Làng Văn Nội nằm giáp con đường tỉnh lộ 21B hướng Hà Đông đi Chùa Hương, thời thực dân Pháp đô hộ, chúng lập một cái đồn án ngữ trên mặt lộ 21B gần làng Văn Nội. Chúng kiểm soát việc thông thương buôn bán, đi lại của người dân trong vùng. Nhiều bà con bị hạch sách đành phải bấm bụng bỏ ra vài đồng lẻ đưa cho chúng mới được thông thương hàng hoá đưa về mạn Mỹ Đức, Hoà Bình buôn bán. Trong đồn có khoảng gần chục thằng lính Tây kèm cả lính Việt, chúng cắt cử theo ca làm việc ở đồn. Nếu thấy chị em nào có nhan sắc chút, kể cả là gái đã có chồng con gồng gánh qua đồn , tên đồn trưởng nháy mắt cho lính gọi vào, hắn doạ nạt này nọ rồi nhẹ thì sàm sỡ, nặng hơn thì bị hắn hại đời.
Những việc làm trái đạo thất đức đó dân quanh vùng ai cũng biết, họ căm phẫn lắm nhưng vì thấp cổ bé họng chỉ biết im lặng. Thi thoảng hứng chí lên là tên đồn trưởng sai lính vào làng Văn Nội, xin đểu gà vịt của dân mang về đồn thịt nhậu nhẹt. Nếu người dân không cho là chúng rút súng doạ nạt, sau đó chúng vồ gà mang đi. Làng Văn Nội thủa năm 1939 đầu thập niên 1940 có hơn 300 nóc nhà, toàn là nhà mái rơm rạ vách đất, người dân hàng ngày bươn chải ngoài đồng ruộng bắt con tôm con tép. Lo cái ăn vào bụng cũng chẳng đủ nên số người được đi học hiếm lắm, có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay chủ yếu rơi vào vài nhà địa chủ đất, họ có tiền cho con cái học trường Tây ở Hà Nội. Cụ Thạo là người sống thọ nhất làng Văn Nội, cụ mới mất được hai năm nay. Ngày cụ nhắm mắt xuôi tay về với tiên tổ, cụ đã hưởng thọ 101 tuổi. Sau cách mạng tháng 8/1945, cụ Thạo đi học cái chữ ở lớp bình dân học vụ. Khi đọc thông viết thạo, cụ Thạo đã viết lại toàn bộ tội ác của đám lính Tây trong đồn để lưu trữ cho con cháu đời sau biết. Con trai của cụ Thạo năm nay gần 80 tuổi , mở tủ lấy ra cuốn vở tập nhàu nhĩ quăn góc với chất liệu giấy vàng ố cho tôi xem.
BÌNH LUẬN