Những buổi chiều ngang qua làng tôi

Tôi không ưa con Vịt nhà bên. Nó vừa xấu vừa đen mà suốt ngày đòi sau này lớn lấy tôi làm chồng. Không biết ngượng. Tôi không thích loại con gái ngoa ngoắt như nó.

Dư vị tình đầu
Nếu như người ấy không còn yêu mình nữa!
Cúc họa mi – một đóa tình cho em

Có những buổi chiều ngang qua làng tôi.

Chầm chậm, buồn tẻ.

Là những buổi chiều muộn, tôi một mình trèo lên đỉnh núi Vòng, để đứng đó nhìn xuống những cánh đồng lúa trải dài như một dải lụa màu xanh. Nhìn con đường mòn đi từ thị xã vào làng tôi. Con đường heo hút bóng người.

Sáng dậy, lũ trẻ con chúng tôi cắp cặp đi học, bà tôi ngồi vặn lại đôi quang gánh phân, ông tôi lùa bò ra ruộng. Tôi vừa trệu trạo nhai nắm cơm nguội chấm muối vừng, vừa nhìn ông tôi lẽo đẽo vác cày đi sau con bò.

Làng tôi chỉ có người già.

Làng tôi chỉ có trẻ con.

Người lớn cũng có, nhưng đi làm xa hết rồi.

Bố tôi, mẹ tôi, bác tôi, chú tôi, anh tôi… Hết thảy đều làm thuê dưới thành phố. Thỉnh thoảng tôi được gửi về cho mấy bộ quần áo mới, mấy cái bánh ngọt. Nhưng tôi có cần đâu.

Cái thế giới của tôi sao mà nó buồn!

***

Tôi chẳng chơi thân với đứa nào trong làng. Thằng Mít nhà tôi thì khác, nó ôm vai thằng nọ, nó bá cổ thằng kia. Tôi nhìn thấy ngứa mắt.

Tôi chỉ thèm hơi mẹ. Lâu rồi tôi không được rúc vào nách mẹ, ngửi mùi mồi mồ hôi mặn mặn chua chua, thọc tay vào áo mẹ vặn vặn cái núm tròn tròn trong ý, để mẹ chửi váng lên: “Xê ra cái thằng tởm này!”. Những lúc ấy tôi lại dụi đầu vào bụng mẹ cười hê hê.

Có lần tôi hỏi Mít: “Mày có nhớ mẹ không?”. Nó cắn củ khoai sống nhai rôm rốp, mỉa tôi: “Em là đàn ông, nhớ nhung cái gì”. Tôi dúi đầu nó xuống cát. Cái thằng khỉ, mới mấy tuổi đầu mà nói năng bày đặt.

Tôi lên lớp 6, những bài Toán khó bắt đầu làm cho tôi thấy chán học. Ngày xưa có bố ở nhà kèm tôi từng phép tính. Giờ thì chỉ có mình tôi vật lộn với các phương trình. Ôi, tôi thèm những cái cốc lõm đầu mà bố thường kí lên đầu tôi.

Buổi chiều nghỉ học, bọn trẻ chúng tôi thường được giao nhiệm vụ đi nhặt phân trâu, phân bò. Đem về ủ là phụ còn làm sạch đường là chính. Đường làng cứ đi vài bước là lại thấy một bãi to đùng, chúng tôi tha hồ hót, chỉ đi ngang buổi là đầy sọt.

Nhưng dần dần phân trâu, phân bò cũng hiếm. Cũng chẳng biết trâu, bò ỉa ở đâu, đi khắp làng cũng chỉ thấy đường làng sạch bong. Nhìn thấy một bãi phân còn sót lại là cả bọn tranh nhau chạy đến xúc lấy xúc để.

Tôi lặng lẽ đi về, vứt sọt vào chuồng lợn, chạy lên đỉnh núi, nhìn những cánh đồng lúa trải dài như một dải lụa màu xanh. Nhìn con đường mòn đi từ thị xã về làng tôi.

Con đường heo hút bóng người.

Tôi làm súng chun để chơi. Thấy thế, bọn trẻ cũng làm theo. Tôi không cho bọn nó bắn chim. Chim nó bay trên trời, có tội gì đâu mà mình bắn. Tôi vẽ mấy hình tròn lên tờ giấy, dán lên bờ tường trạm điện. Chúng tôi thi nhau bắn vào bờ tường.

Bắn mãi vào tường cũng chán, chúng nó quay ra bắn nhau. Tôi không chơi nữa, bỏ về, chúng nó quay ra bắn tôi. Thằng Định phật một hòn đá vào chân tôi đau điếng. Tôi điên quá quay lại, giương súng ngắm bả vai nó mà bắn. Hòn đá từ tay tôi trượt đi vun vút. Tôi nào có tài ngắm chuẩn. Đạn của tôi không phi vào vai thằng Định mà cắm thẳng vào mặt nó. Tôi hoảng hồn chạy lại, nhìn nó máu me đầy mặt mà xin lỗi rối rít. Nó cứ gào rú lên, nghe thật thê thảm.

Tối đến, bà nội thằng Định đến nhà tôi chửi ầm ĩ. Tôi bị ông lột quần ra và lấy củi đánh. Tôi cào tay xuống nền phản chịu đòn. Không khóc mà nước mắt cứ chảy. Thằng Mít cứ khóc ầm lên xin ông tha cho tôi. Thanh củi cứ quất vào người tôi nóng rát. Tôi nhớ mẹ. Mẹ vẫn ôm lấy tôi mà che mỗi khi tôi bị bố đánh. Giờ chỉ có tôi chình ình nằm phơi mình trên phản. Thanh củi cứ nện xuống người tôi bồm bộp.

Tôi đau quá chẳng kêu được gì. Có kêu cũng bị tiếng chửi của ông át hết. Thằng mất dậy! Thằng giặc giời! Thằng thổ phỉ. Ngày xưa bố đánh tôi, bố vừa khóc vừa quát: “Mày làm xấu mặt bố thế hả con, mày có đáng mặt làm con không hả con…”

Tôi lê lết trèo lên đỉnh núi Vòng, ngồi bệt xuống đất khóc. Tôi không giận ông, chỉ thương thằng Định, hòn đá bắn vào mắt làm mắt nó bị tật trồi hẳn ra khỏi tròng, không nhìn được nữa. Giá như tôi có thể đổi mắt cho nó, tôi cũng cam lòng.

Tôi quệt nước mắt nước mũi nhìn xuống cánh đồng lúa trải dài như một dải lụa màu xanh. Nhìn con đường mòn đi từ thị xã về làng tôi.

Con đường heo hút bóng người.

Tôi ở lì trong nhà một tuần. Buổi chiều không chịu đi chơi đâu. Bà tôi thỉnh thoảng đi qua bàn học, xoa xoa đầu tôi vẻ an ủi. Tôi cúi đầu nín lặng, vùi mặt vào những bài Toán khó.

Đọc Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, tôi tự hỏi không biết bố mẹ có bao giờ thấy nhớ quê không? Ở làng làm ruộng cũng được mà. Đâu cần phải đi xa thế làm gì. Cha mẹ, con cái cả năm chẳng thấy mặt nhau, thỉnh thoảng gửi về nhà được ít tiền với mấy bộ quần áo. Nhưng tôi có cần đâu.

Lâu lâu, thấy chán. Tôi lại mò mẫm ra ngoài đồng. Thằng Mít nhà tôi buộc bò một chỗ, chạy biến đi chơi với lũ trẻ. Tôi lại phải dắt đi chăn. Tôi đi dọc bờ mương, dò dẫm. Biết thằng Định thích ăn mua đất. Tôi tìm đầy một vốc tay quả mua, nhờ thằng Mít chạy sang đưa cho Định ăn. Tôi chỉ mong nó vui lên, tôi không mong nó tha thứ cho tôi.

Tôi không ưa con Vịt nhà bên. Nó vừa xấu vừa đen mà suốt ngày đòi sau này lớn lấy tôi làm chồng. Không biết ngượng. Tôi không thích loại con gái ngoa ngoắt như nó.

Có lần tôi sang nhà bà Tùng mượn cái kìm nhỏ. Tôi hỏi: “Bà có kìm con không?”. Bà cứ dỏng tai nghe mãi rồi đáp: “Già làm gì có con mà đi tìm”. Tôi bực quá, hỏi đi hỏi lại mấy lần: “Bà có kìm con không? Kìm con?”. Bà vẫn lắc đầu: “Con đâu mà tìm, tìm cũng chẳng được”. Con Vịt cứ đứng bên sân nhà nó cười ha hả: “Đúng là một bà điếc và một thằng điên”. Tôi tức quá chạy về, không kìm con hay tìm con gì sất.

Tôi rủ bọn trẻ chơi trò đám ma. Chúng nó nịnh con Vịt giả làm người chết. Tôi thích trí bày trò hăng hái. Thằng Điều vác tấm ván nhà nó ra, tôi bảo con Vịt nằm lên ấy, tôi mới thằng Mít khiêng, thằng Điều hái lá găng làm tiền giấy vứt khắp nơi, những đứa còn lại cầm gậy cầm rá làm kèn với trống. Cả lũ chúng tôi giả vờ khóc lóc ầm ĩ, ò í e rộn ràng một góc làng. Tôi nhìn con Vịt nằm im thin thít trên ván, mắt nhắm nghiền, hai tay đặt trên ngực, mà buồn cười khủng khiếp. Cả bọn vừa giả vờ khóc vừa cười khanh khách.

Ông Giáp đi qua nhìn thấy, chửi tôi không tiếc lời. Tôi đứng im nghe. Ông quát: “Con Vịt về ngay, đầu mày có não không mà mày chơi mấy trò ngu thế?”. Đợi ông đi, chúng tôi rủ nó chơi tiếp, nó lắc đầu: “Thôi, sợ ông Sáp”. Thằng Mít nhà tôi cười rũ ra đất, con gái lớn thế rồi mà còn nói ngọng. Thằng Điều bỏ tấm ván đi về, vừa đi vừa phụng phịu: “Người già cái đếch gì cũng cấm”.

Tôi cũng vứt cái gậy vừa giả làm kèn đám ma xuống đất. Chán nản leo lên núi, ngồi phệt xuống đất, nhìn xuống những cánh đồng lúa trải dài như một dải lụa màu xanh. Nhìn con đường mòn đi từ thị xã về làng tôi.

Con đường heo hút bóng người.

Hết trò chơi, tôi lại rủ lũ trẻ con ra ngòi mò sắt vụn đem đi bán. Người lớn vẫn thường cấm chúng tôi chơi ở ngòi vì nguy hiểm. Tôi mặc kệ. Dưới dòng nước kia có bao nhiêu thứ hay ho. Chúng tôi thi nhau mò, đổi được khối kẹo kéo. Con Vịt lúc nào cũng mò mẫm sau tôi làm tôi phát cáu.

Thằng Mít nhà tôi lần được một cục sắt lạ, bị dấu sâu dưới lòng nước, một nửa mắc trong bùn. Tôi hò cả bọn tụ tập lại kéo lên. Cái cục sắt nhỏ, chỉ nhỉnh hơn bàn tay tôi một tí. Tôi thọc tay xuống bùn cố móc. Cả lũ chăm chú nhìn tôi.

Khi thọc được cục sắt lên, tự nhiên sống lưng tôi lạnh toát. Nhanh như cắt, tôi vứt nó xuống, hét: “Mìn chúng mày ạ!”. Mấy đứa chúng tôi dẫm lên chân nhau mà chạy. Chẳng được mấy bước thì mìn nổ. Tiếng nổ khủng khiếp ấy cứ găm vào đầu tôi mãi. Tôi ngã chúi mặt xuống đất. Mấy thằng bạn chạy trước tôi cũng ngã dập trán.

Con Vịt không chạy kịp, bị nổ tan xác. Một mảnh tay nó văng vào mặt tôi. Dù còn sống, lũ trẻ chúng tôi thằng nào cũng gào khóc.

Tôi không dám ở lại nhìn người ta nhặt xác con Vịt. Ông ngoại cõng tôi về nhà. Tôi cứ gục vào lưng ông khóc. Ông tôi không nói gì. Đi chậm chậm.

Hôm sau, chúng tôi đi đám ma. Không phải trò chơi. Mà đám ma thật. Con Vịt nằm trong quan tài, tiếng kèn ò í e khắp làng, tiền giấy xanh xanh đỏ đỏ vương vãi khắp nơi, lúc nó ra đồng có bốn người khiêng. Ông tôi, ông thằng Định, ông thằng Điều, và ông con Vịt. Bố mẹ nó đi xuất khẩu lao động không về kịp. Người già đi đằng trước, trẻ con đi đằng sau. Tôi khóc không thành tiếng, để mặc nước mắt nước mũi chảy rề rề trên mặt không thèm lau.

Hôm qua, con bé vẫn đòi sau này lớn lấy tôi làm chồng.

Tôi ốm!

Không biết bao nhiêu đêm tôi sốt cao, lên cơn co giật.

Tôi nằm lâu đến nỗi cảm giác da lưng dính cả vào chiếu. Bà tôi bữa nào cũng cố gắng cậy miệng đổ cho tôi ít cháo. Đắng ngắt. Thằng Mít lúc nào cũng khóc. Mỗi lần mở mắt là tôi thấy mặt mũi nó lem nhem. Bạn bè, thầy giáo đến thăm, tôi không dậy được, cũng chẳng nói chẳng chào được. Những đêm lơ mơ tỉnh, tôi nhìn thấy ông bà tôi, bố mẹ tôi, anh tôi, thằng Mít, cả hàng xóm láng giềng, xúm đầu vào hỏi han. Tôi sướng tê dại cả người.

Nhưng chẳng phải, tôi vẫn nghe thấy tiếng bà tôi khóc lóc, than thở: “Con nó ốm sắp chết thế này mà nó vẫn chưa chịu về có khổ thân tôi không, ôi ông Giời ơi!”. Tôi nuốt nước mắt vào trong. Hóa ra bố mẹ tôi vẫn chưa về.

Những ngày tiếp theo tôi không ăn được gì. Người quắt queo như củi khô. Ông tôi gọi mấy người sang lấy gỗ mít ngâm dưới ao lên đóng áo quan cho tôi. Bà tôi vật ra khóc ở ngoài hiên, làm hàng xóm tưởng tôi đi rồi, chạy sang đỡ bà tôi vào nhà.

Đêm hôm ấy tôi ngủ lịm đi, chẳng còn biết gì nữa. Tôi nhìn thấy bố nhễ nhại mồ hôi, vai trần dưới nắng, bê những bao xi măng từ xe vào công trường. Lưng bố cứ oằn mãi xuống. Tôi nhìn thấy mẹ, bón từng thìa cháo cho một đứa nhỏ xa lạ. Tôi nhìn thấy anh, ngày qua ngày ngồi lầm lũi ở xưởng mộc, đục đục đẽo đẽo. Tôi quay về, quay về làng tôi, quay về nhà tôi, gục vào lòng bà, hít hà mùi trầu thơm, thọc tay vào áo bà, vân vê cái núm trong áo, ngực mẹ tôi thì đầy, ngực bà nhão hết cả rồi.

Sáng sớm hôm sau tôi tỉnh dậy. Tôi với tay nắm vào song cửa sổ, ngồi dậy, dựa lưng vào tường thở hổn hển vì mệt. Tôi gọi bà. Bà tôi hoảng hốt chạy lại. Tôi nhìn bà, tôi cười, tôi đòi ăn cơm.

***

Thằng Mít chạy khắp làng khoe tôi khỏi ốm, chả ai tin. Tôi cũng chẳng tin mình trải qua được trận ốm thập tử nhất sinh này. Nhưng tôi nào có quan tâm. Tôi chỉ thấy buồn. Tôi có chết bố mẹ cũng có về nhìn tôi lần cuối đâu. Tôi chết làm gì cho khổ.

Thằng Mít dắt tay tôi ra đằng sau chuồng lợn, chỉ cho tôi cái áo quan đóng bằng gỗ mít, bảo: “Anh đừng chết, anh mà chết là người ta đặt anh vào hộp này đem đi chôn như con Vịt đấy”.

Tôi khóc!

Tôi vừa khóc vừa chạy, leo lên đỉnh núi Vòng, nhìn xuống cánh đồng lúa trải dài như một dải lụa màu xanh. Nhìn con đường mòn đi từ thị xã về làng tôi.

Không biết đã bao nhiêu lần nhìn con đường ấy

Con đường heo hút bóng người.

***

Ôi quê tôi!

Mỗi ngày bao nhiêu chuyến xe đưa người?

Bao nhiêu đàn ông hăm hở vận may bán mồ hôi xứ dầu?

Bao nhiêu người đàn bà gửi lại con mình, vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ?

Bao nhiêu người già ngồi hóa thạch đầu sàn?

Bao nhiêu bé lớp một đến trường không cha đưa mẹ đón?

Mai này,

Hết thảy trẻ con làng đều trở thành kỹ sư, bác sỹ.

Dân quê tôi giàu như dân Âu, Mỹ

Có ai dựng tượng đài

Cho giọt mồ hôi người xa xứ hôm nay?

Lê Ngọc Mẫn

Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN