Mộ trọc

Chị buông thõng tay, chiếc ba lô rơi chúi xuống bờ ao muống ngay ngõ vào làng. Cứ như có ai kéo thụp đôi chân, chị khuỵu xuống. Tiếng kèn đám ma chói vang tai chị. Màu trắng của khăn tang làm mắt chị mờ đi. Ai đó kéo mạnh tay chị. "Thoa à. Chạy đến với mạ đi con" - "Thoa ạ... Không nhìn được mặt mạ thì cũng kịp đưa mạ ra mộ con ạ". Thoa bước như chao trên đường. Những ai đó dìu tay chị. Những ai đó kéo tay chị đặt vào thành quan tài đang di chuyển. Chị bước giật lùi.

Hãy nói lời yêu thương
Chờ ngày bình yên
Em tôi

Sau lưng chị là động cát. Trước mặt chị là màu đỏ chói của quan tài. Râm ran tiếng khóc. Trong cơn đau đớn đến mê muội, chị nghe loáng thoáng những tiếng kể lể về cái chết của mẹ chị. Một cơn đột quỵ ngay sau khi bà nhận được thư chị. Từ ngày chị đi thanh niên xung phong, bà không nhận được tin chị. Giải phóng miền Nam, bao người làng đi cùng đợt với chị đã trở về, chỉ có chị là bặt tin. Bà không biết chị bị thương rất nặng ở phà Xuân Sơn, phải vào viện. Đó là lá thư đầu tiên bà nhận được của chị từ ngày chị rời làng. Bà vui quá. Bà uống rượu mừng và đột quỵ.Chị khó nhọc giật lùi trước quan tài. Cái chân gỗ kéo lê trong cát bỏng.

Cho tới khi người làng đã về hết. Còn lại chị một mình với ngôi mộ vừa được vun cao trong cát. Chị ngồi, cái chân gỗ thả dài bên mộ mẹ. Tóc chị che đen một góc mộ. Lúc ấy chị mới khóc. Thoa úp mặt vào cát, trên mộ, tiếng khóc vang như giội sâu vào chín tầng cát. Cha chị và hai đứa em gái chết một lúc trong hầm vì một trận bom. Bây giờ mẹ chị lại ra đi. Bốn ngôi mộ cát nằm bên nhau. Bây giờ, trong nhà, chỉ mình chị còn sống. Bây giờ chị mới thấy mình cũng cô độc như một ngôi mộ. Ngôi mộ sống ngồi bên bốn ngôi mộ nằm. Chị ân hận vì đã viết thư cho mẹ. Nhưng mẹ ơi, bao nhiêu nỗi đau mất mát giội vào đời mẹ, mẹ không chết. Đến những năm tháng con vào chiến trường, bao nhiêu đêm không ngủ vì lo cho mạng sống của con, mẹ không chết. Bây giờ nhận được thư báo tin con sống, đang trở về, mẹ lại vì quá vui mà chết hả mẹ. Không ai trả lời chị. Chỉ nghe vọng tiếng ai hát vu vơ ngoài bến đò làng…Thoa quẫy mạnh tay chèo, con thuyền ghếch mũi sang sông. Bên kia có mấy người khách đang đợi. Từ ngày mẹ mất, Thoa thay mẹ chèo đò ngang. Nhà không còn vì mẹ đã bán hết để chữa chạy bệnh tật. Khi lành bệnh, mẹ xin địa phương được chèo đò ngang. Mẹ sống trên chiếc đò ngang, ban ngày chở khách, đêm là nhà mình. Bây giờ chị cũng thế. Địa phương mời chị nhận một mảnh đất nhỏ để làm nhà nhưng chị từ chối. Chị muốn sống như mẹ chị đã sống…Có những đêm mưa, chị co người nằm trong thuyền, mưa như bàn tay ai đập dồn dập lên mái che. Những ngày đầu chị không ngủ được, sau rồi quen, mỗi lần khó ngủ, Thoa lại với tay tìm chai rượu uống mấy ngụm lớn để rồi chìm đi trong mộng mị. Chị nghe thấy tiếng bom. Chị nghe thấy tiếng chị em trong tiểu đội gọi nhau đi lấp hố bom trong đêm. Chị nghe cả tiếng con Liên, con Hương, con Bình khóc tu tu ở đâu đó trên mặt sông. Lại những tiếng bàn tay đập thình thịch vào mái vòm của con thuyền. Mới đầu chị mơ màng tưởng như mưa. Nhưng rồi lại nghe tiếng tay đập. “Thoa. Cho anh vào nhớ… Thoa à. Cho anh ngủ với…”. Chị tỉnh giấc. Qua ánh chớp loằng nhoằng, bóng dáng một gã đàn ông đang chếnh choáng say. Chị co chân đạp mạnh. Gã đàn ông lăn nhào xuống nước, chửi thề rồi mò mẫm lên bờ, biến mất hút trong màn mưa dày. Đuổi gã say đi rồi, Thoa ngồi dậy, vấn nhanh tóc, bó gối nhìn ra mặt sông. Chỉ thấy loang loáng những hạt mưa. “Mình cần có chồng – Thoa nghĩ – Nhưng ai sẽ lấy mình? Giá mà mình không cụt chân. Ai mà muốn lấy con Thoa cụt làm vợ đây…”. Trên mặt sông, bọt mưa dâng đầy, treo trước mặt Thoa trăm ngàn câu hỏi bong bóng. Câu hỏi vỡ tan theo tiếng thở dài của Thoa. “Nếu không ai lấy, mình sẽ tự kiếm một đứa con”- Mặt sông như reo chảy. Thoa chợt cười. Sẵn cái nạng gỗ, Thoa cầm cái nạng, miệng gào lên hát, cái nạng gỗ đánh chan chát lên mạn thuyền làm nhịp. “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”. Tiếng Thoa hát quay vòng trong lòng thuyền, không át được tiếng mưa đang rơi nhưng kéo một người đàn ông đang thả lưới nhích cái thuyền thúng lại gần. “Ba giờ sáng rồi mà còn hát như o, nước Nam mình có một” – Tiếng người đàn ông thả lưới. Thoa im lặng. “Tui là Hoàng, bộ đội xuất ngũ ở thôn Cuồi”. Thoa vẫn im lặng. “Tui biết o buồn. Nếu còn rượu cho tui lên thuyền uống chơi với”. Thoa lại đập cái nạng vào mạn thuyền gào lên hát. Hoàng không đợi Thoa đồng ý, cặp thuyền thúng bên thuyền của Thoa, trèo vào khoang thuyền. “O đồng ý cho tui cùng ngồi uống rượu với o chớ” – Hoàng nhìn Thoa nói. Thoa cầm cái nạng gỗ lại đập chan chát vào mạn thuyền hát. Hoàng giữ tay Thoa lại: “Tui biết rồi. O đừng làm rứa nữa. Tui biết là o cụt một chân rồi…”.Bến sông đông như hội. Từ xóm nhà Thoa sang xóm Cuồi nhà Hoàng không có đường, muốn qua lại nhau chỉ còn cách đi trên thuyền. Đám cưới của Thoa và Hoàng diễn ra ngay trên sông. Cả trăm con đò nhỏ chở kín người. Chính quyền hai xã đã hội ý với nhau từ mấy ngày trước, chọn đúng hôm nay, đúng đêm rằm, đoàn thuyền đưa cô dâu Thoa sang xóm Cuồi. Đoàn thuyền đi trong đêm trăng, vằng vặc trăng, sáng đến độ có thể nhìn rõ khuôn mặt Thoa lấp lánh sau tấm voan trắng. Lại còn hát. Lại còn trống nhịp. Cứ như ngày xưa làng trẩy hội. Đầu xóm Cuồi, thuyền họ hàng nhà Hoàng đang đợi trên sông, cũng hát hò hoan hỷ. Những con thuyền khéo léo quây tròn giữa sông. Thuyền cô dâu chú rể xáp lại bên nhau. Tay thợ ảnh trên phố huyện xuống chạng chân đứng giữa thuyền, thi nhau bấm. Hoàng nói nhỏ vào tai Thoa: “Đêm nớ nếu anh không liều lên thuyền uống rượu với em, chưa chắc có ngày vui như hôm ni”. Thoa đỏ mặt ngó lơ lên bờ. Lũ trẻ con không được xuống thuyền thì cắm đầu cắm cổ chạy dọc hai bên bờ sông hét oang oang: “Chú Hoàng lấy o Thoa cụt bay ơi, chạy đi xin kẹo ăn”. Họ khéo chọn đêm tân hôn, trên thuyền, giữa sông, trong ánh sáng trăng. “Cả nước Nam này chỉ có anh nghĩ ra lắm trò thế. Cưới đêm trăng. Rồi cũng tân hôn với nhau giữa thuyền trên sông. Nhưng mà vui anh ạ”. Thoa ngước nhìn Hoàng, trăng ngời trên mặt, trong mắt. Con thuyền chòng chành. Ngoài vòm mái thuyền, Hoàng dán đôi chữ song hỷ rõ to. Cái màn tuyn mới treo gọn trong vòm thuyền. Một cái chao đèn nhỏ. “Là vì nhà anh chật chội. Cả nhà chỉ có hai cái giường. Vợ chồng mình mới cưới, nằm đâu. Thôi thì lên thuyền là hay. Mà anh thích tự do”. “Hẳn rồi. Em cũng thích tự do…”. Hoàng nhìn Thoa. “Bây chừ anh mới nhìn được cái chân cụt của em…”. “Thì sao nào?”. “Cũng thích. Trông nó như củ khoai…”. “Anh này…”. Im lặng. Con thuyền cũng như đứng im. Nghe rõ cả tiếng cá quẫy. “Biết là vợ chồng rồi nhưng anh cứ thấy ngộp thở… Cứ như đang chuẩn bị nổ bộc phá hàng rào địch ấy…”. “Thì nổ đi…”. Thoa cười. Chị với tay vuốt mái tóc của chồng. “Hồi nớ, anh đánh ở đâu?”. “Khe Sanh”. “Khe Sanh à? Em có người chị kết nghĩa phục vụ ở chiến trường Khe Sanh”. “Trong nớ ác liệt, ngày nào cũng có bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh…”. “Nhưng chị ấy chết vì chất độc da cam”. “Phải rồi. Khe Sanh thì nhiễm chất độc da cam là phải rồi”. “Nhưng anh cũng ở Khe Sanh…”. Thoa chồm người dậy. Hoàng cười. Một lúc sau, con thuyền chuềng choàng, tiếng nước va đập. “Anh… Không được hả anh?”. Tiếng Thoa thở gấp. ” Anh đang cố… không hiểu sao…”. Thoa miết bàn tay dọc tấm lưng trần của Hoàng. Lưng Hoàng ráp khô. Anh ngã vật xuống bên Thoa. “Ngủ đi anh. Tối mai cũng được mà…”. Thoa chợt thấy lành lạnh ở ngực mình. Qua ánh trăng, khuôn mặt Hoàng tái xanh…. Con sông dài thẳm. Hai cánh tay Thoa rã rời nhưng chị vẫn cố chèo. Hoàng cản chị, không cho chị đi.

Nhưng chị không chịu. Chị là vợ anh rồi, chị phải lo cho anh. Người ta bày cho chị lên thượng nguồn cắt thuốc. Trên đó có ông thầy thuốc rất giỏi, bệnh gì cũng chữa được. Chị không cần gì hơn, chỉ cần anh cho chị một đứa con. Một ngày chèo thuyền ngược sông. Một ngày xuôi sông về. Mỗi tuần một lần. Mỗi tháng bốn lượt. Sáu tháng triền miên đi về, cần mẫn, dai dẳng, hy vọng và chờ đợi. Chị chăm bẵm anh như chăm trẻ con. Thuốc thang, miếng ăn, giấc ngủ, xoa bóp. Đêm đêm, chị chọn lúc anh sung sức, theo như thầy dạy, đưa anh lên thuyền ra sông, rồi vuốt ve, tạo mọi cơ hội cho anh làm chồng. Nhưng anh vẫn chỉ bất lực nhìn chị, úp mặt xuống mặt sông, khóc. Chị ôm anh nựng như con trẻ. Bao nhiều tiền làm ra, chị dồn cả cho anh, thuốc thang cho anh, bồi bổ cho anh, nhưng trong anh như con đê vỡ, bao nhiêu thuốc thang, đồ ăn thức uống tẩm bổ đều trôi tuột đi đâu cả. Chị vẫn không nản lòng. Ai nói chỗ nào có thuốc hay chị cũng đến. Đường sông, đường bộ, lên núi, xuống biển, ra cả thành phố, chao chiêng với cái nạng gỗ, chị đi khắp nơi. Còn anh, mỗi lần bên chị, anh chống người, gập chân, anh xoay xở bí bách để cuối cùng thì tóp teo nằm vật bên chị, rã rời, xanh mét. Cho đến một ngày, không biết làm sao, chị đang phơi lưới thì anh gọi về, hổn hển, khẩn thiết. Chị leo lên thuyền. Anh đạp chân đóng sập cửa vòm thuyền lại. Anh giằng lấy người chị, xé toạc cái áo trên người chị. Mặt anh bừng bừng. Chị không kịp phản ứng, không kịp cảm giác. Anh cảm tưởng chị hút anh vào cái hố đen thăm thẳm. Anh vỡ oà lên một tiếng reo rồi lịm đi trong cơn mê. Chị cũng cảm tưởng như đang được anh rót mạnh một ngọn thác vào người, tê dại. Từ ngày cưới, sau suốt hai năm trời, hôm nay họ mới biết đến chuyện này, rất lạ, như mơ. Nhưng bắt đầu từ hôm đó, anh khác hẳn. Xanh rớt, lẩy bẩy, những cơn đau vô hồi quăng quật anh ngày đêm. Không bệnh viện nào chẩn đoán được bệnh tình của anh. Cái ngọn thác một lần duy nhất anh rót mạnh vào chị, làm chị hồi hộp, sung sướng, chờ đợi, chờ đợi mãi rồi chị cũng biết ngọn thác của anh đã rơi rụng, đã mất hút vào thinh không. Chị gạt đi chuyện con cái, lao đi mọi nơi để lo chuyện thuốc thang cứu chữa bệnh tật cho anh. Đêm về, anh bắt chị hát. Anh bắt chị đập cái nạng gỗ vào mạn thuyền. Hai vợ chồng hát, hát trong mưa sầm sập: “Cùng mắc võng trên đường Trường Sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm…”. Chị lờ mờ nhớ lại chuyện anh kể về những năm tháng chiến đấu ở Khe Sanh. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”. Chị mơ hồ nhìn thấy anh đang tím tái dần trong làn khói màu da cam…… Một lần nữa, chị lại thấy mình như ngôi mộ sống. Năm ngôi mộ nằm dài bên nhau cạnh chị. Bàn tay chị khoả cát trên ngôi mộ mới nguyên của chồng mình, tựa như ngày nào, chị vẫn khoả tóc anh.

Bác sĩ bảo, Hoàng chết vì chất độc da cam. Ngày cuối nằm trên tay chị, anh thì thào: “Thoa ơi, anh thèm cỏ”. Chị hoảng hốt: “Sao cơ? Anh nói lại em nghe?”. “Anh thèm cỏ. Khi anh chết, em nhớ đừng để mộ anh cát trắng, anh muốn nằm dưới ngôi mộ cỏ xanh…”. Thoa khoả nhẹ cát trên mộ chồng: “Em sẽ trồng cỏ xanh cho anh”. Suốt tuần, chị đem những gốc cỏ trồng kín trên mộ anh, rồi hì hục tưới nước. Chị nghĩ, người nằm xuống chắc ai cũng như anh, thèm cỏ. Thế là, năm ngôi mộ cát trắng vun cao được chị biến thành năm thảm cỏ xanh ngắt, tốt tươi giữa vùng cát trắng. Mỗi ngày hai lần, chị xách nước tưới. Chị chăm bón cỏ trên mộ như người ta chăm bón rau trồng. Cỏ tươi tốt. Chị cắt xén. Chị vun xới. Nhưng không hiểu sao, dần dà, cỏ trên mộ anh úa vàng, chết rũ. Chị lại hấp tấp trồng lại. Ngày đêm vun xới, chăm bẵm. Lứa cỏ mới lại xanh tốt, lên cao, chị vui sướng cắt tỉa. Nhưng vài tháng sau, cỏ trên mộ chồng chị lại tiếp tục héo rũ, vàng úa. Chị nhổ lên một gốc cỏ. Bầu rễ như bị ai đốt, cháy xám, rơi rụng. Bốn ngôi mộ kia, cỏ vẫn lên xanh mướt, chỉ có ngôi mộ của Hoàng là trồng bao nhiêu lần cỏ lên xanh rồi lại chết rũ. Ngôi mộ chồng chị cuối cùng vẫn trơ cát trắng, nằm lọt thỏm giữa những ngôi mộ xanh cỏ. Mộ trọc. Chị rùng mình. Có ai đó nói với chị, chất độc da cam trong thân thể anh tan trong cát, trong mộ, giết chết cả cỏ. Chị rùng mình. Chị xoãi tay ôm cứng lấy mộ anh, khóc. Mộ trọc. Mấy sợi tóc bạc của chị rơi ra theo nước mắt. Những sợi tóc bạc trắng như cát, rất nhiều sợi bạc, vùi trong cát, như thứ cỏ của chị dành cho riêng anh…

Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN