Sau lưng cậu, nắng đã lên cao rọi thẳng vào cửa sổ làm tóc cậu hoe vàng, lấp lánh, làn da trắng xanh xao càng nổi bật hơn, manh áo trắng của cậu bay phần phật trong gió làm tôi có cảm tưởng sau lưng cậu mọc ra đôi cách trắng muốt
Tôi tìm thấy căn gác nhỏ ấy tít trên một tháp chuông của nhà thờ trong một lần lang thang trên núi trong một buổi sớm đầy nắng, đầy gió và lãng đãng sương mù.
Từ căn gác gỗ của nhà thờ, tôi có thể thấy những rừng cây xanh mát cùng những đồi hoa cải vàng rực bên dưới, xa xa ẩn hiện trong sương mù những mái ngói lộn xộn, nâu sần của những ngôi nhà nhỏ lụp xụp . Thỉnh thoảng, tôi lại thấy những cánh chim bồ câu trắng liệng ngang qua bầu trời màu lam ngọc.
Có nhiều khe nứt trên cái tường gỗ đã cũ, nắng len lỏi chiếu vào bên trong những khe nứt ấy làm thành những vệt nắng dài tràn ngập cả căn gác. Ở đây, nắng không gắt mà lung linh một màu nhạt trong vắt của thuỷ tinh.
Tôi thường vác bản vẽ và màu lên căn gác đó mỗi khi rảnh rỗi. Đôi khi, tôi bị thôi miên bởi cái khoảng màu xanh của cây, màu vàng của hoa, màu thuỷ tinh của nắng. Tôi cứ thả hồn mông lung như vậy cho đến khi có tiếng đập cánh của bồ câu bay ngang, rồi tiếng sột soạt mặt giấy bị gió thổi đập phần phật vào giá vẽ làm tôi sực tỉnh. Thế là một buổi sáng trôi qua bình lặng mà không có lấy một tiếng chuông, đơn giản vì cái chuông đó bị hư lâu lắm rồi.
Hôm ấy, vào một buổi trưa vắng, tôi lại tìm đến căn gác ưa thích ấy để ngồi tiếp tục bản vẽ còn dang dở. Nhưng khi tôi đến nơi thì nơi góc tường quen thuộc của tôi – nơi nắng lung linh nhất – có cậu bé đang nằm ngủ.
Tôi sững sốt đến ngỡ ngàng vì không biết cậu có phải là một con người bằng xương bằng thịt hay là một thiên thần bay lạc xuống gác chuông này. Cậu đẹp kì lạ với mái tóc hoe hoe vàng, làn mi dài in bóng xuống gò má ửng hồng, cái mũi cao phập phồng trong làn hơi thở nhẹ, làn da trắng hơi xanh xao toả sáng trong nắng vàng lung linh.
Tôi chống cằm say mê nhìn và đưa tay phác vài đường trên giấy, chợt cậu khẽ cựa mình cất tiếng: “Vẽ người khác mà không xin phép là bất lịch sự đấy”.
Rồi cậu ngồi dậy dụi mắt – một đôi mắt bi ve to tròn, trong suốt như mặt nước vào chớm thu. Cậu lồm cồm bò đến chỗ tôi, dòm vào cái bản vẽ mà tôi đang phác nguệch ngoạc, bảo: “Cho tôi xem với, tôi không tưởng tượng mình trong tranh vẽ ra sao cả”. Nhưng rồi khi cậu thấy những nét chì đen chưa thành hình thù gì, cậu xị mặt: “Tôi đấy à? Sao xấu vậy? Chả nhìn ra cái gì hết.”
– Sao cậu nhìn ra được, tôi mới vẽ phác thôi mà. Còn phải chỉnh lại, tô màu thì cậu mới thấy được. Nếu lúc đó xong cậu thích thì tôi cho cậu luôn. – Tôi mỉm cười trả lời an ủi cậu, tức thì cặp mắt to tròn của cậu lại hớn hở, cậu mở to mắt xuýt xoa:
– Thật nhé, chị hứa phải hoàn thành bức vẽ và cho tôi đấy. Tôi ở đây xem chị vẽ được không?
– Uhm, nếu cậu muốn. Cậu có thể ở đây làm mẫu cho tôi luôn thể. Ngày mai, ngày kia luôn nhé. Bất cứ khi nào cậu đến, tôi cũng sẽ ở đây. – Tôi gật đầu và bắt đầu lôi giấy vẽ đặt lên giá, rồi lấy màu lấy cọ bắt đầu công việc như thường lệ.
Cậu bé lại có mặt ở gác chuông và làm mẫu cho tôi nhưng đôi mắt cậu hôm nay trông rất buồn, làn da xanh xao hơn. Cậu ngồi dựa vào bệ cửa sổ của căn gác hỏi tôi trong khi tôi đang lụi cụi pha màu:
– Ba chị là người thế nào?
Tôi ngẩng lên, đẩy gọng kính nhìn cậu rồi mỉm cười:
– Rất hiền và dễ thương. Cậu hỏi làm gì?
Cậu bé thở dài, lắc đầu rồi nhìn ra ngoài cửa sổ, chép miệng:
– Ước chi tôi có ba như chị nhỉ. Còn ba tôi thì dữ lắm, suốt ngày uống rượu đánh mẹ tôi thôi. Nhiều khi không uống rượu cũng đánh, không vì lý do gì cũng đánh.
Câu nói của cậu làm tôi đánh rơi cây cọ vẽ, tôi ngó cậu mà mắt rưng rưng vì xúc động và không tìm ra được lời nào để an ủi cậu ngoài câu:
– Xin lỗi, tôi đâu có biết.
Cậu cười buồn bước xuống nhặt cây cọ để lên lòng bàn tay tôi, tiếp:
– Không sao, dù gì thì bà ấy cũng bỏ đi rồi. Chúng ta không cần phải tiếc cho bà ấy. Xin lỗi, tôi đã làm chị bỏ dở công việc. Chị vẽ tiếp đi.
Tôi lại tiếp tục công việc, cậu lại thơ thẩn nhìn ngó ra ngoài căn gác rồi mơ mộng lên bầu trời màu lam ngọc, rồi cậu lại quay qua hỏi tôi:
– Chị đã thấy thiên sứ bao giờ chưa?
Sau lưng cậu, nắng đã lên cao rọi thẳng vào cửa sổ làm tóc cậu hoe vàng, lấp lánh, làn da trắng xanh xao càng nổi bật hơn, manh áo trắng của cậu bay phần phật trong gió làm tôi có cảm tưởng sau lưng cậu mọc ra đôi cách trắng muốt, tôi đáp:
– Hiện giờ có một thiên sứ trước mặt tôi đây này. Đừng có cố bay mất trước khi tôi vẽ xong nhé. – rồi tôi mỉm cười, gió vẫn thổi làm tóc và áo cậu bay phần phật.
“Bây giờ mây trắng thôi bay….
Thiên thần gãy cánh bị đoạ xuống trần gian….”
Những vết roi chằng chịt trên tấm lưng trắng mỏng của cậu, cậu ngồi đó ko thèm khóc mắt ráo hoảnh, làn da lại trở nên trắng và xanh xao hơn nhưng đẹp kì lạ. Tôi ngồi lặng lẽ dán thuốc cho cậu mà không dám hỏi chuyện gì đã xảy ra vì tôi biết ba cậu đã đánh cậu.
Tôi cứ im lặng và dán thuốc cho cậu, chốc chốc, tôi lại dùng tay xoa nhẹ vào vết thương cho cậu đỡ đau. Những vết bầm tím hằn rõ lên làn da xanh khiến tôi thấy căm phẫn người đàn ông ấy ghê gớm, tôi sụt sịt và khóc oà lên. Cậu quay lại, nhìn tôi ngỡ ngàng rồi cậu đưa tay vuốt mái tóc tôi, gắt nhẹ: “Khóc gì mà khóc. Tôi có thèm khóc đâu.”
Rồi cậu quay phắt đi, nhìn ra ngoài trời thơ thẩn giả vờ chỉ vào đàn bồ câu bay qua: “Bồ câu đẹp quá chị nhỉ?”. Mặc dù, tôi không thấy gương mặt cậu nhưng bờ vai cậu khẽ rung nhẹ, tôi biết cậu đang khóc…
“Cổng trời mở cửa đón nắng….
Thiên thần mọc lại cánh bay đi…”
Hai hôm rồi, tôi không lên được căn gác nắng vì sau ngày cậu bị đánh bỗng nhiên trời mưa tầm tã suốt một tuần. Một tuần liền chôn chân ở nhà, tôi cứ thấp thỏm không yên, tôi tự hỏi cậu có giận tôi không vì tôi đã không xuất hiện như tôi đã hứa.
Cứ mường tượng cảnh, nơi căn gác nắng ấy chỉ có cậu thui thủi một mình tôi lại thấy áy náy, tôi ngước nhìn trời mưa mà nhớ đến đôi mắt trong suốt như bi ve ấy đượm buồn. Tôi lại thấy chạnh lòng ghê gớm….
Tuần sau, nắng lại lên chan hoà, tôi hăm hở cắp cặp đi lên căn gác nắng, tôi vui vui khi biết rằng cậu sẽ ở đó, một cậu bé đẹp như thiên thần với đôi mắt bi ve và mái tóc hoe vàng lung linh trong nắng. Khi tôi đến nơi chỉ có một căn gác đầy nắng và vắng lặng, gió vẫn xôn xao rì rào, đàn chim bồ câu vẫn bay nhưng không có bóng dáng cậu.
Tôi đưa tay lên nhìn đồng hồ, chiếc kim đã chỉ đến số chín nhưng bóng dáng cậu vẫn mù khơi. Tôi chờ mãi, chờ mãi đến gần trưa vẫn không thấy cậu. Thất vọng, buồn bã, tôi ra về mà không vẽ được tí gì. Tuy nhiên tôi vẫn mang niềm hy vọng sẽ gặp lại cậu vào ngày hôm sau.
Ngày hôm sau lại đến, tôi lại mang tâm trạng một nửa hăm hở, một nửa hy vọng sẽ lại được thấy cậu nhưng….căn gác nắng vẫn vắng, tôi cố chờ và bóng cậu vẫn biệt tăm…
Buổi trưa nơi gác trở nên vắng lặng như hồi đầu tôi tìm thấy nó. Tôi lại thơ thẩn ngắm những khoảng cây xanh rung rinh trong gió, những cánh đồng hoa cải bạt ngàn, màu trời vẫn xanh trong như vậy, và từng vạt nắng vẫn lung linh, trong lòng nắng có những hạt bụi bay loạn xạ. Cậu vẫn không đến….
Chiều buông, tôi soạn đồ ra về bỏ lại sau lưng căn gác vắng lặng. Lúc tôi vừa đặt chân xuống bậc cuối cùng của cầu thang thì có một dì phước của nhà thờ đến bên tôi, bảo:
– Cô đến tìm cậu bé ấy phải không? Tôi thấy cô chờ cậu ấy đã hai hôm nay. Cô đừng chờ nữa, cậu ấy sẽ không đến nữa đâu.
– Tại sao vậy Sơ? Tại sao cậu ấy không đến nữa? – Tôi ngơ ngác ngạc nhiên trước câu nói của bà.
– Cậu bé đó vào một ngày mưa tuần trước đã đến đây và leo lên căn gác ấy. Người gác nhà thờ thấy bóng cậu ấy nhảy từ trên đó xuống. Nhưng rồi ông ấy không tìm thấy gì ngoài những cánh lông vũ nằm trên đất. – Dì phước cúi đầu thở dài bảo tôi.
Ngay khi dì phước vừa dứt lời, tiếng chuông đổ gióng giả trên vọng gác, tôi ngước lên bảo: “Ồ, cái chuông đó đã sửa được rồi đấy.”
BÌNH LUẬN