Bà ngoại trong mắt mình luôn là một người khó tính, hay quát mắng và cực kì tằn tiện. Ngay từ nhỏ mỗi lần về bà đều hay bị bà mắng, nào là vì lười học, nghịch, bướng. Đến tận bây giờ vẫn bị bà mắng vì lười, thi thoảng còn bị bà chê xấu, chê vì bôi son đỏ chót,... Nhưng mà lần đầu tiên thấy bà cô độc đến thế.
Cả nhà vẫn hay kêu ca vì những lời cằn nhằn, mắng nhiếc có phần chua ngoa của bà mà quên rằng, bà chỉ còn một mình. Xung quanh nhà bà vẫn còn con, cháu nhưng ai cũng bận rộn cả. Ai cũng có cuộc sống riêng và cảm thấy thật khó để chiều một người phụ nữ hơn tám mươi tuổi và cực kì khó tính như bà.
Từ ngày ông đi, căn nhà ấy chỉ còn mình bà, đến tối thì có đứa cháu xuống ngủ nhưng cũng chỉ là buổi tối, và giờ thì đứa cháu ấy cũng đi lấy chồng rồi, bà chỉ còn lại một mình. Bữa cơm cũng chỉ có mình bà. Mỗi bữa bà cũng chỉ ăn có một ít, đồ ăn thì từ ngày này sang ngày khác. Không phải bà không có, con cháu về bà mua rất nhiều đồ, lúc nào cũng lo con cháu không đủ ăn nhưng mình bà thì lúc nào cũng chỉ có rau và một ít đồ ăn mặn. Trời nóng nhiều khi bà còn không bật quạt, đồ ăn hay chi tiêu cũng tằn tiện nhưng với con cháu, bà chẳng tiếc gì. Thế mà trong ngày vui của cháu, bà nằm một mình trong buồng khóc. Mà thực ra bà chỉ rơm rớm nước mắt thôi. Bà đau vai, đau đầu vì sức khỏe một phần mà vì nghĩ ngợi mười phần. Nhìn bà nằm trong căn phòng cũ của ông, một mình khi con cháu đang lo đám cỗ cưới mà tự dưng cảm thấy đã bao lâu rồi bà cô độc như vậy.
Giờ nghĩ lại mới thấy rằng bà ngày thường có đay nghiến, có mắng chửi có tiết kiệm nhưng mà bà cũng là người bênh con, bênh cháu. Ngày nhỏ lười học bị mẹ đánh bà là người bênh, mỗi trưa hè về ngủ dậy là bà luôn chuẩn bị sẵn một cây kem, lúc nào bà cũng ép ăn nhưng là vì bà lo cháu đói. Ba năm sau khi ông mất, bà chỉ còn một mình.
Bà, người phụ nữ ấy con cháu đuề huề nhưng sao cô độc đến thế.
Anh Đinh
BÌNH LUẬN