Tháng 6, còn lại một khoảng sân trường ngập màu xanh biếc miên man cùng phượng hồng, thấp thoáng đâu đó tà áo dài giữa góc sân, nụ cười và nước mắt cứ
Tháng 6, còn lại một khoảng sân trường ngập màu xanh biếc miên man cùng phượng hồng, thấp thoáng đâu đó tà áo dài giữa góc sân, nụ cười và nước mắt cứ thay nhau trong ngày chia tay cuối cấp. Ai rồi cũng một thời trải qua những ngày như thế, thấy trong tim khẽ nhói, muốn níu giữ thật lâu giờ phút ấy. Bao nhiêu mùa chia tay, bao nhiêu ngày phượng hồng đỏ lửa, bao nhiêu mùa về trên phố nhưng những ngày tháng 6 ấy vẫn như sống mãi với thời gian, mỗi lúc nhớ về thấy tim đập nhanh hơn và khao khát được trở lại đến kỳ lạ.
Tháng 6 vẫn đấy, lưu luyến trong tim, trong mắt, trong tay, trong tâm hồn; trái tim lại kịp rực đỏ cho một mùa đi qua trở lại. Cuộc đời có mấy khi vẹn nguyên cho những giấc mơ muốn níu, những khoảnh khắc muốn giữ và những kỷ niệm không muốn quên. Có một thời như thế, phượng đỏ lấp ló qua những tán cây xanh, bằng lăng vươn mình khoe sắc tím. Một thời hồn nhiên đến ngây dại, mọi thứ đều chân thành, vô tư và đáng yêu. Nhớ quá, nhớ đến phát khóc nhưng tất cả mãi mãi là kỷ niệm, cất sâu ở một nơi là hộp quá khứ mà nó thì chẳng thể có chìa để mở.
Tháng 6, quê tôi miền Bắc, mùa này nắng đổ lửa cộng thêm gió như muốn thiêu đốt tất cả. Thiên nhiên khắc nghiệt là thế nên dường như sống trong môi trường đó con người ta dạn dĩ hơn, kiên cường hơn. theo gia đình vào Nam lập nghiệp gần 10 năm, con số ấy chẳng gọi là nhiều nhưng cũng đủ để đong đếm được nỗi nhớ quê hương của người xa xứ. Gió Lào gieo vào ký ức, những ai trải qua ngày tháng năm ấy, dù có đi đâu, sống và làm việc nơi nào cuối đời cũng chẳng thể quên. Gió đến mùa lại thổi, như một vòng tuần hoàn của cuộc sống, của đời người, để cho ta biết dù khó khăn, vất vả vẫn bước, vẫn đi, vẫn quay theo cuộc sống chứ không dừng và không là một điểm chết trong cuộc đời này.
Tháng 6, tôi nhớ tuổi thơ, nhớ nó. Thuở ấy, có tường rào bằng cây găng dại, buổi trưa hai đứa thường trộm gạo, trộm lửa của bố mẹ ra chỗ đó nấu cơm chơi đồ hàng; không ngọn khế, gốc na, cây sắn nào trong vườn nhà ông ngoại không trèo. Những trưa hè trốn ngủ trưa, hai đứa vắt vẻo trên ngọn cây trứng gà buôn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Ngày ấy, nơi nào có tôi là nơi đó có nó, ngược lại nơi nào có nó cũng không thể thiếu bóng tôi. Tuổi thơ của tôi 10 phần ký ức thì đến 9 phần luôn có nó, cùng nhau chơi, cùng học, cùng ngủ…
Ngày vào cấp 3, chia khối nên mỗi đứa một lớp. Không biết vì sự cách trở của vách tường lớp học hay sự đổi thay trong tâm hồn hai đứa, vẫn cùng chung nhau một con đường đến trường, vẫn trò chuyện nhưng dường như sự vô tư của những ngày tháng tuổi thơ ấy không còn. Càng lớn, càng trưởng thành người ta lại càng sợ cô đơn, càng lớn càng dạn dĩ con người ta lại càng bất an, nuối tiếc, muốn quay trở lại những ngày năm ấy. Giờ phút này, tôi ước ao giá lại được trở về những ngày thơ dại như thế!
Bao lâu rồi tôi không còn được ngủ chung cùng nó, được vắt vẻo ôm nhau đi trên con đường làng. Bao lâu rồi tôi không cùng nó ngồi ôm radio nghe chương trình ca nhạc yêu thích, hai đứa không đứng trên trần nhà nói chuyện. Rồi ngày sinh nhật nó vắng tôi, ngày sinh nhật tôi không có nó… Người ta bảo: “Hạnh phúc tựa như hạt cát mỏng manh, giữ càng chặt cát càng rơi mau. Khi chúng ta hờ hững xòe tay, những hạt cát sẽ nằm im ngoan ngoãn”. Đôi lúc hờ hững quên đi một phần tuổi thơ, quên đi nó nhưng mỗi lần gặp lại vẫn vẹn nguyên, tinh khôi như cái thuở ấy.
Nhìn lại từng ký ức mỏng manh, thoáng đi rồi lại bất chợt ùa tới như chiếc kim phút, không quay liên tục như kim giây, cũng không báo trước cho người ta biết mốc thời gian cố định như kim giờ. Từng giây phút trôi qua trong lặng lẽ, trong êm ả, để rồi lúc cần thiết lòng mới chợt thổn thức rằng mỗi phút đi qua cũng quan trọng như dòng ký ức đã rơi mất, bỏ lại sau lưng bao tháng ngày. Có lẽ thứ mà người ta nhớ nhất chính là tuổi thơ, Những ký ức ngày ấy đã giúp cho cuộc sống thêm một phần ý nghĩa, khoảng trời rộng, hai đứa trẻ và những ước mơ.
Tháng 6 vẫn nhẹ nhàng đi qua như thế, không quá ồn ào cũng chẳng đủ tĩnh lặng, không quá bon chen cũng chẳng mang dại khờ. Tháng 6 cho ta nhớ về những gì đã cũ, đã xa, từng một thời khờ dại. Nếu dừng lại một phút giây nào đó, bạn sẽ nhớ gì cho những điều đã qua, mong đợi gì cho những cái đang đến, chờ đợi gì cho những cái sẽ đi qua đời mình? 18 tuổi, đã có lúc thấy mình như rơi vào vực thẳm không lối thoát, không một tia hy vọng, chông chênh những cảm xúc và đôi khi không đủ can đảm để viết tiếp những giấc mơ. Cứ thấy mình như một hình hài nhỏ bé đứng giữa xa lộ cuộc đời nhiều lối mà không biết rẽ vào lối nào, bởi con đường nào cũng thấy tăm tối sương mù che kín lối.
18 tuổi cũng không cho phép con người ta gục ngã quá lâu, tự nhủ phải mạnh mẽ, rồi tất cả sẽ qua và xây tiếp giấc mơ mình đang dang dở. Ngoài bầu trời rộng lớn kia tự hỏi mình sẽ đi được những đâu và dừng chân ở đâu, chỉ biết ngày hôm qua ở lại một sân ga xa xôi nào đấy, còn giờ phải đủ mạnh mẽ, nắm chặt hành lý và vững tin để bước tiếp vào một sân ga kế tiếp, nơi được là chính mình.
Xin nói lời chào tạm biệt tháng 6 yêu thương, tạm biệt cả cái tôi của một thời quá khứ, những khoảnh khắc đã đi qua, từng nhịp đập của cảm xúc và lý trí để mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và trân trọng cuộc sống hơn. Bình minh chỉ đến vào ngày mai chứ không quay về ngày cũ. Những ký ức ngày ấy dù có khao khát đến nhường nào cũng chẳng thể quay về, chỉ là nó được gói gém trong hồi tưởng để ta biết mình đã sống những ngày như thế: tinh khôi, vẹn nguyên và đầy ắp kỷ niệm.
Sắc tím đến nao lòng của bằng lăng vẫn thôi thúc và thách thức ánh mắt của những người không lỡ lưu luyến quá khứ của ngày đã cũ. Lại một mùa hè nữa về, trên phố chiều nay có cánh phượng nào khẽ rơi. Viết cho ai đó, ở một nơi nào đó hay chỉ đơn giản là cho chính mình, cho cái ngu ngơ, cho những mỏng manh trong quá khứ, để rồi một ngày nào đó khi đọc lại có thể tìm cho chính mình những khát khao, những ước mơ… để lại được sống là chính mình.
Đào Phương
BÌNH LUẬN