Thằng Sơn

Cái xóm đường rày chứa những thành phần bất hảo. Nhà thằng Sơn là một hộ nghèo nằm trong một con ngách nhỏ, tổ khu phố bốn. Nhà Sơn có ba anh em. Theo cách tính của người miền Nam thì nó là con thứ ba. Trên nó là thằng Đông và sau nó là thằng Hải. Mẹ thằng Sơn mất đã lâu.

Giang Thanh hành hạ tàn độc Tống Khánh Linh như thế nào?
Chủ tịch tỉnh An Giang bị bắt tù giam vì tội gì?
Hé lộ bí mật Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp

Chú Hướng bố thằng Sơn là giáo viên Tiểu học bỏ việc do sức yếu. Chú thường làm những việc lặt vặt xung quanh xóm để kiếm tiền mua mắm, muối. Nhà thằng Sơn được xếp vào diện đặc biệt, bởi mấy người con trai nhà nó đều có tính khùng khùng, mát mát. Thằng Sơn có thân hình to lớn, hộ pháp, nhìn rất dữ dằn. Cái mặt rỗ và bộ râu mọc lởm chởm làm người đối diện liên tưởng đến Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Mà nó chí phèo thật! Hễ có bóng dáng người hay một chiếc xe ô tô lạ nào vào trong xóm là nó lại nhanh thoăn thoắt đến tiếp cận. Nó tận tình hỏi han và chỉ đường cho người ta. Sau đó, nó xin tiền. Dĩ nhiên là xin đểu. Bởi rằng, dù người đi đường không hỏi nó, nó vẫn chỉ đường và sau đó dìa tay ra. Nó cao trên một mét bảy. Áo quần rách tả tơi. Bàn tay rắn rỏi như tay thằng mổ heo. Người nào ngoan ngoãn móc hầu bao thì còn an tâm giữ gìn “long thể”. Ai mà lơ nó thì nó xấn tới. Người nào định la lên thì nó dấn cái mặt hầm hầm ý muốn cho ăn đòn. Thế nên, cứ mười người được nó chỉ đường thì chín người phải móc tiền. Họa hoằn lắm mới có người được nó tha bổng khi chỉ đường. Xóm giềng cũng không ai muốn dính vào gia đình nhà nó. Anh em nó thằng Đông thì bị nghiện, thằng Hải bị tâm thần. Các cụ bảo tránh voi chẳng xấu mặt nào. Xóm họp bao nhiêu lần đều lảng tránh vấn đề nhà thằng Sơn. Phần vì người móc tiền không tố cáo do số tiền bị chấn cũng ít. Phần thì những người dân hiền lành không muốn vướng vào thị phi.

Cứ sáng sớm thằng Hải em thằng Sơn lại ngồi đầu ngõ uống trà đá và nghêu ngao hát. Có những lúc thằng Hải trần truồng đi nhông nhông ngoài đường. Nhà ba anh em nhưng thân ai người đó lo. Thằng Đông tuy nghiện nhưng cũng chẳng ăn cắp của ai trong xóm. Nó siêng làm việc giúp người ta để kiếm tiền mua thuốc hút, chích. Thằng Hải lúc bệnh thì đi trấn lột con bé bán rau củ quả lúc thì quả xoài, lúc quả bưởi để kiếm tiền mua thuốc lá hút. Tội nghiệp con bé bán rau củ. Năm giờ sáng dọn hàng ra thì năm phút sau lại phải mất hàng. Nỗi niềm uất ức đó được nó chia sẻ với người đi chợ chứ cũng chẳng dám ho he tí nào. Nhà thằng Sơn cứ thế sống chìm trong sự e dè và lo sợ của xóm làng.

Thế rồi, bệnh thần kinh của thằng Hải ngày càng nặng. Thằng Hải quậy phá gây nguy hiểm cho người khác nên nó bị đưa vào chữa trị bắt buộc ở bệnh viện tâm thần. Ngày bắt thằng Hải đi điều trị, người ta trói thằng Hải lại. Thằng Hải kêu la như con heo bị chọc tiết. Thằng Sơn cảm thấy lo sợ cho tương lai của chính mình. Nó bắt đầu thay đổi nhận thức. Người ta thấy nó không còn xuất hiện trong bộ dạng của một thằng xin đểu nữa mà xuất hiện trong bộ quần áo tươm tất hơn. Nó xin được dì Tư đi phụ gom rác để kiếm tiền bằng đồng tiền chân chính. Xóm làng không ai bảo ai nhưng tất cả đều vui mừng. Ai cũng cho nó ve chai. Người nào tốt bụng hay có hỉ đều cho thằng Sơn thêm tiền. Sơn vui lắm. Khảm trong tâm trí, nó cho nó là người lương thiện. Không phải Chí Phèo trong Nam cao bất hủ với câu hỏi không trả lời được “Ai cho tao làm người lương thiện?” thì giờ đây thằng Sơn tự tạo cho mình cơ hội để trở thành người lương thiện. Với đồng tiền chân chính kiếm được, nó sắm một bộ quần áo mới và vào bệnh viện tâm thần để thăm thằng Hải.

Bệnh viện tâm thần tọa lạc trong khuôn viên khá rộng. Cứ đến thời điểm đã định thì các bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần đều phải hoạt động để cải thiện bệnh tình như tập thể dục, tưới cây, ca hát. Các bệnh nhân có xuất thân bệnh tình đa dạng. Thằng thì thất tình, bị người yêu đá nên hễ có cô gái nào xinh đẹp vào bệnh viện liền đi theo ghẹo ghẹo, buông lời tán tỉnh. Thằng thì bị đì nên lúc nào cũng sợ người khác hại mình. Thằng thì hoang tưởng mộng làm chủ tịch nước. Thằng muốn thống nhất cả thế giới. Thằng tưởng mình là Chúa trời nên suốt ngày rao giảng kinh thánh. Thằng lại tưởng mình là Đức Phật mang từ bi đến cho nhân loại nên suốt ngày niệm na mô “cứu vớt” chúng sinh. Thằng thì tâm thần do chích ma túy nên suốt ngày lao đầu vào bờ tường. Thằng thì rối loạn tâm thần do rượu nên suốt ngày nhờ người nhà bệnh nhân mua giùm rượu. Thằng thì thích đánh người nên ra vào bệnh viện thường xuyên. Xuất viện được vài bữa ra ngoài đánh người ta lại nhập viện lại. Những bệnh nhân tâm thần giống như những con ngựa bất kham, quằn quại trong đau đớn bệnh tật, trong sự ghẻ lạnh và hắt hủi của đa số người đời. Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn họ, dù xuất phát bệnh từ những triệu chứng bệnh khác nhau thì bệnh nhân tâm thần nào cũng có một điểm chung, đó là thèm tình yêu thương của người thân và cộng đồng.

Chiều về, khi con chim sẻ trở mình về tổ sau một ngày kiếm sâu, thằng Hải tựa mình vào bờ tường. Nó trông thấy thằng Sơn từ xa liền bật mình dậy. Kể từ ngày nó vào điều trị ở đây không có ai tới lui thăm nom. Nhà người khác có ba, mẹ ghé thăm. Còn nó thì bặt “bóng chim tăm cá”. Nên khi thấy anh mình, thằng Hải mừng lắm. Thằng Sơn đem cho nó hộp cơm tấm vừa mua được. Thằng Hải mở ra ăn lấy ăn để. Hộp cơm hôm nay ngon quá! Nó mang hương vị tình thân. Vì bệnh nhân tâm thần trừ những trường hợp nặng mới phải cách ly riêng từng phòng còn ai đỡ đỡ thì được ở chung với nhau. Lúc thằng Hải đang ăn cơm thì thằng Sơn thấy giường bên có một bệnh nhân sinh viên. Cậu ta móc ra cuốn thơ của Nguyễn Bính và đọc:

Thấy rét, u tôi bọc lại mền

Cô hàng cất rượu ủ thêm men

Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ…

Giọng ngân nga đọc thơ khàn đục của cậu sinh viên bỗng bị lấn át bởi tiếng khóc, tiếng la của bệnh nhân mới nhập viện. Bác sĩ, y tá và các bệnh nhân vơi bệnh, có thân hình lực lưỡng to khỏe đang đè một thanh niên xuống đất. Người ta trói gô cậu thanh niên lại như trói một con vật theo đúng nghĩa đen. Cậu thanh niên luôn miệng chửi bới, đánh đấm bác sĩ, y tá. Thế nên, ở bệnh viện tâm thần này, bác sĩ và y tá phải có tinh thần cảnh giác cao độ, “có võ” để có thể khống chế những bệnh nhân trong trạng thái kích động tột đỉnh. Cậu thanh niên vừa nhập viện luôn cho rằng mình trường sinh bất lão nên nhất quyết không chịu ăn, uống. Vì thế, người ta trói hai tay hai chân cậu vào thành giường. Xong, bác sĩ luồn dây xông mũi vào dạ dày, cho ăn và chích thuốc an thần. Tiếng la hét chìm vào quên lãng. Một buổi chiều như bao buổi chiều “lặng lẽ” trôi qua như vậy.

Thằng Sơn giờ đã tỏ ra có trách nhiệm. Nó gom ve chai của từng hộ nhà xung quanh cho đem bán để lấy tiền vào thăm em. Thằng Hải từ ngày có tình yêu thương, quan tâm chăm sóc từ thằng Sơn nên bệnh tình đã đỡ hơn. Ở bệnh viện tâm thần này, bệnh nhân mong muốn nhất là lúc chiều về bởi đó là thời điểm người nhà bệnh nhân được vào thăm nom, đưa đồ tiếp tế. Đặc biệt, khi mùa hoa phượng vĩ rực đỏ phố phường thì đó cũng là lúc các cây xoài trồng trong khuôn viên bệnh viện bắt đầu chín. Những âm thanh la hét quen thuộc của bệnh nhân bị chùng xuống khi  mọi người tập trung hái xoài cùng các cô điều dưỡng, y tá. Những quả xoài nào khi chọc mà nằm nguyên trong vợt thì đó là điều mà các bệnh nhân không hề mong đợi. Mong đợi nhất là những quả xoài khi bị chọc rớt thẳng xuống đất, nứt đôi, nứt ba. Thế là, tiếng vỗ tay ầm ầm, tiếng chạy thục mạng của bệnh nhân đến lấy trái xoài rớt ra nhanh chóng đem về phòng cất, ăn chung.

Ngày đưa thằng Hải ra viện, thằng Sơn bắt gặp một cảnh đầy ám ảnh. Hoàng hôn vắt một dải màu tím đậm đầy u buồn ở cuối chân trời. Một tiếng hét váng bệnh viện. Người vào nhập viện lại là một khuôn mặt quen thuộc, đó là một bác sĩ chuyên chữa bệnh cho các bệnh nhân tâm thần. Do trong quá trình điều trị, không may bác sĩ chữa bệnh đã bị “phơi nhiễm” bệnh từ các bệnh nhân. Người ta nói rằng, bệnh nhân bị bệnh tâm thần thì còn có thể cứu chữa được chứ một khi bác sĩ mà bị rồi thì… . Nghĩ cũng đúng. Người luôn cứu khổ cứu nạn cho người khác thì bàn tay nào sẽ cứu họ khi họ bị nạn đây? Có tiếng thút thít của một số nữ đồng nghiệp trẻ trong bệnh viện đối với bệnh nhân đã từng chung màu áo blouse trắng, giờ lại khoác áo sọc của bệnh nhân. Thấy chết ai mà chẳng sợ? Họ chắc chắn rằng có thể lắm, một ngày nào đó họ cũng sẽ “phơi nhiễm” như vị đồng nghiệp này của mình nhưng vì lời thề Hypocrat họ phải dấn thân vào lý tưởng. Một khi đó là lý tưởng thì những nỗi lo sợ chẳng còn ý nghĩa gì. Nhất đó lại là lý tưởng cứu người.

Thằng Sơn đưa thằng Hải về nhà được vài tuần thì thằng Đông bị sốc thuốc rồi đột quỵ. Hàng xóm thấy buổi trưa thằng Đông đang đi bỗng té xỉu trên đường. Người ta đưa vội nó về nhà nhưng không kịp nữa. Trưa hôm đó, chú Hướng ngồi bất động trước thằng Đông. Chú như chết lặng. Hàng xóm kháo với nhau rằng, thằng Hải mới khỏi bệnh tâm thần như vậy mà nói được câu như người hiểu chuyện “Anh chết như vậy âu cũng là khỏe cho anh. Chứ nếu anh sống mà sống kiểu thực vật thì anh cũng chỉ khổ mà thôi! Bởi nhà chúng ta đã khổ quá rồi!”

Ngày đưa tang thằng Đông chưa lâu thì chú Hướng lâm bệnh. Có người nói chú bệnh trong tâm. Đã lâu, tâm hồn của một người đàn ông thiếu vắng bàn tay người phụ nữ thì sự ra đi của đứa con thân yêu thực sự là một cú sốc không chịu nổi đối với người ông đầy thương tổn này. Dẫu rằng đứa con đó là ung nhọt của xã hội nhưng nó vẫn là một phần máu mủ của chú. Trong cái lành lạnh của buổi chiều mùa hạ, chú Hướng nắm chặt tay thằng Sơn rồi nói “Con có biết tại sao ba lại đặt tên con là Sơn không?” Thằng Sơn lắc đầu. Chú thều thào nói “Ba là Hướng, con là Sơn, Sơn Hướng có nghĩa là Sướng Hơn. Ấy vậy mà ba chẳng có được một ngày nào sướng cả”. Nói xong, chú trút hơi thở cuối cùng rồi qua đời về miền cực lạc cùng với thằng Đông. Thằng Hải đổ gục trên thi thể. Nó òa khóc nức nở. Thằng Sơn đứng như trời trồng trước biến cố quá lớn. Nó trân trân không nói được gì.

Cái hẻm nhỏ của tổ khu phố bốn nằm im lìm, nhạt nhòa. Thằng Hải mới ra viện chưa lâu nhưng bị sốc vì anh và bố mất nên phát bệnh. Thế là, mỗi buổi sáng đầu ngõ lại xuất hiện tiếng hát nghêu ngao. Người ta lại thấy con nhỏ bán rau củ tâm sự với người đi chợ là thằng Hải trấn lột rau quả của nó. Cái gì đến sẽ phải đến. Giống như bánh xe luân hồi và nghiệp nhân quả, thằng Hải tiếp tục bị trói gô lại đem vào bệnh viện tâm thần.

Xóm đường rày giờ không còn thấy nụ cười của thằng Sơn nữa. Nó đi gom rác trong cái lầm lì, trong cái ta bà của kiếp người. Càng thấy nó đau khổ, người ta lại càng thương hại và cho nó thêm tiền. Cái áo thường mặc khi gom rác đã sờn vai và rách lỗ chỗ từng đám nhỏ. Nó chìm trong câm lặng của tâm hồn. Bố và anh trai nó đã mất. Nó chỉ còn mỗi mình đứa em. Nó mua hộp cơm tấm nhiều sườn, trứng và đi vào viện thăm thằng Hải.

Khuôn viên bệnh viện tâm thần vẫn thế. Những bệnh nhân la hét thất thanh, những nụ cười vô hồn và man dại. Vị bác sĩ đáng kính bị phơi nhiễm bệnh vẫn không hề biết mình bị bệnh nên suốt ngày có người nhà bệnh nhân vào, liền có những cử chỉ như mình đang thăm khám người khác. Cậu sinh viên bệnh nặng vẫn chưa ra viện. Cái giọng khàn khàn đục đục của cậu sinh viên lại cất lên

Thấy rét, u tôi bọc lại mền

Cô hàng cất rượu ủ thêm men

Thằng Sơn khựng lại. Cái khuôn mặt rỗ nay càng rỗ. Dãy hành lang người mới, người cũ lẫn lộn. Nó nắm chặt tay thằng Hải. Giọng cậu sinh viên lại tiếp tục khàn, đục và ma mị hơn:

Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ

Ngoài trời, cơn mưa chiều mùa hạ tràn về. Nó nhìn thẳng Hải và tự nhủ “Nó phải vươn lên thôi bởi bây giờ nó còn “em nhỏ”!”.

(Nguyễn Ngọc Giang, Sài Gòn ngày 07/06/2023)

BÌNH LUẬN