Nhà văn Duyên Anh gọi ngày 30.4.1975 là “Ngày Sài Gòn dài nhất”. Học theo Hans Speidel, Duyên Anh cũng viết một cuốn sách có tên “Ngày dài nhất”. Chỉ khác “Ngày dài nhất” của Hans Speidel là ngày mở đầu chiến dịch Overlord của quân Đồng Minh nhằm tiêu diệt Phát xít Đức, chiến dịch tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử, trận Normandie ngày 6.6.1944; “Ngày dài nhất” của Duyên Anh là ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, chấm dứt thể chế Đệ nhị Cộng hoà. Dù thế nào mặc lòng, với người Việt đó là một ngày khó quên.
0g. Trong một ngôi nhà nhỏ Xóm Lách – Yên Đổ (chứ không phải cư xá Chu Mạnh Trinh quận Phú Nhuận, nơi nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn vẫn sinh sống), Duyên Anh ngồi im lìm với chai rượu Rémi Martin đã rỗng và cái gạt tàn lớn đầy vun mẩu thuốc lá. Sài Gòn yên tĩnh sau cơn hôi của điên khùng chiều qua (29.4), chỉ còn tiếng máy bay trực thăng rền rĩ phía Đại sứ quán Mỹ trong chiến dịch Frequent Wind (được dịch lung tung: Gió lớn, Gió đều, Gió thường xuyên) lúc 11g51 ngày 29.4 để di tản nốt hơn 10.000 người Mỹ và người Việt “có nguy cơ cao”. Khi tất cả đường băng Tân Sơn Nhất bị hỏng, máy bay có cánh không thể cất cánh hạ cánh được, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger trực tiếp chỉ huy chiến dịch Talon Vise di tản bằng máy bay có cánh C141, C130 gọi về Nhà Trắng, nói như hét: “Vì Chúa, đề nghị dùng máy bay lên thẳng!”. Nhà Trắng chuyển sang “Lựa chọn 4”, dùng tất cả trực thăng ở Hạm đội 7, chiến dịch Talon Vise chuyển sang chiến dịch Frequent Wind cho máy bay trực thăng. Đô đốc Noel Gayler, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương huy động 81/85 chiếc trực thăng, trong đó có 36 chiếc Chinook loại lớn. Đài phát thanh Quân đội Mỹ ở “Nhà số 7” đường Hồng Thập Tự phát sóng mật hiệu, cứ cách mười lăm phút lại thông báo: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ F và đang tăng”. Tiếp liền là giọng ca Bing Crosby hát bài “Noel tuyết trắng”. Giờ này Bing Crosby vẫn hát: “Tôi đang mơ về một Giáng sinh trắng…”, Chiến dịch Gió lớn vẫn chưa ngưng. Duyên Anh đoán Phạm Duy đã bay được nửa chặng đường. Cả ông và Phạm Duy đều bị USIS, Sở Di trú Hoa Kỳ tại Sài Gòn, cho nhỡ tàu. Lần đầu tiên bị Mỹ lừa, hai văn nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất Miền Nam sốc nặng. Nhờ con, Phạm Duy cũng leo lên được máy bay. Trước đó ông đã rối rít tìm cách gọi cho Duyên Anh: “Tìm lối thoát lẹ đi, đừng tin Mỹ. Bọn Mỹ chó đẻ lắm.” Rốt cuộc Phạm Duy đành phải theo bọn “chó đẻ”.
BÌNH LUẬN