Trong phần luận tội, viện kiểm sát đánh giá một số bị cáo trong nhóm nhận hối lộ đã bất chấp tất cả, "biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân". Viện kiểm sát cáo buộc các bị cáo đã nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí "bôi trơn", đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, do đó cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội đối với các bị cáo nhận hối lộ.
Tuy nhiên, viện kiểm sát cũng cho rằng cần xem xét thời điểm xảy ra dịch đang diễn ra việc thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước nhanh và phức tạp mà không có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục. Đây cũng là nguyên nhân, sơ hở để các bị cáo phạm tội. Một số bị cáo không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng do không tránh được cám dỗ nên đã phạm tội. Viện kiểm sát cũng căn cứ vào tinh thần tích cực khắc phục hậu quả của một số bị cáo để đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình. Đến hiện tại: đã nộp 120 tỉ đồng và 1,5 triệu USD Theo thống kê, 54 bị cáo trong vụ án đến nay đã nộp tiền khắc phục hậu quả khoảng 120 tỉ và 1,5 triệu USD. Trong đó, riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại khoảng 80 tỉ. Người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án này là Phạm Trung Kiên với 253 lần, nhận tổng số tiền 42,6 tỉ. Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp hơn 12 tỉ nhưng lại nhờ họ khai báo với cơ quan chức năng đây là tiền vay mượn cá nhân. Số tiền Kiên hưởng lợi được xác định là hơn 30 tỉ đồng. Viện kiểm sát cho hay gia đình bị cáo đã nộp lại số tiền 15 tỉ để khắc phục hậu quả, hiện còn phải truy thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 15 tỉ.
BÌNH LUẬN