Dạo này không thấy thằng Hoàng đi ngang nhà thầy giáo Tư nữa. Từ lúc bị đám trai trong làng vây đánh con đường này không còn lui tới. Mọi người cũng cảm thấy yên tâm hơn khi không có sự xuất hiện, khỏi phải đóng cửa im ỉm, cảnh giác cao độ, sống trong phập phồng lo sợ.
Tên nó là “Hoàng” nhưng không biết từ đâu bị gọi “thằng cô hồn”. Người ta truyền miệng nhau về cái biệt danh chẳng lành gắn liền với cuộc đời một người. Chính nó cũng chẳng biết từ đâu mà có, họ đang ám chỉ về điều gì. Nghĩ đơn giản thân người mình gầy ốm, đi vất va vất vưởng như bóng ma trong phim, cũng có thể chơi cùng những kẻ lang thang đầu đường xó chợ nên họ gọi. Bạn trẻ trong xóm lấy câu mà người đời hay nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” có nghĩa đi chơi chung sẽ bị hư lây, chính thế nó không khi nào có bạn đàng hoàng.
Sinh ra là một gia đình bần cố nông. Học ít, cuộc sống chủ yếu quanh năm với ruộng đồng, thua xa những người cùng đồng lứa trong xóm. Mỗi khi đi ra đường người ta gọi “thằng ma cô, hay là “thằng cô hồn” chỉ cười chưa bao giờ tỏ ra tức giận, cũng chẳng thèm chào hỏi ai.
Gương mặt khá ngầu, tóc nhuộm vàng, nhuộm đỏ, thân thể có những hình xăm quái dị. Nói chuyện thường lớn tiếng chửi thề không văn hóa, nên bị cho là một kẻ vô giáo dục, lưu manh. Có một hôm đi ngang nhà thầy giáo Tư, đụng phải một cô gái té lăn cù. Nó phải chịu một trận đòn ác liệt bởi đám trai xung quanh đánh hội đồng, mặc dù đã đỡ cô gái đứng dậy, cúi đầu nhận lỗi. Xem ra người ta có ác cảm đã lâu, chỉ chờ vào điều sai trái từ nó để tha hồ thượng cẳng chân – hạ cẳng tay cho hả dạ bỏ ghét, dù đó chỉ là nhỏ nhặt chẳng đáng trách. Trong xóm nhà ai mất bất cứ vật gì, người đầu tiên nằm trong diện khả nghi chẳng ai khác, chính là nó. Cứ như là một kẻ nguy hiểm phải đề phòng hoặc một tên siêu trộm khiến người ta luôn nâng cao, có thể ăn cắp cùng lúc mấy nhà, chung một thời gian diễn ra. Nghĩ mà buồn, nếu cha nó đừng vướng vòng lao lý, gia đình khá giả, có địa vị thì cuộc đời sẽ khác so với bây giờ. Ở tầng lớp xã hội đồng tiền là trên hết, giàu có thì chẳng ai dám phê phán, thậm chí sai thành đúng, nói bậy nói bạ chúng nghe theo rầm rầm, theo khuôn khổ “thượng đội hạ đạp” để làm chân lý mà tồn tại vững vàng. Từ đó, nó cũng nhìn đời bằng cặp mắt khác.
Chưa từng làm điều xấu nhưng người ta cho rằng ngược lại. Mặc kệ, nó sống riêng lập, cũng chả thèm chơi với bất cứ ai trừ những thành phần bất hảo. Nhà nợ ngập đầu do nhiều mùa thiếu hụt, cha là người nghiện ngập, vào tù ra khám liên miên. Cái nghèo hèn sự xa lánh của cuộc đời đã dẫn đến từ đó. Câu “cha nào – con nấy” thật chẳng sai chút nào. Giờ mới hiểu thế nào là “cô hồn” mà người đời ám chỉ, đâu đơn giản như suy nghĩ ban đầu chỉ chọc ghẹo lấy làm vui.
Một chiều nó dạo quanh xóm, thấy mọi người nhốn nháo chạy tấp nập. Họ nói với nhau “nhà cô Chín bị cháy, nhanh lên bà con ơi”. Một số nhà gần đó lo di chuyển đồ đạc vì sợ bị ảnh hưởng. Nó theo mọi người, nơi đang bị hỏa hoạn. Hướng mắt nhìn về ngọn lửa phừng phực khói nghi ngút. Mọi người cùng lấy nước dập tắt trong niềm vô vọng vì cháy quá lớn. Nghe bàn tán la hét với nhau: “Bên trong có người họ sẽ bị chết cháy! Ai làm ơn vào cứu giúp! Đội chữa cháy của địa phương chưa xuống kịp”.
Nghe vậy, ngay lập tức nó lao vào ngọn lửa như nhiệm vụ đặc biệt của người lính cứu hỏa. Những người chạy đi lấy nước có người đứng xem vì hiếu kỳ, họ gọi oang oang.
“Kìa thằng cô hồn, đừng vào đó. Chẳng có gì để trộm, tất cả đã cháy thành tro! Lấy không được đồ mà bỏ mạng thì lỗ to”.
Nó chạy vô tận trong, bỏ ngoài tai những câu nói mỉa mai. Trở ra trên đôi tay ôm bé gái rời khỏi vùng nguy hiểm một cách rất an toàn. Tiếp tục tiếp cận bà Chín đang ngất xỉu vì ngạt khói, nó nhanh chóng đưa đi.
Sau khi ra ngoài lại nghe tiếng khóc của một em bé khác. Lần này lửa cháy lớn hơn trước, tiếng nổ rân trời, một số đổ sập trong đống lửa bạo tàn. Nó tiến sâu vào trong tìm đến vị trí của đứa bé bị kẹt lại từ một góc phòng rộng. Điện chập kêu lép bép, nỗi kinh hoàng sợ hãi của đứa trẻ đang thu người hai tay ôm đầu gối. Tiếng khóc gào thê thảm, miệng gọi mẹ gọi cha, tay chân đẫm máu do tấm kính tủ rơi xuống trúng, văng ra thành nhiều mảnh vụn.
“Đến đây, chúng ta cùng rời khỏi! Nhanh lên”.
Đứa bé không phản ứng cứ mãi khóc gào. Đành phải phá khung cửi đang chắn ngang để tiếp cận cõng nạn nhân trở ra bên ngoài. Khi tới cửa chính chuẩn bị thoát thân, cây cột kèo to đùng rơi xuống, nó lấy thân che chắn để bảo vệ đứa bé. Rầm! Một phát nó ngất lịm đi.
“Mau ôm em bé tới đây, đồng thời lôi thằng cô hồn ra đưa đi bệnh viện…Lẹ lên tụi bây…”
Vài phút sau xe cứu hỏa tới dập tắt ngọn lửa hung hăng sắp nuốt chửng mấy mạng người, nếu như không có thằng cô hồn liều mạng xả thân thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cũng vào thời điểm ấy, nó đã chết ngay tại bệnh viện vì vết thương quá nặng. Cái đầu đầy máu, quần áo bị cháy lỗ chỗ trông rất thê thảm. Mọi người nghe tin thằng cô hồn mất, có người còn bảo nhau rằng:
“Chết mà cũng không được lành lặn với quần áo nguyên vẹn. Xưa nay chưa bao giờ tận mắt chứng kiến ai chết mà khó coi đến như vậy”.
Một đứa bé gái trong xóm nói.
“Hồi đi học ngang qua công trình con bị đạp đinh dưới bàn chân, chính anh Hoàng đã cõng con về tận nhà. Lúc đó anh bị đứt dép, đi chân trần trên con đường rải nhựa giữa trưa nắng. Con hỏi anh có bị rát chân không? Trả lời không! Về tới ngõ nhà thấy bàn chân bị phồng rộp lên.”
Con bé khóc thút thít, khi thấy đôi dép lê đứt quai ngày nào vẫn còn đó. Được hàn lại bằng cọng kẽm nơi thằng cô hồn gặp nạn.
Một bé trai cũng nói lại với những người lớn xung quanh.
“Hồi tụi con đi tắm sông, do nước cạn quá bẩn nên ra tít ngoài xa, bị hụt chân, cả 3 đứa chỉ có thằng Tửng biết bơi. Nó lội vô bờ la làng lên. Ngay lúc ấy anh Hoàng đi ngang thấy vậy bơi ra kéo hai đứa còn lại vào. Anh đuổi ba thằng về không cho tắm sông nữa. Anh nói từ nay về sau thằng nào còn tắm sông thì chết mẹ với tao”. Đánh cho 3 thằng vài cái để dằn mặt như khẳng định sẽ làm thật”.
Thằng bé xém chết nước của năm ấy hối hận vì hôm đó đã mách lại với ba. Tối đến ông vác gậy đi tìm thằng cô hồn để nện cho một trận vì dám hành hung đứa con trai cưng duy nhất của ông, nhưng may là chẳng gặp.
Bà cô Tám Oanh nghe xong đứng gục mặt thấy lương tâm bị cắn rứt. Trước kia chồng bà say rượu đi bước thấp bước cao rồi té nằm ngoài đường giữa trời đầy mưa gió. Thằng Hoàng thấy thương xót, sợ chuyện chẳng lành xảy ra với ông. Đã có nhiều trường hợp say sưa nằm ngoài đường rồi trúng gió chết tức tưởi. Nó đưa chồng bà về nhà, tối đó phát hiện trong tủ mất một số tiền khá lớn đã dành dụm bấy lâu. Bèn chạy đến nhà thằng Hoàng để đòi lại số tiền trên. Vừa tới bà đã hét lên om sòm.
“Mày trả tiền lại cho tao chưa? Tưởng đâu tốt lắm có công đưa ông Tám về trong lúc say rượu, hóa ra là đến mục đích để cắp trộm”.
Thằng Hoàng đứng ngơ ngác nhìn cô Tám không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
“Tiền gì vậy cô Tám?”.
“Còn tiền gì nữa hả? Tiền của tao, mày ăn cắp”.
“Con đâu biết tiền gì”.
“Không mày thì là ai? Vừa đến thì nhà tao bị mất tiền, không mày chẳng lẽ ma tới lấy”.
“Cô Tám đừng nói vậy tội nghiệp. Con đâu có lấy”.
Hàng xóm kéo lại đứng xem rất đông, họ xì xào bàn tán với nhau những câu toàn công kích về phía thằng Hoàng. “Lấy của người ta thì mau trả lại”. “Báo công an đi chị Tám”. “Ăn cắp riết quen tật”. “Gọi là thằng cô hồn chẳng sai tí nào, đi tới đâu chôm chỉa tới đó”…
Thằng Hoàng im lặng trong nỗi oan ức. Biết giờ nói gì cũng chẳng có một ai tin. Đành phải đứng mà chịu đựng. Cô Tám chỉ thẳng tay vào mặt, quát lên.
“Giờ mày có chịu trả lại tiền không? Cấm từ nay về sau bén mảng tới. Dù gia đình tao có chuyện gì cũng không cần mày xía vô”.
Cô Tám nhờ những người xung quanh báo công an, một lúc sau lực lượng tới. Chưa bao giờ thằng Hoàng thấy nhục nhã như lúc này. Chẳng khác gì một tội phạm nguy hiểm đang bị cán bộ giải đi. Thời gian sau sự việc chìm vào quên lãng, tiền trong nhà cô Tám cứ thế mà mất dần, mặc dù không hề có sự xuất hiện của Hoàng.
Hôm đó cô Tám đi chợ, do bỏ quên tiền nên trở về lấy. Đến cửa không tin vào mắt khi thấy thằng con đang dùng cái nhíp để mở tủ lấy tiền. Cô Tám giả vờ như không biết rồi lén theo dõi. Nó ghé vào một tiệm game chơi từ sáng đến chiều. Thì ra từ trước đến giờ tiền mất là do con mình trộm, không hề liên quan gì tới thằng Hoàng. Vậy mà ngày đó cô Tám cho rằng nó ăn cắp, rồi nhục mạ trước bàn dân thiên hạ.
Nhớ lại cái cảnh ấy cô thấy mình hồ đồ có lỗi. Nhưng hoàn toàn không dám đính chính vì sợ người ta rủa già đầu mà còn xớn xa xớn xác! Lại không thể vạch áo cho người xem lưng về việc tồi tệ đầy xấu xa của đứa con mình. Lúc ấy sẽ mang tiếng vì trong xóm ai cũng biết con cô ngoan ngoãn hiền lành! Thôi thì cứ lấy thằng Hoàng ra chịu thay. Dù sao từ lâu nó vốn dĩ không hề tốt đẹp trong mắt mọi người xung quanh. Giờ xấu thêm nữa cũng chẳng có gì mà gọi là quá đáng! Lỡ rồi…
Nó đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Biệt danh mà người đời gắn với hai từ “cô hồn” cũng sẽ chôn vùi cùng thân xác dưới tận lòng đất sâu. Thay thế bằng một thằng Hoàng tử tế lẫn tốt bụng, sẽ được lưu lại nhằm kể mãi giữa cái xóm nhỏ này. Từ nay về sau không còn cảnh giác cao độ, cẩn thận cửa nẻo đề phòng vấn nạn trộm cắp. Biết thế! Nhưng sao họ cứ nhìn nhau rồi bùi ngùi như một sự sám hối chút lương tri của nhân bản còn lại.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn