Bồ côi bồ cút

DÂN GIAN NÓI: Trời mưa bong bóng phập phồng. Nhân vật chính trong câu chuyện vẫn còn nguyên bố mẹ. Còn nguyên cả - mà vẫn bồ côi. Vết thương này mãi

Bức ảnh gia đình
Em tôi
DÂN GIAN NÓI:
Trời mưa bong bóng phập phồng.
Nhân vật chính trong câu chuyện vẫn còn nguyên bố mẹ. Còn nguyên cả – mà vẫn bồ côi. Vết thương này mãi mãi chẳng lên được da non. Mãi mãi vẫn là vết thương trần. Trong những ngày tháng bảy âm lịch đầy tinh thần “xã hội” này, phải chăng có thể xá tội được cho những bậc sinh thành đã gây ra cho con trẻ cái cảm giác “bị bồ côi, bồ cút” ngay trong gia đình, và cảm giác ấy sẽ trở thành mặc cảm theo mãi mãi cuộc đời riêng về sự cô đơn vô phương không nơi nương tựa…
Cô mở đầu cái truyện bé xíu này, bằng những đoạn văn con con.
Bây giờ, dẫu đã là thiếu phụ tuổi bốn mươi, nó vẫn còn nguyên một con bé sống canh cánh trong người – chính là nó. Ngưng lớn từ thuở bé, vì nó thiếu hơi cha, nó không cha, dù trong thực tế, nó có cha hẳn hoi.
Năm nó lên năm hay lên bốn gì đó, đương chơi con búp bê vải. Mẹ nó đương ngồi trông ngôi hàng xén nhỏ ở một phố dài lắm tán bàng tỉnh Thái, miền trung du đồi chè. Một cây bàng nghiêng tán lá, đổ bóng rợp xanh ngôi nhà gỗ của mẹ con nó. Bỗng nó ngưng tay quấn tã búp bê, kéo vạt áo mẹ, hỏi ngong ngóng:
-Bố đi đâu rồi. Sao bố không về với con?
Mẹ mải trông hàng, phát yêu một cái vào mông nó, trả lời qua quýt:
-Suốt ngày hỏi! Thì bố mày đang ở cái loa to treo trên cây cột điện gỗ đầu phố ấy. Chạy ra đó mà gọi, sốt ruột!
Nó giãy nảy, bỏ ngay búp bê:
-Con đi ra với bố cơ!
– Thì đi đi, ai cấm! Mẹ nó gắt.
Nó vẫn luôn thấy lại mình trong cảnh tượng rất đỗi xa xưa đó, đúng vào ngày hè nắng tươi, hôm đó. Nó lũn cũn chạy ra đầu phố, ngỏng đầu lên, hong hóng há mồm nhìn cái loa nhôm màu thiếc to như cái nón đang oang oang tiếng bố nó hát: Ngày mai lúa chín vàng thơm, anh về cùng em, hát cho thỏa lòng nhớ mong…
-Bố ơi! – Nó gào lên. – Bố xuống đây với con!
Loa vẫn oang oang hát. Chả thấy bố nó thò mặt ra cười, rồi leo xuống cây cột gỗ dắt nó về nhà. Nó cứ đứng nghệt ra chờ. Chờ mãi cũng không thấy bố xuống, cứ ở tịt trong cái loa, nó quay người, chạy về nhà. Trên đường về, con bé mới vài tuổi đầu, bị cả bầy ngỗng sư tử ai thả rông, rượt đuổi chí chết. Nó cắm cổ chạy, rất hãi sợ, nhưng không khóc một tiếng…
“Đoạn truyện này có vẻ sống” – Cô nghĩ. “Và nó cứ mắc kẹt mãi ở đâu đó trong người mình”. Ngày hôm nay buổi sớm tinh mơ, ta lại bỗng trông thấy con bé cách đây 30 năm, khi chờ đèn xanh thông đường ở ngã tư gần Hàng Xanh. Một mặt tường vôi ngôi nhà cao tầng vẽ mấy chú vịt trắng to tổ bố, quảng cáo bột giặt. Trông chúng hao hao mấy con vịt sư tử kêu “ kíu kíu” hăm dọa, rượt theo vạt váy đầm hồng cũn cỡn tuổi thơ…
Cô thở dài, lại cắm cúi viết tiếp: Bố ca sĩ lên đón cả nhà từ tỉnh Thái về thủ đô Hà Nội sum họp gia đình. Bố hay “ đi lên đài hát đây” vào sáng chiều và cả tối nữa. Ngôi nhà lá dột nát mua vội ở ngõ Dã Tượng. Từ đầu ngõ, hai bên trồng hai cây cơm nguội còi cọc, ai cũng có thể nhìn thẳng vào nhà nó, trống tuềnh toàng. Mưa rào mùa hè lộp bộp gõ vào mái lá cọ năm 1958. Bố nó thường đi hát đơn ca ở Câu Lạc Bộ Thống Nhất cạnh Bờ Hồ, với hai bài hát tủ, mở đầu bằng: “sương đêm buông, phủ trắng đại dương” hay là “ hò ơ mênh mông đồi chè, hò ơ, mênh mông rừng cọ…” Thường khuya lơ khuya lắc, bố mới mò về, comple, cà vạt, sơ mi trắng, đầu chải bigiăngtin bóng loáng, ngôi rẽ tóc lệch. Rồi bố nó cởi hết, đánh một quần đùi chéo go, nhoài mình ra cánh phản đen bóng mồ hôi, sonphe nốt nhạc, tập bài hát mới. Khi nó đã ngủ say tít cung thang, bỗng bị đánh thức bới tiếng đàn ghi ta gỗ bố gảy bập bùng. Tiếng đàn buồn, hoa âm trầm, rơi vào lòng thơ dại của nó nghe nặng nặng như tiếng giọt nước mắt tươi và ấm lã chã của mẹ nó. Hồi ấy, bố nó trẻ, đẹp. Trai 30 tuổi đang xoan, chẳng hề bận tâm đến lũ con lít nhít năm đứa trứng gà trứng vịt. Đứa chị cả là nó. Mẹ hơn bố năm tuổi, gái quê, làng Đình Bảng, cong lưng suốt ngày đan áo len mậu dịch, đo đo, ướm ướm, chiết nách, chiết cổ bận rộn. Nó mở mắt, nghe bố đàn một lúc, rồi lại nhắm mắt mơ màng thiu thiu. Nó mơ thấy mình leo lên đồi, buồn đái, ngồi sụp xuống bụi sim già, tồ tồ sung sướng. Rồi nó giật nẩy người, bởi bố nó gẩy mạnh hợp âm cuối, ngân hết bài hát. Nó biết mình ngủ mơ, đái dầm, phía dưới người ướt sũng. Nó quờ tay xem thử chiếu, chiếu cũng ướt nhẹp. Nó sợ quá, tỉnh ngủ hẳn, len lén ngồi dậy, rón rén lần mò tụt xuống giường, đi về phía cái rương gỗ đựng quần áo, mở nắp, nhón lấy một chiếc quần khô. Run sợ, nó nghĩ đến ngày mai, bố sẽ cho nó xơi một trận roi xoắn đít – bằng cây phất trần lông gà. Lúc đi lấy được quần, nó trở về giường, nó lén nhìn. Bố nó mắt sáng rực, hát khe khẽ, mê mệt, đắm đuối trong tiếng đàn thánh thót đa tình…
Bây giờ thì mình hiểu. Lúc ấy ông đang yêu một người đàn bà khác. Cô MD đẹp lộng lẫy, sáng chói, tỏa hào quang bên cạnh mẹ nó, đàn bà nhà quê – gái Đình Bảng “chỉ biết chạy chợ buôn bán hàng xén, váy đen hùm hụp và ngu như con chó” – đó là tràng dồn dập liên miên mà ngày nào bố nó cũng hắt vào mặt mẹ.
Cho đến lúc đó, nó vẫn chưa hề cảm thấy bố và không hiểu bổ thế nào. Chưa bao giờ bố nó nựng nịu ôm nó vào lòng, vuốt tóc nó, mà nó lại có vô cùng nhiều những cú đoảng vị để lãnh đủ roi đòn của bố. Nó thấy thèm bố quá. Lúc nào cũng thèm. Có một hôm cả nhà ngôi quây quần quanh mâm cơm đạm bạc, cơm trộn đầy ngô mảnh vàng rực. Một hột cơm cõng ba mảnh ngô. Rau muống luộc hái trong vườn nhà trồng, không thịt cá, chỉ vài miếng đậu trắng kho xì dầu. Bỗng bố nó đột ngột rít lên : “Hôm nay tao chia chúng mày. Đứa nào theo tao thì giơ tay, đứa nào theo con mẹ mày thì ngồi yên câm họng. Nào! Đứa nào? Giơ lên?”… Cả năm đứa ngồi đực mặt. Lấm lét ngó nhau. Nó đột ngột giơ phắt tay: Con theo bố! Cả bốn đứa còn lại òa lên khóc, rồi cũng líu ríu giơ tay theo. Mẹ nó xổ tóc rối tung rũ rượi, gào khóc: “Đem chém hết chúng mày đi! Tao đứt ruột đẻ ra ngần ấy đứa mà đi theo thằng bố khốn nạn hết cả à? Xem thử con đ. có nuôi nổi cả bè chúng mày không thì bảo!”… Thế mà con đ. lại cư xử với nó hết sức nhẹ nhàng, nương nhẹ. Khác hẳn bố mẹ nó. Một lần bố đèo xe đạp chở nó đến nhà con đ. ở phố Hàng Cót, dặn ở đấy chơi một ngày. Nó được con đ. âu yếm dắt tay dẫn đi chợ Đồng Xuân, cho ăn đủ thứ quà bánh, mua guốc sơn mới, mũ mới, áo mới, khăn mùi xoa, không mắng mỏ một câu, nói năng yêu kiều nhỏ nhẹ. Nó sướng tưng tưng. Lúc bố đón về, con đ. chỉ xoa đầu nó, cười nhẹ, thầm thì một câu: “Cháu đừng nói gì với mẹ, mẹ đánh đòn đau.”
Mẹ nó chở nó từ Cống Vọng ngược lên phố đến lớp học, cùng đường, nhưng ngược chiều con đ. đi làm. Từ xa, mới chỉ thoang thoáng bóng người, mẹ nó đã thở dốc, đạp dấn lên, quay mặt lại bô bô vào tai nó:
-Khi nào con đ. đi ngang tao sẽ chửi trước: Con đ. cướp chồng bà, thế nào cũng có ngày bà xé tan xác! Rồi mày chửi theo: Con đ. cướp bố tao – Tao giết chết mày!
Nó lí nhí dạ vâng. Thế mà mẹ nó chửi thật, tướng lên ở ngoài đường, người xe nghìn nghịt. Quài mạnh tay ra sau, chỗ poocpaga nó ngồi, mẹ nó giật mạnh áo nó, cộc lốc: “ Chửi đi con. Chửi rầm lên cho tao!” Nó ắng lặng, tịt lít trong cổ họng vì xấu hổ. Co rúm người lại, nó cố thu nhỏ mình sau lưng mẹ, đầu cúi gằm, mắt đã ngân ngấn nước… Trong óc nó còn nguyên tươi cảnh chiều chủ nhật hôm qua, nắng thu heo vàng, gió thu hây hẩy mát, nó tung tăng tay trong tay con đ. dẫn đi chơi chợ, sung sướng muốn gì được nấy. Nó mang cốm Vòng bọc lá sen tươi con đ. mua, làm quà cho mấy đứa em đói khát. Cả mẹ nó cũng hoan hỷ lấy một quả chuối chín trứng cuốc vàng ươm chấm cốm ăn ngon lành… Nó bặm môi, lặng lẽ rơi mấy giọt nước mắt nóng bỏng, quyết không mở miệng chửi…
Tối hôm ấy, nó bị mẹ quất một trận đòn nhừ tử. “Vì cái tội bảo chửi mà mồm câm như miệng hến. Con “ổi ương” khốn kiếp. Hóa ra chính tôi nuôi ong tay áo mà chả biết!” Bố nó thây kệ mẹ đánh nó, và liếc xéo, ông ngồi lừ lừ, xỉa răng tanh tách bên chén trà Thái bốc khói sau bữa cơm chiều. Chẳng nói cũng chẳng rằng…
Rồi cũng tới lúc hạ hồi. Năm nó lên 10, bố nó chạy từ đâu về, bổ vào nhà như bị ma đuổi, áo quần xộc xệch, rách xõa. Mặt tái dại, cắt không còn hột máu.
Thở hồng hộc.
Mẹ nó đương ngồi đan, thét lên ối, rồi bỗng cười khành khạch: – “Đáng đời đáng kiếp chưa? Bị chúng nó nện hở? Nhân bảo như thần bảo mà. Rõ khốn nạn thân tôi. Chồng ơi là chồng! Giời cao đất dầy ơi!”
Nó há hốc mồm nhìn. Bốn đứa em như bị ai bấm nút cùng lượt, khóc ré lên.
Như ri.
Từ hôm đó, bố sinh bẳn gắt, nóng lạnh thình lình. Lúc nào cũng lăm lăm roi đánh nó. Mẹ nó than khóc, kể lể con cà con kê ra rả. Em nó, mặt đứa nào đứa nấy tèm nhèm mũi dãi lẫn nước mắt, mẹ nó cũng chẳng buồn lau. Nhà cửa bừa bãi tanh bành. Hình ảnh độc nhất còn lưu giữ mãi trong óc nó là cây phất trần quật như mưa xuống người nó, và bộ mặt méo xệch giận dữ điên cuồng của bố nó. Một lần, bố nó đang tới tấp quật như điên xuống cái lưng gầy trơ xương của nó, mẹ nó ngừng que đan, cười khẩy rất lạ: “Không đánh được ai thì đánh con cũng vừa phải thôi. Đánh gì mà như đòn thù!”
Viết đến dòng cuối cùng của truyện ngắn, cô bỗng thở dài, như trút được gánh nặng, và như thể, đã khép được một cánh cửa đi về quá vãng.
Năm nay, nó thật sự đã là một thiếu phụ ngoại tứ tuần. Con gái của nó 16 tuổi. Thế mà nó vẫn còn nguyên trong người một đứa bé còi cọc ngưng lớn từ thuở lên chín lên mười ngày nào.
Và suốt cuộc đời nó cứ nhầm lẫn hoài việc đi tìm chồng với lại việc tìm cha.
Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN