Bắt ma

- Sư thầy cũng tin có ma quỷ? - cụ Bảy hỏi giọng chắc nịch. - Có chứ, hề là người đều có phần hồn phần xác, khi chết đi chỉ còn phần hồn. Thường thì hồn sẽ sang đầu thai làm kiếp khác, nếu không thì có chuyện gì khúc mắc phần hồn mới luẩn quẩn như vậy.

Căn hầm bí ẩn
Cô gái đi giày đỏ
Người thực vật

1. Cuộc gặp sáng đầu năm

Sáng mồng một Tết, vạn vật vẫn còn chìm đắm trong sương đêm. Giưã khoảnh khắc tinh khôi của ngày đầu năm mới, sư Thiện Pháp muốn đứng một mình, nhắm mắt hít lấy cái mật ngot của cuộc sống, uống lấy cái tinh túy của sương đêm. Sư như nghe được tiếng trở mình của gió qua lá cây, tiếng nỉ non của cụ già hát xẩm lẩn khuất ở ngoài gốc cây Gạo vọng lại lúc xa lúc gần.

Ngày đầu năm, ai cũng mong khởi sự thật an lành, mọi việc đều hanh thông thuận lợi, chẳng ai muốn rước điềm xui, điềm rủi vào mình. Nhưng phàm là con người ở đời, có gặp họa mới thấy cái may mắn ngắn chẳng tày gang, có đạt được niềm vui sau họa mới biết quý, biết giữ gìn. Nhưng mà ít ai nhận ra được điều đó, ai cũng dùng mọi cách để đạt được niềm vui, để thỏa mãn cái nhu cầu của bản thân. Đó là điều mà Phật đã răn dạy từ lâu, trăn trở từ lâu.

Nén tiếng thở dài, không muốn phá vỡ cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái của ngày đầu năm, sư Thiện Pháp khua từng tiếng chổi thật nhẹ, gom từng chiếc lá về góc sân, châm một mồi lửa. Bập bùng cháy một hồi, đám lá chỉ còn lại dúm tro trên nền đất xám xịt, mọi thứ rốt cuộc cũng quay về cát bụi mà thôi.

Nhấm ngụm nước chè ngọt chát, sư gióng ba hồi chuông rồi tiến ra đại điện vãn cảnh chùa. Người đi chùa lễ Phật cũng chỉ lác đác, ai cũng rầm rì khấn vái, xì xụp cúi lạy, chắc chẳng có gì hơn ngoài việc cầu cho một năm mới thuận lợi, vạn sự như ý, gia cảnh toàn tài, sức khỏe đến nhanh. Trên đại điện ánh hào quang của Bổn sư thích ca sáng cả một vùng, một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt người, thấy thật ấm, thật an nhiên.

Sư Thiện Pháp trông thấy một cô gái mặc bộ bà ba, cổ đeo chiếc dây chuyền có hình Quan Âm lấp lánh, nãy giờ đứng trước tượng Thích ca rất lâu, mắt không hề chớp, cũng chẳng quỳ lạy khấn vái như những Phật tử ở kia. Sư thấy lạ, giữa người thiếu nữ và Đức Phật có cuộc trò chuyện không lời nào chăng?

Bất chợt, cô gái chắp tay vái một lạy rồi tách khỏi đoàn người, tiến thẳng vào khu nhà vườn sau đại điện. Dặn dò các đệ tử vài điều, sư Thiện Pháp lui ra sau phía sau, kiếm tìm cô gái. Sư lắng tai nghe một hồi, nhận thấy có tiếng khóc ở phía gốc Si đằng trước, giữa khung cảnh thanh vắng, tiếng khóc nổi lên nghe ai oán não nùng, sư Thiện Pháp chong đèn tiến về phía trước.

– Người ta nói có chuyện buồn đến mấy thì ngày đầu năm cũng nên nén những giọt nước mắt. Ắt hẳn thí chủ phải có chuyện gì rất buồn? – sư Thiện Pháp cất tiếng hỏi khiến cô gái giật mình quay lại.

– Mô phật, thưa bạch thầy, con có gì mạo phạm đến nhà chùa mong bạch thầy rộng lượng xá cho! – cô gái nói đứt quãng, vẫn còn vẻ sợ sệt như thường.

Sư Thiện Pháp cười lớn, có cảm nhận như mái ngói rêu mốc trên chái bếp cũng rung theo tiếng cười của sư:

– Nhà Chùa luôn mở cửa từ bi với mọi chúng sanh, nếu thí chủ thấy khóc mà nhẹ lòng hơn, tĩnh tâm hơn thì không có lỗi gì.

– Bạch thầy không hỏi con tại sao lại ngồi khóc ở nơi này sao?

– Vạn vật đều có căn nguyên, nếu thí chủ muốn giãi bày, ắt hẳn thí chủ sẽ lên tiếng. Đâu cần bổn tọa mở lời!

Tiếng sư Thiện Pháp nhẹ nhàng, lúc trầm lúc bổng khiến cô gái vẫn còn chút e sợ.

Lau vội giọt nước mắt, cô cúi chào sư rồi quay lưng ra cổng, mới thoáng đó đã không thấy nữa.

Sư Thiện Pháp tắt đèn, ngẩng người nhìn theo rồi lắc đầu, dường như nữ thí chủ này có điều gì u uất đến cực đỉnh thì khóe mắt mới ánh lên cách nhìn như vậy. Phàm là cớ gì thì mang một nỗi tâm sự như vậy trong lòng cũng không hay.

Bát giác sư thấy lạnh run người, ngày đầu năm đâu có những đợt gió chướng như vậy. Một cảm giác lạ lùng xâm chiếm tâm trí của sư, sư Thiện Pháp mơ hồ lúc ở gần cô gái cũng cảm nhận được cái lạnh đến u uất này.

2. Khúc sông làng Bích

Buổi chiều nghỉ chân ở quán nước dưới gốc cây gạo, sư Thiện Pháp uống vội ngụm nước chè rồi trầm ngâm nghe tiếng xẩm của cụ Bảy. Những người lang thang, dáng dấp lữ khách thường giỏi một ngón nghề gì đấy. Cụ Bảy cũng thế, không ai biết cụ đến làng này từ bao giờ, chỉ biết cụ đã ngồi hát xẩm và gắng với con đò của mình lâu lắm rồi, đặc biệt ngón đàn và cái giọng trầm đục nỉ non của cụ thì ai nghe cũng chờn. Tiếng hát xẩm của cụ Bảy khiến sư Thiện Pháp bất động hồi lâu, cảm giác những dây thần kinh như thắt lại, từng lông tơ dựng đứng cả lên.

Cụ Bảy ngừng lại ngước đôi mắt về phía sư bật cười:

– Sư thầy đi hóa duyên về đó hử?

– Bẩm cụ thưa vâng, tiếng đàn cụ hay quá!

– Sư thầy không biết, trong đàn cũng có hồn phách, mình vuốt ve cưng nựng nó thì nó mới chịu cho mình cái tiếng nó trong thế. Cây đàn này gắng với tôi lâu lắm rồi, nhiều khi nó là con, là bạn, là tri kỉ từ hồi nào tôi chẳng biết nữa.

Sư Thiện Pháp gật gù, mời cụ chén nước chè rồi cả hai ngồi đàm đạo.

Bà Bổi ve vẩy cái quạt phá tan cuộc trò chuyện của hai người:

– Độ rày có ai mời sư thầy đi tụng kinh, cúng quẩy gì không?

Sư Thiện Pháp đang dở chuyện, ngẩn người đáp lại:

– Không bà ạ, trong chùa nhà ai có đám hiếu hay có lễ lược gì đấy thì mời nhà chùa đi thôi. Những việc cúng quẩy, cúng tế chúng tôi không nhận.

Nhổ phịt ngụm trầu đỏ tươi như máu, bà Bổi đon đả:

– Thế hử, tôi là tôi hỏi thế thôi, bởi độ rày tôi nghe khúc sông dưới xóm Bích nhiều người đuối nước lắm, từ giêng đến giờ mới có ba tháng, vậy mà đã “đi” những bốn người rồi. Khúc sông ấy lâu nay vẫn tắm giặt bình thường, từ ngày đó đến giờ vắng tanh, trông càng u ám.

Đột nhiên bà Bổi quay sang cụ Bảy hỏi khẽ:

– Cụ hay chèo qua khúc sông ấy, thế có biết căn nguyên ấy làm sao không?

Cụ Bảy vẫn hướng đôi mắt trầm đục của mình ra xa, im lặng một hồi. Thế rồi trong cổ họng cụ từng chữ bật ra như có ai đang bóp nghẹn :

– GIEO NHÂN GÌ THÌ GẶT QUẢ ĐẤY

Cái quạt trên tay bà Bổi dừng hẳn, mấy người khách ngồi quanh cũng xúm hết cả lại, một người cất tiếng:

– Cụ nói thế là ý gì hả cụ?

– Tôi nói xàm đấy, mọi người đừng để ý, cái gì cũng có cái lý của nó, tôi đoán chắc có gì khúc mắc trong chuyện này nên nói bừa vậy thôi. Mọi người cứ nghỉ, tôi đi đây.

Xếp lại hộp đàn, cụ Bảy bỏ đi dưới ánh mắt ngơ ngác của mọi người. Đợi cụ đi khuất, bà Bổi chép miệng:

– Có căn nguyên gì thì cũng mong đừng có ai bỏ xác dưới đáy sông đó nữa. Tội nghiệp, lạnh lẽo lắm, cô đơn lắm.

Sư Thiện Pháp nãy giờ trầm ngâm. Dáng điệu và cả câu nói của cụ Bảy không phải bật ra một cách tự nhiên như vậy. Vốn dĩ xưa nay cụ kiệm lời và kĩ tính lắm, đâu dễ nói bừa ra một câu như vậy.

Trả tiền nước cho bà Bổi xong, sư giục hai chú tiểu theo phụ mình sửa soạn tay nải về chùa.

Thoáng chốc, bóng của ba sư đồ đã khuất sau rặng tre. Mặt trời sắp lặn quét một màu đỏ ối kéo dài đến tận khúc sông cuối làng Bích. Nhìn về hướng ấy bây giờ nom rợn hết cả người, tiếng mấy con vạc đi ăn đêm vọng lại càng khiến ai nhìn cũng chả dám nhìn lâu.

3. Tiếng khóc ở dốc Miếu Đôi

Lão Trì đi thả vó ở mé sông từ chập tối, đó là thời điểm ưng ý nhất của lão, đố ai trông thấy lão đi thả vó ban ngày. Ra cái chòi ngoài bãi sông, lão Trì lầm lụi cất vó rồi thắp điện bằng cái mô tơ đem theo để nhử mồi. Rít điều thuốc lào cho ấm bụng, lão ngồi ngẩn ngơ ngó ra mặt nước loang loáng ở đằng xa.

Cái bụi tre ở rìa sông chẻ ra làm hai như chỏm tóc đứa con nít lên ba nom thật dị thường. Hôm nay trúng đêm rằm, trăng sáng vằng vặc chiếu xuống mặt sông thật đẹp. Lão Trì phê thuốc ngồi nhẩm nha mấy câu ả đào:

“Hiên thì thấp thoáng trăng tròn. . gió vàng hiu hắt như gương mặt sầu…niềm tâm sự thấp cao mọi lẽ. . tình cảnh này biết kể cùng ai”

Giọng lão Trì rền rĩ nghe câu được câu mất. Lão thẫn thờ nhìn trời, nhìn sông thấy cảnh như trong thơ Lý Bạch. Lão hồi nhỏ cũng đi học, rồi cái đói cái nghèo khiến lão bỏ ngang dẫu cho lão học cũng không đến nỗi tệ, lão cũng biết mấy bài bài thơ Đường, rồi thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ…. để giắt lưng đọc chơi. Lão văng tục:

– Mẹ kiếp, cái chốn tiên cảnh thế này mà tiên sư đứa nào kháo chuyện bậy bạ.

Từ độ chưa có câu chuyện mà mọi người bàn tán kia, khúc sông này buổi tối nhộn nhịp lắm. Ngoài lão Trì đi thả vó ra còn mấy đứa nhỏ đi soi ếch với chiếc đèn pin nhỏ xíu, chúng hay lên chòi lão chơi, ngồi nghe lão kể chuyện bên Tây bên Tàu, vậy mà nay vắng tiệt , đố có đứa nào bén mảng đến khúc sông này. Lão Trì đâm ra buồn thúi ruột, chả biết chuyện trò với ai. Ngẩm nga thêm tí nữa, lão ngủ sớm để khuya dậy kéo vó.

Cái tiết trời tháng năm nóng hừng hực thế mà giờ lạnh buốt, từng cơn gió cứ thốc vào mái chòi của lão Trì từng đợt từng đợt. Lão kéo chiếc chăn che kín chân rồi mà vẫn lạnh. Chửi đổng vài câu, lão lọ mọ dậy châm điếu thuốc ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Trong bóng đêm mù mịt kia, điếu thuốc lão Trì đỏ rực, nhập nhòe như mấy con ma đuốc. Lão chả sợ bố con nhà ma nào, từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến giờ, đi đêm đi hôm lão chả biết con ma nó hình thù ra làm sao, có đáng sợ như dân gian đồn đại không, mà nếu có chắc lão cũng hù cho nó chạy té khói. Nghĩ vậy, lão cười.

Bất chợt, lão nghe vẳng lại tiếng khóc từ phía dốc Miếu Đôi, đầu tiên là nghe loáng thoáng sau đó rõ dần rồi rít lên từng chặp nghe ai oán não nề. Hẳn như người khóc có chuyện gì buồn đến thảm thiết thì tiếng khóc mới thê lương như vậy. Lão Trì dỏng tai nghe, có tiếng phụ nữ rồi cả tiếng con nít nữa. Quái lạ, khuya vầy rồi ai còn dắt con đi chơi nữa chứ. Tiếng khóc vọng lại mỗi lúc một rõ, nghe rờn rợn.

Cho chiếc ghe tấp vào bờ, lão Trì tiến lại gần cái miếu dốc Đôi. Cái miếu này bỏ hoang đã lâu, chỉ thắp mỗi cái bóng đèn hạt lựu đỏ choét nhìn là muốn bỏ chạy. Từ khi trời nhập nhoạng đã chẳng thấy ai dám bén mảng ra chốn này.

Lão Trì mỗi lúc mỗi gần dốc Miếu hơn, bây giờ chỉ nghe tiếng khóc của phụ nữ, còn đứa con nít lại nghe cười, tiếng cười của con nít mà lão Trì nghe thấy tiếng cười này nó quái thai như thế nào ấy:

Huuuuuu…ư…. ư…. . ư………Há há…. . Há…….

Lão Trì nhìn vào miếu chả thấy có ai, theo tiếng cười lão ra bờ tường gần gốc mít. Lão nom thấy có ai ngồi đó, bên cạnh là đứa con nít chắc mới chỉ lên hai, trần truồng đầu không một cọng tóc.

Giữa đêm khuya khoắt thế này mà lại dẫn con đi chơi rồi ngồi khóc thế này, chắc lạc đường, tội nghiệp-lão Trì chép miệng.

– Chị gì ơi, nhà ở đâu thế, bị lạc hả, trời lạnh thế này sao không mặc áo quần cho cháu?vừa hỏi lão Trì vừa tiến lại gần.

Đứa con nít dứt cười hẳn, quay ngoắt lại nhìn Lão Trì, vừa chạy đến lão vừa kêu lớn:Áo, áo cho tao.

Tức thì người phụ nữ kia cũng ngẩng đầu lên, nửa mái tóc che khuất khuôn mặt chỉ lộ cặp mắt sáng như dao cạo, nói với theo đứa bé:

– Được thì xin ông ta theo mẹ con mình luôn con ơi, há há há há……. .

Tiếng cười của người phụ nữ khiến lão Trì thất kinh, cái lời thề dọa cho ma chạy té khói cuả lão biến đâu mất, lão chỉ kịp rú lên rồi chạy trối chết về phía nhà ông Toản.

Ông Toản đang ngủ mơ màng nghe có ai la hét rồi đập cửa ầm ầm, tưởng trộm liền vùng dậy vơ vội cây đòn gánh rồi mở cửa đánh mạnh vào đầu cái bóng đen đang đập cửa kia. lão Trì chỉ kịp kêu Ối một tiếng rõ to rồi ngất xỉu. Ông Toản định thần một hồi mới thắp đèn soi rõ mặt cái thằng bạo gan kia là ai, té ra là lão Trì.

Lão Trì xỉu một chặp thì tỉnh dậy, cũng may ông Toản tuổi cao thành thử sức đánh không mạnh lắm, nhưng cũng kịp để nguyên một quả cam lên đầu lão Trì. Nghe lão Trì kể hết chuyện, cả hai cùng thằng con trai lớn ông Toản đốt đèn ra cái dốc Miếu. Lão Trì vừa đi vừa run, tay bám chặt ông Trọng, trong đầu còn nhớ đến hai cái gương mặt hãi hùng kia.

Trong miếu vắng tanh, chỗ gốc mít chỉ còn một ít tiền vàng mã và áo binh đã nhàu nát, chẳng thấy mẹ con kia đâu cả. Nhưng như thế cũng đủ khiến cả ba chợn người.

Chờ một hồi không thấy động tĩnh gì, ai về nhà nấy. Lão Trì chèo mạnh chiếc ghe ra phía chòi, cố tránh càng xa cái miếu càng tốt. Nhấc thử cái vó, lão thấy nằng nặng. Cái sợ hãi nó biến đâu mất, lão chắc mẩm phen này trúng đậm mẻ cá lớn. Hì hục một hồi lão cũng cất cái rớ lên được, rọi đèn vào giữa lưới, một lần nữa da mặt lão y hệt như lúc hồi nãy gặp hai mẹ con ở dốc Miếu đôi. Trong lưới có người, mùi hôi thối bốc ra khiến lão Trì ói ngay tại chỗ.

4. Bắt ma

Cái tin lão Trì ngay một đêm vừa gặp ma, vừa rớ được người khiến cái làng Bích vốn yên bình nay nháo nhào lên hết cả, không ồn ào sao được khi nhiều chuyện lớn như vậy xảy ra. Công an đến khám nghiệm bảo cha Thắng trưởng thôn nhậu say về rồi té ngã chết đuối dưới sông, tất cả đơn thuần chỉ là một tai nạn. Nhưng dân làng Bích ai mà tin, mười người hết mười một người cho rằng cha Thắng chết cho ma dìm, nói như vậy để thấy cái nỗi sợ hãi đã bao trùm lên cả làng. Cha Thắng trưởng thôn chết đồng nghĩa với việc xuất hiện cái xác thứ năm trong vòng bốn tháng. Khúc sông đó đã vắng vẻ nay chả thấy một bóng người, cái đèn neon trong cái chòi của lão Trì cũng tắt ngúm, nghe đâu lão bỏ qua làng khác rồi.

Tụi con nít trong xóm được thể tối ngày hát mấy bài vè, vừa hát mắt vừa lấm lét: Nghe vẻ nghe ve, nghe vè ma nước, một ông chết trước, kéo cả mấy ông, người thì tăng xông, kẻ thì ăn nhậu, mặt ai cũng xấu, dúm dó nhăn nheo, chắc hẳn ma theo, mẹ con xin áo…. .

Quán nước bà Bổi mấy ngày này khách đến nhộn nhịp cả lên, ai cũng đến ngóng xem câu chuyện thực hư thế nào. Bà Bổi tay rót nước miệng cứ đon đả, ra điều bí hiểm:

– Ghê lắm các bác ạ, nó kéo năm mạng rồi, có lão cất vó làng em còn bị nó dọa cho nát vía, bỏ làng đi mất đấy.

Đám đông càng nghe càng xôn xao, thần sắc ai cũng toát lên vẻ sợ hãi. Trong đám người ngồi uống nước bất chợt có tiếng the thé vang lên:

– Hai vong này cũng dễ bắt.

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía người vừa nói, là lão Ánh thầy cúng. Bà Bổi nhanh nhảu:

– Này, đừng có khoác, có giỏi ông đi bắt hai cái vong ấy về đây, cả làng này góp tiền thưởng ông.

Vuốt chỏm râu không lấy gì làm đẹp của mình, lão Ánh cười gằng:

–  Cả làng cứ chung tiền để đó, tối nay ra dốc Miếu coi tôi bắt hai cái vong đó chơi. Nói đọan, lão đứng dậy bỏ đi thẳng.

Cả đám đông lại xì xào thêm, ai cũng bán tín bán nghi. Chỉ có một người tách khỏi đám đông lầm lũi tiến ra chiếc ghe, khua mái chèo về phiá khúc sông làng Bích, là cụ Bảy. Từ giữa sông từng câu hát cụ xa dần nghe ai oán, não nề:

Kìa mây đi mất, chim về núi sầu, thuyền đưa đủng đỉnh, chàng đâu chàng đâu…. .

Vừa chập tối nhà ai cũng đóng cửa, tiếng là đóng cửa nhưng ai cũng ngóng về phía dốc miếu Đôi coi lão Ánh bắt ma ra làm sao. Mấy đứa con nít bạo gan hơn, vừa chạy theo lão Ánh vừa hát vè. Lão Ánh tối nay mặc một đồ vàng chóe hệt như Lâm Chánh Anh trong phim cương thi, chỉ khác là một bên phim ảnh, một bên đi bắt ma thật.

Lão Ánh bắt đầu bày đồ lễ ra giữa miếu, mấy ngọn nến vàng uột thắp sáng trưng cả miếu hòa lẫn cái màu đỏ ối của đèn khiến không gian thêm kì bí. Lão đặt giữa bàn một cái thau có thứ nước sền sệt, bốc lên một mùi tanh lợm họng, chắc có lẽ là máu chó mực.

Viết vẽ máy hình rồng rắn lên mấy tấm bùa, lão bắt đầu làm phép. Một tay khua chuông, một tay cầm kiếm gỗ, lão hú hét những thứ tiếng gì chẳng rõ, chốc chốc lại vơ một nắm gạo ném về phiá gốc mít, la lớn:

Ma, cút đi khỏi cây

Xuất vong khỏi đây

Trông dáng điệu của lão Ánh, mấy đứa con nít bụm miệng cười khúc khích chứ không dám cười lớn. Dân làng thì ai nấy dỏng tai lên nghe, cố căng mắt nhòm về phía dốc Miếu dẫu chỉ thấy màn đêm đen đặc và thứ ánh sáng yếu ớt từ ngọn nến và chiếc đèn hột lựu.

Cả thau máu chó bị lão Ánh hắt mạnh về phía gốc mít. Đột nhiên, từ gốc mít khói bốc lên mù mịt, có tiếng gầm rú thật kinh hoàng, ai nghe cũng phải bịt tai. Một cái bóng trắng nhờ ở giữa thân cây, quắc đôi mắt đỏ ngầu về phía lão Ánh, một cái nhìn quằn quại, đầy sự hận thù.

Lão Ánh đớ người, vừa ném gạo vừa la hét mấy thứ tiếng cổ nhưng có vẻ không ăn thua. Con ma vẫn ở đó, rũ rượi, thè chiếc lưỡi dính đầy máu chó mực quét xuống tận đất.

Can dầu lão Ánh dung để phun lửa bất ngờ hắt thẳng vào người lão, một tiếng Ùm vang lên. Người ta nghe tiếng lão Ánh quằn quại, giãy giụa. Lão bây giờ như một bó đuốc sống, chạy mấy bước rồi ngã quỵ, mấy đứa con nít thất sắc, la lớn bỏ chạy khiến người dân túa ra đông vỡ chợ.

Khi chạy đến nơi, lão Ánh chỉ còn một giúm, đen sì, bốc khói. Trên cây mít cũng chẳng còn ai.

Ở bến đò, cụ Bảy ngồi thẫn thờ nhìn đám đông túa ra dốc Miếu đôi. Cụ biết chuyện này thế nào cũng xảy ra. Vuốt cây đàn nhị, lão lại ngồi hát, những câu hát về phận người đầy bi ai.

***

5. Chìa khóa

Sư Thiện Pháp vừa ngồi uống nước chè, vừa ngẫm lại mọi sự đang diễn ra ở trong làng. Bây giờ tối đến chẳng ai dám ra đường, con nít bị bắt ở yên trong nhà, khúc sông làng Bích giờ như vô chủ, hoang tàn , lạnh lẽo. Có vẻ chỉ còn cửa chùa là nơi khiến người ta cảm thấy an tâm nhất.

Chú tiều lẽo đẽo chạy vào rót thêm nước sôi vào ấm, cắt ngang dòng suy nghĩ của sư.

– Con cứ để đó cho thầy.

– Bẩm thầy, nãy giờ có cụ Bảy ngồi chờ xin gặp thầy trước cửa chùa, con tính báo nhưng thấy thầy đang ngồi ngẫm nên…. .

– Sao không nói sớm, con ra mời cụ vào ngay cho thầy – sư Thiện Pháp vội vã.

Cụ Bảy ôm cây đàn chậm rãi tiến vào góc sân vườn chùa. Rót chén nước chè mời cụ Bảy, sư vẫn không giấu nổi vẻ hoài nghi. Cụ Bảy không nói gì uống cạn chén nước, sư Thiện Pháp lại rót đầy cho cụ, cụ lại bưng lên uống khảng khái. Đặt chén nước chè còn đọng ấm hơi xuống, cụ Bảy ôn tồn:

– Chắc sư thầy có nghe chuyện ma quỷ của làng ta.

– Bẩm cụ, tôi có. Thú thật, tôi cũng đang phiền vì chuyện ấy đây, cụ biết cửa chùa thanh tịnh một lòng mở của từ bi xóa bỏ lỗi lầm. Phàm có chuyện gì cũng đều bác ái bỏ qua, oan hồn thực chất mà nói cũng chỉ là do oán khí tích tụ mà nên. Tôi thiết nghĩ vong linh này chắc chắn có chuyện oan trái, ngặt một nỗi nhà chùa chưa thể hóa duyên giải ngộ cho nó được.

– Sư thầy cũng tin có ma quỷ? – cụ Bảy hỏi giọng chắc nịch.

– Có chứ, hề là người đều có phần hồn phần xác, khi chết đi chỉ còn phần hồn. Thường thì hồn sẽ sang đầu thai làm kiếp khác, nếu không thì có chuyện gì khúc mắc phần hồn mới luẩn quẩn như vậy.

Nén tiếng thở dài, cụ Bảy vừa nhìn xa vừa nói:

– Chuyện cũng là do tôi. Cách đây bốn tháng, vào chiều mùng một Tết khi đó tôi đang câu cá ở mé sông thì thấy đằng xa có một cô gái đi thẳng đến chỗ tôi, nhờ tôi chở sang sông. Lúc đó đã chiều, trời đã gần tối, lại thấy sắc mặt cô gái có vẻ không tốt nên tôi sinh nghi, chưa ra đò vội. Gặng hỏi mãi thì cô ấy mới khóc, một hồi vừa khóc vừa kể cho tôi biết cô lỡ yêu một thằng họ Sở. Tên này sau khi khoắng sạch số tiền cô tích cóp được thì trốn biệt, còn để lại một đứa bé trong bụng cô. Nhục nhã, ê chề, cô đi lang thang đến làng ta thì gặp tôi, nhờ tôi đưa sang sông. Lúc ấy, tôi tôi cũng chủ quan, nghĩ cô chưa ăn gì nên an ủi vội mấy câu rồi bảo cô ngồi chờ, tôi lên quán bà Bổi xem còn thứ gì ăn được thì mang xuống cho cô ấy. Ngờ đâu lúc trỏ xuống đã thấy chiếc đò của tôi ở giữa sông, biết có sự chẳng lành tôi mượn tạm chiếc ghe lão Trì chèo ra đến nơi thì không thấy cô ấy đâu, trên đò chỉ còn mẩu giấy kể tội kẻ bạc tình kia và nhờ tôi giữ hộ một vật. Sư thầy không biết chứ tôi đã lặn mò suốt cả đêm ấy mới thấy được xác cô ấy. Ngày đầu năm, không muốn dân làng xôn xao, tôi đem cô ấy chôn tạm vào gốc mít rồi nhang khói cho cô ở Miếu dốc đôi, ngờ đâu bây giờ cô ấy quấy quá.

Sư Thiện Pháp trầm ngâm, giờ thì sư đã rõ mọi chuyện. Sư không ngờ ở cái làng nhỏ bé này lại tồn tại một câu chuyện mang kết cục bi thương như vậy. Như chợt nhớ ra điều gì, sư Thiện Pháp sốt sắng hỏi cụ Bảy:

– Cụ còn giữ vật đó không?

Cụ Bảy lần mấy lớp áo đưa ra một vật, Sư Thiện Pháp trông thấy phút chốc kinh hãi. Sư hỏi dồn dập:

– Có phải cô gái đó mặc áo bà ba màu hồng, cắt tóc ngắn, khoảng 25 tuổi phải không cụ?

Đến lượt cụ Bảy ngớ người:-sư thầy cũng biết cô gái đó?

Làm sao sư Thiện Pháp quên được nụ cười buồn, cái ánh nhìn chất chứa cả đau thương và đầy thù hận của cô gái đó chứ. Nhìn xuống chiếc dây chuyền bạc lấp lánh, sư thở dài, vật còn đây mà người đã ra thiên cổ.

– Tối nay cụ đi với tôi ra đó – sư nói chắc nịch, vẻ mặt không chút e dè.

Dốc Miếu đôi mới hơn tám giờ đã heo hút, vắng lạnh rợn người. Mấy nhà xung quanh cũng tránh đi đâu mất, phải khó khăn lắm sư Thiện Pháp và cụ Bảy mới chong đèn đến được đây, giữa cái nơi mà màu đen của màn đêm và tiếng ếch nhái đang làm chủ nơi này.

Cắm bó nhang đỏ rực xuống gốc mít, sư Thiện Pháp rì rầm đọc mấy bài Kinh Địa Tạng, Cầu Siêu, sắc mặt nghiêm trang. Cụ Bảy đứng bên, tay vân vê điếu thuốc lào đỏ rực, nhẩn nha nghe mấy lời kinh kệ.

Hồi lâu, sư dừng lại, khấn rõ to cốt để cho cả cụ Bảy chứng kiến:

– Nữ thí chủ, ta và thí chủ có duyên gặp nhau nhưng không có duyên giác ngộ, đó cũng là lỗi lớn do ta mà ra. Phàm là tăng ni thì phải mở cửa từ bi, lắng nghe mọi điều chúng sanh giãi bày. Ấy vậy mà ta sơ suất, không biết được nữ thí chủ có một nỗi tâm sự lớn như vậy. Nay việc đã rồi, hà cớ thí chủ còn chưa siêu thoát. Gieo nhân nào gặt quả ấy, kẻ bạc tình kia rồi cũng sẽ bị báo ứng. Thí chủ đừng canh cánh mối hận thù mà làm chết bao người vô tội, sinh linh trong bụng thí chủ cũng cần cơ hội đầu thai làm người. Nay bần tăng mạn phép cùng cụ Bảy đây đem tro cốt của thí chủ an táng trong chùa, mong thí chủ sớm siêu thoát, hà tất phải ở chốn đây làm ma hại người. Nếu thí chủ đồng ý, thì xin làm bó nhang cháy sáng lên ba lần cho chúng tôi được rõ.

Lặng đi hồi lâu không thấy có động tĩnh, cụ Bảy tính lên tiếng thì sư Thiện Pháp ngăn lại:

– Nữ thí chủ, lời của bần tăng thí chủ nghĩ chưa thông sao.

Một sự im ắng đến lạ thường, cụ Bảy nghe dòng máu trong cơ thể mình như đang chảy mạnh hơn, cả cụ và sư Thiện Pháp đều nín thở.

Bất chợt có tiếng hét nghe đến xé lòng từ trên cây mít vọng xuống, liền tức khắc bó nhang cháy rực lên ba lần rồi tắt ngấm. Sư Thiện Pháp nhắm mắt đọc kinh, nói vọng qua cụ Bảy:

– Cụ thực hiện được rồi.

Nhờ có lời giải thích của sư Thiện Pháp và lời kể của cụ Bảy, dân làng mới rõ và tiếc thương cho cô gái áo hồng kia. Khúc sông bắt đầu có người qua lại, đã lâu cũng không còn thấy ai nộp mạng trên đoạn sông này. Người lớn, trẻ con hớn hở ra mặt, chỉ có bà Bổi là buồn đôi chút vì lượng khách đến hóng chuyện sụt giảm. Tuy vậy, ấn tượng về câu chuyện và hai vong hồn cũng khiến cho dốc miếu Đôi vắng vẻ và hoang tàn đi nhiều, sự lạnh lẽo vẫn còn bao trùm nơi đây.

Nhật Hoàng

Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN