Nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa là nền giáo dục ở các vùng do chế độ Việt Nam Cộng hòa kiểm soát tại miền Nam Việt Nam từ 1955 tới 1975 (các vùng do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kiểm soát thì không áp dụng). Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm tiểu học, trung học và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương tới địa phương. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa quy định về việc cố gắng xây dựng nền giáo dục cơ bản mang tính bắt buộc và miễn phí, các trường đại học tự trị, và những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn.
Tuy nhiên, do ngân sách giáo dục eo hẹp, hệ thống trường học thiếu thốn và không có chính sách khuyến học hiệu quả nên có nhiều trẻ em nghèo vẫn không thể đến trường. Tới năm 1974 tỷ lệ người dân biết đọc và viết của Việt Nam Cộng hòa ước tính vào khoảng 70% dân số, tức là trong 20 năm tồn tại, Việt Nam Cộng hòa chưa thanh toán xong nạn mù chữ (trong khi đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thanh toán xong nạn mù chữ ở đồng bằng và trung du miền Bắc ngay từ năm 1958). Sau năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, trước tình trạng nhiều người dân miền Nam vẫn bị mù chữ, chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách Bình dân học vụ và đến cuối tháng 2 năm 1978, toàn bộ 21 tỉnh thành ở miền Nam đã cơ bản thanh toán xong nạn mù chữ. Nhìn chung mô hình giáo dục ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1960-1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử trí thức và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chuyển sang mô hình giáo dục đại chúng và thực tiễn. Tổng quan
BÌNH LUẬN