Site icon Truyện ngắn

Hạnh phúc trong vô vọng

  1. Gia đình

   Cuộc đời này thật đầy rẫy những thương đau, và toàn những lời dối trá

   Có lẽ, tôi là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên cõi đời này, bị ba mẹ bỏ rơi, và chẳng có lấy một cái tên cho mình.

   Tôi sống ở một ngôi làng, chốn ngoại ô, nơi đầy rẫy những đồng lúa chín vàng pha mùi sữa, nơi ấy là nơi mà những ngọn gió chẳng bao giờ kéo tới, những con sông chẳng bao giờ chịu dừng lại, chẳng ai ghé thăm, có hay chăng cũng chỉ là những tiếng ếch kêu, dế gọi, gà gáy vô cùng tịch mịch, và sôi động hơn nữa là những tên giặc ngoại quốc, hay những tên địa chủ tới để bắt nô lệ. Và, ở đó, có lẽ, chí ít về mặt thể xác, tôi không cô đơn, tôi có ba mẹ nuôi của tôi, và họ ban cho tôi một cái tên, một sức sống mới.

   Gia đình tôi có ba người: cha Ngọc, má Hằng và tôi, Minh. Họ có lẽ là những người chăm chỉ, dịu dàng đáng thương nhất mà tôi từng gặp, ba tôi làm nông dân, cho một tên địa chủ cặn bã, ngày đi 5 giờ, tối tận nửa đêm ông mới được về, nhưng cũng chỉ đủ để gia đình tôi uống nước qua ngày. Còn mẹ tôi, bà làm hầu giường cho những gã có tiền, ngày cứ nửa đêm, khi ba tôi về, cánh cửa lại mở ra lần nữa: “Hôm nay có mệt không anh?” rồi bà lại đi ra ngoài, ai cũng biết cái nghề kiếm tiền bà định làm ấy có tầm quan trọng thế nào với gia đình, vì miếng ăn, mặc kệ những lời khuyên lơn của mọi người, bà vẫn làm nghề đó, ba tôi cắn môi, kìm nước mắt: “Em đi nhé” và cứ vậy, mặc cho màn đêm phủ lấy căn nhà .

  1. Nội tâm và xã hội

   Ngày hôm sau, khi nắng đã lên, tôi thức dậy, và như bao hôm nào, căn nhà này của tôi vẫn chẳng bóng người, một màn đêm tất yếu, giữa những ánh nắng vàng chiếu rọi, và một bát cơm thơm ngon trên bàn.

   Sau khi đã chén xong bát cơm, thỏa cái bụng đói, tôi đi ra ngoài để tắm nắng, cho vơi đi bớt những màn sương đen trong lòng, và đón những đồng lúa bao la, thơm mùi sữa, hơn hết, là để xem xem, những người bạn ấy đã chơi với mình hay chưa, tôi lại sân bóng của chúng, và quả nhiên vẫn những câu chửi điếng người: “Thằng mồ côi” , “Mẹ làm đĩ” , …, Tôi có tội gì kia chứ !

   Phải chăng, giữa cái xã hội bẩn thỉu này, mưu sinh cũng là cái tội? Bán đi sự trong trắng để đổi lấy đồng tiền cũng là cái tội? Bị bỏ rơi cũng là cái tội chăng? Và hơn hết thảy, tôi sống, tôi thở, cũng là… một cái tội ư?

   Một ý nghĩ xấu xa, nhơ nhuốc đã lóe lên trong đầu tôi, một ý nghĩ căm hận các vị sinh thành của mình, một ý nghĩ khinh bỉ, coi thường cái “người mẹ” bẩn thỉu của mình, ôi, thật dơ bẩn làm sao! Sao tôi có thể nghĩ như vậy được kia chứ? Đáng xấu hổ, và vong ơn quá!

   Thế rồi, tôi mới nghĩ đến một vai hề, cùng chúng nó để chửi rủa, và tự nhục mạ chính bản thân tôi, tôi cứ cười thôi, mặc sự điên loạn, và hãy kìm nén dòng lệ của mình, và có chăng, đó là cách duy nhất mà tôi có thể chơi cùng bọn chúng?

   Một nụ cười vang lên, tôi diễn thử vai anh hề:

-Thằng Minh là thằng không đáng sống, nên chết chúng mày nhỉ? Thằng mồ côi, mẹ làm,…

   Cả lũ chúng nó cười lên, tán thành, tung hô tôi như kẻ điên:

-Ha ha! Nó tự chửi mình, chúng mày kìa! Ha ha, thằng này ha ha…

   Và thế là, tôi đã có bạn, mặc vậy, có lẽ, trong tim tôi, đã thủng một lỗ, nhói quá!

   Cứ vậy, về đến nhà, tôi sống qua ngày bằng những con chữ và dòng lệ sầu, cứ thế, cho đến khi tôi lên 14, tôi đã gặp được Mai, định mệnh đời tôi.

   Nàng là một cô thiếu nữ, bằng tuổi tôi, và có phần nổi trội hơn những người đồng trang lứa, là con của một địa chủ trong vùng. Nàng có thân hình mảnh dẻ, thon gọn, giọng nói thì nhẹ nhàng, em ả mà trầm ấm tựa như làn nước mùa thu, khi những giọng nói ấy được cất lên bởi đôi môi hồng hào, căng tràn, tươi tắn của Mai, tôi những tưởng nàng như thiên thần trong cổ tích mà mẹ kể tôi nghe, và trên hết, là cái cá tính của nàng, nàng có cái tôi, cái thời đại riêng của mình, nàng tự chủ, có văn hóa, tri thức, và tiếng nói, nàng đẹp đẽ, sắc sảo và mạnh mẽ như bông hồng có gai vậy, khó ai có thể chạm vào những bông hồng ấy mà uốn éo, chạm khắc nó theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, cái đẹp nhất của nàng có lẽ là từ đôi mắt, một đôi mắt đẹp sâu thẳm tựa vì hư vô, kèm theo sức hút khó tả từ dải Ngân Hà bao la vũ trụ.

   Gặp nàng, tôi như trở về đúng với chính mình vậy, từ một thằng vô lại bẩn thỉu, dơ dáy thành một người tự ti, trầm lắng, mà sầu bất tận, khi tiếp xúc với nàng, tôi mới biết, tuy sống trong gia đình có quyền thế, nhưng nàng cũng có những nỗi buồn khó nói, nàng ghét cái cảnh đàn áp, bóc lột sức người một cách dã man, và nàng ghét cái đồng tiền đã mua gia đình nàng rời xa nàng, và, kể như, từ lần gặp gỡ tình cờ ở ven hồ, và từ những lần thổ lộ, tâm tình cùng nhau ấy, việc tôi đến hồ, nàng đến hồ như một cảnh sinh hoạt thường nhật của chúng tôi, như hai con thú tìm nơi nương tựa với nhau, và đến khi tơ hồng bén duyên, một biến cố đã ập đến

 

  1. Biến cố

   Tôi nhớ, ngày ấy là ngày mùa Đông, mưa tầm tã tựa vết cắt thấu xương, khi tôi với ba tôi đang ăn cơm, với con gà mà ông tình cơ bắt được, thì có một tiếng gõ cửa vang lên:

-Có phải ông Ngọc, chồng bà Hằng đấy không?

-Có chuyện gì thế?

-Chết rồi.

-Sao cơ?

-Bà Hằng chết rồi

-…

-Tôi đặt xác bà đây nhé, tôi đặt tiền ở đây luôn, bà chết do say nắng, tạm biệt!

   Tôi và ba tôi mở bung cửa, chạy ra ngoài, khuôn mặt mẹ tôi.

   Một không gian tăm tối, chừng nửa đêm, các căn nhà chẳng còn bóng đèn, chỉ còn lại tiếng cuốc bổ, tiếng quạ kêu đầy oan trái.

   Khi ba tôi thấy mẹ chẳng còn mảnh vải che thân, người nhầy nhụa những bùn đất, vết cào, và cả… mùi nước tiểu nữa, ba tôi nói:

-Mẹ nó, say nắng gì chứ? Cưỡng hiếp thì có, cái đồng tiền chó má đã đẩy nàng đến với cái nghề này, cái thời đại này, ông trời bất công với con quá!

   Và rồi, khi đến đám tang mẹ tôi, kì thực, chẳng ai đến thăm bà cả, chỉ có tôi, chai rượu trên tay ba, và cả những tiếng quạ kêu như thể an ủi phần nào cái chết oan khuất của bà, như phần nào, thay cho tiếng thét của bà trong đêm ấy.

   Sau đó, ba tôi đã trở thành một gã bợm rượu, suốt ngày chỉ biết đánh đập tôi.

   Tôi đến thăm Mai lần cuối:

-Anh yêu em

-…

-Em đợi anh nhé?

-Vâng!

   Tạm biệt!

   Tôi đã bỏ trốn khỏi cái làng này, khỏi những đau thương mà nó đã ban tặng cho tôi, khỏi em, người cho tôi nếm trải sự hạnh phúc nhất của tình yêu, của đời người, khỏi sự xấu hổ, hổ thẹn trước kí ức của chính mình.

   Và rồi, tôi sống lay lắt qua ngày, ở một nơi không rõ, phiêu bạt cho đến khi chiến tranh nổ ra.

 

  1. Nhập ngũ

   Vào độ tuổi 16 của đời người, có lẽ, thứ lớn nhất chính là cái tôi, cái thể diện của mình. Thật đáng hổ thẹn làm sao, khi phải làm ăn xin, sống cùng ngọn cỏ để lay lắt qua ngày, có những lần, tôi tự kề dao lên cổ, ước mình chết quách đi cho xong, và, bản năng sinh tồn đã điều khiển tôi, hay là linh hồn mẹ tôi còn vương vấn quanh tôi, giữ tay tôi lại, làm chệch hướng đi những lần tự tử của tôi lên cổ chăng mà sao những lần cố giải thoát chính mình, đó chỉ là những giấc ngủ ngắn ngày mà chẳng phải giấc ngủ ngàn thu?

   Tuy nhiên, không biết nói sướng hay khổ đây nữa, chiến tranh đã nổ ra, tôi đã nhập ngũ, và ước gì, có ai đó giết quách tôi cho xong, hay phải nói là giải thoát chăng?

   Những tưởng cuộc sống ở đây sung sướng, đầy quy củ, và nguyên tắc riêng, hóa ra, ở đây chẳng dễ dàng chút nào, ít nhất là đối với bản thân tôi.

   Hằng ngày, mặc cho sự tàn tạ, cô liêu của thân xác, tôi vẫn phải gánh nước, chạy hàng chục km, và sau đó là những buổi vung kiếm dài 1m, rộng 3 centi, nặng nề, đầy đau nhức, thớ cơ như thể đang thét gào nhắc nhở hồn tôi về nỗi đau da thịt, thể xác. Còn những bọn nhà giàu thì sao? Chúng chẳng phải tập luyện gì, và có hay chăng cũng chỉ là bắt nạt những kẻ như tôi sau giờ hành xác, và rồi thưởng thức những món “Sơn hào hải vị” “Rừng chim muông thú” của chúng, tất thảy những món mà chúng tôi phải giao nộp sau những chuyến đi săn bằng tính mạng để đổi lấy một bữa cơm không, tuy nhiên, cái đáng ghê tởm hơn lại là những cô gái trong cũi sắt, chúng nhốt các cô lại, rồi cứ khi đêm đến, chúng lại dắt các cô vào phòng để tra tấn các cô về cả tinh thần lẫn thể xác, để tước đi sự trong trắng của mấy cô, và khi đêm qua, nắng xuống, các cô chỉ còn lại những cái XÁC, và để cho… những con chó săn của chúng gặm trước mặt bọn tôi, như thể lời cảnh tỉnh, lời răn đe cho những ai dám đào ngũ, hay phản bội chúng, và rồi, những “con chó” trong cũi sắt ấy, có người cắn lưỡi tự sát, và còn có người mất thần trí, hóa điên,…

“Đời sao đau đớn quá

Chỉ nhớ tiếng hư vô

Như lời thét ai oán

Đau sẵn, chẳng ai tô”

Và rồi, cái gì đến cũng sẽ đến, chiến tranh đã nổ ra, tôi ra sa trường cùng 4000 người đã ăn nằm cùng tôi, đã trải qua những đau thương cùng tôi, và chẳng ai biết, sau trận đánh này có còn họ hay không nữa, hay chỉ còn, những cũi sắt ngoài kia…

 

  1. Sát

   Ngày đầu ra sa trường, chúng tôi đã cắm trại trong rừng, không mảnh vải để đắp, lạnh đến thấu xương, và cũng không dám tìm hồ để uống, vì sợ những con hổ đói đang chực chờ, chúng tôi chỉ có thể lấy nước từ những tán cây, hay những giọt nước mưa để uống, khát đến ngây dại .

   Ngày thứ hai, là ngày kinh hãi nhất của chúng tôi, khi chạm trán với kẻ địch, và cũng là ngày đầu tiên, tôi tước đi một sinh linh của thế gian này.

   Khi ấy, trời mưa tầm tã, đang là lúc hoàng hôn, tôi, là người trẻ nhất trong đội, đảm nhận trinh sát. Tôi đã bị phát hiện, cùng với đồng đội tôi. Trước giây phút sinh tử ấy, cả hai đều phòng thật nhanh, băng băng giữa cả khu rừng, cảm nhận được làn gió cuối cùng trong cuộc đời, cảm nhận được sợi dây liên kết, tri âm tri kỷ với nhau, tôi và thằng Khang núp tạm dưới bụi cây, địch đi tìm, còn sót lại một tên, vẫn đang lảng vảng, chân tay chúng tôi mềm nhũn, nhưng, cớ sao tôi lại phát ra tiếng động kia chứ? Cớ sao tôi lại hại chết bạn mình kia chứ? Thằng Khang đã nhảy ra, đón lấy nhát dao cho tôi, lăn những dòng sữa nóng hổi trên cánh rừng, nó nói:”Sống tốt nhé”, và rồi ôm chặt lấy địch, ghì con dao sắc nhọn ấy lại giữa lồng ngực nó, dùng hết sức bình sinh, giữ địch lại, để tôi giết, và tôi lao tới

   Xoẹt!

   Không biết đó là vết máu của địch, hay vết máu của thằng Khang, bạn tôi nữa, thằng Khang nó an ủi tôi, nhưng câu an ủi ấy lại đau đớn làm sao, nó nói với hai dòng lệ lăn:

-Chúc mừng nhé, mày giết được địch rồi

Tôi ôm chầm lấy nó

Nó giơ tay ra, và nhắm mắt lại như thể muốn nói:

-Mày hãy đi đi, hãy rời khỏi cái chốn đau thương này đi, mày nhé, tao sẽ luôn dõi theo mày, mình đã đủ khổ rồi, Minh!

   Và rồi, lại lần nữa, như một thằng hèn trốn tránh thực tại, bỏ lại 4000 anh em trên chiến trường, tôi lại chạy, chạy đến khi nào ngất, tôi cũng không hay.

 

  1. Nô lệ

   Tôi tỉnh dậy, trong một căn phòng ẩm thấp phân chuột, phân gián, không bóng người, chỉ có một ánh trăng mờ chiếu rọi vào tôi, thân mang xiềng xích.

   Hóa ra, tôi đã thành nô lệ, tôi không kìm được nữa, tôi khóc. Một tên quát:

-Im đi!

Tôi đành nín bặt, mà thiếp đi dưới ánh trăng

   Khi nắng mới lên, tôi đã tỉnh dậy, bởi xô nước lạnh, và bị bắt làm ruộng bằng những cây cuốc sắt, nặng trĩu, dưới ánh nắng như thiêu, như đốt làn da tôi.

   Dừng lại ư? Nói chuyện ư? Không được. Những tên canh ấy sẽ lấy những chiếc roi da người mà quất chúng tôi đến chết mất.

   Và rồi, cứ vậy, ngày qua ngày, tôi đã gặp được Nam, thằng bạn thứ hai của tôi, tôi sẽ cẩn thận, và trân quý nó, tránh để… như thằng Khang…

   Vào mỗi đêm, tôi và nó cứ tâm sự với nhau mãi thôi, nào là gia đình, ba mẹ sinh thành ra ta, hay những điều mà ta hạnh phúc nhất trong đời. Toàn những cảnh mà chúng tôi đều không có, chỉ đành tô vẽ nên chúng, nên bức tranh về một thế giới mộng mơ. Và, có lẽ, khoảnh khắc ở cùng Nam là những khoảnh khắc hạnh phúc, quý giá nhất của đời tôi.

   Cho đến khi, Nam dẫn tôi đến “nhà bếp” để ngắm bữa cơm của chúng tôi có gì.

THỊT NGƯỜI.

Tôi bàng hoàng, kinh hãi:

-Mày biết trước rồi à?

-Ừ.

-Sao vẫn ăn?

-Để sống…

À thì, đúng nhỉ, cuộc đời này đâu còn chỗ dung thân cho thiện lương kia nữa? Cái lương thiện còn sót lại chút gì kia, có lẽ đã bị đồng tiền, bị sinh tồn, bị cuộc đời nó ăn mất rồi, như mẹ tôi chẳng hạn, đau quá!

-Mày nhìn xuống chân mày đi, xem số bao nhiêu?

-333

-Ừ, là gia súc số 333, tao là số 127, sắp đến lượt tao rồi, có lẽ là 2 tuần sau thôi.

-Mình chạy đi!

-Chạy, ừ rồi chạy, chạy xong rồi mày tính đi đâu? Tính làm gì? Hay lại định chết đói ở nơi lang thang vô định? Mày chạy đi, tao thà chết còn hơn!

 Có lẽ, thằng Nam nó vô vọng rồi, nó chẳng còn khao khát sống nữa, dường như nó đã dính chặt với cái thân phận nộ lệ, lao tù của nó, với những người nô lệ, hay những mảnh đời bất hạnh, khi nhìn vào mắt họ, có lẽ ta sẽ chỉ nhìn thấy mảnh đen tối của tâm can, một bóng tối lang thang mà vô định, bất tận sẽ vẫn là vậy. Đối với họ, sự sống và cái chết có gì khác nhau đâu kia chứ, sống vốn dĩ đã là chết rồi, nó vốn là vậy mà.

   2 tuần sau, tôi và những người bạn của mình bị đẩy vào công việc đầy gian khổ, rủi ro nhất, chốn đào mỏ. Tôi lấy hết can đảm, hỏi Nam:

        Mày muốn chết như con người, mà không phải như những con gia súc, chết ngay tại hôm nay không?

        Mày định giết tao à? Làm đi, tao muốn lắm chứ.

Tôi toan tự tử, đốt cháy khí Metan trong hầm, tạo ra vụ cháy nổ, sập hầm, tước đi hàng ngàn sinh linh trong cái hầm này, tỉnh dậy ở đâu đó dưới tảng đá, thấy lũ lính canh chạy vào trong, tôi bò dậy, đứng lên và chỉ biết chạy, chạy…

   Sao tôi không chết đi chứ?

   Tay tôi, đã nhuốm hàng tấn máu của bè bạn.

 

  1. Gia đình mới

   Tôi đã chạy đến phía trong thành phố, và được một gia đình nhận nuôi.

   Gia đình ấy gồm 2 vợ chồng già, đang mắc bệnh ung thư, cùng cậu con trai chừng 22 tuổi, căn nhà được sắp xếp theo kiểu Tây, gam màu trắng, có phần hiện đại, và trên hết, họ rất tốt với tôi, dạy tôi cách đọc chữ, viết chữ, rồi là đếm tiền,…

Họ coi tôi như con cháu trong gia đình vậy.

   Thật hiếm hoi làm sao, trong cuộc đời đầy rẫy cái mục rữa, cái thối nát trong thời đại này, tôi lại gặp được những làn gió trinh trắng giữa bầu không khí ô nhiễm, tựa những búp sen thơm nở rộ trong bùn lầy, hiếm quá, quý quá, mà cũng đẹp đẽ, đáng tiếc quá…

   Thường thì, những người đẹp đẽ như họ sẽ bị cuộc đời này ngược đãi thôi, thường là vậy, nếu họ không biết lừa lọc, gian trá, ắt hẳn sẽ có ai đó lừa họ, nếu được chọn lựa, tôi cũng muốn giống như họ, trở thành một con thiên nga đẹp đẽ, không chút vấy bẩn, nhưng thời đại đã chọn thay tôi, thời đại đã cho tôi tiếp xúc với những người hiền bị ngược đãi, đã cho tôi tiếp xúc với bọn cầm thú quá, để tôi trở thành một kẻ đa nghi, bàn tay nhuốm đầy sắc máu tươi, đầy những vong linh đang hét bên tai tôi…

   Nhưng, cho đến khi gặp họ, tôi mới thấy, cuộc đời này thật ấm biết bao, tôi biết rằng, tôi cần thoát ra vũng lầy của chính mình, của cái tăm tối ấy, và nhận ra rằng, cuộc đời đẹp hay không, là do cách đón nhận của tôi với nó, với đau buồn…

   Và rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, 3 năm sau khi gặp họ, vui cùng họ, họ đã từ giã thế gian…

   Đến với tang lễ của họ, một cành mai trắng như lời giã biệt của tôi với họ, như lời chúc phúc và cảm ơn, xin lỗi của tôi với họ cho cuộc sống trên thiên đường…

 

  1. Kết thúc của sự đau buồn

   Sau những đau thương ấy, tôi đã về lại với căn nhà cũ của tôi, về với cha Ngọc.

   Và hay tin rằng, ông đã mất, và có để lại bức thư cuối cùng cho tôi, tôi ra bia mộ ông với mẹ, kính viếng trước tiên, say rượu với cả hai, rồi về nhà xem bức thư ma cha đã tặng:

“Thân gửi con yêu,

Ta xin lỗi và lấy làm tiếc về những thứ ta đã làm với con, ta bồng bột quá con ạ, mong con hãy thứ lỗi cho ta nhé, và mong con hãy thứ lỗi cho mẹ con nữa, bà làm vậy, bà hi sinh vậy, là để nuôi cho con, nuôi cho gia đình chúng ta con ạ, đời là thế mà con, ta đã không thể trong sáng được nữa, mong con hãy sống một cuộc đời thật trong sáng, con nhé!

Yêu con, cha đi đây,

Cha”

Cha tôi khổ quá, sống một cuộc đời đầy lầm than mà vô vọng đến vậy, nhưng may mắn thay, cha tôi vẫn giữ được cái lương thiên trong phút cuối cùng của đời ông, ông đã giữ nó lại, bằng cái chết lạnh lẽo của mình, để về với mẹ.

   Và bên dưới, là địa chỉ của đấng sinh thành ra tôi, mà cha đã biết được trong một tấm tờ rơi, và đi tìm tôi, nhưng không thấy, ông để lại đó, như một hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng, như một đốm sáng phía cuối hang động.

   Còn về may, tôi đã nghe được tin em, thật mừng thay, thật may mắn thay, và thật hạnh phúc cho em, khi em vẫn là người con gái tự chủ của thời đại, là một nữ họa sĩ đại tài, cưới một anh chàng văn nhân, và sống với nhau đầy hạnh phúc.

   May mắn sao, em đã không cưới nhà văn, mà đã cưới một văn nhân…

   Tôi đã tìm thấy gia đình của đấng sinh thành mình, nhưng giờ đây, khi quay lại với độ tuổi 30 có phải là muộn quá không? Mà chỉ còn những bia mộ họ? (Chết do chiến tranh)

Tôi ngã khuỵu xuống đất

Và thấy họ dắt tôi đi theo,

Bắt đầu cuộc sống mới…

 

 Duy nghĩa

29/10/2022

Cảm ơn vì đã đọc truyện ngắn đầu tiên của tôi <3

Truyện là giả tưởng, hư cấu mà thành!

 

 

 

 

Exit mobile version