Thôn 5, xã Sông Khoai (Yên Hưng, Quảng Ninh) nằm dưới chân một dãy núi thấp đột khởi khỏi cánh đồng. Người dân gọi quả núi đó là Dốc Ngắn. Theo lời anh Đinh Văn Thắng, quê gốc ở xã Hiệp Hòa, kế bên, khu vực này có thể từng là nghĩa địa khổng lồ, nên đào chỗ nào cũng sẽ thấy mộ vòm cuốn thời xưa. Anh cũng không biết đó là loại mộ gì, chỉ biết rằng, người dân Thôn 5 thường gọi là “Hố Vàng”, bởi họ tin rằng, người Tàu xây dựng những công trình đó để… chôn vàng. Hỏi về ngôi mộ khổng lồ ở phía chân núi, anh Thắng bảo: “Mình mới về đây nên không nắm rõ, chưa tận mắt, nhưng người dân ở đây, đặc biệt các cụ già kể nhiều chuyện ly kỳ về Hố Vàng lắm. Mình cũng chỉ nghe vậy, và biết vậy, chứ không nắm được gì”. Anh Thắng chỉ đường cho tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng thôn 5.
Hỏi ông Nguyễn Quang Vinh, ông Vinh xác nhận có… Hố Vàng ở ngay chân núi và nhiệt tình dẫn tôi đến tận nơi. Tôi khá bất ngờ, khi Hố Vàng lại nằm ở chái bếp nhà dân. Miệng Hố Vàng được xây quây lại bằng gạch và đổ nắp bê tông. Phía trên nắp bê tông là đống rơm. Ngay cạnh là gốc cây buộc trâu, phân trâu bốc mùi xú uế. Một cô gái trẻ bụng to, giới thiệu là con gái chủ nhà, về thăm mẹ đẻ ra tiếp khách. Cô bảo, hồi còn nhỏ đã nghe các cụ kể đó là Hố Vàng, chỗ người Tàu chôn vàng. Tuy nhiên, các cụ bảo Hố Vàng đã bị yểm bùa, người ta chôn sống trinh nữ để giữ kho vàng, nên không ai dám đến. Mặc dù lớn lên cạnh Hố Vàng, nhưng đến giờ cô vẫn sợ, chẳng dám đến gần, chứ đừng nói đến chuyện chui xuống Hố Vàng ấy. Cả nhà cô ai cũng sợ. Mấy người hàng xóm thấy chúng tôi còn chạy sang kể rằng, thường xuyên nhìn thấy một cô gái mặc áo trắng, da trắng muốt, tóc đen, mắt đỏ, ngồi trên nắp Hố Vàng. Có đêm còn thấy cô gái ấy bay lượn trong vườn nhà mình. Trẻ con ở quanh xóm đều được nghe chuyện về ma nữ trông giữ Hố Vàng, nên tuyệt nhiên không dám bén mảng đến gần. Tôi dọn đống rơm chất trên nắp bê tông, thì lộ ra nắp hầm. Nhấc chiếc nắp bê tông, hố sâu hun hút, tối đen như mực hiện ra. Ông Vinh sai mấy thanh niên trong xóm đi kiếm chiếc thang dài cùng chiếc đèn pin để tôi xuống. Ông Vinh từ chối xuống hầm mộ, bởi ông sợ dưới đó có khí độc. Khi tôi phân tích rằng, hầm mộ đã được mở từ lâu, lại có khe hở, nên khí độc nếu có sẽ đều thoát ra ngoài rồi, thì ông Vinh lại bày tỏ nỗi sợ… thần giữ của.
BÌNH LUẬN