Hôm đó Thủy ngồi bó gối buồn hiu sau lời la mắng từ má. Cô tự trách mình, con gái con lứa gì vô dụng quá đỗi. Mỗi chuyện nấu cơm thôi mà bữa d
Hôm đó Thủy ngồi bó gối buồn hiu sau lời la mắng từ má. Cô tự trách mình, con gái con lứa gì vô dụng quá đỗi. Mỗi chuyện nấu cơm thôi mà bữa dư bữa thiếu, nay sống mai nhão. Làm trước quên sau chẳng đâu vào đâu, mới có hai mươi bốn tuổi, sao giống như một bà già đãng trí. Riết cái tật này mà đi làm dâu không trước sau gì người ta cũng sẽ cười rồi chê trách sự giáo dục của gia đình cho coi.
Cô ngồi nhìn ra ngoài sân lắc đầu thở dài trong khoảng lặng với tiếng kim đồng hồ tích tắc đúng mười một giờ trưa đầy im ắng.
Thủy có hai người em trai, đứa nào cũng sắp tới tuổi trưởng thành! Khổ nỗi chẳng chịu lớn, chúng tệ chưa từng thấy. Sống hưởng thụ sung sướng giống hệt hai ông vua, chỉ có mỗi việc nhong nhõng đi chơi rồi ăn xong nằm ngủ. Được hưởng mọi đặc quyền ưu ái từ phía má ba dành cho. Nhiều khi nghĩ mà thấy tủi cho phận con gái khi nhà chỉ toàn là em trai. Phải gánh vác hết tất cả, lo từ cái miếng ăn, giặt luôn từng bộ quần áo, chu toàn chẳng khác nào người mẹ. Trường hợp ấy cũng tùy thuộc vào gia đình của mỗi người, có đứa đủ chín chắn biết suy nghĩ, hiểu rõ nỗi vất vả thấy thương yêu chị thì còn đỡ đần mà phụ giúp. Riêng người nào vô tâm thì đành chịu với số phận là chị cả trong nhà.
Thủy nằm trong hoàn cảnh thứ hai. Chúng chẳng giúp ích gì được mà còn ngược lại thường gắt gỏng khó chịu không vừa ý này kia nọ. Giá như có đứa em gái thì cô đỡ vất vả đỡ hơn phần nào, mà cũng chưa chắc là vậy, tóm lại người chị cả trong gia đình luôn mang nặng trọng trách của nữ công gia chánh.
Hai đứa em muốn cái gì ba má cũng chiều theo. Thằng út mê chơi game, đạt được thành tích học tập cuối năm, phần thưởng là mua cho cái máy vi tính để khỏi phải lê la ra tiệm mà ngồi suốt quên ăn. Thằng thứ ba đam mê ca hát, ba má sắm ngay một dàn karaoke đặng ở nhà tự do hát hò khỏi phải tụ tập bạn bè rồi mất công sinh hư. Riêng cô chẳng có gì ngoài cái đôi bông tai bé xíu ra, nhiều khi thấy mấy đứa con gái trong xóm có đầy đủ mỹ phẩm, quần xinh áo đẹp, cũng muốn diện cho đẹp với người ta để được khen ngợi trước bàn dân thiên hạ. Cứ mỗi lần xin xỏ đều bị má la í ới, thấy vậy nên thôi, chờ khi nào dành dụm đủ số rồi sắm sửa cũng không gọi là quá muộn. Ru sự yêu thích của mình ngủ yên một chỗ, chỉ dám đưa mắt nhìn trong sự ước ao lặng lẽ chờ ngày sở hữu chúng.
Cũng là con ruột của ba má nhưng sao tình thương dành cho cô lại ít hơn hai đứa em trai mình. Nhớ có lần Út bị trượt chân té nhào ngoài sàn nước, chỉ trầy xước cánh tay có xíu thôi mà má lại đứng ngồi không yên. La mắng cho rằng để xảy ra sự cố này là thuộc lỗi của cô. Má nói : “Con gái con lứa gì mà làm biếng nhác thấy, không chịu chà rửa cái sàn nước thường xuyên, để nó đóng rêu mọc rong nên thằng út mới bị trượt té”. Rồi người con thứ ba đi chơi quá khuya còn chưa thấy về, má bắt phải đi kiếm cho bằng được, mặc kệ khuya khoắt hay mưa giông bão tố. Dù hiểu đôi chân là của nó, đã đủ lớn, thừa biết đường về nhà. Tìm ở đâu giữa xã hội bao la rộng lớn? Tuy vậy vẫn phải đi chẳng thể nào trái lời.
Lúc cô bị sốt nằm liệt giường mê man, má chỉ hỏi vài câu thật ngắn gọn “mày khỏe chưa Thủy, đi mua thuốc mà uống” nhưng hoàn toàn không nghĩ rằng, người mệt nhoài, chẳng còn tí sức lực thì đi làm sao nổi. Hình như mọi sự vô tâm trong nhà đều dành hết cho cô, nếu có thì cũng chỉ qua loa chưa được tận tình cặn kẽ. Từ xưa đến giờ ba má thường có một quan niệm rõ ràng «Con trai mới là con của mình, chúng nối dõi tông đường vọng tộc tổ tiên, chứ gái là thuộc về nhà của người ta, đến trưởng thành cũng đi lấy chồng sinh con đẻ cái rồi mang họ nhà người, vì thế bất kể thứ gì con trai cũng phải đều trên hết».
Chính lẽ đó mà Thủy không có sự ưu ái, tiếng nói danh phận nào phía chủ nghĩa ba má. Cô hiểu phận mình nên chẳng đòi hỏi gì thêm. Nhiều lúc cũng thấy buồn trước những lần la mắng của ba má và các em trong nhà. Nhưng thôi, dù sao cũng là phận con gái, cứ gánh vác cho trọn bổn phận, được ngày nào thì hay ngày đó khi còn ở đây.
Ngày Thủy đi lấy chồng ở tận ngoài Quảng Nam. Lúc lên xe hoa má khóc sưng cả mắt, vì từ miền Nam mà đi lấy chồng tận miền Trung chắc lâu lắm mới có dịp về thăm nhà. Có thể đó là nỗi lòng của bậc làm cha mẹ khi lần đầu tiên gả con đi xa! Hoặc nghĩ về quảng thời gian qua, căn nhà đầy đủ người nay lại tự dưng thiếu một. Có điều gì đó trống vắng lẫn mất mát! Dù biết đẻ con gái thì phải chịu cảnh xa nhà. Má cứ nắm lấy tay mà dặn dò đủ thứ chuyện trên đời, nào là về bên đó sống sao cho phải đạo, đúng phép tắc lễ nghĩa đừng làm phật lòng nhà chồng. Cái tay của má không muốn rời tay cô. Biết rằng không trước thì sau cũng sẽ có ngày này nhưng sao nước mắt cứ trào ra khi nhìn Thủy sắp sửa rời khỏi nhà. Cái cảm giác buồn tênh rất khó tả, khác lúc trước Thủy còn đi may xí nghiệp ở trên đất Sài Gòn. Có lẽ đó chưa phải là cuộc chia ly so với bây giờ. Vậy đó! Mà trước kia ba má cứ hay nói “nhà có con gái như hủ mắm treo đầu giường, chẳng may vỡ thì sẽ có nhiều nguy cơ. Ai rước càng sớm càng tốt”. Thế mà giờ cứ tần ngần, lưu luyến vuốt ve con.
Má hiểu! Về sau sẽ không còn gần Thủy nữa, ngày hạnh phúc của con mà sao trong bụng cứ thấy bồn chồn, cũng chẳng biết dùng từ nào để diễn tả thành lời. Đưa dâu về nhà chồng mắt hướng về đứa con gái mà thắt ruột thắt gan trong giây phút nghẹn ngào. Đêm đó ba má thức trắng không tài nào ngủ được, đi tới rồi đi lui chẳng ai nói với ai, cái đèn sáng không tắt, hai thằng con ngủ say từ lúc nào. Nhìn vô phòng cái giường lạnh trống trơn không còn đứa con gái, nỗi buồn nào đó bất chợt ùa về, hiện rõ trên hai gương mặt đầy nỗi niềm xốn xang. Nỗi lòng ba má lần đầu tiên xa con nhìn thấy bất cứ cái gì cũng đìu hiu vắng lặng.
Ba má nhìn nhau mà trách “gả
nó chi mà xa xôi quá không biết, giờ mới thấy thương thấy nhớ. Không biết ra ngoài đó sống ra sao”. Nhưng hai người quen biết và yêu nhau trong thời gian đi làm ở Sài Gòn, làm sao cản được mà xa với chả gần, dù có xa xôi đến mấy thì cũng đành phải chấp nhận, thương đâu gả đó, vì hạnh phúc là của con cái quyết định.
Cả đêm ba má không ngủ, mặc dù nói với nhau rất nhiều về Thủy, toàn là những cái dở hơi vụng về, làm đâu sai đó chỉ muốn mắng một trận cho đã đời. Đi rồi thì đỡ chướng tai gai mắt, nhưng sao trong bụng thấy chẳng vơi được chút nào, càng cố nói nhằm xoa dịu tinh thần lẫn nhau lại càng thấy thương Thủy nhiều hơn. Đi tới đi lui như vừa mất thứ gì đó và bây giờ phải đi tìm, mà thứ ấy, nó lại rất quan trọng trong chính cuộc đời mình.
Má nước mắt chảy dài chảy ngắn, ba thì cứ nhìn vào phòng của Thủy rồi lắc đầu mà chẳng nói được lời nào. Bước vô ngồi trên cái giường đôi mắt cứ nhìn lên tấm ảnh chân dung của con gái chụp hồi tốt nghiệp lớp mười hai và những tờ giấy khen dán chi chít đến cạn khuya mà vẫn chưa chịu rời. Ba nói thành lời:
“Con gái nhà mình học giỏi quá phải không bà? Thật chẳng uổng bỏ tiền ra cho nó ăn học! Thế mà lúc đó bà bắt phải nghỉ học, còn nói con gái học nhiều để làm gì. Hai thằng đực rựa kia lo lắng đầy đủ, thế nhưng đi học chẳng được một tờ giấy khen nào để nhìn ngắm cho vui nhà vui cửa với người ta”.
Má gật đầu khe khẽ nói trong nỗi buồn man mác :
“Nói thật chứ con Thủy học tiếp mình có tốn kém bao nhiêu đâu! Hồi đó nó khóc hết nước mắt đòi phải theo học ngành sư phạm. Mấy năm trời dài đằng đẵng đi làm ở thành phố – cứ mỗi lần điện lên hỏi nó có ăn uống đầy đủ không? để biết ở nhà gửi lên! Nhưng nó chỉ trả lời: Không cần, cứ để tiền lo cho ba má và các em”.
Ba ngao ngán thở dài nói cùng má những lời đầy chán chường. Những câu mà từ trước tới giờ cả hai ông bà chưa từng nói ra.
“Con Thủy là vậy. Chứ gặp hai thằng kia thử coi! Tụi nó không bòn sạch tôi chịu cái gì cũng chịu”.
“Kìa ông… mà thôi ra ngủ, khuya lắm rồi”.
“Bà buồn ngủ thì ra ngủ trước đi. Tôi ngồi đây một lát”.
Sáng đó má ra chợ bán, ba vác cuốc đi đồng như mỗi ngày. Lúc ông trở về thấy cái sân lá rụng đầy, nền nhà cũng bụi bám dày một lớp, cơm chưa nấu, nồi xoong chén bát ở sàn nước còn một đống nguyên vẹn từ hôm qua, nhà cửa bề bộn tứ tung của một cái đám cưới vừa qua, chưa bao giờ ba nhìn thấy cái cảnh này. Lúc Thủy chưa đi lấy chồng cái gì cũng ngăn nắp, ông về đã có đồ ăn sáng để sẵn, nhà cửa luôn sạch sẽ, cái sân không có một chiếc lá nào, thế mà giờ nó trông như một bãi chiến trường, đi làm về đã mệt thấy vậy càng mệt thêm.
Ông bực bội đi lên nhà trên thấy hai thằng còn đang ngủ ngáy khò khò, ba hét lớn:
“Giờ này giờ nào, mà hai thằng bây còn ngủ”.
Thằng thứ ba mắt nhắm mắt mở đưa tay lên nhìn đồng hồ rồi nói.
“Mới có tám giờ hơn mà ba”.
“Sớm quá hả mày? Dậy hết cho tao, dọn dẹp nhà cửa rồi còn làm công chuyện. Từ nay về sau đi làm về mà thấy cái nhà còn bề bộn thì tụi bây biết tay tao”.
Hai thằng lật đật ngồi dậy, chưa bao giờ chúng nó thấy ba khắt khe như bây giờ. Từ lúc chị hai đi lấy chồng cái tính của ba má cũng thay đổi hẳn đi trông thấy, hay cáu gắt la mắng nạt nộ, không cưng chiều cư xử nhẹ nhàng như trước kia nữa. Mỗi lần nói chuyện thì ba má thường nhắc Thủy rồi hay so sánh chê bai chúng nó không được một góc nhỏ của chị hai.
Trong bữa cơm trưa má dọn sẵn ra bàn. Thằng út mải mê chơi game bên chiếc máy tính với tiếng cười hề hề, còn thằng thứ ba thì hát karaoke rần rần ở nhà trên, má gọi năm lần bảy lượt xuống ăn cơm mà không đứa nào chịu nhúc nhích, ba lớn tiếng với má.
“Bà lên kêu tụi nó xuống ăn cơm, một lát tôi đập luôn cái máy tính với dàn karaoke đó bây giờ, nếu còn tiếp tục không nghe thì lấy kiệu mà thỉnh”.
Hai người con nghe sợ quá bỏ ngang, đành đi xuống ăn cơm. Ba gắp miếng cá kho bỏ vào miệng rồi liên tục càu nhàu.
“Bà nấu cái gì mà mặn chát vậy? Con Thủy đi rồi cái nhà này chẳng ra hồn ra vía gì hết, muốn ăn một bữa cơm ngon cũng không được nữa”.
“Thôi ông ăn đỡ đi, – cũng do thằng út – má kêu đổ ít nước mắm ít thôi mà mày làm chi vô cả mớ vậy”.
Thằng út nuốt cơm rồi nói.
“Con có biết đâu, thì nào giờ chị hai nấu không mà”.
Ba nhìn hai thằng rồi nói.
“Đẻ ra hai thằng con trai không được tích sự gì hết, biết vậy hồi đó mình con Thủy là ngưng được rồi”.
Thằng thứ ba nghe nói vậy thì trả lời.
“Cho dù ba má có đẻ duy nhất chị hai thì cũng đi lấy chồng thôi. Con gái đi lấy chồng chứ chẳng lẽ cưới vợ. Ba má nói gái là con của người ta kia mà”.
Ba gắt gỏng bỏ đũa xuống bàn thôi không ăn nữa. Lặng lẽ đi ra sau nhà nằm võng, gương mặt hiện lên nỗi buồn rất rõ ràng. Nỗi buồn này không phải là do câu nói vừa rồi của đứa con trai, mà buồn vì tại sao từ trước tới giờ mình theo cái khuôn khổ trọng nam khinh nữ, rốt cuộc thì nó nói lên được điều gì? Chứ không phải là Hai Bà Trưng cũng đi đánh giặc giữ nước đấy sao? Và vô số người phụ nữ khác cũng đang làm phát triển đất nước cống hiến cho đời! Đâu phải chỉ có mỗi con trai mới làm được điều đó. Từ lâu mình đã quan niệm sai lầm theo chiều hướng tiêu cực mang yếu tố cổ hủ để phân biệt nam nữ. Nhắc đến Thủy ba rất nhớ vô cùng, chẳng hiểu sao bây giờ trong bụng chỉ mong đứa con gái đang hiện diện tại đây. Ba ước được gặp Thủy ngay lúc này cho thỏa lòng nỗi nhớ, dù biết con về nhà chồng chỉ mới đây, không phải là quá lâu. Cánh võng đong đưa đôi mắt nhìn về phía trời xa. Má biết từ lúc Thủy vắng nhà ba thường thấy buồn tẻ, tối qua nằm ngủ, trong mơ miệng ba luôn gọi “Thủy ơi”.
Thực ra thì má cũng như ba, vắng Thủy rồi mới thấy thương thấy nhớ. Cái quan niệm thương con trai hơn đã không còn trong má từ lúc Thủy theo chồng. Má đi theo ba ra phía sau nhà, ngồi cạnh rồi ôn tồn nói cùng ba.
“Ông nhớ con Thủy lắm đúng không?”.
“Nó là con tôi, là máu mủ, sao không nhớ cho được. Chẳng biết về bên đó sống ra sao nữa?”.
“Tôi cũng nhớ lắm, đêm qua nghe ông ngủ mớ gọi tên, hai hàng nước mắt của tôi chảy dài. Không biết về nhà chồng thì cuộc sống của nó ra làm sao? Bên chồng có tốt không?”.
“Ngày mai bà mua cho tôi một vé xe đi Quảng Nam ngay, tôi muốn đi thăm nó”.
“Hay ông chờ ngày mai tôi giao hết đồ cho dì Tư ở nhà lo liệu rồi mình cùng đi”.
“Tôi không chờ được, bà muốn chờ thì cứ ở nhà mà chờ, tôi phải đi”.
“Ông ráng đi! Biết ông rất nhớ con, phận làm mẹ mang nặng đẻ đau cũng nhớ không kém gì ông. Chẳng lẽ ông không cho tôi đi cùng”.
“Ừ vậy cũng được, tranh thủ lo việc ngoài chợ rồi đi”.
“Nghĩ mà tội con nhỏ, hồi còn con gái thì không được như con người ta, ngay cả cái sợi dây chuyền cũng không có mà đeo, quần áo thì bộ nào cũng cũ mèm. Ra đường thấy con người ta mà thấy mình có lỗi với con vô cùng. Cái gì cũng lo cho thằng ba với thằng út mà không ngó ngàng gì tới nó hết”.
“Con nào cũng là con, trai gái gì mà không như nhau. Con trai nó nằm trong bụng bà, không lẽ con gái thì trên trời rớt xuống, trai hay gái cũng là máu mủ, cũng mang nặng đẻ đau. Đó ngay trước mắt bà không thấy sao? Hai thằng con trai đó, nó có bằng một góc của con Thủy đâu? Nói có sách mách có chứng! Lát bà vô mà coi, mâm chén vừa ăn xong tụi nó cũng để y nguyên đó”.
“Đúng như lời ông nói, trai hay gái gì cũng là con, con Thủy nó đi rồi tôi mới thấy…”.
Hai hàng nước mắt của má trào ra, từng giọt rơi xuống đất, ba không chịu nổi khi nhìn cái cảnh này.
“Bà muốn khóc đi vào trong nhà mà khóc”.
Má lấy tay lau nước mắt bước đi vội vã. Ba còn nằm đó đưa tay lên trán mắt nhìn về phía xa xăm. Hình dáng của Thủy cứ hiện về như những ngày xưa cũ. Ba má đều hiểu, con mình đi làm dâu nhà người ta chứ nào có phải ra chiến trường đánh giặc sống nay chết mai mà đứng ngồi không yên. Có gì phải buồn đau như kiểu một đi không trở lại. Vốn dĩ con gái sinh ra là để lấy chồng rồi theo về nhà chồng làm dâu, đó là quy luật trong bất kỳ thời nào. Ở cái xóm này cũng đâu phải chỉ có duy nhất con gái của ba má mới đi lấy chồng xa, vẫn đầy ra đó thôi. Biết rằng vậy nhưng sao vẫn muốn được gặp con mình. Nói đúng hơn giờ ba má chỉ muốn giữ đứa con gái mình ở mãi trong nhà chẳng muốn gả cho bất cứ ai.
Sáng đó như thường ngày, má lên chợ bán, ba vác cuốc ra đồng, khi trở về thấy cái nhà vẫn như hôm qua, lá đầy sân, bụi phủ kín nền nhà, nhà cửa không ai dọn dẹp, bên trong hai thằng còn đang ngủ, tay chân gác nhau loạn xạ. Ba lắc đầu ngồi xuống nhìn ra đầu ngõ mà nhớ Thủy da diết! Nhớ tiếng quét sân sáng sớm nghe lẹt xẹt, nhớ luôn tiếng lục đục dưới bếp nấu cơm làm đồ ăn! Nhớ tiếng xe đạp lọc cọc mỗi sáng Thủy đi chợ về! Giờ nó im ắng buồn đến não nề. Ba lặng lẽ đăm chiêu rơi hai hàng nước mắt, buột miệng gọi “Thủy ơi”. Chẳng có lấy một tiếng trả lời như ngày nào ba gọi Thủy đều thưa.
Tối đó đang nằm ngủ cạnh má, bỗng nhiên ba giật mình ngồi phắn lên, rời giường rồi chạy một mạch thẳng ra tới đầu ngõ. Thấy động người má tỉnh giấc cuống quýt chạy theo, chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tới đầu đường, ba đảo mắt nhìn quanh như tìm kiếm thứ gì đó! Giật mình nhìn đồng hồ chỉ mới đúng hai giờ sáng. Thì ra chỉ là nằm mơ thấy Thủy về tới đầu ngõ nên ba tức tốc chạy ra đón.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
BÌNH LUẬN