa cháu chưa có bồng em bé được đâu! Phải biết cách bồng rồi mới bế em được, vì em nó còn nhỏ mà các cháu cũng nhỏ nữa” – Thím Hoa nói rồi lấy tay vỗ vỗ nhè nhẹ vào mông của em Nụ.
“Vậy thì bao giờ cháu mới được bồng em vậy thím Hoa?” – Lúa hỏi.
“Khi nào các cháu lớn và Nụ cũng lớn xíu thì mới được” – Thím hoa trả lời rồi cười.
Bừa chạy vào trong nhà lấy ra cái quả ổi chín mọng, đưa tay lên nựng má em Nụ.
“Anh Bừa cho em Nụ nè.” – Bừa nói xong đưa quả ổi lên mũi hít hít cái hương thơm nồng nàn rồi chìa tay về phía em Nụ.
“Ừ ăn đi em Nụ! Ổi của tụi anh mới đi hái trộm của nhà chú Đại đó! Ngon lắm. – Thằng Tý tiếp lời.
“Em Nụ nó chưa ăn được đâu.” – Thím Hoa nói, đồng thời gạt tay của Bừa ra.
“Thế em Nụ nó ăn gì vậy thím Hoa” – Tèo hỏi.
“Thì em Nụ cũng giống như các cháu bây giờ lúc mới hồi nhỏ thôi” – Thím Hoa trả lời rồi múc trong chén cái vệt màu trắng trắng đút vào miệng bé Nụ.
“Hay là tụi mình qua nhà ông Bảy hái trộm xoài về cho Nụ ăn đi” – thằng Lúa vừa lên tiếng làm thím Hoa cười ngất.
“Làm sao em nó có thể ăn những thứ đó! Nụ bây giờ chỉ ăn bột như hiện tại mà thôi. Khi nào Nụ lớn xíu có răng lúc đó mới ăn được.”- Thím Hoa nói xong rồi bế em Nụ đi về. Bốn thằng vẫn tiếp tục chơi đùa dưới cái sân nhà Lúa. Nụ cũng thích các anh lắm, mỗi lần gặp các anh nó cứ cười tít mắt rồi cựa quậy cái tay nhưng một cái nỗi mừng.
Nhớ lại thuở chưa biết cái chi chi Lúa chỉ cười thì thầm. Ba má đã về tới nhà mà đôi chân của nó cứ bước đi chầm chậm. Đôi mắt nhìn ngó cảnh vật ở xung quanh, nó tìm lại chính nó như thuở còn ở đây mà đã đánh rơi suốt mấy năm xa vắng. Tới ngõ, nó bước đi vào nhà, cái dáng thoăn thoắt mất hút bên hàng rào râm bụt với những cánh hoa đỏ như thắp lửa dưới nắng. Màu nắng của quê hương đẹp rạng ngời tha thiết! Nắng phải có bóng cả hai là một – như con người chẳng tách được hồn quê.
Vào nhà nội Lúa ăn vội vàng chén cơm rồi nhanh chóng tới thăm nhà chúng bạn. Đứng trước cổng rào có dây leo phủ kín, tuy nhà của Tèo chẳng đóng cổng nhưng lại có con chó hung hãn chẳng thể nào mà đùa. Suy đi tính lại cũng cảm thấy hợp lý, biết đâu đã xa quê mấy năm nên con chó chắc quên mặt nó rồi, việc ngang nhiên đi vào sẽ hết sức nguy hiểm. Thôi thì đổi hướng cứ tới nhà của Bừa. Đến nơi cửa sổ nhìn vào thấy nó đang nằm ngủ, tiếng ngáy khò khò hòa với tiếng quạt gió, trên ngực còn ôm chặt cuốn sách! Lúa cười mỉa mai rồi nói thầm một mình “đang nghỉ hè mà cũng học bài nữa ta! Lại còn chịu ngủ trưa nữa chứ, chắc tối nay bão lớn quá”. Nói xong, nó lấy viên đá nhỏ ném vào người thằng Bừa rồi thò đầu hụp xuống. Bừa tỉnh giấc ngồi dậy nhìn quanh rồi tiếp tục nằm xuống và nhắm mắt. Lần thứ hai cũng giống như lần trước, chỉ khác lần này là nhánh cây nghe tiếng động hơi lớn. Bừa tỉnh giấc cầm cái cây ngó nhìn mà gãi đầu khó hiểu. Nó tiến lại gần cửa sổ rồi đưa mặt nhìn ra, liếc mắt thấy Lúa đang thập thò, nó giả vờ như không thấy. Bừa vội vàng rời phòng, đi xuống nhà sau rồi leo qua rào núp vào trong bụi chuối. Lúa vẫn còn đứng đó, trên tay cầm một nắm đá nhỏ, nó cho rằng có lẽ Bừa vừa đi tiểu, khi trở lại giường nằm nó sẽ tặng cho vài viên. Bừa đứng đó thấy quá buồn cười mà chẳng dám cười to, nó lấy tay bịt miệng, rồi đi nhè nhẹ ở sau lưng của Lúa! Một tiếng hù lớn làm nó giật bắn mình.
“Ê thằng bạn thân! Mày về hồi nào đó! Nhặt những viên đá này định ném tao chứ gì” – Nói xong nó cười quê thằng Lúa.
“Tao với mày lại nhà thằng Tý với Tèo, rủ tụi nó ra cây phượng ngồi chơi.” – Lúa nói xong hai người cùng khoác tay nhau đi.
Đến nhà của Tý thấy nó đang ngồi chễm chệ trên giường mà xem phim hoạt hình. Bừa gọi to.
“Ê cu! Ra đây chào đại ca! Đại ca mới về.” – Bừa nói xong rồi nheo mắt cười tít mắt.
Thấy Lúa đang nghênh mặt đứng đó thì Tý nó thấy vui sướng lắm. Nó nhanh chóng tắt tivi rồi chạy ra trước sân để gặp lại bạn.
“Về có mua trái gì cho tụi tao ăn không mày?” – Thằng Tý hỏi.
“Có trái lựu đạn, tụi bây ăn không?” – Lúa trả lời ngắn gọn.
“Về quê ngoại sao mày đen thui vậy Lúa?” – Bừa hỏi.
“Tại vì tao không trắng nên đen thui thế thôi” – Lúa đáp.
“Thế mày về quê ngoại có gì hay không? Kể cho tụi tao nghe với” – Tý chưng hửng hỏi.
“Có sao không mày. Bây giờ tao với thằng Bừa đi ra cây phượng trước! Còn mày thì sang nhà Tèo dẫn nó ra luôn rồi tao kể cho nghe! Nhanh lên” – Lúa nói như ra lệnh.
Thế là chia nhau đi, Lúa và thằng Bừa ra đó trước, chờ hai người kia tới sau. Cuối cùng hai người nọ cũng đến – vậy là cuộc sum họp của bộ tứ sẽ diễn ra tại đây. Ba đứa chúng nó chăm chú nghe Lúa kể mà cảm thấy thích thú, nhất là việc tắm suối quá khác biệt so với đi tắm sông. Ba thằng còn lại có biết đèo suối là gì đâu, chúng nghe rồi bàn tán không sót chủ đề nào. Lúa khoe với ba thằng còn lại là lên đó được cha mẹ cho đi học võ thuật, nên bây giờ trong người đã có võ. Nghe tới đây thì chúng càng thêm khoái. Những câu hỏi liên tiếp cứ dồn về phía Lúa:
“Mày học võ gì?” – Tý hỏi ngắn gọn.
“Học võ có khó không?” – Tèo thắc mắc.
“Có phải võ là như mấy ông trong phim một mình đánh mấy thằng không Lúa?” – Bừa hỏi.
Rồi ba thằng đều đồng thanh nói : “Mày dạy võ cho chúng tao với”.
Lúa khoái chí gật đầu, được ba thằng đưa lên cao, nó sẵn trớn bay lên luôn.
“Tao sẽ dạy cho tụi bây. Nhưng trước tiên phải nhập môn.”
“Nhập môn ư… nhập môn là cái giống gì? – Tèo thắc mắc.”
Tý nhìn sang thằng Tèo rồi rầy la.
“Mày ngu quá. Nhập môn có nghĩa là…là…là…” – Tý còn đang ngập ngừng chưa nói trọn hết câu.
“Là gì hả thằng ông nội.” – Bừa và thằng Tèo cùng đồng thanh nói rồi nhìn về phía Tý như đợi câu trả lời.
“Là…là…ủa mà nhập môn là cái gì vậy Lúa.” – Tý nhìn sang Lúa như cầu cứu trả lời thay.
“Tao tưởng đâu mày khôn lắm. Thế mà lại chửi tao ngu, hóa ra mày còn ngu hơn tao.” – Tèo nói.
“Không biết thì để cho cái người biết họ nói cho mà nghe. Cứ xạo xạo không à.” – Bừa nhìn về phía Tý. Tý quay mặt nơi khác để giấu đi cái nỗi nhục của mình.
“Nhập môn, có nghĩa là bái sư! Từ nay về sau tao sẽ là sư phụ của tụi bây. Các đệ tử hãy mau bóp tay, bóp chân cho sư phụ nhanh đi nào” – Lúa nói xong ngồi xếp bằng chễm chệ, cái mặt lại nghênh thẳng lên trời.
“Nhưng tụi tao vẫn chưa tin! Giờ mày múa võ cho xem đi. Nếu đúng là võ thật tụi tao sẽ bái mày làm sư.” – Tèo nói với đôi mắt hoài nghi.
“Đúng rồi… đúng rồi… phải biểu diễn vài chiêu đi chứ.” – cả hai người còn lại cũng đồng thanh nhau nói.
Bức bách quá Lúa đành ngồi dậy. Nó cố nhớ ra những bộ phim hành động mà nó đã xem qua ở nhà của cậu Năm rồi đấm đá túi bụi, la hét như một thằng điên. Xong xuôi nó ngồi xếp bằng xuống ho sụt sùi và nghênh mặt lên trời với nụ cười bí hiểm.
“Ủa vậy là xong rồi đó hả? Đó là võ đấy à? Sao tao nhìn giống cái thằng bị giật kinh phong quá mày – Bừa với giọng nói chưa tin.
“Đó không phải võ chứ nó là cái gì hả thằng ông nội.” – Lúa bào chữa.
“Ê, tao hỏi thật hai đứa bây nha! Có thấy giống võ không?” – Bừa nhìn sang hai người còn lại.
“Tao thấy giống con khỉ hơn là võ.” – Tý đáp.
“Mày múa thì được rồi! Mày hét lên chi nữa vậy để rồi phải ho cứ như là chó sủa? ” – Tèo hỏi.
“Chứ mày không thấy trong phim, cái ông Lý Tiểu Long mỗi lần ổng đánh là ổng la lên au…au…đó sao.” – Lúa tiếp tục bào chữa.
“Nhưng tao không thấy giống võ. Nếu múa vậy thì ai múa mà chẳng được.” – Tèo vẫn không tin. Và hai đứa kia chắc chắn họ cũng thế.
“Tao đùa thôi, chứ tao đâu có học võ gì đâu.” – Lúa cười khề khà, mặc cho câu mắng chửi lẫn hụt hẫng của ba người xung quanh.
“Trời ơi! Nãy giờ cứ tưởng mày nói thật làm tụi tao mừng hụt. Nếu mày biết võ thì quá tốt còn gì.” – Tý nói.
“Cứ tưởng sẽ được học võ từ mày. Đi học sẽ không còn bị ức hiếp.” – Bừa nói với gương mặt buồn buồn.
“Ai mà dám ức hiếp tụi bây. Chúng mày không ức hiếp người ta thì thôi chứ.” – Lúa nói.
“Mày không biết đâu! Từ lúc mày chuyển trường về quê ngoại. Ba đứa tao ở lại luôn bị cái đám học cùng lớp bắt nạt. Bọn nó có tới 5 người, cao to, nhà lại ở gần trường nên không ai dám hó hé. Bọn đó là đại bàng của cái trường mình đấy.” – Tý nói.
“Tụi tao phải đóng tiền cho tụi nó để đi học mà không phải bị đòn chắc năm nay rồi cũng phải thế.” – Tèo nói.
“Có chuyện đó sao? Sao tụi bây không báo với nhà trường, hoặc nói lại với mẹ cha để người lớn giải quyết.” – Lúa nói.
“Thôi, tụi tao không dám đâu! Nó đã cảnh cáo không được mách lại với ai.” – Bừa nói.
“Không có gì đâu! Tao đã về đây mấy đứa bây đừng sợ. Năm học tới không có thằng nào đưa tiền cho bọn nó hết. Tao đi học cùng tụi bây mà! Những thành phần đó bộ tứ mình dẹp luôn.” – Lúa nói.
“Nhưng nó là đầu gấu của trường đấy. Liệu bộ tứ mình có dám đụng nó không?” – Tèo nói.
“Dù nó có là đầu trâu mặt ngựa, hay đầu heo, đầu bò, mình cũng đem luộc ăn hết. Hình như nhà trường vẫn chưa biết về việc làm sai của bọn đó, chỉ vì chẳng ai dám tố. Năm tới tao đi học cùng tụi bây! Nếu nó vẫn còn hành động đó, chúng mình sẽ xử bọn nó ngay. Cần thiết thì báo ngay với nhà trường. Yên tâm, chúng ta sẽ làm nó thay đổi không còn phải đi bắt nạt những đứa trẻ khác.” – Lúa nói nghiêm túc! Chưa bao giờ thấy Lúa chững chạc như bây giờ.
“Vậy là từ nay về sau, mình không sợ bọn đó nữa. Yên tâm mà học hành được rồi. Bốn đứa mình luôn sát cánh bên nhau” – cả ba cùng đồng thanh nói.
Bốn đứa trẻ ngồi dưới gốc phượng cùng kể cho nhau nghe về những tháng ngày xa vắng lên màu nhớ đậm đặc. Đã mấy mùa hè nó lặng lẽ trôi qua những cung bậc cảm xúc cứ lờ đờ mà chẳng nên hình hài. Với năm tháng ấy như một chiếc chìa khóa để mở cửa trái tim đi sâu vào hồn người. Người đi nhớ, người ở lại chờ! Và ta đã gặp lại chính ta ở ngưỡng cửa đầu đời. Ngày này năm ấy ta xa cách! Và rồi ngày này năm ấy ta lại gặp nhau. Mùa hè buồn vì mùa hè thiếu bạn. Chú ve buồn nên gọi bạn mãi thôi. Nắng chiều vừa đổ xuống, ta thấy cái bóng nhuộm xuống luôn quê hương, cũng đồng nghĩa với việc quê hương đang ôm ta vào lòng. Tiếng phát thanh vừa lên, bốn đứa trẻ ra về, bỏ lại sau lưng là cây phượng đang âm thầm rụng cánh dưới bóng chiều chơ vơ.
Tranh: Phú Quang
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN