Trái tim người mẹ muôn đời vẫn vĩ đại, đó là sự vĩ đại nhất trên thế gian mà không điều gì có thể so bì. Một lần lang thang trên những trang mạng nước ngoài, vô tình tôi đọc được bài viết nho nhỏ như lời tâm sự của đứa con ngả nón thành kính trước bóng cả. Những lời nói dối của mẹ sao mà chứa chan tình yêu thương và đức độ hy sinh cho những đứa con đến thế.
Lúc nhỏ, gia đình rất nghèo, cơm không đủ ăn, bữa ăn mẹ thường san phần cơm từ bát của mình cho con, mà nói: “Con ăn đi giúp mẹ, mẹ không đói”.
Lúc con đang tuổi lớn, ngày nghỉ mẹ thường vất vả đi ra tận vùng sông nước nông thôn tìm mua cá tươi về cho con tẩm bổ. Cá rất ngon và tươi, lúc con ăn cá, mẹ chỉ chấm đũa khảy chút thịt bám vào xương đầu cá để ăn, con trai nhìn thấy thương mẹ, liền gắp cá từ bát mình vào bát mẹ, mời mẹ ăn. Mẹ không ăn, mẹ lại dùng đũa gắp cá trở lại bát con, mẹ nói: “Con à, con ăn đi, mẹ đâu thích ăn cá”.
Lên trung học cơ sở, để có đủ tiền cho các con đóng học phí mẹ phải nhận thêm công việc may vá để trang trải cuộc sống gia đình. Một ngày mùa đông, con trai giật mình lúc nửa đêm, thấy mẹ vẫn ngồi căng người nơi ngọn đèn dầu, con trai gọi: “Mẹ ơi ngủ đi, sớm mai mẹ còn phải đi làm mà”. Mẹ chỉ cười: “Con à, con ngủ đi, mẹ không buồn ngủ”.
Năm thi lên trung học phổ thông, mẹ xin nghỉ phép để đứng ở cổng trường cổ vũ khích lệ con. Lúc đó đang độ mùa hè, mặt trời chói chang soi lên đỉnh đầu nhưng mẹ vẫn đứng đấy trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Khi tiếng chuông báo kết thúc giờ thi, mẹ nhanh chân đi mua một bịch trà mát lạnh mang đến cho con uống, trà đã đậm, tình cảm của mẹ càng sâu đậm hơn. Thoáng nhìn thấy môi mẹ khô, mồ hôi nhỏ giọt trên trán, con trai vội chuyển bình trà mời mẹ uống, mẹ cười dịu hiền: “Con uống đi, mẹ không khát”.
Sau khi cha ốm mất đi, mẹ đảm đương vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ, chỉ dựa vào công việc may vá để duy trì nuôi những đứa con, cho chúng học hành, khổ cực nói không hết lời. Gần đó có chú Lý sửa đồng hồ, biết hoàn cảnh gia đình, việc lớn việc nhỏ đều tìm cách rẽ qua giúp đỡ, khi thì khiêng cái này khi thì xách cái kia, có lúc cho thêm ít tiền để mua lương thực cho mấy đứa nhỏ. Người đâu phải cây cỏ mà có thể vô tình, hàng xóm láng giềng biết chuyện khuyên mẹ hãy tái giá, hà tất phải ở khổ như vậy. Nhưng đã bao năm rồi mẹ vẫn thủ tiết thờ chồng nuôi con, kiên quyết không tái giá, người ta khuyên thì mẹ không nghe, mẹ nói: “Tôi không yêu”.
Sau khi những đứa con tốt nghiệp đại học bắt đầu đi làm, thì mẹ cũng đã già không còn làm việc được nữa liền chuyển đến một cái chợ nông sản, bày cái sạp nhỏ để kiếm sống. Những đứa con xa biết chuyện liền thường xuyên gửi tiền về cho mẹ, nhưng mẹ kiên quyết không nhận, lấy tiền gửi trả lại, mẹ nói “Mẹ có tiền rồi”.
Con trai được đi du học 2 năm, sau đó lại thi đạt tiến sĩ của một trường nổi tiếng nước Mỹ, sau khi tốt nghiệp lưu lại Mỹ làm việc, được đãi ngộ nồng hậu, mọi điều kiện rất tốt, con trai muốn đưa mẹ sang để chăm sóc cho mẹ hưởng thụ nhưng bị mẹ cự tuyệt, mẹ nói “Mẹ không quen”.
Cuối đời, mẹ mắc bệnh nặng, nằm viện rồi, từ phương trời tây con trai vội vàng đáp máy bay về thăm mẹ. Sau khi phẫu thuật thì mẹ yếu hẳn, chỉ thở thoi thóp. Mẹ già biết không qua khỏi nên cứ trông ngày thần chết đến lấy đi cuộc sống của mình, con trai thấy vậy vô cùng đau khổ, tuyệt vọng, nước mắt cứ chảy, mẹ liền dỗ “Con ơi, đừng khóc, mẹ thấy rất nhẹ nhàng”.
BÌNH LUẬN