Gặp lại

"- Đó là tất cả những gì anh cần ư? - Không, còn thiếu em. Tôi bỗng thấy căm ghét Di ghê gớm. Anh nói cái câu đưa đẩy đó nhẹ như không. Tôi cảm thấy tình cảm của tôi dành cho Di lâu nay bị anh làm tổn thương."

Trốn chạy một nỗi đau
Lấp lánh yêu thương
Mối tình đầu của tôi

Tốt nghiệp đại học xong, Di không đi làm. Anh đột ngột rời Sài Gòn quay về tiếp quản tiệm bánh của gia đình.

Ngày Di về cũng là ngày chúng tôi chia tay. Trước hôm đó, tôi chưa bao giờ biết đến dự định này của Di. Mọi thứ xảy ra quá bất ngờ.

Tôi biết gia đình Di có một tiệm bánh nhỏ ở Đà Lạt, nhưng đối với Di, đó là công việc để gia đình anh sinh sống chứ không phải là ước mơ, dự định hay cái gì đó đại loại như thế mà anh hằng ấp ủ. Nên tôi không hình dung nổi cụ thể Di sẽ làm gì khi trở về. Xắn tay vào làm bánh? Đi ra đi vào kiểm tra quầy tính tiền? Hay phát triển nó thành một thương hiệu lớn vươn khỏi tầm địa phương?

Chúng tôi yêu nhau thời đại học. Anh hơn tôi hai tuổi, học khoa Anh, tôi học khoa Pháp. Hai đứa quen nhau ở lớp tiếng Tây Ban Nha buổi tối của thầy Antonio.

Di thông minh, nhanh nhẹn và viết lách tốt. Thời sinh viên anh làm đủ mọi công việc từ dịch thuật cho đến chạy event (tổ chức sự kiện), viết báo. Dường như lúc nào Di cũng tất bật. Anh kéo tôi vào sự bận rộn của anh, khiến cho ngày tháng sinh viên êm ắng của tôi như được phủ lên một làn sinh khí mới. Trước đó, lúc rảnh rỗi tôi chỉ biết lên thư viện đọc sách, sống nhờ tiền hằng tháng của ba mẹ gửi vào và không hề có thôi thúc nội tại nào về việc phải tự thân vận động, tìm kiếm cho mình những cơ hội. Tôi nghĩ thời sinh viên thì phải làm sinh viên, cùng lắm là sinh viên ba tốt, chứ không thể làm một cái gì khác hơn được.

Vậy mà bên Di, tôi dần trở thành một con người khác. Tôi từ bỏ ý nghĩ trở về tỉnh nhỏ của mình đi dạy tiếng Pháp, hăm hở lao đầu vào những thử thách mới. Ban đầu Di giới thiệu cho tôi dịch sách. Rồi anh kéo tôi theo làm những chiến dịch PR, những hãng lớn nhỏ. Sau nữa tôi xin vào thực tập trong vài agency quảng cáo, khéo léo tạo lập các mối quan hệ. Những việc ấy chuẩn bị cho một tương lai – theo tôi và Di là – tốt đẹp sau khi ra trường.

Khi tôi dường như bắt kịp Di thì anh đột ngột dừng lại, để tôi một mình.

Tôi suy sụp trong khoảng hơn một tháng, nhưng sau đó tôi tự nhủ mình phải đứng dậy, tiếp tục mọi thứ. Tôi vào làm việc ở một công ty quảng cáo toàn cầu. Hai năm sau tôi xin học bổng sang Pháp học thạc sĩ về truyền thông, rồi quay về quản lý nội dung cho một công ty mạng vừa mở văn phòng tại Việt Nam.

Trong thời gian này tôi quen N. trong một chuyến du lịch. Anh là một chuyên viên phân tích tài chính, hiền lành nhưng dí dỏm. Chúng tôi sẽ đính hôn vào cuối năm nay. Mọi chuyện sau vài năm bỗng trở nên ổn thỏa hơn bao giờ hết, dù đôi khi tôi nhìn lại con đường mình đi, vẫn thấy thấp thoáng bóng Di đâu đó.

***

Mùa xuân, N. rủ tôi lên Đà Lạt ngắm mai anh đào nở. Chúng tôi đi chuyến xe đêm, đến nơi trời vừa hửng sáng. Hai đứa ngồi uống cà phê nóng bên bờ hồ, ngắm mặt trời lên. N. quàng tay ôm vai tôi và tôi cảm thấy mình dường như hạnh phúc. Lâu lắm rồi tôi không lên Đà Lạt, sợ sẽ gặp Di đâu đó. Thành phố quá nhỏ bé, mà cuộc đời thì đầy những tình cờ.

Chúng tôi thuê tầng áp mái trong một biệt thự cũ ngay sát thung lũng mai anh đào. Trong căn phòng, mùi gỗ thông thơm sực nức. Chiều hôm đó trời đổ một cơn mưa lớn. N. dựa vào tường đọc sách. Tôi cũng giở sách ra nhưng chỉ lật được vài trang thì thấy không có tâm trạng, bèn nằm nghe nhạc. Tôi chọn folder (thư mục) nhạc có tên là “On the go” trong Ipod của N. Một loạt những bài Sarah Mclaughlin hát. Nhạc phát ra từ tai nghe không thể nào lấp hết những âm thanh vây bủa chung quanh, nên tôi tưởng chừng mình đang chìm trong những bản hợp xướng kỳ dị.

Giọng hát nhẹ như khói của Sarah Mclaughlin trôi vào trong tiếng mưa. Tôi nhìn N. chăm chú. Sống mũi thẳng, môi hơi mỏng, ria mép lờ mờ, kính cận lấp loáng, thi thoảng lật nhẹ một trang sách. Anh đang đọc một cuốn du ký. N. lúc nào cũng vậy, dịu êm như mặt hồ. Bên anh, tôi không cần phải biến thành ai khác. Đó có lẽ là lý do tôi chọn anh là người đàn ông của mình, dù không hẳn đã yêu anh nhất trong số những người tôi quen sau này.

Hồi hai mươi tuổi tôi nghĩ mình thà chết chứ không thể lấy một người mình không yêu say đắm, nhưng bây giờ tôi biết hôn nhân chỉ đơn giản nghĩa là hai người có thể chia sẻ với nhau cuộc sống này.

Rồi tôi miên man nghĩ đến Di. Không biết bây giờ Di có còn ở Đà Lạt? Tôi lơ mơ nhớ lại quãng đời sinh viên, giờ học vui nhộn ở lớp thầy Antonio, cách Di phát âm từ “ensueno”… Mọi thứ vừa rõ nét như mới hôm qua, lại vừa xa cách như nghìn trùng. Lời bài hát ngấm vào tôi một nỗi buồn bất chợt mà rợn ngợp “…from the wreckage of your silent reverie” – “từ những mảnh vỡ của ước mơ lặng lẽ”. Tôi không nhớ mình đã có ước mơ gì và nó đã tan vỡ lúc nào, nhưng tôi biết những mảnh vỡ đã luôn còn đó.

N. chạm vào tay tôi, lay lay. Anh hỏi gì đó. Tôi thấy môi anh mấp máy. Tôi tháo tai nghe ra.

– Anh nói gì?

– Sao tự nhiên em thần người ra vậy?

– Không, em nghe nhạc chăm chú quá thôi.

N. gật đầu. Anh tiếp tục đọc sách. Ngoài trời vẫn mưa. Tôi nhón chân đi đến gần cửa sổ nhìn xuống thung lũng. Sàn gỗ lạnh toát. Mưa như vầy chắc mai anh đào sẽ rụng tơi bời hết cả.

Đến sáng hôm sau trời mới hửng. N. nắm tay tôi đi dạo qua những con phố ướt át. Tôi nhìn quanh quất những tiệm bánh trên phố chính, ngỡ vừa thấy Di đâu đó nhưng rồi anh lập tức biến mất.

N. đề nghị vào quán nghỉ chân. Tôi nhìn theo hướng tay N. chỉ. Phía dưới dốc có một tiệm cà phê nhỏ. Hàng hiên rộng trồng dây leo, bàn phủ khăn carô đỏ, ghế sắt uốn sơn trắng, thực đơn viết bằng phấn màu trông rất xinh. Tên quán làm tôi giật mình. “Julio & Juliana”. Tôi biết đó là tiệm cà phê của Di.

Juliana là tên của tôi trong lớp tiếng Tây Ban Nha ngày xưa, do thầy Antonio đặt, nghĩa là “nàng tóc mềm”. Julio là tên tiếng Tây Ban Nha của Di tự chọn cho mình. Vì lý do này mà tôi và Di bị thầy và bạn bè trong lớp cáp đôi với nhau hoài, rồi thành thật lúc nào không rõ.

Khi dòng suy nghĩ còn miên man chưa dứt, tôi thấy mình đã ngồi cạnh N. ở chiếc bàn ngay hàng hiên quán. Người phục vụ bước ra, lịch sự giới thiệu với chúng tôi menu của quán. Tôi bảo muốn thử bánh ngọt.

– Chị có thể vào trong chọn bánh – người phục vụ gợi ý.

Tôi tần ngần một chút rồi đứng dậy. N. mỉm cười ra hiệu cho tôi cứ đi đi. Anh gọi một tách cà phê rồi rút quyển sách trong túi áo ra. Có lẽ cuốn sách rất hấp dẫn. Anh tranh thủ mọi lúc để đọc nó.

Trong quán hơi tối, có vài bóng đèn vàng ấm áp. Tôi thấy người con trai quen thuộc một thời đang đứng lúi húi sau tủ ướp sáng choang. Anh mặc áo polo đen, đeo tạp dề màu đỏ, một tay bê khay bánh đủ loại, tay kia cầm chiếc kẹp gắp. Hình như anh đang cho thêm bánh vào trong tủ ướp. Thấy khách đẩy cửa vào, anh nhỏm lên.

– Chị cần… – Di bỏ dở câu nói. Anh kịp nhận ra tôi.

Hai đứa nhìn nhau ngượng ngùng một vài giây. Rồi Di mỉm cười, chậm rãi đặt những thứ đang cầm trên tay xuống bệ tủ ướp rồi lại ngước lên nhìn tôi.

– Em xinh ra nhiều!

– Còn anh thì mập lên.

– Anh suốt ngày phải thử bánh…

Tôi vẫn giữ thái độ điềm nhiên nhưng lòng đầy ngỡ ngàng. Năm năm không gặp, những câu đầu tiên tôi và Di nói với nhau lại nhạt nhẽo như vậy. Tôi thấy mình thật vô lý. Tôi còn mong chờ gì?

Anh bước ra khỏi quầy, mang theo hai tách trà. Chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn gần đó.

– Em lên đây với ai?

– Chồng sắp cưới của em – tôi liếc ra hàng hiên qua ô cửa kính.

Di nhìn theo. Ngoài kia, N. vẫn chăm chú đọc sách.

– Còn anh, đã có gia đình chưa?

– Chưa. Di quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi, trả lời đơn giản.

– Em tưởng anh tiếp quản tiệm bánh của gia đình?

– Ừ. Vài năm trước. Giờ công việc tạm ổn rồi, anh mở thêm bên này. Cũng mới khai trương ít lâu thôi.

– Đừng có nói với em mấy năm qua anh học làm thợ bánh đấy nhé! – tôi liếc nhìn tủ bánh ngọt đủ loại, nói đùa.

– Nhưng mà thật đấy – mặt Di đầy vẻ nghiêm túc.

– Anh học làm bánh ngọt thật ư?

– Ừ, em thử xem nhé! – Di nhỏm dậy lấy cho tôi một cái tiramisu. Anh vẫn còn nhớ loại bánh tôi ưa thích. Mở tủ, gắp bánh vào đĩa, đóng tủ, lấy thìa. Mắt tôi đăm đăm thu nhận những động tác của Di. Chúng được thực hiện một cách nhanh nhẹn, chính xác như đã thuần thục từ lâu lắm rồi.

Tôi xắn được một muỗng bánh, thấy miếng bánh trám nghẹn trong cổ họng. Di háo hức nhìn tôi – Ngon không em?

– Ngon, nhưng hơi ngọt! – Tôi vớ lấy tách trà, uống một ngụm cho trôi miếng bánh.

Di lại cười.

– Ừ, đúng là hơi ngọt. Nếu làm riêng cho em, anh sẽ bớt đường. Anh hứa đấy, nếu có dịp.

Tôi cảm thấy khó chịu. Anh bây giờ không còn là anh mà tôi từng biết. Tôi cắt ngang lời anh.

– Em hỏi anh một chuyện được không Di?

– Ừ, em hỏi đi.

– Tại sao anh thay đổi nhiều đến vậy?

– Em thấy anh thay đổi không tốt sao?

– Em chỉ không hiểu thôi.

Di im lặng một quãng lâu, vừa đủ để cảm thấy ngột ngạt. Rồi anh đột ngột lên tiếng, chậm rãi rõ ràng.

– Là như thế này: lúc ấy anh “ra đời” – tạm gọi là vậy nhé – quá sớm. Đến khi ra trường, anh đã mất đi tất cả những háo hức, mơ mộng về cuộc đời. Anh cảm thấy chán ngán, mệt mỏi với mọi thứ.

– …

– Bây giờ anh sống rất tự do. Mỗi ngày anh làm bánh, rồi anh dạo chơi, thỉnh thoảng anh có nhận dịch sách. Anh cảm thấy rất bình yên với cuộc sống hiện tại.

– Đó là tất cả những gì anh cần ư?

– Không, còn thiếu em.

Tôi bỗng thấy căm ghét Di ghê gớm. Anh nói cái câu đưa đẩy đó nhẹ như không. Tôi cảm thấy tình cảm của tôi dành cho Di lâu nay bị anh làm tổn thương.

– Em đừng giận dữ. Hồi đó anh rời Sài Gòn đột ngột vì anh không muốn kéo theo em vào cuộc trốn chạy dở hơi của anh. Với anh lúc ấy, mọi thứ đã kết thúc, trong khi em dường như mới chỉ bắt đầu… – Di nói tiếp, giọng vẫn đều đều.

– Giờ anh nói ra cũng còn ích gì nữa đâu.

– Nói ra để anh và em cùng thấy nhẹ nhàng, vậy thôi.

Tôi im lặng, không biết nói gì thêm.

– Em và anh ấy hiểu nhau chứ? – Di nhìn ra cửa sổ.

– Không hẳn, nhưng có thể thông cảm với nhau nhiều điều.

– Anh cũng chỉ mong tìm được một người như vậy.

Tôi đẩy cửa bước ra. N. rời mắt khỏi trang sách nhìn tôi ngạc nhiên.

– Em chọn bánh lâu dữ vậy?

– Em gặp lại một người bạn cũ.

– Em có muốn trò chuyện thêm không? Hay mình vào đó ngồi cùng?

– Không cần đâu N… Anh ấy cũng đang bận.

– Ừ –

Tôi nghe giọng N. mừng vui nhẹ nhõm một cách rất trẻ con.

N. lại tiếp tục đọc sách, sau khi uống một ngụm cà phê thật lớn. Tôi ngồi xuống, tựa đầu vào vai N. và luồn tay vào bàn tay to ram ráp của anh, ngắm nhìn những dây leo trên mái hiên đang đong đưa trong gió mùa xuân. N. khẽ cười siết nhẹ tay tôi, mắt vẫn không rời trang sách. Tôi biết bờ vai này, tiếng cười này là thực tại của tôi. Giấc mơ tuổi hai mươi, và Di nữa, tất cả thật sự đều đã qua rồi.

Nguyễn Thiên Ngân

BÌNH LUẬN