NGƯỜI CHATuấn về thấy mẹ ngồi đó thở dài gương mặt buồn hiu. Nhìn vô nhà thấy một mâm chén bát ngổn ngang chưa có ai dọn dẹp. Đã biết mẹ buồn vì điều
NGƯỜI CHA
Tuấn về thấy mẹ ngồi đó thở dài gương mặt buồn hiu. Nhìn vô nhà thấy một mâm chén bát ngổn ngang chưa có ai dọn dẹp. Đã biết mẹ buồn vì điều gì. Chẳng còn lạ lẫm cảnh diễn ra trước mắt. Nhà đã nghèo, cha thường xuyên say sưa, hiếm khi nào Tuấn thấy ông tỉnh táo như những người đàn ông khác trong xóm. Trụ cột chính của gia đình phải chăm lo làm ăn, đâu tối ngày lao đầu vào những cuộc nhậu nhẹt bê tha quá lãng phí thời gian. Đã vô dụng chẳng được tích sự, lại còn làm bạn với thần lưu linh chẳng màng gì tới gia đình! Thiệt hết nói nổi. Cứ uống say ra đường chân bước đi loạng choạng, đứng lên rồi té xuống trông chẳng khác gì như đứa bé mới biết đi chập chững. Hàng xóm thấy họ cười nhạo, có người còn khinh khi đủ thứ chuyện cứ như đang diễn hề cho cuộc đời xem vậy. Lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu, cơn ói mửa dính đầy quần áo toát ra tanh rình. Thật khó chịu cho những ai đang ở gần, họ chỉ biết lắc đầu bịt mũi tránh xa, giống kinh tởm một thứ gì đó mà chẳng muốn gần, đối diện ở xung quanh mình. Nói chuyện chẳng đâu vào đâu, những thứ ngôn ngữ kỳ quặc dính chùm, ú ớ tiếng được tiếng mất, như đang ngậm quả chanh lấp đầy khoang miệng chẳng ai hiểu nói đến vấn đề gì? Tay chân lớ quớ vụng về đụng cái gì thì đổ vỡ thứ nấy, nhìn cảnh này ra đường thấy mắc cỡ với người ta. Thì cũng cùng trang lứa như bao nhiêu đứa thanh niên khác, phụ huynh họ có uống rượu bê tha như cha của Tuấn đâu. Nhắc tới luôn có sự chán nản hiện lên kín khuôn mặt nỗi thất vọng quá ngán ngẩm ê chề. Căn nhà lụp xụp dột trước thủng sau, chẳng khi nào chịu bỏ chút thời gian để cải thiện sửa chữa. Đề cập đến ông luôn miệng bào chữa bận hàng trăm thứ việc, nào là: phun thuốc, rải phân, lấy nước, chuyện đồng áng không xuể chưa rỗi tính việc nhà. Thế nhưng lại có thời gian đi uống rượu say mèm cùng các chiến hữu, thật không thể nào hiểu được. Hàng rào tre trước sân hư gãy do say xỉn té vào, cũng chẳng chịu chặt cây thay cho cứng cáp kiên cố, để hết ngày qua tháng nọ. Ôi! Nhắc đến cha của Tuấn, gia đình với cả người ngoài chỉ biết lắc đầu thở dài chán chường vô biên.
Tuấn thương mẹ nhiều nhất. Mẹ cũng thuộc số khổ! Hết thức khuya dậy sớm đi buôn bán, còn lo nhà cửa con cái. Lại phải chịu cảnh có người chồng say sưa chẳng làm gì giúp ích! Chẳng bao giờ thấy cha quan tâm ngó ngàng đến gia đình nhà cửa. Xem ra chị hai Thùy có phước, đi lấy chồng làm dâu người ta. Không còn phải ở trong căn nhà đầy ám ảnh, chẳng nghe những lời lải nhải từ cha. Dù say hay tỉnh ông vẫn cằn nhằn khó khăn đủ thứ chuyện trên đời. Dường như đó là bản chất của con người đã có từ muôn thuở. Chỉ còn Tuấn với mẹ khổ nhất, phải lắng tai chịu trận mỗi ngày, nhất là lúc ông không vừa ý, bực dọc một vấn đề nào đó. Nhiều lúc Tuấn ấm ức quá cũng trả treo, nếu như không có mẹ can ngăn thì đã xông vào xô xát.
Chẳng biết có phải từ ngày mất mùa, đào ao nuôi cá thua lỗ nặng nề! Tính khí ông trở nên thất thường rồi nguyên nhân dẫn tới việc uống rượu như một con ma men nhằm quên chuyện buồn cho đến hôm nay hay không? Người ta tin rằng: ông bắt đầu nhậu nhẹt do từ đó mà ra. Trước kia rất mẫu mực, không thèm đụng đến bất cứ giọt rượu nào. Con người linh hoạt mạnh mẽ, chẳng mấy ai chịu cực, làm nhiều bằng ông. Hăng hái lao động, lại ăn uống tằn tiện, người ta hay nói vui: “làm nhiều mà tiết kiệm hết mức, chết sớm tiền của để lại cho ai”? Những lần như thế ông chỉ cười đáp cho qua “còn sức được bao nhiêu thì cố gắng, dành dụm để xây cái nhà cho đàng hoàng với người ta”.
Đó cũng là lời từng hứa với vợ con, có lẽ đó chỉ câu nói suông chẳng ai tin. Chỉ là đề tài để làm trò cười cho thiên hạ giải khuây. Trước kia ông chẳng khác gì một thanh niên đầy thể lực, đâu như bây giờ ốm tựa cây tre, xanh xao như màu lá. Cơ thể cường tráng của những năm trước chỉ còn lại cái lớp da bọc xương! Xuống sức hao mòn trông rất rõ.
Một hôm người ta đi thăm đồng thấy ông nằm dưới bờ mương hai tay vịn ngực ho dữ dội, tiếng liên tục kéo dài như một trận xe lửa đang di chuyển ầm ầm trên quãng đường ray. Mặt mày tái mét giống bầu trời nền mây đen âm u sắp sửa mưa xuống. Ngất lịm đi, được người ta mang về tận nhà. Họ nói nhau “do uống quá nhiều dẫn tới mức kiệt sức”. Từ dạo ấy mỗi lần thấy ông ôm ngực ho quằn quại thì cho rằng chính tác hại của rượu gây ra.
– Ổng đi lâu chưa? – Tuấn hỏi mẹ.
Đôi mắt bà nhìn con, hiện lên nét buồn vời vợi như cái nắng chiều đổ xuống đỏ hoe phía ngoài đê.
– Mới đi tầm 5 phút thì mày vừa về tới. – Bà trả lời.
– Rượu… rượu… rượu…suốt ngày. Chắc phải đeo mặt nạ mới dám ra đường gặp người ta quá. Sao không nằm bờ ngủ bụi, chết khuất đi cho rồi. – Thằng Tuấn bực mình hét lớn.
– Nè… nè… không được ăn nói xách mé cái kiểu đó, dù sao cũng là người tạo ra mày. Phận làm con phải giữ đúng đạo hiếu. – Bà nghiêm giọng mắng con.
– Cha con gì loại đó. Không chừng bây giờ hỏi tôi là ai cũng chưa chắc biết. Có giỏi gì ngoài việc rượu chè ra. Tối nay về má nói tôi sẽ bỏ nhà đi. Không chịu nổi với cái cảnh này nữa. – Tuấn bị mẹ la rầy, thêm mặc cảm xấu hổ về gia cảnh khiến nóng càng nóng hơn.
– Mày tính đi đâu? – Bà hỏi
– Đi đâu cũng được, miễn tách ra khỏi đây! Đã chán nản dữ lắm rồi. – Tuấn đáp
– Ở nhà chẳng đi đâu hết, để tao khuyên rồi từ từ ông cũng sẽ chú tâm vô làm ăn.
– Lần thứ mấy rồi! Má có nhớ hết không?
– Cứ nói riết rồi dần dần cũng phải nghe theo.
– Đến bao giờ. Khi trái đất ngừng quay hay sao?.
– Mày cũng không chịu khuyên mà tối ngày nói lời khó nghe. Ông cần là con cái quan tâm chia sẻ tất cả mọi thứ. Từ lúc làm ăn đi xuống, sinh ra buồn nên tìm tới rượu! Khuyên nhủ một thời gian cũng sẽ từ bỏ. Đã sống trong cái nhà này bao nhiêu lâu rồi mà không biết cái tính cách của cha.
– Mệt quá, không gần gũi! Chẳng nói nhỏ to để làm gì. Ông cứ kêu lo đi kiếm vợ để yên bề gia thất, mà thế này thì có ai dám gả để làm dâu nhà này. Gương trước mắt, gia đình chồng chị hai có coi ra gì đâu! Họ xem như một kẻ bù nhìn, nói trên đầu trên cổ cũng chỉ biết lặng im. Có biết trái phải ra sao ngoài rượu.
– Đó là chuyện của người lớn! Mày phận làm con! Ông có khùng điên cũng là đấng sinh thành. Không được ăn nói mất dạy, thiếu tôn kính với bậc cha mẹ.
– Kể từ bây giờ tôi chẳng còn mối quan hệ nào với ông. Không cha cũng chẳng con.
Tuấn bỏ đi vô nhà, chỉ một mình mẹ ngồi đó dưới cái bóng chiều quạnh hiu. Tiếng loa phát thanh im phăng phắc từ bao giờ, những cơn gió rung cành tre nghe lung lay xào xạc. Đôi mắt bà dõi ra ngõ trong nỗi buồn giăng kín thênh thang. Tiếng thở dài đầy mệt mỏi lẫn chán chường trút vô chiều chầm chậm. Tuấn trở ra với tô cơm trên tay, vừa ăn nói với bà.
– Má vô ăn cơm đi, bao giờ ông về mặc kệ! Chờ chi mất công, chết bờ chết bụi càng tốt.
Chỉ biết lắc đầu cho câu nói đầy bất hiếu của con. Bà cũng thừa hiểu tính nết ngang bướng kèm sự ức chế về gia cảnh làm cho nó mỗi ngày một khác đi. Tin rằng Tuấn chỉ tức giận nói vậy chứ không bao giờ bỏ nhà đi, vì đã nói quá nhiều lần. Cái vấn đề đang lo, cầu mong sao ông đừng về nhà sớm. Ngay lúc này chắc chắn cha con sẽ có chuyện cãi vã to tiếng, hàng xóm cười cho gia đình của mình. Có quá nhiều trường hợp như tương tự xảy ra. Tuấn ngủ thì mọi chuyện êm xuôi! Ông trở về sẽ không nói tới ai, đi ngủ trong im lìm lặng lẽ. Cái tính như thế một phần cũng do con mà ra! Suốt ngày lông bông đi chơi chẳng làm gì để phụ giúp, mọi việc nặng nhọc trong nhà do một tay ông gánh vác. Tuấn là út lại con trai một được mẹ cưng chiều hết mức. Nhiều lần cờ bạc đỏ đen dính nợ nần, bà phải giấu ông lấy tiền cho con đi trả. La mắng thì bà bênh vực vì cho rằng suốt ngày ông chỉ biết tới rượu, riêng gia đình lại bỏ bê nên mới có cớ sự này. Những lần như thế Tuấn quay đi chỗ khác tránh né, cũng đôi khi cãi lại ông. Đáng nói nhất đã hai mươi hai tuổi đầu mà chẳng làm được tích sự gì trong nhà, ngoài ăn chơi lêu lổng ra! Đúng là một gia đình vô phúc. Thế mà chính quyền địa phương lại trao giấy chứng nhận gia đình thuộc diện văn hóa! Chẳng biết văn hóa chỗ nào khi tôn tri trật tự đảo ngược, người con lại ngỗ nghịch với cha. Không rõ vị trí con cái nằm ở đâu? Nhiều lúc nhìn tờ giấy chứng nhận dán trên vách chỉ biết mỉm cười, chẳng biết họ có trao nhầm hay không.
Đêm đó ông trở về, tiếng chó sủa ăng ẳng đằng trước ngõ. Cái dáng đi xiêu vẹo nghiêng qua nghiêng lại, thấy rõ từng bước dưới ánh trăng đêm rằm. Bước vào nhà trong hơi thở nồng nặc mùi rượu. Tuấn với mẹ đang nằm coi cải lương. Bà nhìn ông rồi nói trong ân cần.
– Xuống ăn cơm rồi vào ngủ. Tôi có chừa canh chua với cá kho tiêu.
– Hai mẹ con ăn đi chừa tôi làm gì. Còn thằng Tuấn mày đã ăn chưa?. – Ông trả lời trong cơn ngà ngà say.
– Ăn hết rồi! Còn một mình ông thôi đó. Nhậu ở đâu mà đi suốt ngày vậy? – Tuấn im lặng không nói, bà phải trả lời thay.
– Tôi đến nhà anh sui thăm cháu ngoại. – Ông trả lời.
– Trời ơi! Đến nhà người ta chi mà thường xuyên quá? Hôm bữa đã nói thế mà nay vẫn cứ tới.
– Tôi đi thăm cháu ngoại. Ai nói gì mặc kệ.
– Thăm vài lần được rồi. Con Thùy mới sanh để nó nghỉ ngơi, cứ tiếp tục như thế người ta nói mình mang tiếng lắm. Họ cũng đâu cho rằng đi thăm cháu, toàn là nói sang ăn chùa uống ké. Tôi nghe mà chẳng biết mặt mũi phải giấu đi đâu.
– Kiếm rượu thì nói đại đi, thăm cháu con gì mà ngày nào cũng đi. – Thằng Tuấn nghe xong vụt miệng.
– Mày vừa nói cái gì…- Ông nghe xong chỉ tay vào mặt mà lớn tiếng.
– Tôi nói qua nhà người ta mục đích nhậu nhẹt là chính. – Tuấn ấm ức trả treo.
– Tôi lạy ông… không ăn cơm thì tắm rồi đi ngủ. Cứ mỗi lần về thì cái nhà này lại có chuyện không được yên. – Hai cha con cãi nhau rùm beng bà phải vào cuộc để can ngăn.
– Mày im! Ông nói gì mặc kệ. Vào ngủ đi con. Xin quỳ lạy, đã khuya rồi đừng phá làng phá xóm.
Tuấn giận dữ bỏ vào trong. Ông quay sang mắng vợ.
– Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. – Ông quay sang mắng cả vợ.
Tuấn lục đục bên trong một lát, trở ra với chiếc ba lô cũ nặng trĩu trên vai. Nó dắt chiếc xe máy rời khỏi nhà rồi nói với mẹ chỉ ba từ duy nhất.
– Tôi đi đây.
Bà chạy theo cản, tiếng gọi í ới vang vọng trong màn đêm im ắng, Tuấn đã lên xe chạy đi mất hút khỏi ngã ba phía trước. Bà trở vô lớn tiếng với ông.
– Ông sáng mắt ra chưa? Rượu với chè! Đã phá nát cái nhà này chưa đủ hay sao mà còn uống rượu về gây chuyện hết vợ tới con cái.
– Bà cưng chiều con như vậy là hư hết. Mai mốt tôi chết thì nó phải sống như thế nào? Không tập tành làm ăn với người ta. Chẳng thể cứ tối ngày lêu lỏng ăn chơi hết ngày qua tháng. Nó đã lớn rồi, phải học cách tự lập.
– Ông làm ăn giỏi quá mà. Đó! Thua lỗ nợ nần chồng chất ruộng đất bán gần sạch, còn muốn dạy làm ăn theo kiểu đó sao? Mà chết cái gì? Tôi nói thật dù có bị trời đánh còn chưa chết, ở đó mà mai với mốt.
– Tôi làm nhiều vậy cũng chỉ mong có tiền xây lại cái nhà, trời không thương thì biết làm sao bây giờ. Ai thay đổi được thời vận.
– Biết vậy thì lo làm lại từ đầu, tối ngày chui đầu vào rượu thì tính toán được cái gì. Hồi đó ông giỏi giang bao nhiêu. Bây giờ tự nhiên sinh tật sa đọa bấy nhiêu. Người ốm nhom ốm nhách y như con cò ma mà tối ngày cứ say sưa be bét.
Ông ho lên một tràng kéo dài, bỏ đi vào trong với gương mặt đầy buồn bã. Vội vàng trở ra trong sự lúng túng.
– Ba lô… cái ba lô của tôi đâu? Bà cất nơi nào rồi. Mau trả lại đây.
– Ba lô, tôi lấy làm gì, thằng Tuấn nó vừa mang đi rồi. – Bà nhìn ông mà trả lời.
Ông ngồi bệt xuống nền. Cái gương mặt nhăn nhó trong sự đau khổ, hai cái tay vò đầu nắm tóc. Bà nhìn thấy chỉ biết lắc đầu.
– Có cái ba lô cũ rách, mà làm gì như bị mất mấy trăm cây vàng không bằng vậy. Bộ để tiền trong đó hả? Một đồng cũng không có thì lấy đâu ra mà cất trong ba lô.
– Trong đó nó hoàn toàn không có tiền bạc gì. Chiếc ba lô cũng không hề có giá trị, nhưng tôi có để một vật! Vật ấy không muốn hai đứa con nhìn thấy! Đã dặn không ai được vào nơi tôi nằm ngủ rồi mà.
– Coi bộ nghiêm trọng quá. Thứ đó vứt đi cũng không ai thèm lấy.
– Bà gọi điện cho nó kêu về. Muốn đi không ai ngăn cản, nhưng chiếc ba lô phải trả lại cho tôi. – Ông khẩn khoản đề nghị.
Bà đi tới bấm số gọi thì Tuấn đã khóa máy, vì biết trước chắc chắn mẹ sẽ năn nỉ kêu réo trở về. Bà nhìn ông chép miệng thở dài.
– Ông làm gì mà trông thê thảm vậy?
– Trả chiếc ba lô ấy lại cho tôi. – Ông mếu máo như nói một mình.
Nghe càng khó hiểu, vợ chồng đã mấy chục năm chưa bao giờ thấy thái độ của ông lạ kỳ như lúc này. Bà nghĩ đơn giản: chắc ông không muốn thằng Tuấn đi nhằm làm vậy để nó quay về. Thừa biết ông thường la mắng, nhưng hết lòng thương con, mà nhất là Tuấn đứa con trai út duy nhất.
– Mà vật gì ở bên trong ba lô. Nói rõ ràng nghe coi! Sao nào giờ tôi không biết?.
– Không có gì đâu. – Ông quay lưng đi đáp ngắn gọn.
Cả đêm ông nằm co ro ho liên tục. Không chợp mắt được cứ đi tới đi lui ôm ngực rồi trở lại giường nằm, tiếp tục ho cho tới tận sáng. Bà cũng mất ngủ vì con bỏ nhà đi, không biết giờ này đang ở đâu? Từ lúc ông hay uống rượu thì tự ngủ riêng biệt, cấm không cho bất cứ ai bước vào không gian riêng của ông. Sáng sớm bà thức dậy đi chợ trở về chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Đến giờ ăn, không thấy ông đâu! Thường ngày đi thăm ruộng về tới giờ cơm đều có mặt, dù ăn cực kỳ ít, nhưng sao hôm nay quá lạ lùng khác hẳn với mọi khi. Bà bất chấp đi vào mặc dù đây là cấm địa, do ông tự đặt ra quy định. Thấy nằm như cái xác khô, gương mặt xanh xao, hai mắt mở trao tráo nhìn lên trần nhà. Bà nghĩ có lẽ tối qua mất ngủ vì Tuấn bỏ nhà đi nên giờ ông rất mệt mỏi.
– Dậy ăn cơm trưa. Hồi sớm có mua đồ ăn sáng sao không ra ăn? Chưa bao giờ tôi thấy nằm nhiều như hôm nay. Thấy chưa! Cũng do ông mà ra! Nếu không uống rượu rồi về kiếm chuyện thì nó đâu có bỏ đi. Ông hối hận lắm rồi phải không? Thấy muộn màng chưa? Làm cha mẹ thì đừng quá khắt khe với con cái.
Ông nằm im không động đậy cũng chẳng thèm nhìn bà. Hai cánh tay giữ cái ngực như người sắp hấp hối, đôi lúc ho sụt sùi vài cái rồi im thin thít. Những tiếng đứt quãng trông thật yếu ớt.
– Nè! Hỏi sao ông không trả lời? Tôi nói đúng chứ có sai đâu.
Nhìn vào chỗ nằm trên cái gối có chiếc khăn trắng dính đầy máu tươi và những vết đã khô ố từ bao giờ. Bà hốt hoảng chui vào mùng hét lên.
– Chuyện gì đây! Sao toàn là máu.
– Đừng… đưa… tôi… đi…đâu cứ… để… ở… nhà.
Ông khó thở, giọng khàn, nói từng tiếng rất nhỏ, nghe chẳng được rõ. Những làn hơi nhẹ nhàng chậm rãi trong sự cố gắng nhất có thể. Bà nhìn lên phía trên lại một chiếc khăn khác nằm dưới tấm chiếu lộ ra một phần, giở ra xem thấy một đống dính toàn máu.
– Ông bị cái gì vậy?
Ông nằm im không trả lời, bà rối lên không phải biết làm gì. Lật đật chạy ra bấm số gọi cho Thùy về nhà để xem chuyện gì đang xảy ra với ông.
– Mày về đây gấp, coi cha bị làm sao! Máu me dính đầy người.
– Tối qua còn qua đây nhậu nhẹt kia mà. Má thường xuyên rầy nha. Mẹ chồng, bà cáu gắt bực mình mắng suốt. Cứ tới nói cho xin thăm cháu, nhưng thật ra toàn giả vờ để uống rượu với cha chồng. Thế mà ông cứ mãi đến, không sợ bị mất mặt, giữ sĩ diện gì cả. – Thùy trả lời trong điện thoại.
– Về nhà nhanh, giờ này còn nói ba cái chuyện linh tinh đó. Cha mày không biết làm gì mà ho ra máu nằm im re sắp chết rồi đây.
– Thôi mệt! Cho bé ngủ. Con không về đâu.
Ông nghe xong rơi hai hàng nước mắt chảy xuống gối thấm đẫm. Bà quýnh quáng chạy sang nhà hàng xóm kêu hết người này tới người khác. Họ sang xem tình hình rồi bảo phải đưa ông đi bệnh viện gấp. Tới nơi bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư ở giai đoạn cuối, đành trả về để chuẩn bị lo hậu sự dù có chuyển viện tình hình cũng không còn kịp! Ông sẽ ra đi bất kỳ lúc nào! Có thể ngay lúc này. Thùy, bây giờ mới chịu đến thăm, chăm sóc cho ông ở những phút cuối đời. Tuấn nhận được tin báo từ mẹ, cha đang hấp hối phải trở về gấp để gặp mặt lần cuối nhưng nó cũng thẳng thừng từ chối. Vốn dĩ không ưa ông. Điều thứ hai nghĩ mọi người đánh lừa để dụ dỗ mà về không bỏ nhà đi nữa. Tự nói với lòng khi nào ông gọi lên xin lỗi hứa bỏ rượu thì lúc đó Tuấn mới đồng ý về nhà.
Tuấn thuê phòng trọ ở huyện khác. Định đi làm ở ngoài một thời gian, kiếm một số tiền sẽ lên thành phố không trở lại cái nhà ấy nữa. Nó lấy quần áo trong ba lô treo lên! Bỗng nhiên gặp một cuốn sổ khám bệnh. Sực nhớ ra, vài tháng trước có đưa ông đi lên Sài Gòn khám, vì hay ho dai dẳng, khó thở, mệt mỏi, người xanh xao tím tái. Đến bệnh viện ông bảo Tuấn ở ngoài không cần phải đi theo. Tuấn tìm quán cà phê để ngồi mà chờ đợi. Khi ông trở ra nó hỏi.
– Bác sĩ nói thế nào? Bệnh của cha ra sao? Mà chẳng thấy lấy thuốc thang gì để về uống?
Ông im lặng một hồi, đưa mảnh vải đen che miệng, quay mặt về hướng khác ho vài cái. Rồi mỉm cười trả lời.
– Cha đâu có bị gì mà thuốc với thang. Bác sĩ chẩn đoán chỉ là do thời tiết.
Đó là ông nói dối đứa con mình. Thật chất nghi bản thân bệnh nặng, bác sĩ cũng cho biết bị ung thư. Ông không đồng ý chữa trị đồng thời giấu biệt sổ khám bệnh. Ban đầu ông nhất quyết không đi, vì biết rõ sức khỏe của mình lại không muốn làm gánh nặng thêm cho gia đình tốn tiền chữa trị, số tiền ấy để lo việc xây nhà. Nhưng! Bà cứ thúc giục ép buộc vì thấy ông mỗi ngày tiều tụy xuống sức rất nhanh, thay đổi quá rõ rệt kể cả giọng nói. Không riêng gì bà mà ai cũng có thể nhìn ra, điều mà họ cho rằng đó là tác hại của rượu. Nhưng bà cũng vỡ òa khi được ông nói sức khỏe rất bình thường, chỉ là do rượu hoặc thời tiết mà ra.
Đọc xong sổ khám bệnh với kết quả xét nghiệm là K, Tuấn rơm rớm nước mắt, nhận ra ông bệnh nặng mà giấu. Miệng thét lên hai từ “cha ơi”. Vội vàng bỏ đồ vào chiếc ba lô trở lại, rồi lấy xe trở về nhà tức tốc. Là thằng lì lợm cứng đầu ngang bướng chưa bao giờ Tuấn khóc! Thế mà khi đọc sổ bệnh của cha, tự nhiên nước mắt tuôn ra, rồi tự động thét lên như thằng trẻ con với tính mít ướt hay khóc. Trở về thấy họ hàng láng giềng đến nhà thăm đông nghẹt. Người ta trách mắng:
– Vào mà nhìn cha lần cuối cùng. Sau này sẽ vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội lần thứ hai. Nhanh lên để không kịp.
Tuấn trở vô thấy cha đang nằm trên giường với ống oxy trong mũi. Gương mặt nhợt nhạt, hơi thở yếu ớt, đang cố gắng chống chọi giành chút sống còn trong thời gian ngắn ngủi như một sự đợi chờ. Bước lại gần ngồi bên cạnh nhìn cha trong nghẹn ngào thương xót. Ông im lặng mắt cố hướng về phía hai con đang ở cạnh. Tuấn nắm lấy đôi tay gầy guộc nói khẽ.
– Cha ơi! Con đã về.
Ông nở nụ cười sau cùng, một nụ cười chưa thực sự trọn vẹn, chỉ nhếch môi một cách rất nhẹ nhàng rồi nhắm mắt xuôi tay ra đi vĩnh viễn.
– Cha ơi, đừng bỏ con. – Thùy hét lên.
Bà ngất lịm đi. Tuấn giãy giụa trong vòng tay giữ chặt của bà con lối xóm. Muốn lao vào ôm gọi ông tỉnh lại, dù biết người vừa mất thì không bao giờ mở mắt ra mà nhìn người thân. Thùy hét lên được một tiếng rồi cũng ngất đi giống mẹ, sốc trước sự ra đi quá đột ngột của cha. Người ta đưa hai mẹ con ra phía sau nhà bếp, kẻ cạo gió, người thì pha nước chanh cho uống để tỉnh lại. Riêng Tuấn cái mặt thất thần! Ú ớ đứng như trời trồng, đôi mắt đang nhìn chăm chăm về phía ông. Từ nay về sau sẽ vĩnh viễn không bao giờ hiện diện tại đây cho con thấy! Cha sẽ nằm ở dưới đáy mộ sâu. Hồi trống vang lên kéo dài báo hiệu một người vừa lìa khỏi cuộc đời. Tuấn từng nói với bản thân “khi nào cha gọi điện lên xin lỗi hứa từ bỏ rượu thì lúc ấy nó mới trở về nhà”. Thế nhưng, ông chưa gọi điện, cũng không hứa hẹn! Vậy mà giờ nó đã trở về. Sau sẽ không còn mang tủi nhục khi thấy cha say sưa, cũng chẳng còn ai mắng la khắt khe mỗi ngày.
Hai mẹ con tỉnh dậy tinh thần còn hoảng loạn, mọi người trấn an động viên hết mức, vì hiểu đó là sự mất mát làm tang gia bối rối nên thông cảm lẫn chia buồn. Hai chị em chưa bao giờ nói tiếng “thương cha” ông cũng không nói “thương con”. Thùy mỗi năm đi du lịch hay bất cứ ở đâu xa đều mua quà về, nhưng tặng cho mẹ chứ nào phải là cha. Cái gì cũng mẹ, mẹ là trên hết, sự thương yêu chẳng đồng đều. Tuấn cứ trách do ông ăn nhậu bê tha làm nó xấu hổ với người đời. Sự quan tâm lòng thương yêu đến gia đình con cái hầu như hoàn toàn không có. Cả nhà giận ông vô tâm, nhưng trong khoảng lặng ấy là gì ít ai nhìn nhận rồi thấu hiểu. Ông vốn dĩ là người rất ít nói, chẳng biểu hiện chút cảm xúc nào để lộ trên mặt, chỉ có những thứ rám nắng, sự vất vả, vết tích của thời gian đã tô lên rất rõ. Ông thương con nhưng lại che đậy! Chẳng ai nhận ra, cũng không ai nhìn thấy, kể cả những người rất thân thuộc trong nhà.
Nhớ lần Thùy sinh đẻ. Vẫn có một người đàn ông tuổi trung niên đạp xe đi giữa đêm! Mặc trời mưa hay gió, đến bệnh viện hơn mười cây số. Tới nơi ông đứng sau cánh cửa lén nhìn con gái thật lâu rồi lặng lẽ đạp xe đi về. Chẳng có bất cứ hành động, cử chỉ nào, tất cả đều diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Cứ suốt mấy đêm liền như thế chỉ kết thúc khi Thùy rời bệnh viện trở về nhà chồng. Nỗi lòng thương con hầu như chẳng ai hiểu để thấy nhằm kiểm chứng tận mắt.
Biết mình không sống được bao lâu nên thường đến thăm Thùy! Sau này sẽ chẳng còn cơ hội. Dặn Tuấn làm ăn với người ta không được tiếp tục ăn chơi lêu lổng! Nhưng đều bị phản bác. Nhớ hồi hai đứa còn nhỏ, đi đâu ông cũng theo chở trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Khi chúng sắp trưởng thành bất cứ món ăn nào trong bữa cơm ông đều giả vờ chê bai chẳng muốn ăn, mặc dù cũng đang rất thèm! Đành phải nói thế nhằm nhường phần cho hai con.
Cứ mỗi đêm ông dắt chiếc xe đạp đi ra bà đều chặn lại hỏi.
– Khuya thế này mà ông còn đi đâu? Thật chẳng ra thể thống gì. Con cái nó sanh đẻ bên kia, không lo. Thấy làm cha vậy có đúng với bổn phận chưa?
– Trời nóng, đi vòng vòng cho mát. Bà vào ngủ trước đi. – Ông không trả lời chỉ cười giả lả.
Những lần bà hỏi sao dạo này gầy ốm lại thường ho dai dẳng? Ông đều trả lời chỉ một câu duy nhất “do uống rượu không chịu ăn”. Chẳng ai biết đang mang trong người một căn bệnh quái ác! Ông cũng chưa từng than vãn hay rên rỉ cùng ai. Tự chịu đựng cho tới lúc kiệt sức rồi lìa xa cõi đời. Những người xung quanh kể về sự cống hiến lúc ông còn sinh thời. Tuấn khóc lóc lấy trong ba lô cái sổ khám bệnh. Người ta tá hỏa khi hiểu, thì ra ông đã biết mình bệnh hiểm nghèo nhưng tuyệt nhiên che giấu. Không muốn làm gánh nặng cho gia đình, cũng chẳng thèm chữa trị vì kinh tế chẳng còn gì, chút ít tiền để lại xây nhà như lúc sống đã hứa. Họ bàn tán cho rằng ông có suy nghĩ tiêu cực, còn nước thì còn tát, biết đâu bệnh sẽ hết nếu cố gắng chịu chữa trị kịp thời. Cũng có người cho rằng ông biết mình không qua khỏi nên không dùng số tiền ấy chạy chữa, làm việc khác có ích hơn. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Chẳng muốn làm gánh nặng, nên uống rượu với mong muốn được ra đi càng nhanh càng tốt. Họ ồn ào bàn tán về ông với những lời thương cảm. Bà nhớ ra, lúc đưa tiền cho hai cha con lên thành phố khám bệnh, khi trở về ông có trả lại, bảo rằng “hãy giữ số tiền này để làm lại cái nhà” ông hoàn toàn không bị gì nên không cần chữa trị.
Người cha đã âm thầm chịu đựng, lặng lẽ yêu thương con đến hơi thở cuối cùng. Mái tóc bạc màu gió sương sự khó nhọc gian lao cả một đời tần tảo. Tình cha cũng dạt dào tựa biển tựa núi, như đất, như trời, rộng lớn không thua tình mẹ. Cha là cha, vẫn quần áo cũ kỹ, màu da rám với mái đầu đội nắng. Đôi chân dính bùn đất lấm lem đổi lại gót son hồng cho con! Cha có thể làm tất cả để con được no ấm, thong thả yên ả giữa cuộc đời bình an. Đó là sự hy sinh cao thượng đầy thầm lặng từ tấm lòng của cha.
Từ “cha” chỉ có vỏn vẹn duy nhất ba chữ cái quá ngắn gọn ghép lại! Nhưng tình thương sao dài tới vô tận miên man, con mãi mãi không bao giờ đi tới được đường xa của chân trời. Cha là bóng râm che mát cho đời con! Nếu một mai không còn nữa đời con sẽ đầy nắng đầu. Tuấn với Thùy khóc lên khóc xuống bên linh cữu của ông. Miệng cứ gọi “cha ơi đừng bỏ con” tiếng gọi hòa theo làn khói hương rồi tan biến vào không khí trong chốc lát vội vàng. Đám tang ông, bàn thờ bày ra đủ thứ đồ cúng rất trang nghiêm tôn kính! Nhưng khi còn sống, cha nào có được ăn thứ ngon ấy bao giờ.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
BÌNH LUẬN