Tôi đứng trước ngôi nhà số 5 phố Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bây giờ là một hiệu buôn nhỏ để cố tưởng tượng ra cái năm 1917 ấy, chàng thanh niên 25 tuổi Phạm Quỳnh thấp thoáng trong đó với tư cách là Tổng biên tập báo Nam Phong. Hình như cái chức chủ nhiệm kiêm chủ bút thời ấy, về ngạch hành chính cao hơn chức danh Tổng biên tập bây giờ? Trên tay tôi đang có một tờ Nam Phong. Tờ Nam Phong số 34 tháng 7/1920 trang bìa cũng như tất thảy 210 số Nam Phong tồn tại suốt 17 năm (1917 - 1934) dưới hai chữ Nam Phong lớn là 6 chữ nhỏ hơn Văn học - Khoa học - Tạp chí.
Dòng nhỏ hơn dưới nữa là trích câu của Roosevelt “Có đồng đẳng mới bình đẳng được” (Il n’y a que ceux qui sont des egaux qui sont egaux). Các dòng dưới nữa Chủ bút kiêm quản lý (Directeur Rédacteur en Chef: Phạm Quỳnh) Mỗi tháng xuất bản một kỳ. Giá mỗi số 0$40 (4 hào tiền Đông Dương). In tại Đông Kinh Ấn Quán, 14-16 Rue du Coton, Hanoi. Mỗi số bình quân ngót 400 trang so với sức in lẫn sức đọc hồi ấy kể cũng là dày dặn! Nam Phong số 34 có các bài như thế này 1. Bàn về sự tăng lương cho các viên chức tòng sự chánh phủ Bảo hộ; 2. Sự giáo dục trong gia đình; 3. Một sự thí nghiệm đã nên công; 4. Các việc lớn ở châu Âu từ sau chiến tranh đến giờ; 5. Khảo về lịch sử luân lý học nước Tàu; 6. Văn uyển; 7. Đoản thiên tiểu thuyết; 8. Tập kỷ yếu của Hội Khai trí Tiến Đức. Phạm Quỳnh là người chủ trương đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng tinh thần văn hoá Tây Âu để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn cái hay của người mà dung hoà với cái hay của mình ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc mà có cơ tiến hoá được. Có lẽ nói về đóng góp của Nam Phong không thể không kể đến nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan …Trong 17 năm chủ trương Nam Phong Tạp chí, Phạm Quỳnh đã cho xây đắp nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài khảo cứu và bình luận rất công phu mà từ Bắc chí Nam người thức giả đều phải lưu tâm đến. Nhiều người có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong để bồi bổ cho cái sự học còn khiếm khuyết của mình.
BÌNH LUẬN