Xóm bờ kinh

Không bàn cãi Nụ chính thức có chồng. Ban đầu cả xóm nghe đồn phong thanh nhưng chẳng mấy ai tin. Mà tin làm sao được khi Nụ có vẻ ngoài xấu x

Thức Tỉnh
Sự thay đổi
Hai cha con
Không bàn cãi Nụ chính thức có chồng. Ban đầu cả xóm nghe đồn phong thanh nhưng chẳng mấy ai tin. Mà tin làm sao được khi Nụ có vẻ ngoài xấu xí, dáng người thấp bé, mình mẩy suốt ngày lấm lem vì mò cua bắt ốc. Đã vậy lại còn da đen ngăm, đụng đâu nói đó chẳng có chút duyên dùng. Chưa nhắc tới con gái con lứa lúc nào cũng hôi chua như chưa từng biết tắm gội! Thử hỏi thằng nào dám lấy. Nếu có, không đui mù thì cũng tâm thần mới ưng. Nhưng hoàn toàn trái ngược với những gì người ta nói. Chồng của Nụ không mù, chẳng tâm thần, ngược lại còn là người thanh lịch trí thức, đẹp trai nhất xóm được nhiều cô gái mến mộ chấm điểm cao từ rất lâu. Chuyện lạ đời, Xóm Bờ Kinh đâu thiếu con gái mà anh giáo lại chọn cái đứa tệ nhất. Ban đầu người ta còn nghi ngờ giáo Tâm là người đồng tính, trong xóm có quá nhiều cô gái đẹp anh lại chẳng bận tâm, cũng không đem lòng tán tỉnh như mấy thanh niên khác. Điều ấy vô số cô lấy làm tiếc, xem anh giáo là người có giới tính bất bình thường. Nay người ta giật mình khi biết tin sắp cưới nhỏ Nụ. Có người còn ngờ vực chế giễu «Làm gì có chuyện thầy giáo Tâm mà đi cưới con Nụ làm vợ. Chắc do ế chảy thây chẳng ai dám lấy nên tung tin cho bản thân có giá lên xíu vậy mà». Thế nhưng tự dưng họ nhận được thiệp hồng, bên kia sông nhà đàng gái đang che rạp chuẩn bị cho việc nên duyên cau trầu giữa Nụ và Tâm sắp sửa diễn ra trong nay mai. Vậy là đúng không còn nghi ngờ. Có nhiều cô gái trong xóm âm thầm tức tối khi nghe nhắc tới cuộc hôn nhân quá đỗi chênh lệch này. Tức cũng đúng! Vì rõ ràng họ hơn hẳn Nụ về mọi mặt kể cả gia cảnh lẫn nhan sắc, thế nhưng không được anh giáo chọn làm vợ. Họ ganh tị với Nụ cũng phải, bởi giáo Tâm đẹp trai, gia đình thuộc diện khá giả, có cái nghề cao quý đi đâu cũng được gọi là “thầy” một cách đầy kính nể. Chẳng biết lý do gì mà lại chọn Nụ. Một là có vấn đề về thần kinh, nhưng cũng không đúng, nếu vậy thì làm sao có thể đứng bục giảng dạy biết bao nhiêu học trò. Chưa nói đến họ chẳng thấy bất cứ dấu hiệu nào bất bình thường ở anh thông qua lời nói lẫn hành động. Hai là nhỏ Nụ có bùa mê thuốc lú không thể nào lý giải theo cách rất tâm linh huyền bí. Người ta thiên về phương án hai nhiều hơn. Bùa chú là thứ gì đó mà trong số họ chẳng ai được biết tới, chưa bao giờ thấy tận mắt. Mặc dù vậy vẫn cho rằng nhỏ Nụ có bùa, chẳng thể nào đường đường chính chính mà được làm vợ giáo Tâm.
Có một hôm Nụ chèo xuồng qua sông để hái rau, bắt ốc. Thấy cô Ba tan chợ về, miệng ngân nga câu vọng cổ. Chắc là cá đã bán hết nên hôm nay bỗng yêu đời đến lạ. Nụ gọi với theo để thay cho lời chào.
– Cô Ba bán hết cá rồi phải không? Lâu lắm mới gặp nay thấy gọn người ghê. Bà khoái chí cười tủm tỉm, nhất là câu “thấy gọn người ghê” mặc dù tướng tá của bà quá mập mạp, nhưng rất thích nghe người ta nói mình xuống ký ốm lại. Bà lột cái nón lá quạt vào người phe phẩy.
– Mèn đất ơi! Nụ đó hả bây. Sao lâu quá không đem cá cho tao. Khi nào có nhớ mang sang nghe hông? Cô Ba mua sát giá cho. Nè bây nhìn kỹ có gì lạ không? – Bà bỏ cái nón lá xuống, quay một vòng, như sợ che hết thân thể Nụ sẽ không nhìn thấy rõ ràng.
– Cô Ba có bộ đồ mới chứ gì? – Nụ trả lời.
– Bậy nè! Đồ này may nhà con Nhái mấy tháng trước, cũ rồi. Nhìn kỹ lần nữa đi. – Cô Ba tiếp tục yêu cầu.
– À, cái đôi bông tai mới. Chà! Bán cá mà giàu dữ ta. Đổi vàng liên miên. – Nụ nói.
– Đâu phải. Bây nhìn mà không thấy gì hết sao? – Cô Ba tỏ vẻ thất vọng vì Nụ nhìn không ra.
– Con chẳng thấy khác gì. Nếu có thì cô Ba ốm hơn trước. – Nụ nhìn kỹ khắp người bà rồi khẩn khoản nói.
– Đó! nhìn ra rồi. Ốm đi nhiều không con? – Bà nở nụ cười hân hoan tiếp tục hỏi để nhận câu trả lời thích đáng.
– Có! Cô Ba gọn hơn xưa nhiều lắm. Bệnh trong người hay sao mà ốm dữ vậy kìa? – Nụ hỏi mà không cần phải suy nghĩ. Nếu thường ngày câu này nói ra chắc chắn sẽ bị bà chửi cho một trận té nước.
– Quỷ nè! Bệnh đau gì đâu. Tại đang trong quá trình giảm cân. Dậy sớm từ 4 giờ sáng để tập thể dục, tới 6 giờ thì mang cá ra chợ bán. Ngày nào cũng vậy hết đó đa.
– Ốm bớt nhìn cho dễ coi cô Ba ơi. Lúc trước thấy béo phì cứ tưởng bị xơ gan cổ trướng. Nay dáng thon phải biết. Không những ốm mà còn trẻ đẹp ra trông thấy. Kiểu này chú Ba sẽ ghen dài dài cho mà coi.
Bà nghe khoái lấy tay che miệng giấu nỗi thẹn thùng. Nói dậy sớm đi tập thể dục để giảm cân điều này hoàn toàn không có thật. Bởi Nụ dậy rất sớm để hái rau có bao giờ gặp bà tập thể dục đâu. Cũng chẳng xuống ký lô nào mà còn phát thêm ra ú nù, chẳng qua nói để vui lòng vì bà rất muốn được người khác khen ngợi.
– Cô trẻ ra thiệt hả Nụ? – bà hỏi.
– Thiệt mà. Da trắng hơn. Lúc trước màu da cô Ba nhìn như người chết nước! Nhợt nhạt trông khiếp đảm ám ảnh! Y như cái xác năm nào từ đâu trôi về sông mình rồi chú Chín vớt lên cùng bà con khâm liệm chôn cất.
– Đầu cha mày. Không gặp thì thôi, gặp toàn nói chuyện chết chóc, bệnh đau. Thằng nào lấy mày chắc cũng té giếng 2 lần là ít. Thôi tao về, khen được rồi nói chết này chết nọ chi vậy con. Dặn đây! Có cá thì cứ nói một tiếng cô Ba sang mua giá cao cho.
– Dạ! Cô Ba về đi kẻo heo ở nhà đói.
– Vô duyên. Về hay ở liên quan gì tới heo mà đói?
– Dạ! Thì cô không về nấu cơm ăn sẽ đói bụng.
– Vậy mày nói tao là heo đó hả Nụ?
– Dạ…dạ… chết, không phải. Cô Ba làm con rối quá. Ý là cô Ba không về nấu cám cho heo ăn, chúng sẽ đói.
– Con gái con lứa ăn nói chẳng đâu vào đâu hết. Có biết Xóm Bờ Kinh này đồn mày là đứa vô duyên nhất không Nụ? Thôi tôi về, mấy người làm gì đó làm đi.
Bà đội cái thau lên đầu quay lưng đi ngay. Đợi khuất ở trước hàng cây gòn Nụ mới dám hé răng cười. Biết tính của bà, cứ khen ngợi trước tiên rồi nói gì cũng không bị mắng la. Ai thẳng thắn chê này nọ sẽ bị một trận chửi đến ba ngày vẫn còn muốn bịt tai. Bà hung dữ, nhưng chẳng phải là hoàn toàn không có cách chế ngự! Chỉ cần khen đẹp thì việc gì ắt cũng thông.
Xóm Bờ Kinh là những căn nhà sàn nằm san sát nối liền nhau. Chẳng biết tên này có từ khi nào mà được cư dân truyền miệng gọi từ xưa cho tới nay? Nằm đôi bên con sông Hòa Hạ tách ra từ nhánh của dòng Mekong. Xưa, là điểm giao thương tấp nập của các ghe hàng qua nhiều tỉnh thành đến tận các quốc gia láng giềng. Nó ví như con đường tơ lụa thu nhỏ. Ngày nay sông Hòa Hạ không còn dài liền mạch, bị ngăn bởi nhiều con đập chắn ngang chẳng còn xuồng ghe nào chạy liên thông. Hệ thống điện lưới, nước sạch cũng được đưa vào sử dụng! Tuy nhiên còn nhiều hộ gia đình có thói quen làm chiếc cầu ngắn bắc ra giặt giũ, hình ảnh những đứa bé trai trần truồng nhảy tắm đùng đùng trông chúng thật khoái chí. Đó cũng là nét đặc tính của người miền sông nước. Cuộc sống cư dân phần lớn làm nông chiếm chủ yếu, khác với trước đại đa số sống bằng nghề đánh bắt cá vì nguồn thủy sản nơi này dồi dào. Tuy nhiên đến bây giờ còn tồi tại nhưng chỉ là công việc phụ nhằm kiếm kế sinh nhai để cải thiện thêm cho cuộc sống thường ngày. Hồi đó Xóm Bờ Kinh buồn lắm, nhà nhà chỉ leo lắt ngọn đèn dầu, gia đình nào khá giả mới có bình ắc quy phát ra điện, chắc chắn khu vực ấy sẽ sáng sủa nổi bật nhất xóm. Đó là nhà anh giáo Tâm ở đầu sông. Gia đình có cái tivi Viettronic với chiếc đài cassette mua tận Sài Gòn. Hàng đêm người ta tề tựu trước nhà anh như đi xem hát đình. Bên kia sông cũng chèo xuồng qua không bỏ lỡ bất cứ giờ bật cải lương nào. Chiếc tivi trắng đen, khi xem nửa chừng bị nhiễu chỉ toàn là hạt muối tiêu phải lật đật chạy ra xoay cây ăng ten ngay hướng mới có nét trở lại. Thế nhưng, vẫn thu hút người xem, họ mang theo khoai lang chín chấm đường, đậu phộng nấu, có luôn củ mì, mía, chia nhau ăn phục vụ cho buổi coi cải lương. Có bà xem rồi hai hàng nước mắt chảy vì quá nhập tâm trong vở tuồng nào đó. Có anh hát theo nghêu ngao như một nghệ sĩ đang diễn thực thụ ở ngoài đời. Những người bên cạnh bực mình lên mắng mỏ «Im cái miệng ông lại dùm. Không coi thì về để người khác coi. Ai đạp đuôi mà sủa lên om sòm vậy». Anh nọ quê quá đành im lặng tiếp tục theo dõi. Khi vãn tuồng mạnh nhà ai nấy về, họ còn tranh luận bàn tán sôi nổi về tình tiết nội dung, nhân vật, vừa mới được xem qua.
Nhà giáo Tâm thuộc diện giàu có nhất Xóm Bờ Kinh. Cha anh làm nghề mộc, mẹ là chủ bến đò. Được lo ăn học tới nơi tới chốn rồi ra trường hành nghề gõ đầu trẻ cho tới nay. Ban đầu người ta còn tưởng gõ đầu trẻ tức là đánh học trò, một số người thích dùng từ ngữ lạ để nói với những ai chưa biết. Họ nghĩ đánh học trò cũng đúng, vì thầy giáo thì có quyền răn đe giáo dục, nhưng sự thật cụm từ này được dịch ra từ tiếng Tây với nghĩa “nghề dạy học”. Từ đó họ hiểu, ai dùng câu này thì cho rằng đang chọc ghẹo để thử sự hiểu biết về chữ nghĩa cá nhân.
Xóm Bờ Kinh bây giờ đã phát triển khá nhiều, liên tục trúng mùa bởi áp dụng một số kỹ thuật tiên tiến từ các chương trình khuyến nông, đời sống cải thiện đi đáng kể. Ông Bảy lái chiếc xe Dream mới toanh đi ra thăm đồng, áo bỏ vào quần trông rất lịch sự, chiếc điện thoại di động vừa mua cài trên cạp quần gặp ai cũng cởi mở chào hỏi. Mới trúng vụ mía, thương lái đến tận nơi mua mang về công ty sản xuất đường cát. Ông lên đời trở thành đại gia, mục đích bỏ áo vào quần chỉ để khoe cái điện thoại di động với bà con lối xóm. Riêng xe Dream thì chẳng có gì đáng nói vì một số nhà cũng đang sở hữu. Thấy tám Trung đang loay hoay sửa lại cái bình chuẩn bị bơm thuốc cho lúa. Ông gọi oang oang.
– Mày mần gì đó tám?.
– Cha cha, nhìn không ra luôn ta. Ngon lành nghen, trúng đậm vụ mía giờ lên đời luôn. Ghé chơi lát chú Bảy. Con đang sửa cái bình, chẳng hiểu sao đang xịt phà phà lại lên cơn không ra thuốc nữa. Có thể do cái béc, để con xem.
– Trời! Thời buổi này mà còn chơi bình sắt. Mà mày phun thuốc gì đó?
– Dạo này sâu quá chú Bảy ơi. Con đang phun thằng Regent.
– Bởi vậy không bao giờ phát triển nổi. Nghe lời chú Bảy, phun chị “Xinh ghê ta” đảm bảo hiệu quả.
Anh Tám Trung gãi đầu vì làm lúa từ xưa đến nay mà chưa nghe qua loại thuốc này bao giờ. Có anh Tư Được đi ngang qua, anh Tám gọi với theo.
– Rải phân đó hả anh Tư. Nào giờ có nghe thuốc trừ sâu nào có tên là “Xinh ghê ta” chưa?
Tư Được há hốc, quay trở lại hỏi.
– Mày nói thuốc gì Tám?
– Chú Bảy kêu phun chị “Xinh ghê ta” hiệu quả hơn. Mà nào giờ có nghe tên này đâu? Anh có biết hoặc nghe nói chưa?
– Chưa. – Tư Được cũng gãi đầu miệng méo xệch vì tên nghe quá lạ. Hai người nhìn sang phía ông Bảy để chờ lời giải thích.
Ông Bảy đi xuống bờ ruộng nhặt vỏ chai thuốc đã qua sử dụng rồi chìa về phía 2 người.
– Đây nè 2 thằng ông nội. Dốt quá không biết tiếng Tây. – ông Bảy nói.
Hai người đàn ông sáng mắt lên, mỉm cười, tưởng cái gì vì đó là loại thuốc rất quen thuộc họ sử dụng thường xuyên cho lúa.
– À à, là Syngenta mà ông già nói là “chị xinh ghê ta” 2 đứa tôi bó tay với ông.” – Anh Tám nói.
– Thì bả muốn sinh đẻ gì kệ. Tóm lại là nên dùng loại đó. – ông Bảy thấy có chút xấu hổ, vì chính mình mới là người không biết đọc tiếng Tây.
Tư Được nhìn vào chiếc quần đang cài cái điện thoại di động, rồi hỏi ông.
– Trúng mùa xong phát lên ghê hen. Điện thoại mua bao nhiêu vậy chú Bảy?.
– Mấy chục giạ lúa đó con. – Ông Bảy cười khề khà vì chỉ đợi có bấy nhiêu.
Anh Tám Trung lại hỏi tiếp theo lời Tư Được.
– Thế mang ra ruộng có điện được không chú Bảy.
– Cái thằng này. Không được thì tao đem theo chi mày.
Ông Bảy đưa chiếc điện thoại cho hai anh xem, họ xì xào bàn với nhau.
– Công nhận hay nghen ông Tư. Nhỏ gọn, đẹp, đi đâu cũng xài được. Nhà tôi cứ mỗi lần muốn điện đi đâu là chạy qua nhà thằng Kỳ, có ai điện về cũng sang đó nghe ké. Quá bất tiện! Không ấy mùa này tôi với ông mỗi thằng sắm mỗi cái cho có với người ta.
Ông Bảy cười khà khà, anh Tư thì tỏ vẻ thích thú.
– Điện thoại này là nhãn hiệu gì vậy chú Bảy? – Anh Tư hỏi.
– Mua đi. Hiệu “NÓ KÌA” đó con.
Hai anh tiếp tục cau mày vì hiệu quá lạ. Từ lúc cha sanh mẹ đẻ cho tới nay lần đầu tiên nghe có cái nhãn điện thoại kỳ lạ như vậy. Tiếng kêu nghe cũng vui tai, nhất là âm thanh chỉ tiếng đàn không hề có ai hát. Màn hình thì cũng như chiếc tivi trắng đen mà hồi đó cả 2 anh đều xem ở nhà giáo Tâm. Anh Tám Trung nói.
– Để con xịt thuốc xong rồi mình lai rai vài xị nghen chú Bảy. Thằng Đạt có hứa cho vài con cá lóc nướng trui nhậu chơi. Tụi nó đang tát đìa ở nhà anh Chín Đờn Cò. Mồi có sẵn, chỉ thiếu rượu, chú Bảy về trên đó mang xuống đây mình sương sương hen.
– Cái gì chứ món cá lóc nướng trui tao khoái phải biết. Đi chi bây. Có điện thoại làm để gì, điện về kêu bà Hai đong rượu rồi lên lấy. – ông Bảy nói.
– Thôi mệt quá, lấy le làm màu hoài. Đằng nào cũng phải đi mà. – anh Tư Được nói.
– Kệ nghen mày. Hai đứa tranh thủ phun thuốc cho xong sớm. Tao quay lại là nhậu liền. Thằng nào lề mề cho thẻ đỏ ra sân.
Mạnh ai nấy làm việc, một lát xong họ tập trung lại gốc cây me nước. Anh Chín Đờn Cò cũng có mặt tham gia bữa nhậu. Anh dằm chén mắm me mang ra bốn con cá lóc to tướng. Chặt cây vuốt nhọn đâm xiên từ miệng đến đuôi rồi cắm xuống đất phủ rơm lên đốt. Mồi chín đặt trên tàu lá chuối đã lót sẵn. Vài nơi cháy đen lấy cây cạo bỏ lớp, vạch cá ra thịt trắng tinh còn nóng hổi bốc khói. Anh có biệt danh Chín Đờn Cò chẳng phải là biết đờn vọng cổ. Chỉ là mang chứng bệnh thường xuyên nổi mề đay, những lần ngứa ngáy hai tay gãi như điên, cái tên ấy cũng theo anh kể từ đó.
Rượu vào lời ra, ngồi nghe chú Bảy quăng lựu đạn các anh cảm thấy khó chịu nhưng chẳng ai dám phản bác. Phần nể lớn tuổi, thêm nữa mọi người trong bàn nhậu chẳng ai có cuộc sống khá giả như chú hiện giờ, điện thoại di động, thêm con xe Dream mới mua vài ngày trước, trúng mùa được giá trong bốn năm liên tục. Vì lẽ đó chú tha hồ dạy cách làm nông cho bất cứ ai khi gặp mặt. Nổ tung trời cũng chẳng có người nào dám cãi cùn lý sự. Thật ra chú Bảy hên chứ chẳng phải là hay, lần đó cũng có dự định trồng lúa như mấy năm trước. Ban đầu đặt mua giống từ một người trên huyện, oái oăm thay sắp tới ngày ngâm chuẩn bị xạ thì nhận được tin báo giống không đủ cung cấp vì còn chia sớt cho người em cột chèo, chỉ còn lại phân nửa, dặn chú nên tìm thêm nửa còn lại. Cận ngày, làm gì ai còn giống mà mua. Chú Bảy đứng ngồi không yên, hết cách đành bỏ mùa này không lúa má tập trung vào trồng mía. Việc chọn mía để làm cũng vô cùng ngẫu nhiên. Một lần chú qua sông ngoài đi đám giỗ thấy người dân đa số trồng mía, thế là về áp dụng theo. Vậy mà trời thương, năm ấy lúa bị thất mùa nặng nề do vàng lùn xoắn lá, đạo ôn, lép hạt, gây nên. Người nông dân cả xóm khóc ròng, riêng chú chẳng ảnh hưởng gì, ngược lại được giá cao vì bán cho thương lái mang về làm đường cát. Ăn nên làm ra kể từ ấy.
Anh Tám, anh Tư thấy tức vì trong lúc nhậu liên tục bị chú Bảy giễu cợt. Tàn cuộc họ bàn với nhau giá nào cũng phải mua cho bằng được chiếc điện thoại có nhãn hiệu “NÓ KÌA” để lên đời với thiên hạ. Chiều đó 2 anh đến nhà giáo Tâm để hỏi giá cả, là người trong xóm sử dụng điện thoại cầm tay đầu tiên nên biết khá rành rẽ. Họ đến trong cơn say ngà ngà, thấy giáo Tâm đang ngồi viết cái gì đó rất tập trung. Anh Tư Được gọi to.
– Anh giáo đang làm cái gì đó? Lại nhà con Hoa uống cà phê với chúng tôi. Có chuyện nhờ thầy đây.
Giáo Tâm bỏ cây bút xuống, rời chiếc ghế bước ra phía trước.
– Anh Tư, Anh Tám đi đâu mà ghé qua đây. Cà phê cà pháo gì giờ này, có chuyện gì vào nhà uống trà rồi mình nói.
Hai người cùng bước vào một lượt. Giáo Tâm kéo ghế cho khách ngồi. Nhìn từng người.
– Nhậu ở đâu mà sớm dữ vậy hai ông thần. Anh Tư với anh Tám đến tìm em có chuyện chi không? – Nói xong giáo Tâm rót trà vào ly, đẩy về phía 2 anh.
– Tôi mà hôm nay không gặp anh Giáo thì chỉ có nước tức mà chết quá thôi. – Anh Tám nói.
– Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy anh Tám? – Giáo Tâm hỏi.
– Ông Bảy mới nhậu với tôi xong. Đi đâu cũng màu mè khoe cái điện thoại mới mua nhìn phát ghét. Hai đứa tôi cũng muốn mua. Vậy giá tiền một cái bao nhiêu hả anh giáo?. – Anh Tám hỏi.
– Thật ra cái của chú Bảy đang xài là em chỉ nơi mua. Điện thoại bây giờ có nhiều loại. Anh Tám với anh Tư muốn hỏi loại nào?
– Cái loại “NÓ KÌA” đắt không anh giáo. – Anh Tư hỏi ngay.
– Trong các loại điện thoại đâu hiệu nào có tên là “NÓ KÌA” như anh Tám với anh Tư vừa nêu đâu – Giáo Tâm gãi đầu như không hiểu họ đang hỏi vấn đề gì.
– Thầy cứ thấy chúng tôi không biết gì rồi ghẹo. Cái của anh giáo xài có nhãn là “NÓ KÌA” chứ còn gì nữa. – Anh Tư nói.
– À à… cái này có tên là NOKIA, một hãng của Phần Lan sản xuất. – giáo Tâm đã hiểu ra nguyên nhân. – Anh lấy chiếc điện thoại chỉ tay vào dòng chữ cho hai người xem kỹ.
– Nó, nó cái gì mà A. Đâu anh giáo đọc chậm lại cho tôi nghe coi nào. – Anh Tư đề nghị.
– Chỉ 3 chữ thôi: Nô Ki A. – Giáo Tâm đọc lại theo yêu cầu.
– Nó Kìa À. – Vậy mà ông già Bảy cứ đọc sai tên tiếng Tây. – Anh Tám cười rồi nói.
– Anh mới đọc sai luôn đó anh Tám. Chỉ có 3 chữ thôi. Nô Ki A, không phải Nó Kìa À. – Anh giáo Tâm nhắc lại.
– Nô Ki A. – Cả 2 người cùng đọc theo anh giáo.
– Đúng rồi. chỉ có như vậy. Đừng nghe chú Bảy, ổng cũng không rành đâu, vì mới mua chỉ có được 3 ngày. Giáo Tâm nói.
– Chán chả ghê. Thuốc trừ sâu Syngenta thì đọc là “Xinh ghê ta” – Anh Tám nói.
– Được rồi, khi nào hai anh muốn em dẫn ra huyện mua. – giáo Tâm cười vì câu đọc sai của chú Bảy.
– Ví dụ mua về có ra đồng ruộng điện được không anh giáo. – Anh Tư hỏi.
– Ở đâu cũng được, sóng phủ khắp nơi. Miễn có tiền là điện thoải mái.
– Thầy lại chọc ghẹo chúng tôi nữa. Tiền thì lúc nào trong túi chẳng có, không nhiều thì cũng ít chứ. – Anh Tám nói.
– Không phải tiền giấy, mà trong chiếc sim phải có tài khoản. Khi hết nạp Card mới có thể điện được. Mà thôi, cứ mua về em sẽ hướng dẫn thêm. Dễ xài lắm.
– Thôi bỏ đề tài điện thoại qua một bên. Thằng cu Beo nhà tôi học hành thế nào vậy thầy? – Tư Được hỏi.
– Ôi cháu ngoan ngoãn lắm, tiếp thu rất nhanh.
– Nó có phá phách lì lợm thì thầy cứ lấy roi mà vụt vào mông cho tôi.
– Thời buổi bây giờ ai mà lại đánh học sinh như ngày xưa nữa anh Tư.
– Ủa, nay thầy giáo không đi vận động con nít nhập học nữa sao? – Anh Tám hỏi.
Có chứ! Em tính viết xong lá đơn cho cô Thủy vụ tranh chấp đất đai rồi đi ngay. Nhưng thấy 2 anh ghé chơi nên nấn ná ở lại tiếp chuyện. Lát nữa em lấy xuồng máy ra sông ngoài để khuyên phụ huynh cho con em được đi học.
– Vất vả cho thầy quá. Chữ nghĩa Xóm Bờ Kinh này phụ thuộc vào thầy hết đó nha.
– Anh Tám nói hơi quá rồi, thế hệ sau chúng cũng được đi học thì lo gì chuyện chữ nghĩa.
– Lại quán cô Hoa uống cà phê với chúng tôi rồi hẳn đi. Tôi bao.
– Thôi để em đi chiều lắm rồi. Về tới nhà chắc trời cũng tối. Hôm nào mời 2 anh ghé quán cô Hoa.
– Coi bộ cô Huệ khoái thầy lắm đó nghen. Thầy cứ lo việc học cho sấp nhỏ nên không để ý chứ anh em tôi thấy rõ ràng lắm à nha. Ngày nào mà thầy không đi ngang qua, trông cái mặt cô Huệ buồn tới tội nghiệp đáng thương. – Anh Tám nói xong lấy tay vỗ vào đùi cái đét cười ha hả.
– Lấy vợ đi anh giáo cho chúng tôi uống rượu mừng. Anh mà gật đầu một cái là cô Huệ ưng ngay. – Anh Tư nói.
– Cũng sắp rồi! Lúc đó hai anh tha hồ mà say sưa. – Giáo Tâm nói.
– Anh giáo cưới nhỏ Huệ là xứng quá còn gì, trai tài gái sắc, xóm bờ kinh này chẳng ai được như vậy. – Anh Tám nói.
– Đâu có! Em lấy con Nụ chứ?
– Nụ nào? Xóm mình đâu có ai tên Nụ. Đừng nói nhỏ Nụ con bà Sáu Quý nha?.
– Thì nó chứ còn ai vô đây nữa.
– Cái gì! Anh giáo lấy con Nụ làm vợ. Tôi có nghe lầm không vậy. – cả hai anh há hốc mồm.
– Tới ngày đó sẽ biết ngay thôi mà. – Giáo Tâm đáp qua loa.
Họ bỏ qua vì cho rằng giáo Tâm đang chọc ghẹo cho vui. Nói xong cả 3 rời khỏi nhà. Giáo Tâm ra bờ sông xuống xuồng chuẩn bị đi. Anh Tư và anh Tám lại quán cô Hoa uống cà phê. Xóm Bờ Kinh chỉ có một quán nước duy nhất. Từ lúc thằng Chỉnh cưới cô Hoa người xứ Gò Công về đây sống rồi mở ra cái quán nhỏ. Gọi là quán chứ chỉ có vài cái ghế trong một căn chòi tạm bợ bên hông nhà, mà nơi ấy trước kia là kho chứa lúa. Mỗi ngày chỉ lay lắt một vài thanh niên trong xóm ghé vào, người lớn chẳng có một ai vì dân miền sông nước không có thói quen ngồi quán. Nhưng từ lúc có cô Huệ quán trở nên đông đúc, hầu như thanh niên nào cũng tìm tới đó ngồi đến mấy giờ đồng hồ. Thậm chí nhiều anh đã lập gia đình cũng tập tành đi uống cà phê, trước đó không hề có thói quen này. Nhiều bà vợ lườm nguýt ghen tuông vì chồng tối ngày quanh quẩn nơi quán xá hơn là ở nhà. Các bà muốn Huệ lấy chồng, hoặc về quê cho khuất mắt, chứ mãi cái cảnh này thì thật khó chịu vô cùng. Huệ có mặt trong xóm bởi lý do sau:
Từ lúc Hoa mang thai sắp sanh thì Huệ từ Gò Công xuống để đỡ đần việc nhà, đồng thời phụ anh chị trông lo em bé. Huệ đẹp lắm, hơn cả chị Hoa. Nước da trắng như bông gòn, thân hình đẫy đà, giọng nói rất quyến rũ thu hút, đặc biệt hơn nữa ăn mặc quá tân thời. Quần áo bó sát, làm nổi bật phần ngực và mông mỗi khi khom cúi, tóc thì buông xõa, môi thường xuyên đỏ thắm. Có một điểm nữa làm các chàng trai ngây ngất là thường õng a õng ẹo trước mặt bất cứ thanh niên nào. Khi nói chuyện thì từ đầu và chữ cuối Huệ hay kéo dài lê thê. Ví dụ:
– Anh…….ơi…..Uống cái gì…….nà. – Rồi vuốt tóc uốn éo, những cử chỉ nóng như lửa. Cố ý đứng tạo dáng khoe đường cong, nhất là vùng mông và ngực.
Những lần như thế các chàng trai chỉ muốn đi tù ngay lập tức. Bao nhiêu cô gái trong xóm đều lép vế trước nhan sắc của Huệ. Có người ganh ghét vì đã mê hoặc biết bao nhiêu đàn ông, trong đó có cả chồng của mình. Cũng có nhiều cô gái ngưỡng mộ bắt chước theo phong cách tân thời đó. Đặt may những bộ đồ bó sát cố ý để hở bầu ngực ra trước bàn dân thiên hạ, sơn móng tay móng chân, son môi, õng ẹo khi nói chuyện. Tất cả đều bị mẹ cha quất cho vài cây roi cho rằng hư thân mất nết, thế là kinh tởn từ bỏ ý định theo đọ sắc với Huệ. Thôi đành để Huệ đứng nhất mà không có bất cứ lý do nào để làm nổi trội hơn. Không chịu thua sao được, khi nghe những câu mắng chửi quá cay nghiệt từ mấy ông bà già.
«Con gái con lứa ăn mặc y như mấy dạng nhà thổ làng chơi. Tao đẻ mày ra đâu có cà lăm mà lại giả cà lăm chi vậy? Ra đường thấy đứa nào cũng như đứa nấy, phát gớm. Coi cái gương nhỏ Nụ mà học hỏi, nó có đua đòi giống tụi bây không?. Đem những bộ đồ hở hang đốt sạch hết. Tao mà còn thấy mặc thêm bất cứ lần nào thì đừng có trách». Ôi, con nhỏ xấu nhất xóm mà nay trông mắt các ông bà già lại có điểm tôn vinh cao chót vót, hơn hẳn người khác. Chuyện không thể tin, chẳng biết trong mắt các lão, Nụ đẹp ở chỗ nào?. Không lẽ phải dơ bẩn lem nhem bùn sình, ăn nói vô duyên thì đó mới gọi là đẹp hay sao? Nhưng thôi chiều theo ý, nếu cãi thì lại bị ăn cây là điều không thể nào tránh khỏi. Biết Huệ đến đây sẽ có vô số chàng trai để ý nên vợ chồng Chỉnh canh giữ chẳng thua gì báu vật. Nhiều khi có người thì tốn thêm khẩu phần ăn, nhưng Chỉnh chẳng muốn cho em vợ về quê, có Huệ ở đây quán càng đông khách, tiền thu nhập hàng ngày cũng nhờ vào đó mà ra. Huống gì nhờ em vợ mà Chỉnh có vô số lợi ích, nhất là lợi dụng mấy thanh niên trong xóm để phục vụ cho công việc của mình. Có một hôm thằng Tấn, Thằng Minh đang ngồi uống cà phê trò chuyện với Huệ, Chỉnh lật đật đi ra kêu vào trong không cho tiếp tục pha trò. Chỉnh nói khẽ với 2 thằng.
– Nói thiệt, thương hai thằng bây lắm, nhưng tao chỉ có một em đứa em vợ. Thôi thì thằng nào được nó chấm điểm cao, tao sẽ gả cho thằng đó. Ngày mai 2 đứa tới đây khiêng đất để đắp nền, đứa nào siêng năng được Huệ khen thì cứ việc tiến tới. Tao chỉ tạo cơ hội riêng cho 2 đứa bây, tuyệt đối không được nói lại với ai.
Thế là qua ngày sau, 2 thằng ra sức khiêng đất. Tụi nó làm việc cực như con trâu mà không một lời dám than vãn. Chỉnh mà không vừa lòng thì cũng đồng nghĩa Huệ chẳng ưng. Phải cố gắng hết sức mới mong muốn có được người đẹp trong nay mai. Chỉnh khôn khéo biết nắm bắt tâm lý rất nhanh, thấy thằng nào có ý định bỏ cuộc, gã tiến tới kéo tay dắt ra một nơi nào đó rồi nói nhỏ vào tai.
– Hình như nhỏ em vợ tao nó thích mày thì phải đó Tấn. Cứ nhắc suốt. Nói thiệt, tao muốn mày làm cột chèo hơn là thằng Minh. Nhưng đừng nói cho biết. Nó sẽ buồn rồi thất vọng thì tội nghiệp lắm.
Tấn nghe xong hớn hở, hình như bao nhiêu cái mệt nhọc đã tiêu tan anh tiếp tục lao đầu vào làm việc như một cái máy. Rồi đến lượt thằng Minh chán nản muốn nghỉ, nhà có bao nhiêu việc nó còn không làm, lại đến đây ra sức không công cho thiên hạ mà chưa chắc gì Huệ đồng ý lấy làm chồng. Nó quăng cây cuốc sang một bên rồi nói.
– Tôi về ông ơi, để tối còn đi giăng lưới.
Chỉnh lại cặp kè dẫn ra một nơi khuất rồi vô đề.
– Ừ thôi mày về đi. Chứ Huệ thấy mày cực khổ nó xót rồi bực lên la tao. Lúc ấy không biết nói sao cho nó hiểu. Vì làm là mày tự nguyện chứ có ai bắt buộc gì đâu. Vậy đó mà con nhỏ cứ nói như là tao ép không bằng.
Minh nghe thấy vậy mắt sáng lên, cũng giống như thằng Tấn đã quên hết cực nhọc. Nó vừa thở hổn hển hỏi liên tục.
– Vậy là Huệ để ý tới tôi hả ông?
– Tao đâu có biết nó để ý ai. Chỉ trích lại câu nói của Huệ khi thấy mày làm việc hăng say. Nó nói thấy anh Minh tội quá, siêng năng giỏi giang, ước gì lấy được người chồng y chang vậy. Thôi thì mày muốn biết nó thích hay không cứ vào mà hỏi thẳng.
Dĩ nhiên thằng Minh sẽ không dám vào hỏi, Chỉnh thừa biết như thế. Chỉnh nói thêm lời sau cùng rồi chắp tay sau lưng bỏ đi.
– Thôi mày về để tối còn đi giăng lưới. Còn mình thằng Tấn ở lại. Ôi tao cũng chẳng biết tính sao cho phải đây. Thôi đành xin lỗi mày vậy?
Thế là Minh không về mà tiếp tục làm việc. Chỉnh quay lại dặn dò.
– Chuyện nhỏ em vợ có khoái mày hay không thì tự suy nghĩ sẽ thấy. Tại sao nó không xót thằng Tấn mà lại đi xót mày. Nhưng đừng nói cho Tấn biết, mất công buồn khi biết Huệ không thích hắn.
Cứ thế hết thanh niên này đến thanh niên khác bị Chỉnh lợi dụng như tương tự. Công chuyện thường ngày của Y đều có người làm thay. Từ việc nhà đến đồng áng, Y chưa bao giờ đụng tay tới bất cứ thứ gì từ lúc có em vợ về nhà. Chưa nói Chỉnh được ăn nhậu thoải mái, cà phê, thuốc lá luôn có người bao lo chu đáo. Thanh niên cung phụng cho Y với mục đích duy nhất là chiếm được cô Huệ, đạt thành công rồi thì Chỉnh chả là cái gì trong mắt của họ. Y cũng biết thế, nên luôn nói vòng vo kéo dài làm đám trai phải luôn đặt kỳ vọng vào, bằng các câu nói không rõ ràng điển hình: “chưa biết, chắc có thể, hình như, tao cũng thấy vậy mà chẳng biết đúng không, hay là….”
Như hôm nọ thằng Tuấn vác phân ra đồng để rải cho gã. Bao phân 25kg trên vai đi một đoạn khá xa thấm mệt nó bỏ xuống ngồi thở dốc. Y bước tới trách móc.
– Có cái bao phân thôi mà cũng thở như chó há mỏ. Trai tráng kiểu này thì chết rồi. Phải giỏi giang lên thì con Huệ nó mới ưng. – Chỉnh chắp tay sau lưng chẳng khác gì người chủ với đầy tớ.
Tuấn thấy bực bội vì phải làm vô số việc không công cho gã mà chẳng có lấy một lời khen dù là khiêm tốn. Mới hôm qua vừa trét chiếc xuồng xong, nay lại mang phân đi rải. Hôm nọ thì đốn cây để sửa lại cái quán. Tuy ấm ức nhưng Tuấn chẳng dám nói nửa lời, nếu không phải là anh vợ của Huệ chắc đã đấm nát cái bản mặt điếm đàng ba xạo của gã ra. Nhưng một khi cưới Huệ về làm vợ thì 100 thằng Chỉnh nó cũng bẻ cổ như chơi. Thôi đành nhẫn nhịn làm nô lệ để gã sai khiến, khi nào có Huệ trong tay thì mọi chuyện tính sau. Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn kia mà.
Hôm trước Chỉnh bơi xuồng qua sông, thấy thằng Kỳ thu dớn bắt được mẻ cá to. Gã gọi với theo.
– Có cá lóc không Kỳ. Chia tao vài con để về nấu cháo rau đắng cho con Huệ ăn. Nó thèm mấy ngày nay.
Kỳ nghe tới Huệ thì phấn khích hẳn lên, cơ hội làm quen với người đẹp lại đến.
– Có, có, chia với chác gì. Ông muốn bao nhiêu cứ lấy về mà nấu. Nhắn với cô Huệ tôi tặng để bồi bổ.
Gã tấp xuồng vào lựa những con cá to nhất. Chỉ chừa lại vài con bé tí cho Kỳ. Bị mất một số cá khá xót, nhưng Kỳ vẫn vui. Gã nhìn gật đầu ưng ý.
– Thôi, bấy nhiêu đây đủ rồi. Con Huệ nó nhắc mày sao lâu quá không thấy ghé quán. Ôi cái con nhỏ, bao nhiêu người không nhắc chẳng hiểu sao lại nhắc chỉ mỗi mày, chắc có gì rồi đây. Nè nói thiệt nghen, cột chèo tương lai tao chỉ chấm có mỗi mày thôi đó.
Kỳ nghe thấy mùi tai. Có mất hết sạch cá cũng mừng chứ nói chi vài con. Anh cười tươi đáp gọn gàng.
– Tối qua. Nói thiệt chứ tôi khoái nhỏ Huệ lắm. Ông nhớ nói vô giúp nghen.
– Ừa! Thôi tao về. Tối nhớ qua ủng hộ quán nghe mày, rồi tao nói vô cho.
Gã bơi xuồng đi vừa cười khề khà nói thầm trong bụng “mơ đi con”. Đấy, từ lúc em vợ tới đây Chỉnh có quá nhiều lợi ích, đó cũng là lý do mà Y không muốn để Huệ về Gò Công. Chính Huệ cũng chẳng muốn về vì đã phải lòng anh giáo Tâm từ hôm đó mất rồi. Có một lần anh giáo đi vận động phụ huynh cho con em tới trường. Về nửa chừng gặp trời mưa phải tấp vào quán của Chỉnh uống cà phê đợi hết mưa sẽ chạy xuồng về. Huệ biết anh từ đó! Một người đàn ông hết sức đặc biệt vì hoàn toàn không nhìn chằm chằm vào cô biểu lộ sự thèm khát ham hố như những thằng thanh niên khác. Mặc dù cô đang mặc chiếc áo lộ ra bầu ngực căng tròn, tươi mát đầy gợi cảm, cố tình cúi, cố ý khoe trước mắt. Nói lời mật ngọt khiến con ruồi cũng phải chết, thế nhưng anh giáo vẫn vững như kiềng ba chân, thậm chí không bận tâm tới. Chẳng biết anh có phải là đàn ông hay không? Nhưng đó lại là điểm nhấn Huệ thích từ lâu mà chẳng biết tìm đâu cho ra. Cô lấy ghế ngồi cạnh, giả vờ hỏi vu vơ cho có chuyện.
– Trời mưa lớn quá ha?.
Giáo Tâm chẳng trả lời mắt hướng về bên kia sông. Huệ phải đổi câu hỏi.
– Nhà anh có ở gần đây không?
– Cô hỏi tôi hả? – anh giáo quay ngang, có chút giật mình.
– Mèn đất ơi. Ở đây có 2 người không hỏi anh chẳng lẽ em hỏi ma. Cái anh này thiệt là….
– Xin lỗi cô vì tiếng mưa lớn quá nên không nghe rõ. Nhà tôi ở đầu sông.
Giáo Tâm trả lời rồi im bặt, cũng không hỏi lại bất cứ câu gì, mặc dù cô đang chờ điều đó xảy ra.
– Anh đi đâu mà ghé đây? – Huệ hỏi.
– Tôi đi vận động kêu gọi một số phụ huynh cho con em đến trường để học. Khi về bị mắc mưa nên tạt vô luôn.
– Ôi! Hóa ra anh chính là thầy giáo làng mà người ta hay nhắc. Ban đầu nghe 2 từ “ông giáo” tưởng đâu đã có tuổi. Khi gặp mới thấy khác xa một trời một vực. Không những trẻ mà còn đẹp trai, ăn mặc cũng quá chỉnh tề. Nhìn có khí chất của một nhà giáo trí thức ngay.
Thay vì nói cảm ơn cho lời khen thì giáo Tâm lại tiếp tục im lặng. Cũng không hỏi han gì đến Huệ. Chỉnh bước ra gọi cô vào. Thấy cô nói chuyện quá say sưa sợ em vợ phải lòng anh giáo. Mà được vậy thì tốt chứ sao? Điều này biết bao nhiêu đứa con gái trong xóm hằng mong. Chỉnh lại không muốn, vì Huệ đang làm mồi nhử để lợi dụng một số thanh niên. Nó sẽ chẳng còn tác dụng khi tất cả mọi người đều biết Huệ đã có ý trung nhân. Mặc cho Chỉnh gọi đến lần thứ hai, cô nhất quyết không chịu trở vô. Ngồi lại tiếp tục nói chuyện với anh giáo khác với những lần trước anh rể gọi thì Huệ răm rắp nghe theo.
– Anh giáo năm nay bao nhiêu tuổi rồi? – Huệ hỏi.
– Thưa cô! Tôi 26.
– Đừng dạ thưa. Anh lớn hơn em 3 tuổi đó.
– Sao anh Chỉnh gọi vào ăn cơm mà cô lại chưa vô. Thôi cô vào ăn đi kẻo anh chị chờ. Tạnh mưa xíu nữa tôi về.
– Ăn lúc chiều rồi chứ đâu giờ này.
– Thế mà tôi lại nghe anh Chỉnh gọi ăn cơm. – anh giáo nói.
– Thôi kệ đi, đừng bận tâm tới. Anh giáo có vợ chưa….nè?.
Cô kéo dài từ “chưa” và kết thúc bằng chữ “nè”. Nói xong cô chớp chớp mắt, hai bàn tay vuốt vào nhau như một nỗi thẹn thùng đặc trưng vốn có. Tuy nhiên anh giáo chẳng quan tâm.
– Thưa cô! Tôi sắp có.
Huệ cảm thấy hụt hẫng khi nghe qua.
– Không biết ai có được diễm phúc lớn làm vợ anh giáo….cà?
– Chúng tôi cũng mới quen đây thôi. Định xong vụ mùa sẽ tổ chức cưới.
– Chắc vợ đẹp lắm. Em đoán cũng là cô giáo nên mới lọt vào mắt xanh của anh, đúng không nè.
– Không phải. Vợ tôi không có nhan sắc, cô ấy cũng trong Xóm Bờ Kinh. Làm công việc bình thường thôi.
– Là ai ta? Sao em chẳng nghe nói gì hết.
– Là nhỏ Nụ.
Cô ngạc nhiên miệng chữ o khi nghe giáo Tâm nói. Cho rằng anh chỉ nói đùa chứ làm gì Nụ mà có vé lọt vào mắt thầy giáo. Ai cô không biết riêng Nụ thì đâu còn xa lạ, ngày nào cũng thấy xách cái thau đi hái rau, mò cua, bắt ốc ở trước sông nhà mình. Mới đây nhất Chỉnh có mua rau đắng do chính Nụ mang qua nhà. Cô cũng được nói chuyện xã giao đôi câu. Chẳng lẽ mẫu người con gái anh giáo thích là phải bẩn bẩn dơ dơ, da đen thui đen thủi như màu cà phê mà anh đang uống hay sao?.
Chắc là đang chọc ghẹo. Cũng ghê gớm chứ bộ, coi lịch sự nghiêm chỉnh vậy mà cũng hóa ra nhiều chiêu lắm trò. Hiểu ra vấn đề, cô bắt đầu uốn éo lẳng lơ, cố tình sửa lại cái áo ở vị trí trước ngực, đưa ngón tay lên môi chà qua chà lại, sự quyến rũ chết người. Anh giáo bắt đầu nhìn cô chằm chằm! Thấy sự gây mê vũ khí lợi hại của phụ nữ đã có tác dụng đang ngấm từ từ vào đôi mắt đối của phương. Cô làm những động tác linh hoạt, nhanh nhẹn, nóng bỏng hơn. Nhưng Huệ bỗng nhiên dừng lại khi nghe câu hỏi quá hụt hẫng từ giáo Tâm.
– Cô đang bị muỗi chích hả?
Huệ cứng họng lúng túng không biết trả lời thế nào khi mê hồn trận đã giăng ra nhưng đối tượng vẫn ung dung hoàn toàn không dính dù chỉ là chút ít nho nhỏ. Huệ ngượng ngùng lắp bắp trả lời.
– Dạ…dạ… mưa nên muỗi nhiều. Nó chích khắp người em. Anh giáo xem trước cổ đã đỏ hết rồi đây.
Cô vớt vát câu cuối mục đích để giáo Tâm nhìn vào bộ ngực đang căng tròn phổng phao. Nhưng lại thêm một lần nữa thất vọng, khi nhận được sự hồi đáp.
– Cũng thấy muỗi nhiều thiệt! Thôi cô vào mùng ngủ đi. Trời đã tạnh rồi, xin phép tôi về.
Huệ đứng chưng hửng chẳng biết phải nói gì. Vậy là sao? Gã này có phải là đàn ông thực sự hay không? Cô đã tung ra tuyệt chiêu có khối thằng ngã ngửa, riêng tên nhà giáo vẫn trơ mặt ra như chẳng hề có gì. Hay tại chiêu thức gợi tình của cô chưa đủ sức thuyết phục một người đầy mẫu mực như Tâm. Huệ đứng thẫn thờ trông theo cái dáng của anh vừa xuống tới xuồng chuẩn bị nổ máy rời đi! Ôi thất vọng tràn trề, cô tặc lưỡi thở dài.
Từ dạo đó Chỉnh biết chắc chắn em vợ mình có tình ý với anh giáo làng. Phải tìm cách thoái thác ngăn cản không để cho sự việc đi quá xa, gã nói.
– Ông giáo Tâm sắp sửa cưới vợ. Công nhận nhỏ Nụ có phước ghê. Xóm Bờ Kinh có biết bao nhiêu đứa con gái nhưng giáo Tâm chẳng để mắt tới ai. Tự nhiên lại dính ngay con Nụ. Đúng là duyên số không hẹn cũng tới tìm.
Gã nói huyên thuyên mục đích cho Huệ nghe. Mặc dù Chỉnh là người đầu tiên trong xóm không tin vào chuyện Tâm sẽ cưới Nụ làm vợ. Muốn lấy hoàng tử làm chồng thì ít ra Nụ cũng phải được như công chúa, tình yêu lọ lem chỉ trong chuyện cổ tích dân gian làm gì có thật như ngoài đời. Chỉnh từng nói như thế trước bàn dân thiên hạ, nay lại tráo trở lật ngược nhằm thay đổi thế cờ. Gã cố giấu nhẹm việc em vợ thương thầm giáo Tâm nhưng chẳng hiểu sao đám thanh niên lại biết rầm rộ. Có lẽ chúng tới uống cà phê rồi nghe Huệ nhắc mãi về anh giáo. Sinh nghi dò hỏi, kết quả là thật 100% do người trong cuộc xác nhận. Đám trai làng tỏ ra cay cú, chẳng phải bực tức anh giáo hay cô Huệ, mà đúng hơn là với Chỉnh. Đã làm bao nhiêu việc cho gã, nhưng lại nhận về kết quả chỉ đúng con số 0, thật cay đắng dại khờ.
Từ đó gã chính thức mất đi cơ hội lấy em vợ ra để trục lợi. Tuy nhiên chúng vẫn tới quán cà phê đều đặn vì Huệ chưa chính thức là vợ của anh giáo. Đúng luật nghĩa lý của cuộc đời là “đồ nào cúng cho ra cúng – đồ nào ăn thì nên ăn” nhưng Huệ chưa thuộc về giáo Tâm, vì thế họ có quyền tới kiếm ăn tán tỉnh. Huống gì chưa nghe bất cứ lời xác minh nào của anh giáo là đang hẹn hò cùng nhỏ Huệ. Ai hỏi thì luôn nói miệng “không có, cô gái ấy không phải là đối tượng để tôi se duyên trăm năm. Vợ tôi là cô Nụ kia kìa”. Người ta biết anh giáo nói đùa chứ sự thật là đang hẹn hò với Huệ, tại anh ngại nên không thú nhận mà thôi. Nhưng chẳng ai dám khẳng định anh cũng yêu Huệ. Bởi rất hiếm khi ghé quán để gặp mặt tâm tình với người yêu. Hầu như chẳng ai thấy giáo Tâm lảng vảng ở đó. Từ ấy đúc kết ra rằng cô yêu anh là sự thật nhưng chưa chắc anh nhà giáo cũng yêu lại cô. Vậy thì rõ ràng đám thanh niên vẫn chưa hết cơ hội, từ nay về sau chúng có thể tới tỏ tình trực tiếp với Huệ mà không cần phải bị Chỉnh dắt mũi như trước đây.
Thằng Tạo dắt con trâu từ ngoài đồng trở về. Thấy trên đường đê cái dáng của Huệ đang đi vội vã, bộ ngực nhún nhảy theo mỗi nhịp bước, cái mông lắc qua lắc lại đều đặn trông hấp dẫn làm sao. Vừa nhìn Tạo đã thấy rạo rực trong lòng, cứ như là người phụ nữ đang có chửa thèm chua. Nó đi gần tới gọi to.
– Huệ… Huệ. Nay em qua đâu mà có một mình vậy nè. Thường ngày thấy đi chung với chị Hoa hoặc anh Chỉnh. Nhưng sao nay…?
– Em đi mua thuốc cho anh hai. Mới lên cơn sốt. Chị Hoa ở nhà trông con với bán quán nên phải đi một mình.
– Anh Chỉnh bị bệnh hả? Có nặng lắm không em? – Thằng Tạo giả vờ hốt hoảng lo lắng, cũng làm mặt buồn cho trọn vai diễn để đúng với thủ tục thăm hỏi người bệnh. Ghét Chỉnh đến tột cùng chỉ muốn đấm vào mặt để gãy vài cái răng cho hả bụng hả dạ, thế mà giờ làm như thân thiết tình nghĩa lắm vậy. Mà thật từ lúc Huệ về xóm Chỉnh trở nên dóc xạo. Có cô em vợ tươi mát trong tay thì cái mặt vênh váo vì biết có khối thằng đang khát thèm muốn sở hữu tức thì. Nó như một bảo bối giúp Chỉnh trở thành nhân vật chính khiến người ta phải kiêng nể, rồi làm theo ý mình. Tất cả đều phải thông qua Chỉnh.
Việc Chỉnh bị bệnh chẳng có chút liên quan gì tới Tạo, mừng nữa là đằng khác. Thậm chí gã chết luôn thì càng tốt. Ích kỷ, thường ngăn cản chúng nó không cho gần gũi cô em vợ. Cứ nói ra, có luôn cả nói xấu, nên đám trai làng chẳng ai ưa, sinh ra ghét từ ấy. Nghe thanh niên trong xóm nói thực chất Chỉnh cứ giữ khư khư cô em vợ không cho quen với người khác, mục đích là để dành riêng cho gã. Y cũng thèm Huệ đến chảy nước dãi nhưng có Hoa ở đó nên không dám xằng bậy. Thử hỏi, em vợ khêu gợi đến thế thì thằng đàn ông nào mà không háo hức muốn chiếm đoạt thân xác rồi ái ân cả nghìn đêm mà vẫn còn muốn tiếp tục. Chẳng biết nửa đêm tắt đèn Chỉnh có canh me, đợi con chị ngủ say rồi mò sang nhỏ em hay không? Nhưng đám thanh niên quả quyết chắc chắn điều ấy sẽ xảy ra trong nay mai.
– Anh hai bị sốt, cũng không nặng lắm đâu. Thôi em lo đi, để còn về buôn bán.
– Để anh đi cùng với Huệ rồi mình nói chuyện nhau cho vui. – Tạo nói.
– Gần đây mà. Em đi một mình được rồi, bỏ trâu nơi này sẽ đi mất, lúc đó anh biết tìm nó ở đâu.
Thằng Tạo mau mắn đổi đề tài.
– Huệ có biết. Từ lúc em về đây Xóm Bờ Kinh có điện nước hẳn ra. Trông mà phát thèm.
Đây là câu nói của Tạo cố ám chỉ về một điều khác. Ý nói bộ phận trên cơ thể của Huệ nở nang, phổng phao, thằng nào nhìn vào cũng thèm muốn chảy dãi. Chẳng biết Huệ có hiểu cái hàm ý ấy hay không?. Cô cười rồi phản hồi.
– Em đem điện nước tới cho các anh tha hồ mà xài. Sướng quá rồi còn gì.
Ây cha! Nói vậy thì chả khác gì Huệ gọi mời đám thanh niên tới để khám phá từng bộ phận mát rượi trên cơ thể của mình. Tạo khoái lắm! Nó nghĩ Huệ đang quyến rũ mình đây. Rồi một hôm nào đó sẽ tha hồ mà xài điện nước của cô. Sợ mất con trâu, nghe nói có lý Tạo phải để Huệ đi một mình. Đúng là cái số chết tiệt, cơ hội sắp tới thì bị con trâu khốn nạn ngăn đường cản lối. Thiệt là đen đủi hết chỗ nói. Đành dắt trâu về mà gương mặt không mấy gọi là vui.
Ngoài sông dáng Nụ đang cặm cụi bơi xuồng đi đâu đó thật gấp gáp vội vã. Cô tấp xuồng vào bên kia buộc dây vào cây ô môi rồi cầm thứ gì đó chạy một mạch vào nhà cô Ba. Chắc là mang cá sang bán, được cô Ba mời lại để được nghe Nụ khen ngợi về nhan sắc của mình, nhưng Nụ từ chối vì rất bận, còn một việc quan trọng phải làm. Nụ xuống xuồng, với cây dầm lên hái vài trái ô môi đen thui dài sọc, thuận tay bẻ luôn mấy cái bông bỏ vào khoang xuồng rồi nhanh chóng rời đi. Chiều nay Nụ có hẹn với giáo Tâm để nói chuyện về một vấn đề nào đó! Có vẻ khá cần thiết. Cô cũng chưa biết là chuyện gì, chỉ nhận được tin từ cô Bảy nhắn lại, giáo Tâm muốn gặp tại nhà. Chiều buông xuống đỏ lòm trên sông, chiếc xuồng của Nụ cũng vừa cập bến. Cô vội vàng lên nhà, thấy giáo Tâm ngồi đó đăm chiêu đưa mắt nhìn ra hướng sông ngoài như đang nghĩ ngợi gì đó. Cô gọi to.
– Có chuyện gì mà anh kêu em qua sớm vậy?
– Vô đây nhanh lên. – giáo Tâm khẩn khoản.
– Gì mà coi bộ bí mật quá trời quá đất lên dữ ta?.
– Hiện tại ở sông ngoài có một số đối tượng lừa đảo người dân bằng hình thức bán hàng đa cấp. Chúng đã chiếm đoạt một số tiền khá lớn. Ước tính cũng trên 20 triệu đồng.
– Hả! 20 triệu đồng. – Nụ há hốc mồm khi nghe qua con số.
– Đúng vậy, một số tiền khá lớn. Nhóm đối tượng đánh vào tâm lý ham làm giàu của người dân. Cũng do một phần kém hiểu biết nên mắc bẫy. Anh đoán rằng không bao lâu chúng sẽ tới Xóm Bờ Kinh để hoạt động, nơi mình có nhiều nhà trúng mùa, tiền bạc có sẵn rất tiện lợi cho hành vi lừa bịp.
– Vậy bây giờ anh tính sao?
– Chúng ta phải kịp thời ngăn chặn bằng cách đi tuyên truyền, thông báo cho người trong xóm biết không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, kẻo tiền mất tật mang. – giáo Tâm nói.
– Thế sao không báo với cơ quan chính quyền để họ xuống đây mà làm việc xử lý. – Nụ nêu vấn đề.
– Chính quyền xuống thì họ đã xa chạy cao bay. Chưa nói tới là có vi phạm về mặc pháp lý hay không. Vì tung hỏa mù nhằm thao túng tâm lý. Người dân nghe theo tự nguyện ký kết rồi đưa tiền cho họ.
– Thế bây giờ em về, vào từng nhà để tuyên truyền cho họ cảnh giác hay sao? – Nụ hỏi.
– Như thế thì mệt mỏi lắm. Vì Xóm Bờ Kinh chúng ta trải dài có biết bao nhiêu là nhà. Làm thế nào để tập hợp người dân một nơi sẽ hay hơn, lại đỡ phải tốn quá nhiều công sức. Nhưng anh nghĩ mãi chẳng ra cách gì. – giáo Tâm gãi đầu
– Quán cà phê nhà chị Hoa. Nơi ấy luôn đông đúc người, anh thấy được không? – Nụ đưa ra ý kiến.
– Ừ đúng. Vậy mà nghĩ không ra. Được đó, em cứ về bên ấy mà phổ biến lại cho bà con mình cảnh giác. Mà thôi! Cái tánh của em bộc trực lắm, phải có anh theo cùng để họ tin tưởng. Chúng ta đi ngay bây giờ. Việc này không thể chủ quan, phải càng sớm càng tốt.
Nụ lấy cái nón lá đội lên đầu rồi cùng giáo Tâm xuống ghe chèo xuôi về hướng cuối bãi sông. Thấy Nụ đi cùng anh giáo, người ta cho rằng cô đang lấy le để cho hợp với tin đồn chuyện nên duyên. Nhưng chẳng biết họ đi tuyên truyền đến khuya lắc khuya lơ giáo Tâm và Nụ mới trở về tới nhà. Bỗng nhiên qua ngày sau có một đoàn người tới Xóm Bờ Kinh thật. Đàn ông có, đàn bà có, họ mặc những chiếc áo vest rất hiện đại gặp ai cũng cười chào trông vô cùng thân thiện. Chọn địa điểm quán nước nhà cô Hoa để tư vấn về các mặt hàng, theo họ đó là công việc giúp người dân thoát nghèo. Một anh đeo kính trắng trông có vẻ trí thức cười chào mọi người rồi chuẩn bị phát biểu.
– Trên thế giới của chúng ta có vô số người nghèo và người giàu. Người nghèo chính là những kẻ lười lao động, không có mặc tích cực về tư duy đầu óc phát triển, chẳng biết nắm bắt thời cơ để đi đến thành công nhằm thoát nghèo nhanh chóng. Chính vì lý do đó hôm nay chúng tôi sẽ đem sự thành công trao cho tất cả mọi người có mặt tại đây. Một dòng sản phẩm được tung ra thị trường mà các nước phát triển đang sử dụng, cũng như là nguồn thu nhập chính đã mang lại cho họ. Quý vị chỉ cần mua dòng sản phẩm này, rồi giới thiệu người khác tham gia. Một người tham gia quý vị được tăng điểm, hai người sẽ cao thêm, 3 người, 4 người, 5 người thì lúc đó các vị đã giàu to. Ví dụ tôi mời bạn này vào, rồi bạn này giới thiệu thêm anh ở trần chống nạnh. Anh ở trần chống nạnh tiếp tục giới thiệu anh mặc quần đùi đang bưng tô cơm ăn. Anh mặc quần đùi lại giới thiệu cái chú ngồi ngay gốc trứng cá hút thuốc. Thế là tôi đã giàu cao vì số điểm đã được nhân lên liên tục.
Những người được nhắc vào nhìn nhau cười toe toét. Thằng Sỹ quần đùi đang bưng tô cơm ăn, nói trổng vô.
– Thưa ông ở đây chúng tôi giàu lắm rồi. Không muốn giàu thêm vì sợ bị cướp thì lúc đó thì lại mệt.
– Vàng nhà tôi 1 cục cả chục ký lô, nếu lấy ra mà ném 1 phát là ông bể đầu vào nhà thương ngay. – Thằng Sửu ở trần chống nạnh nói.
– Cái xứ này lạ lắm. Do chú từ đâu tới không biết đó thôi, cứ 1 đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời là thêm 1 tỉ phú của Xóm Bờ Kinh. – Đây là chú Bảo đang ngồi dưới cây trứng cá hút thuốc.
Ông đeo kính thấy hụt hẫng vì mình nói cả đoạn văn dài đến hao hơi khát nước mà cái đám quê mùa này lại cứ trơ mặt ra chẳng có chút gì lưu lại trong não bộ. Mặt ai cũng đằng đằng sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống những vị khách lạ. Thằng Lưu trên tay cầm khúc củi to bằng cánh tay gõ vào cột nhà nghe rõ tiếng bịch bịch. Thằng Hoài cũng chẳng vừa, cây rựa bén ngót vác trên vai gương mặt nghênh nghênh đã từ bao giờ. Thằng Nô càng ác chiến hơn, nó im lặng chẳng nói gì, con mắt liếc xéo tròng trắng nhiều hơn đen! Cái dao làm cá chém nhẹ nhẹ vào cánh tay trái, làm mọi người ai cũng sững sờ đầy lo lắng, sợ máu tuôn ra thì lúc đó rõ khổ. Bọn đa cấp hoảng sợ vội vàng lên xe đi ngay, nhưng lũ con nít trong xóm chúng chưa chịu buông tha. Băng thằng cu Tý có tới 6 đứa phục kích hai bên đường đã từ hồi nào rồi. Khi xe đa cấp vừa ngang qua, chúng nã mưa trứng thối vào hai bên xối xả. Những cái trứng hư được nhặt từ ngoài đồng, nó thực sự là vũ khí lợi hại của đám con nít Xóm Bờ Kinh. Khi có chuyện như bị trộm cắp thì vũ khí này luôn là thứ nguy hiểm khiến kẻ gian ám ảnh, rồi 10 năm sau cũng không dám trở lại đột nhập lần thứ hai.
Việc người dân xóm sông ngoài bị đa cấp lừa hơn 20 triệu đồng được đồn thổi khắp nơi. Xóm Bờ Kinh xem anh giáo như một vị cứu tinh đã giúp bà con thoát khỏi cảnh bị lừa đảo một cách đầy ngoạn mục. Không những một tri thức của xóm, anh còn là người đức độ, rất tận tâm nhiệt huyết luôn cống hiến hết mình cho quê hương. Anh đi khắp nơi trong vùng vận động kêu gọi phụ huynh nên cho con em đến trường để có một tương lai về sau. Mọi sự khó khăn của gia đình sẽ làm đơn nhờ nhà trường hỗ trợ, tỉ lệ con số trẻ em trong xóm được đi học hiện tại là 90%. Còn lại 10% anh sẽ cố gắng nỗ lực trong nay mai. Người ta mến anh, gia đình nào có con gái cũng muốn giáo Tâm làm rể. Chẳng biết anh giáo đã có mối nào chưa. Rất nhiều tin đồn về anh mà người ta không biết tin nào cho đúng, có kẻ nói anh thuộc giới tính thứ 3, cũng có người nói đang hẹn hò với Huệ. Tuy nhiên anh đều bác bỏ cho rằng cái đúng nhất là hẹn hò với Nụ. Biết rằng chính miệng anh nói nhưng họ không tin cho rằng cà rỡn để khỏi phải trả lời lôi thôi. Họ cũng trực tiếp hỏi Nụ cũng được cô trả lời thẳng thắn như vậy, nhưng chẳng có ai tin vì cho rằng cô bé lọ lem thấy sang bắt quàng làm họ. Khi người trong Xóm Bờ Kinh có dịp đi sang xóm sông ngoài, trực tiếp hỏi một số người dân từng bị đa cấp lừa với số tiền quá lớn. Đa số trả lời rằng:
– Họ đồn thôi chứ làm gì có ai lừa. Người ở đây bao nhiêu tuổi đời rồi mà bọn trẻ lừa được. Không có đâu.
Nhưng cũng có người đã bị bại lộ ai ai cũng biết không thể che đậy nên đành phải xác nhận.
– Ừ thì cũng có. Mà ít lắm, không nhiều đâu, chỉ mất vài đồng không đáng để nói.
Ôi! Vài đồng là bao nhiêu? Ở Việt Nam làm gì đồng tiền nào có mệnh giá là vài đồng. Khi được các ông chồng kể lể mới rõ vấn đề họ bị lừa rất nhiều nhưng đa số đều nói rất ít hoặc không có. Có lẽ nói ra sự thật với số tiền đúng, họ sợ bị đánh giá là ngu. Mất nhiều thì ngu nhiều, nhưng chẳng lẽ mất số nhỏ thì ngu ít hay sao. Vậy mà vụ vợ chồng Ba Thôi gom tiền hụi rồi trốn đi biệt tích. Ai cũng gào lên bị mất một số tiền khá lớn, mặc dù trong số đó chỉ có vài người tham gia vào việc hụi hè. Sao ngần ấy nói 1 thành 10, không thành có, bây giờ bị đa cấp lừa thì giấu bớt hẳn đi. Thời gian sau sự việc lắng xuống, cuộc sống sinh hoạt diễn ra như thường nhật. Bây giờ người ta nhận thêm tấm thiệp hồng, đó là đám cưới của Nụ và giáo Tâm. Không còn hoài nghi bàn tán gì nữa, rất thật như trước đó anh giáo và Nụ nói mà chẳng có ai tin.
Ngày đám cưới của họ cả một đêm Xóm Bờ Kinh mất ngủ, tiếng nhạc réo rắt vang lên nghe lồng lộng từ đầu tới cuối sông. Bọn con nít kéo nhau đi xem vì nơi này vui quá xá. Mấy thằng cha say rượu nhảy nhạc với những điệu có 1 không 2 trông mắc cười bể bụng. Anh đờn guitar điện cứ nhịp chân lắc lắc cái đầu. Anh đánh trống JAZZ quá sung khiến ai cũng phải nhún nhảy theo tiếng nhạc xập xình. Khi cô dâu Nụ được chú rể Tâm nắm tay ra mắt quan viên hai họ khiến ai cũng hết sức ngỡ ngàng. Nụ đẹp như tiên sa, Huệ chả là gì nếu so với sánh cùng nhau. Hóa ra Nụ không theo thế theo thời, chứ trưng diện như bao đứa con gái khác thì xóm này cô là người đẹp nhất. Thậm chí người ta còn không biết, đó có thật là nhỏ Nụ hái rau bắt ốc như ngày nào hay không? Họ chẳng tin vào mắt mình sau màn lột xác từ vịt hóa thiên nga.
Từ đó họ chính thức là vợ chồng của nhau. Nụ vẫn hái rau bắt ốc kiêm luôn phụ mẹ chồng quản lý bến đò thu vé người qua sông. Mặc đã có công việc tốt hơn, không còn phải lặn lội đồng mương sông nước mình mẩy lấm lem vất vả như trước đây, nhưng cô không từ bỏ, xem nó như là một cuộc sống cần thiết. Chắc là tính cách của người miền quê sông nước đã ăn sâu vào tiềm thức. Giáo Tâm vẫn miệt mài đi dạy, lâu lâu vẫn có người mắng vốn.
– Thầy về dạy lại vợ nghen. Dạy dỗ bao nhiêu đứa học sinh mà không dạy xong 1 con vợ. Nó vô duyên hết phần thiên hạ à. Đụng đâu nói đó chẳng thèm suy nghĩ. Hôm qua ở mé sông ngoài tôi có bàn với cô Nụ sẽ đi sửa mũi, cắt mắt, xăm mày, xăm môi, để ông nhà tôi thấy đẹp đặng quay trở về. Thầy biết cô Nụ nói sao không?
– Dạ, nhà con nói sao vậy cô? – giáo Tâm hỏi.
– Nó nói chưa tới tháng 7 mà đi dọa ma người đời, chắc chắn ông nhà tôi đi luôn không về. Đó! Thầy nghe được không? Ý cô Nụ nói dọn lên sẽ xấu như ma thà để vậy thì ông nhà tôi còn dám trở về.
Giáo Tâm liếc nhìn nhan sắc của bà. Thấy quá mắc cười nhưng không dám hé môi. Anh nói thầm trong bụng “vợ tôi nói đúng quá rồi còn gì” rồi giả vờ nghiêm mặt chép miệng lắc đầu.
– Xin lỗi cô. Con sẽ về dạy lại nên ăn nói ý tứ. Thật ra Nụ không có mắt thẩm mỹ nhìn người đâu. Đó, bởi vì vừa tân trang nên trông cô trẻ đẹp ra trông thấy.
Bà nọ ngại ngùng che miệng rồi nói nhẹ nhàng, không còn lớn tiếng như lúc ban đầu.
– Nói như thầy giáo nghe có được hơn không.
Cứ thế hết người này tới người khác mắng vốn về cái tật ăn nói vô duyên của Nụ. Một hôm có tới 6 người phụ nữ đi qua nhà, vừa thấy họ từ ngoài ngõ bước vào giáo Tâm đã hoảng sợ tính kiếm đường tránh né, nhưng xui thay họ đã nhìn thấy. Chắc là Nụ đã gây thêm rắc rối gì nên các bà sang tận nhà mắng chửi rồi đây. Vừa vào cổng anh đã lên tiếng trước.
– Thôi các chị các cô về đi, tôi sẽ khuyên Nụ uốn lưỡi bảy lần trước khi muốn nói ra bất cứ điều gì.
Họ ngơ ngác chưa hiểu gì. Tại sao lại trách Nụ? Một người phụ nữ như thế có đốt đuốc tìm cũng không ra, sao anh giáo lại tỏ ra bực dọc như vậy. Một chị lên tiếng.
– Có cô Nụ ở nhà không ông giáo?
– Nụ đã đi cắt lục bình. Có chuyện gì mà các cô đến nhà mắng vốn đông thế này.
– Chúng tôi đến đây là để cảm ơn cô Nụ chứ mắng vốn mắng lời gì hả thầy.
– Ủa chuyện gì mà tới cảm ơn nhà con?
– Thầy không biết thiệt hả. Xóm Bờ Kinh đa số đàn bà con gái không ai có cái nghề để kiếm ra tiền. Nhờ cô Nụ mà bây giờ chúng tôi thêm thu nhập ổn định. – Một bà hơi lớn tuổi đáp.
– Ủa liên quan gì tới Nụ?.
– Chị Nụ đã dạy cho chúng tôi làm ra các sản phẩm từ những cây lục bình trên sông. Mặc hàng này bây giờ cực kỳ bán chạy. Cũng nhờ có Nụ nên chúng tôi mới được công ăn việc làm gặt hái ra tiền chẳng ăn không ngồi rồi như trước đây nữa.
Giáo Tâm cười tươi, hóa ra cô vợ đã giúp cho kinh tế Xóm Bờ Kinh thêm phát triển. Ban đầu anh còn kịch liệt phản đối xem đó là chuyện ruồi bu. Lục bình thì giá trị khỉ khô gì mà làm ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Nó chật kín sông, thậm chí người ta phải vớt lên vứt bỏ ở hai phía bờ. Không những tắc nghẽn sông, làm dòng nước kém lưu thoáng mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều muỗi sinh sản dẫn tới dịch sốt xuất huyết tràn lan trong xóm. Tưởng đó là loại chỉ đáng vứt đi, nhưng không ngờ mang lại nhiều công dụng cải thiện đáng để cho kinh tế của xóm. Từ lâu Nụ đã biết cây lục bình khô khá chắc chắn, cô thường dùng để buộc những bó rau to đùng. Ngày xưa gia đình từng sống bằng nghề dệt chiếu, lái ghe đi khắp nơi các tỉnh thành để bán. Từ khi con đập chắn ngang họ đành phải bỏ tập trung vào việc đánh bắt cá làm nông. Giờ thấy những cây lục bình đầy sông mà lại không biến thành vật có tác dụng thì quả là uổng phí.
Nụ đem về phơi khô, đan một chiếc túi xách đầu tiên cho mình sử dụng. Sau đó làm nhiều tặng cho những chị em trong xóm. Một hôm có đoàn người bên khuyến nông từ Sài Gòn xuống nghiên cứu về lúa, họ thấy các phụ nữ ai cũng xách một chiếc giỏ làm bằng lục bình để đi chợ. Thấy khá ngộ nghĩnh bắt mắt, lại gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu về sự ra đời của nó mới biết Nụ chính là tác giả. Họ đem mẫu về Sài Gòn, ai cũng thích thú muốn sở hữu ngay một sản phẩm tương tự. Thế là liên hệ với Nụ để đặt hàng, từ túi xách, ghế, chiếu, nón. Nụ đi vận động mọi người cùng chung tay làm, cô sẽ dạy cách đan tất cả các mẫu mã. Ban đầu ai cũng cười nhạo cho rằng lục bình mà bán được thì khắp nơi ở miền quê người ta giàu có hết, nhất là khu vực vùng sông nước. Bây giờ không những bán được mà còn bán rất chạy, nhà nhà đều phơi khô trong sân, hai bên đường để tiến hành làm ra sản phẩm thành hình. Không những có thêm thu nhập cho bà con, mà tình trạng tắc nghẽn, làm sạch sông, dịch sốt xuất huyết cũng giảm đi đáng kể. Tất cả đều nhờ vào Nụ.
Từ lúc đám cưới của vợ chồng giáo Tâm, cái Xóm Bờ Kinh náo nhiệt được lúc ấy rồi trả lại sự yên tĩnh của đìu hiu thường ngày. Nay nó ồn ào tiếp vì đám tang bà Tư Thiệp. Bà đã 87 tuổi là ngoại của Chỉnh. Người ta xúm lại dựng rạp tổ chức tang lễ cho người quá cố. Kẻ cầm cờ, người mang trống, nhan đèn trà nước, bánh trái, kẻ đến viếng tấp nập. Người lớn trong xóm ào ạt kéo nhau qua xem giúp được gì thì giúp. Mỗi lần nghe tiếng trống đánh bọn con nít sợ tái mặt, có đứa lấy chăn đắp kín người, mặc ngột ngạt mồ hôi chảy ròng ròng. Chẳng biết việc đắp mền che kín toàn thân có giúp giảm bớt được nỗi sợ hãi về vấn đề ma cỏ khi ngủ một mình hay không?. Chuyện thằng cu Tý nổi tiếng trong xóm là nghịch ngợm phá phách, chẳng sợ bất cứ ai dù lớn hay nhỏ, nhưng khi hù, có con ma đang đứng đằng sau lưng thì nó khóc ré lên, hoảng loạn sợ sệt rồi nhắm mắt úp mặt xuống đất. Mặc dù nó chưa bao giờ thấy ma hình thù trông ra làm sao, chỉ nghe qua người lớn trong xóm kể. Sợ ma, nhưng lại khoái nghe chuyện, thật đối lập chẳng thể nào lý giải được.
Có một lần chú Hoàng kể về ông Kẹ, bọn con nít xúm xít nhau ngồi chăm chú lắng nghe. Ở đâu ngoài ngõ có ông ăn mày đi vào xin gạo thế là cả đám chạy tán loạn. Đứa chạy lên nhà đóng tất cả cửa nẻo, vào buồng leo lên giường lấy chăn đắp kín mít. Cứ như căn buồng là nơi bất khả xâm phạm không ai có thể vào được kể cả loài ma quỷ, mặc dù nó chỉ có tấm màn che, hoàn toàn không có cửa khóa. Có đứa chạy ra bờ sông nín thở lặn xuống nước như thể ma quỷ không thể nhìn thấy được mình. Chẳng ai biết ông Kẹ như thế nào? Ổng ra sao, cao to mập ốm? Nhưng bọn con nít rất sợ khi nghe đến tên, thậm chí ban đêm còn không dám đi đái. Xóm Bờ Kinh đã quen với việc tắt đèn đi ngủ sớm, 7 giờ tối đã thấy vắng im lìm, chỉ còn mỗi tiếng côn trùng kêu, tiếng con cá vẫy nước tạo thành một khung cảnh đặc sệt của xứ miền sông nước.
Trừ khi có đám tiệc người ta mới thức khuya tề tựu lại một nhà, nơi ấy sẽ sáng nhất. Đêm nay cũng vậy, bên này sông, bên kia sông đều qua nhà bà Tư Thiệp, sở dĩ bọn con nít ở nhà không dám bén mảng tới đám tang, sợ phải nhìn di ảnh của người quá cố. Nhưng ở nhà cũng sợ vì người lớn đã đi hết. Huệ lủi thủi một mình trong nhà với nỗi sợ hãi cùng đứa cháu chỉ có vài tuổi đầu. Thằng Tạo nắm bắt được tin này vì trưa đó có tới phụ gia đình chặt tre làm trại, sẵn tiện dò hỏi mới biết tối nay Huệ ở nhà chỉ có một mình, cơ hội ngàn năm có một không hai đây rồi.
Chiều đó gã tranh thủ cơm nước sớm, đi ra rẫy mía ở sau nhà Chỉnh chờ thời cơ. Tối xuống sẽ đến tâm sự với Huệ, không gian chỉ có duy nhất 2 người! Tâm lý của người phụ nữ sợ ma khi ở nhà một mình, cứ gặp một ai ngay lúc ấy thì quý hơn cả được vàng. Tạo đã soạn sẵn một kịch bản trong đầu, cứ đến giả vờ tìm Chỉnh rồi thừa lúc tán tỉnh phỉnh phờ. Cần thiết kể vài câu chuyện về ma cỏ rùng rợn, Huệ sẽ sợ hãi hét lên rồi nhào tới ôm lấy gã. Lúc đó tha hồ lợi dụng sờ soạng thực hiện âm mưu đen tối của mình. Kế hoạch quá hoàn hảo, tự thưởng cho bản thân là thông minh nhất xóm. Trời đã chập tối, muỗi đốt đến sưng người nhưng Tạo chấp nhận vì trước cái thành công chính là sự gian nan. Tiếng trống đùng đùng vang lên, thấp thoáng có bóng của người đàn ông đang đi tới, ai như thằng Kỳ. Không sai chính là nó! Tại sao hắn lại đi đường này? Nếu đến dự đám tang bà Tư thì phải đi đường chính trên kia chứ? Lẽ nào thằng này nó cũng có âm mưu giống mình? Thôi kệ, cứ quan sát xem tình hình trước đã. Một lát sau lại xuất hiện thêm 3 người đàn ông cũng thập thò sau bụi chuối! Ôi thật kỳ lạ, nay có phải đại hội võ lâm đâu mà sao toàn các cao thủ tề tựu ở sau nhà cô Huệ đông vui thế này. Còn không? À chưa hết lại thêm 2 nhân vật nữa, chẳng biết thuộc môn phái nào mà đang rình rập bên bờ ao chuẩn bị xuất chiêu. Thấy cái tướng quen quen! Tạng người nho nhỏ, thì ra ông Cảnh người bác ruột của mình. Ôi chết thật, kiểu này thì hư hỏng hết một họ hàng. Đã trên 50 tuổi, đầu 2 thứ tóc, có 4 con mà lại còn ham hố gái tơ. Còn gã đang cầm chiếc quạt phe phẩy kia là ai đây? Chiếc xe máy vừa chạy qua, ánh đèn đã làm lộ nguyên hình, thì ra thằng Tấn. Tên này ngon, có đầu tư hẳn hoi đem theo cả cái quạt tay nhằm xua đuổi muỗi. Người ốm nhom đang ẩn mình bên cây bạch đàn nãy giờ không động đậy, chắc là đang chuẩn bị tư thế cho trường hợp tác chiến khẩn cấp nên mới tập trung cao độ đến vậy. Nhưng nó cũng sớm lộ nguyên hình khi cúi người xuống đập muỗi, thì ra là thằng Đực chăn vịt du mục, chỉ có mới 16 tuổi đầu. Ôi! Cái thằng con nít này chưa đủ tuổi mà cũng tham gia vào việc của người lớn ư? Vậy có tất cả là 6 người, tính luôn Tạo. Lớn nhất là ông bác Cảnh, nhỏ nhất thằng Đực chăn vịt, đúng là toàn dân có chí lớn gặp nhau.
Ban đầu Tạo cứ tưởng kế hoạch này chỉ có một mình anh nghĩ ra, giờ mới biết mình đã sai lầm. Nhưng phải làm sao bây giờ! Chẳng lẽ bỏ cuộc, thế thì quá phí công cả đêm hiến mình cho loài muỗi vô tư đâm chích hút máu. Nhưng khi gặp mặt các cao thủ thì ăn nói ra làm sao? Chẳng lẽ trả lời đi lạc đường, hay đổ thừa bị ma giấu hoặc đang chơi trốn tìm với lũ trẻ! Liệu, họ có tin không?. Thôi thì cứ tới đâu tính tới đó vậy! Tạo chủ động bước ra không thập thò nữa, gặp ngay ông bác ruột của mình. Tạo hỏi.
– Ủa bác Sáu đi đâu đây?
– Thằng Tạo đó hả bây? – bác Cảnh cũng lúng túng, vì chẳng hiểu vì sao thằng cháu ruột của mình cũng có mặt tại nơi này. Bác trả lời.
– Tao đi kiếm mày nè.?
– Kiếm con để làm gì? – Tạo hỏi.
– Để…để…để mày đưa về nhà vì tao quá say, nhậu cả buổi ở đám tang. – Bác nói lắp ba lắp bắp.
– Con có nghe mùi rượu đâu? – Tạo hỏi.
Bác Cảnh á khẩu không biết phải nói gì. Đành hỏi lại thằng cháu.
– Thế mày đi đâu đây?
– Con tới nhà của anh Chỉnh, rủ ngày mai đi giăng lưới.
– Nó bên nhà bà Tư Thiệp chứ đâu ở nhà mà tới rủ. Thôi về ngủ đi con để mai còn đi giăng lưới. – Bác Cảnh nói.
– Con về thế bác sáu ở đây làm gì? – Tạo hỏi.
– Không giấu gì mày, bác có vợ bé là con nhỏ Huệ từ lâu, nay nó hẹn bác tới để tâm sự. Đừng nói lại cho thím mày biết, nghe không? – bác Cảnh dặn dò thằng cháu.
– Công nhận bác sáu càng lớn tuổi càng nói xạo. Con Huệ mà chịu quen bác hả? Nó đâu có điên mà lại đi yêu một ông già tuổi không chừng lớn hơn cha nó. – Tạo nói.
– Thôi mệt quá, mày không về thì thôi. – bác Cảnh bực lên.
Bốn chàng cao thủ kia cũng đồng loạt xuất hiện. Chính họ cũng không thể nào ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh thế này. Thằng Đực bị cả 5 phản đối đuổi về vì chỉ mới tuổi vị thành niên. Nhưng nó kiên quyết ở lại, tỏ thái độ hằn học khó chịu.
– Các anh, các chú chơi như vậy là không đẹp. Tại sao các ông tới đây được mà tôi thì lại không. Chị Huệ đâu phải là riêng của các ông.
– Nhưng mày là thằng ranh con thì biết cái gì về chuyện của người lớn mà tới đây kiếm ăn. – Tấn vụt miệng nói ngay.
– Nhưng chị Huệ có tình cảm đặc biệt với tôi. – Đực nói.
– Mày đang ngủ hả? – Tạo hỏi chẳng đầu chẳng đuôi.
– Tôi đâu có ngủ. – Đực trả lời.
– Thế tại sao mày lại nằm mơ. Chỉ là một thằng chăn vịt 16 tuổi mà làm như mình có giá lắm, lại còn chị Huệ có tình cảm đặc biệt với tôi. Nghe mắc cười quá. Huệ có tình cảm là với thằng anh mày đây nè. – Tạo nói xong lấy tay vỗ vào ngực như muốn khẳng định mình mới thực sự là người duy nhất.
– Chứ các ông không thấy giáo Tâm lấy chị Nụ đấy sao? Tôi đã tặng hoa cho chị Huệ, còn nói tôi là người đẹp trai nhất Xóm Bờ Kinh. Không thích tôi thì đó là cái gì. Còn các ông đã tặng gì cho chị? – Thằng Đực phân bua vẫn chưa chịu thua.
Đó là Đực nói thật. Một hôm nó lùa vịt ngang rồi ngồi lại cây gáo nghỉ chân. Huệ đi ra sau nhà thấy bông súng nở đẹp nhờ nó hái dùm. Huệ phải dùng tuyệt chiêu õng ẹo để nó làm theo ý mình. Quả thật, thằng Đực nhảy xuống ao cái rầm rồi hái đem lên trao cho Huệ. Cô nở nụ cười quyến rũ không quên buông lời khen.
– Vài năm nữa em sẽ là người đàn ông đẹp trai nhất Xóm Bờ Kinh. Con gái vây kín cho mà xem.
Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, mà mỗi đêm thằng Đực đều nằm ấp mộng. Nó thường ôm chiếc gối rồi tưởng tượng ra cô Huệ. Một hôm nào đó sẽ được hôn lên bờ môi mọng của chị. Nắm lấy tay rồi ve vuốt mân mê trong thiên đàng ái ân. Sẽ cùng chị đi chăn vịt du mục mọi nơi trên khắp cánh đồng quê hương. Sống trong cái chòi chỉ có hai người đầy hạnh phúc êm đềm.
– Mày tầm bậy tầm bạ, nó xem như em út, con cháu trong nhà chứ yêu đương cái nỗi gì. Nó yêu là yêu tao đây nè. Lúc nào cũng liếc mắt đưa tình. Rồi cười nhẹ nhàng, luôn mở cửa trái tim cho tao vào – Bác Cảnh nói.
Đám thanh niên nghe xong thì phì cười, vì bác đã trên 50 tuổi. Thằng Đực phản bác lại câu nói từ ông.
– Chị Huệ coi tôi là em, là cháu. Chắc không xem bác là cha là chú đâu hen. Không chừng là ông ngoại, ông nội cũng có thể. Bộ ai nhìn rồi cười thì gọi là yêu hả? – Đực nói.
Tất cả im lặng vì thấy có sự giống nhau đến 100%. Trong số họ ai cũng được Huệ nhìn rồi cười, hoặc nói những lời đường mật, khiến lầm tưởng Huệ đang có tình ý với mỗi cá nhân. Nhưng tại sao Huệ phải làm vậy? Chẳng lẽ đó là tính cách lơ đãng của người phụ nữ làm bao nhiêu gã đàn ông đắm say, mà để làm gì thì chẳng ai biết?
– Thôi bây giờ chúng ta cứ vào nhà nhỏ Huệ để xem cô ấy chọn ai, người đó được quyền ở lại. Người không được sẽ ra về. – Tấn gợi ý.
Thấy đó là cách có lý lẫn công bằng. Họ tán thành đồng ý. Trong đầu của mỗi cá nhân đều có một suy nghĩ mình là người chiến thắng sẽ chiếm được Huệ trong đêm nay. Bác Cảnh trong đầu nghĩ ra một kịch bản rằng: sẽ lấy cái chết của bà Tư Thiệp ra để hù ma. Lúc còn sống thường hay tới nhà của Chỉnh chơi, khi Huệ nhìn ra cửa thấy bà đứng đó xõa tóc nở nụ cười, lúc còn sống hay đi đâu thì chết hồn ma sẽ đến đó. Lúc ấy Huệ sẽ sợ tái mặt, rồi nắm lấy tay ông kéo vào trong buồng. Nghĩ tới điều sắp sửa diễn ra bác cười rồi đưa tay vuốt 2 bên râu mép.
Nhưng khi vừa tới ngõ đã thấy có tới 4 đứa con gái trong đó. Ôi kỳ lạ, bọn con gái đến đây làm gì? Vừa thấy Tạo cùng 5 người đàn ông bước vào nhỏ Hường đã vội lên tiếng.
– Ủa anh hai đi đâu đây. – Đây là Hường nhỏ em ruột của Tạo.
Tạo, hốt hoảng vì không ngờ em mình cũng có mặt trong ngôi nhà này. Anh ấp úng trả lời.
– Tao đi kiếm mày. – Tạo nói.
– Kiếm em! Đặng chi vậy?. – Hường nói.
– Thì không thấy mày ở nhà nên tao đi kiếm. Có vậy cũng hỏi – Tạo giải thích.
– Ủa! Má cho em ngủ ở đây rồi mà. Không nói cho anh hai biết sao?
– Tại sao lại phải ngủ ở đây? – Tạo hỏi.
– Thì ba má đi đám tang hết, em ngủ 1 mình sợ nên chị Hoa đã xin cho em qua ngủ với chị Huệ. Mấy đứa này cũng vậy. Ủa có cả bác sáu ở đây luôn?
Bác Cảnh ậm ừ, nói qua loa.
– Đi đám tang về rồi tạt vào coi mày ngủ có lạnh không để bác biết về lấy cái mền đem qua.
– Con không lạnh đâu bác sáu. có chị Nhái ở đây nữa nè.
Bác Cảnh tá hỏa khi biết Nhái đứa con gái của mình cũng có mặt nhà Huệ. Thôi rồi, làm ăn gì được nữa. Tất cả đã hiểu ra tại sao bọn con gái đang hiện diện cùng Huệ? Giờ thì không cần bọn đàn ông này vì đã có người nên không thể sợ ma. Ôi mưu kế của tất cả đã bị thất bại. Đành phải ra về trong nỗi ngậm ngùi. Sáng đó họ cùng nhau đến quán của Huệ uống cà phê thì được cô báo tin rằng.
– Chiều nay em về quê Gò Công. Các anh ở mạnh khỏe nghen.
Đam thanh niên thấy buồn buồn nhưng chẳng ai nói ai. Họ cũng hiểu ra Xóm Bờ Kinh chỉ là điểm tạm trú của cô. Thằng Kỳ lấy hết can đảm để hỏi.
– Tôi nói thiệt câu này, có gì không phải cô Huệ bỏ qua nhé.
– Anh Kỳ hỏi đi. – Huệ nói
– Cô từng có tình cảm với ai trong số bọn tôi không? – Kỳ thong thả đặt câu hỏi, tuy có chút rụt rè.
Quả nhiên câu hỏi này lại được hưởng ứng của tất cả đám thanh niên xung quanh. Họ đều đưa mắt về phía cô để chờ đợi câu trả lời cho thật thỏa đáng.
– Cũng xin được phép nói thật. Em chưa từng có tình cảm với bất cứ ai đang hiện diện nơi này. Đúng là ban đầu có yêu thầm anh giáo Tâm, nhưng từ khi biết đã có chị Nụ thì em không còn tha thiết gì nữa. Nụ mới là người xứng đáng có được hạnh phúc ấy. Nụ luôn giữ nét quê hương, mộc mạc đằm thắm. Không chạy theo những phù phiếm xô bồ của cuộc đời. Đó mới đúng là bản chất hiền hòa của con gái xứ miền sông nước. Xóm Bờ Kinh không phải là quê hương nơi em sinh ra và lớn lên, nhưng thấy yêu mến, gần gũi lắm. Em xem như quê hương thứ hai. Nơi này có chút buồn rười rượi như đôi mắt quê hương. Có nỗi tha thiết thương nhớ từ con nước chảy về. – Nói xong Huệ chống cằm mắt hướng ra cuối bãi sông.
Đám trai làng giờ mới biết là Huệ chưa từng có tình cảm với bất cứ ai, nhưng họ vẫn vui vẻ chào đón cô như người con của Xóm Bờ Kinh. Chiều đó Huệ lên đường về lại đất Gò Công! Nơi này giờ sao buồn đến quạnh quẽ man mác. Chắc chắn một ngày không xa cô sẽ quay trở lại! Bởi vì nước sông vẫn còn thì con sóng mãi vỗ về như gọi tên đầy thiết tha nhớ thương. Xóm Bờ Kinh luôn là những vạt nắng chiều trong mỗi trái tim của cư dân nơi đây. Rất ấm áp, nhưng cũng quá mát lạnh khi tâm hồn đã tràn ngập con nước quê! Ra đi là để quay trở lại, bởi nơi ấy luôn có hơi ấm của chính ta. Con sông chảy xuyên qua hồn người, vướng lại vị đậm đà của phù sa đặc sệt.
Tiếng thở quê hương là lời ru mẹ thổi vào con thật xao xuyến như chiếc thuyền nhỏ chênh chao mỗi đợt sóng nhấp nhô. Tình quê, cõi người trong nỗi nhớ, lẳng lặng như con sông chảy đi vô tận đến lai láng miên man. Đầu sông bóng chiều đổ xuống nghiêng thẳm, đàn chim tít tắp bay theo hình chữ V phía đường chân trời xa, chúng về tổ ấm trong tiếng gọi thiêng liêng! Con người cứ như lục bình trôi xuôi dòng nhớ của đợi bến quê hương. Chiếc xuồng thằng bé đang chèo miệng ngân nga câu hò, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi mất hẳn cuối bãi sông nơi hoàng hôn ráng đỏ.
Truyện dài của Quang Nguyễn.

BÌNH LUẬN