Khả năng lãnh đạo của Nguyễn Thị Định còn được thể hiện qua việc gắn kết các tầng lớp xã hội, bà truyền lửa, tạo ra sức mạnh vô hình cho ngay cả những lực lượng vốn gọi là chân yếu, tay mềm. Từ đây, một hình thức đấu tranh mới của Bến Tre ra đời, độc đáo và hiệu quả, khiến bè lũ quân địch khiếp sợ và gọi với cái tên: “Đội quân tóc dài”… Năm 1965, Nguyễn Thị Định đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Ủy viên Bộ Chính trị, Chính ủy Bộ Chỉ huy miền Nam) gặp và trao quyết định của Bộ Chính trị, theo đó bà đảm nhiệm cương vị Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà đã cùng Bộ Chỉ huy miền Nam gắn bó với nhân dân, đưa cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn đó, tháng 4-1974, Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, Nguyễn Thị Định được chuyển về Thủ đô Hà Nội công tác, bà đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tháng 6-1987, bà được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và cũng là nữ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
BÌNH LUẬN