Anh Thìn nằm thở dài trong cái phòng trọ chỉ có vài mét vuông. Loay hoay chẳng biết làm việc gì để cho trôi hết ngày. Từ lúc giãn cách xã hội
Anh Thìn nằm thở dài trong cái phòng trọ chỉ có vài mét vuông. Loay hoay chẳng biết làm việc gì để cho trôi hết ngày. Từ lúc giãn cách xã hội cái dãy trọ nơi đây im ắng đến vô cùng, cửa đóng then cài chẳng ai tiếp xúc với ai, cuộc sống chìm vào riêng tư như lạc vào một cõi hoang vu không có làn hơi ấm của hơi thở con người. Đường xá cũng vắng tanh, đâu rồi cái nhộn nhịp những tiếng còi xe inh ỏi đặc trưng nét thành phố? Và từng bóng người xuôi ngược trên dòng đời nổi trôi. Chỉ có những người lưa thưa đang làm nhiệm vụ trong bộ đồ màu xanh, chẳng biết ai là ai khẩu trang luôn che kín mặt, và những dây trắng đỏ giăng kín khắp con phố nơi đây. Anh Thìn cũng như bao nhiêu người khác rời xa quê đến thành phố để mưu sinh cầu thực, nhưng trong tình hình căng thẳng như bây giờ đành chôn chân một chỗ mà nhìn phố buồn dập vào đáy mắt sâu. Anh nhớ quê hương, anh nhớ gia đình, nhớ luôn con bé Xíu, cứ mỗi lần gọi điện lên nó cứ nhắc “khi nào ba về chơi với con” rồi nói đủ thứ chuyện những gì đã xảy ra xung quanh trong căn nhà bé nhỏ. Nó buồn rồi nó khóc, vì không được đến trường học hành vui chơi và gặp gỡ bạn bè, cũng có thể nó khóc vì nhớ anh! Vì có bao giờ anh xa nó lâu đến vậy, nhớ những ngày này của năm trước anh thường nghỉ phép để trở về thăm nhà, những lần như thế anh không quên mua quà về cho bé, đó là những con búp bê đầy xinh xắn đáng yêu. Nhớ có lần bé Xíu nói với anh rằng:
“Con thích búp bê lắm! Ba trở lại thành phố đi làm kiếm tiền, mua búp bê về cho con nhé”
“Chứ không phải ba đã mua rất nhiều búp bê về cho con rồi đấy sao? Mà tại sao con lại thích búp bê” – Anh cười rồi xoa đầu con bé.
“Vì con muốn có em để chơi cùng, khi nào mẹ sinh em bé xong con sẽ không đòi búp bê nữa đâu”.
“À… ba hiểu rồi! Rồi con sẽ có em để chơi cùng. Nhớ lúc đó phải thương yêu em, và còn phải phụ mẹ trông em nữa đó nha”.
“Có thật không ba”?
“Thật mà, mẹ đang mang thai đã được hai tháng. Ráng chờ đi rồi con sẽ được làm chị hai”
Nó vui mừng nép sát vào người anh, và những lần anh trở lại thành phố nó khóc suốt cả buổi, những người thân ở lại phải lấy búp bê ra để dỗ dành mới chịu im thin thít. Nhớ tới mà anh buồn quá đỗi! Nếu không có dịch bệnh đang hoành hành thì trong thời gian này anh đã có mặt tại quê nhà. Anh thở dài rồi thì thầm một mình “vậy là tháng tới sẽ sinh nhật của bé Xíu, mong rằng dịch bệnh bệnh qua mau để anh trở về nhân ngày sinh nhật của con như lời anh đã hứa. Sẽ mua tặng cho bé Xíu một công chúa búp bê, chắc chắn đây sẽ là con búp bê cuối cùng vì chẳng bao lâu nữa vợ anh sinh con Xíu sẽ không đòi nữa.
Ôi thật chán nản cho cái cảnh trước mắt này, chẳng biết dịch bệnh ác ôn từ đâu mà nó lại xuất hiện gây bao đau thương lẫn khó khăn trực tiếp lên loài người. Thương những phận người tha hương đang gồng gánh để trụ lại nơi đất khách quê người với mong muốn dịch bệnh sớm qua đi và mọi việc trở lại như ban đầu. Thương luôn những người tuyến đầu đang ngày đêm quên mình làm nhiệm vụ vì dân và vì nước. Họ cống hiến bằng tình thương tuổi trẻ và cả trái tim của con người Việt Nam. Reng…reng…reng… tiếng chuông điện thoại của anh vang lên giữa buổi trưa tĩnh lặng, người gọi là chị Ly vợ anh.
“A lô, anh nghe đây”
“Anh đã ăn cơm chưa? Em muốn gửi đến anh một số lương thực để ăn cầm cự rồi chờ dịch qua đi! Nhưng khổ nỗi chẳng có một chuyến xe nào chạy…”
“Anh đã ăn cơm rồi, tình hình khó khăn chung của cả nước thì ở đâu cũng như nhau thôi. Anh sẽ sớm trở về với mẹ con em trong một ngày không xa. Anh nhớ em và cả bé Xíu, rồi còn một thành viên mới sắp sửa chuẩn bị chào đời. Anh nôn nóng được gặp mặt con ghê gớm. Anh cứ mãi suy nghĩ chẳng biết là bé trai hay bé gái và phải đặt tên gì cho thật hay lẫn ý nghĩa”???.
“Ôi, ngày đó còn xa lắm, dịch bệnh qua đi anh trở về sẽ tận mắt mà thấy con chào đời thôi. Bé Xíu cứ khóc vì nhớ anh! Lâu lắm rồi anh chưa trở về nhà! Xíu cứ hỏi khi nào ba Thìn mang búp bê về cho con? Rồi khi sinh nhật sắp tới ba có trở về cắt bánh kem cùng con như những năm trước hay không? Em ủi bé rằng : khi nào dịch bệnh hết ba Thìn sẽ trở về thăm mẹ con mình! Ba Thìn cố gắng đi làm vì nhà mình sẽ có thêm thành viên mới, mọi thứ cần rất nhiều chi tiêu. Nói như thế bé Xíu mới chịu im đấy”.
“Cứ nói với con anh sẽ mang búp bê về, rồi sẽ cùng con cắt bánh kem như những năm vừa qua”.
“Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, em xem báo đài thấy thành phố dịch bệnh rất căng thẳng, con số nhiễm lẫn tử vong cứ liên tục tăng cao. Phải nhớ đến sức khỏe, ăn uống đều độ, rồi dịch bệnh cũng sẽ sớm qua đi”.
“Anh biết rồi, em cũng phải giữ sức khỏe thật tốt, hạn chế làm những việc quá sức để không ảnh hưởng đến thai nhi. Có việc này anh muốn nói với em đây.
“Là việc gì vậy anh”?
“Anh muốn đăng ký tham gia tình nguyện viên để đi chống dịch, em thấy có được không”?
“Thôi không được đâu nguy hiểm lắm, vì phải đối diện với những người đang bị nhiễm. Nếu lỡ có chuyện gì thì…”
“Anh hiểu em nói gì mà, nhưng không sao đâu! Nếu ai cũng sợ sệt chỉ biết cho bản thân mình, không đem sức mình ra để cống hiến cho đất nước thì dịch bệnh đến bao giờ mới hết đây? Chứ không phải ai ai cũng muốn đẩy lùi được dịch bệnh đấy sao? Chính vì thế mình phải ra sức, ngay lúc này đất nước luôn cần tình nguyện viên tham gia”.
“Em hiểu ý anh. Nhưng cũng hiểu luôn dịch bệnh rất phức tạp lẫn nguy hiểm”.
“Anh muốn sớm hết dịch để trở về bên em cùng với con chúng mình. Chính vì thế anh phải tham gia. Anh đã suy nghĩ kỹ rồi. Em an tâm nhé sẽ không có chuyện gì xảy ra. Em ủng hộ anh nhé?”.
“Nếu anh đã vững lòng như thế thì cứ đóng góp một phần cho xã hội, nhưng nhớ phải luôn cẩn thận, và luôn luôn giữ gìn sức khỏe. Mau trở về với mẹ con em”.
“Anh biết rồi em nghỉ ngơi đi. Yêu em nhiều”.
Kết thúc một cuộc gọi. Những lần gọi như thế chỉ để dặn dò nhau cho đỡ nhớ thương. Chiếc điện thoại ngay lúc này nó như vị cứu tinh giúp xoa dịu một phần nào khi chẳng được trực tiếp gặp mặt thăm hỏi nhau. Vậy là anh yên tâm bước lên đường chống dịch, chiếc áo bảo hộ màu xanh luôn dính liền bên mình. Rồi một tháng đã trôi qua, ngày sinh nhật của bé Xíu đã đến, thế mà anh chẳng trở về được như lời hứa ban đầu. Nhớ con quá cũng đành bóp bụng mà chịu, vì dịch bệnh chưa hết và nhiệm vụ phải làm. Anh lấy con búp bê bằng gỗ do chính tay anh đục đẽo, nhìn ngắm nó một lát rồi thì thầm một mình “Xíu ơi, đây là quà sinh nhật của con, xin thông cảm cho ba vì giãn cách xã hội chẳng ai bán búp bê, nên ba phải tự tay làm con đừng chê xấu nhé. Nhớ đây là con búp bê cuối cùng, sau này có em rồi phải chơi đùa cùng em thay vì với búp bê”
“Anh Thìn nè! Sao đi làm nhiệm vụ mà thường mang con búp bê bằng gỗ bên mình thế” – Giọng nói của Trí, người đồng đội của anh.
“Đây là quà sinh nhật của con gái lớn tôi đấy chú! Tôi vẫn chưa thể về để trao tận tay cho nó”.
“Em hiểu rồi! Thôi thì khi nào dịch bệnh qua đi mọi thứ trở lại bình thường rồi về trao cho bé cũng không muộn. Thật sự em cũng rất nhớ gia đình nhưng không thể về thăm. Dịch ơi dịch, sao mi ác ôn đến thế”.
Vỗ vai Trí mà an ủi đôi điều! Tất cả những người tham gia tình nguyện viên họ đều có chung một chí hướng, không mong muốn gì hơn ngoài đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sự yên bình cho đất nước. Đó cũng là lý do những người trẻ quên mình và xông pha lên đường để chống dịch! Mặc dù phải khoác vào một bộ đồ bảo hộ giữa cái nắng như thiêu đốt trần gian, mồ hôi nhễ nhại, và những gương mặt in đường lằn của những chiếc khẩu trang, gian khó lẫn nguy hiểm nhưng có sá là gì với tinh thần trách nhiệm quyết tâm chống dịch, để bình thường ngày mai. Ôi những con người mang trái tim Tổ Quốc.
Sáng nay anh chứng kiến những cảnh xót xa đau lòng đang hiện ra trước mắt. Những đoàn người ào ào đang rời khỏi thành phố, có thể họ không thể trụ nổi vì thời gian giãn cách! Cũng có thể dịch bệnh càng lúc càng đỉnh điểm nên giã từ một thành phố mà họ gắn bó từ lâu. Cuộc tháo chạy trong sợ hãi, trong thiếu thốn và trong những nỗi buồn đang thê thảm! Những giọt nước mắt rơi xuống với cuộc hành trình trở về nơi quê nhà. Chưa bao giờ thấy thành phố buồn nao nao đến vậy.
Cũng sáng nay anh Thìn thấy người mệt rã rời, đầu đau nhức và những cơn sốt nóng lạnh liên tục đến với anh. Anh bị nhiễm dịch bệnh, được đồng đội đưa vào khu cách ly tập trung. Nơi đây dày đặc người bị nhiễm, những cơn ho kéo dài liên tục nối liền nhau. Trong lim dim mơ màng anh thấy mình được trở về nhà ôm chầm lấy vợ con, đưa con búp bê bằng gỗ cho bé Xíu như quà sinh nhật muộn, rồi thấy đứa con nhỏ chào đời vừa nhìn anh nó lại khóc oe oe. Giật mình tỉnh dậy, anh biết vì sốt cao nên mình đang mơ sảng, sự thật anh vẫn còn nằm điều trị trong khu cách ly tập trung. Anh đặt con búp bê gỗ lên ngực ôm chặt ho sùng sục cả đêm rồi nhắm mắt ra đi vĩnh viễn. Người ta mang hài cốt của anh trở về nhà kèm với con búp bê bằng gỗ! Khi xe đến đầu ngõ con bé Xíu vui mừng chạy ra trước sân hét lên.
“Mẹ ơi, ba Thìn đã trở về. Hoan hô mừng quá! Ba Thìn đã về thăm con”.
Chị mang bụng bầu đi ra trước cũng hớn hở vui lây.
“Ba về hả con? Chắc là đã xong nhiệm vụ, nên ba về thăm mẹ con mình đó”
Thấy vài người đi xuống đứng trước sân. Họ rơi nước mắt, những giọt nước mắt chảy xuống chiếc khẩu trang ướt đẫm. Chị vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ai ai cũng đeo khẩu trang kín mít nên bé Xíu vẫn chưa nhận ra ai là ba Thìn. Nó cũng đứng đó đoán già đoán non. “Người này thấp quá không phải ba Thìn – Người kia gầy quá cũng không phải – người này to quá cũng không phải. Thế thì rốt cuộc ba Thìn đang ở đâu”??? Họ trao cho chị hũ tro cốt và con búp bê bằng gỗ, nghẹn ngào nói từng lời.
“Anh Thìn đã mất vì dịch bệnh! Xin chia buồn cùng gia đình”
Chị đứng thẫn thờ, rồi khóc ra thành tiếng.
“Anh ơi! Anh hứa trở về bằng da bằng thịt với mẹ con em kia mà. Con mình vẫn chưa chào đời, nó còn đợi anh về đó…”
Bé Xíu vào ôm chị vào lòng, chị đưa con búp bê bằng gỗ cho nó rồi thì thầm trong tiếng khóc xé lòng.
“Đây là con búp bê bằng gỗ, cũng là con búp bê cuối cùng mà con nhận từ chính tay của ba! Từ nay về sau ba sẽ vĩnh viễn không bao giờ cho con thêm bất cứ con búp bê nào nữa. Hãy giữ nó mãi mãi để tưởng nhớ về ba! Ba luôn luôn hiện diện trong trái tim của mẹ con chúng ta! Ba đã hy sinh với mong muốn một mai dịch bệnh sẽ không còn”.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
BÌNH LUẬN