Tìm về khoảng trời hạnh phúc

Chị biết, rồi đây với cái tin chị không chồng mà có con này sẽ lại lần nữa khiến ba mẹ chị điêu đứng. Sống đến ngần này tuổi vậy mà chị vẫn không thể làm ba mẹ yên lòng.

Đứa con của trời
Giọt nước mắt của cha
Nếu có kiếp sau, tôi muốn làm con trai

Con đường quê mịt mùng trong đêm đen. Không gian yên ắng đến nỗi chỉ thi thoảng mới nghe được chút âm thanh của những loài côn trùng hoạt động về đêm. Ngày ấy, vẫn chưa có ngọn đèn nào thắp sáng những con đường vẫn lầy lội bùn đất khi mưa về như thế này. Trong cái tăm tối đến ngạt thở ấy, có hai con người đang dắt tay nhau chạy thật nhanh về phía cổng làng, chạy như thể đó là cơ hội duy nhất để thoát khỏi. Một người vùng chạy đi với ảo vọng về ngày mai đổi đời, còn người kia, chỉ đơn thuần… vì tiếng gọi của tình yêu.

Chị giật mình tỉnh dậy giữa đêm, một phần vì xe xóc nảy khi vừa đi qua đoạn đường xấu, phần còn lại cũng là do giấc mơ quá thật kia. Chiêm bao ấy cứ như một thói quen, quen đến nỗi nếu nó không trở về hằng đêm thì có lẽ chị cũng chẳng thể ngon giấc. Chiêm bao cho cái quá khứ xuẩn ngốc đã qua. Chị trở mình, cố gắng nhẹ nhàng để không đánh thức đứa bé đang tựa đầu vào lòng mình say giấc. Đã từng có lúc tuyệt vọng đến nỗi chị dường như muốn thả trôi mọi thứ, mặc kệ tất cả những ràng buộc để tâm hồn được ngơi nghỉ. Thế nhưng, chỉ cần nhìn đến khuôn mặt con bình yên trong giấc mơ thì chị lại không nỡ. Có lẽ, tấm lòng người mẹ nào cũng thế. Nghĩ tới đây, nước mắt chị lại không khỏi lăn dài… Với mẹ chị ngày ấy, nỗi đau có lẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Chị nắm lấy bàn tay nhỏ bé của con, bước từng bước chậm chạp trên con đường vẫn còn đó biết bao kí ức ngày xưa cũ. Con bé hết nhìn đông rồi nhìn tây, đôi mắt tròn đen láy hiếu kì trước những cảnh vật lần đầu tiên được thấy. Chị đưa mắt theo cánh cò mỏng đang chao nghiêng rồi mất hút nơi cuối cánh đồng chạy dài tít tắp, nhìn từng hàng tre thẳng tắp thấp thoảng sau làn khói bếp của mấy căn nhà nhỏ. Chị đưa tay chạm vào một nhành cỏ dại bên đường vẫn còn đọng hơi sương. Và rồi, sau bao năm dài đằng đẵng, chị lại đứng giữa nơi đây, hít cho thật đầy, thật no, thật căng cái mùi khét lẹt của những cánh đồng sau mùa gặt pha lẫn mùi tanh ngai ngái của bùn. Chị chẳng thể nào ngờ có ngày cái mùi từng khiến chị khó chịu này lại làm chị nhớ đến quay quắt. Ở một nơi mà ngày ngày chỉ có khói bụi ngập trời, tiếng còi xe inh ỏi thì những buổi sáng bình yên tại cái xóm bé nhỏ này lại là điều xa xỉ. Bao nhiêu năm tuổi trẻ phí hoài để rồi giờ đây đổi lấy bao vết thương chằng chịt. Chị đã ngỡ rằng, chỉ cần rời khỏi nơi đây thì bàn chân sẽ không còn đọng phèn, bàn tay sẽ không còn những vết thương lớn nhỏ vì lưỡi liềm. Thế nhưng, đời này có ai đoán được chữ ngờ.

Trời dần hửng sáng, tiếng chân người, tiếng lọc cọc của móng trâu, tiếng trò chuyện… dần ngập tràn cả không gian. Những người đi làm đồng sớm ai cũng dành cho mẹ con chị cái nhìn hiếu kì. Trong một cái xóm nhỏ như thế này, thì chuyện của một nhà cũng thành chuyện của cả xóm, không ai là không biết mặt nhau. Vậy mà, giờ đây họ lại không nhận ra chị. Thời gian đã khiến tất cả trở nên nhạt nhòa. Câu chuyện của chị có lẽ cũng đã mất từ lâu trong nhưng lần trà dư tửu hậu của nơi đây rồi.

– Mẹ, mình đang đi đâu? – Cô bé con không thể ngăn nổi hiếu kì nữa.

Chị nhìn con rồi bế hẳn cô bé lên tay, mỉm cười nhẹ nhàng thầm thì vào tai con. Không biết chị nói gì, chỉ biết đôi mày nhỏ khẽ cau lại, cái hiểu cái không, nhưng vẫn đưa tay vòng lấy, ôm mẹ thật chặt.

Men theo con đường nhỏ vào nhà, chị đứng từ xa nhìn bóng dáng thân thương đang tất bật. Tuổi thơ của chị là những đêm khuya giật mình vẫn thấy mẹ cặm cụi bên cây đèn dầu, vá từng chiếc quần, cái áo cho hai cha con, là những buổi sớm tinh mơ mẹ lúi húi trong căn bếp nhỏ, chuẩn bị bữa sáng để ba ra đồng. Sự tất tả mà ngày ấy chị vẫn cho là đương nhiên thì hôm nay lại khiến chị nhói lòng. Hóa ra, chị đã vô tâm biết bao nhiêu.

Như có cảm giác, mẹ chị bất chợt dừng tay, đôi mắt đã chẳng còn tinh anh nheo lại, nhìn đăm đăm vào bóng dáng chị, môi thoáng mấp máy…

– Ba tụi nhỏ, ra đây, ra đây mà nhìn! – Mẹ chị hét toáng lên. Bàn tay nhăn nheo bên mạn sườn khẽ run rẩy.

– Có chuyện gì? Cái gì mà om sòm cả xóm? – Mặc dù cằn nhằn nhưng ba chị vẫn nhanh chân bước ra, đôi mày đã nhuốm hai màu sương gió cau lại khó hiểu.

– Nhanh lên…

Mẹ chị chưa dứt câu thì đôi mắt với ánh nhìn nghiêm nghị của ba đã hướng thẳng về phía chị. Chị khẽ cúi đầu, lần đầu tiên chị cảm thấy hổ thẹn chứ không phải sợ hãi trước ánh nhìn ấy. Chị bước về phía căn nhà đã hơn 10 năm xa cách…

– Ba, mẹ! – Chị chỉ thốt lên được bấy nhiêu rồi nghẹn ngào bật khóc. Trước đây, dẫu có bị đánh đến chảy máu, có bị thóa mạ đến chẳng còn là con người thì chị vẫn chưa một lần nào rơi nước mắt. Vậy mà giờ đây, chị lại nức nở, hoang mang như một đứa trẻ lạc mẹ. Dẫu giờ đây họ có rầy la, có đánh mắng thì chị vẫn cảm thấy ấm lòng. Dù sao đi chăng nữa, ở đây vẫn còn có người dành cho chị cái gọi là yêu thương, dạt dào đến nỗi có thể khơi lên nguồn cơn của hạnh phúc. Chị hối tiếc khi bản thân lại nhận ra những điều tưởng chừng như quá giản đơn ấy một cách muộn màng như vậy.

Mắt mẹ chị cũng mờ hơi sương. Dẫu có trách hờn, có tức giận đến đâu thì bà vẫn là một người mẹ, vẫn chẳng thể nào không đau lòng cho nhúm thịt mà chính mình từng sinh ra. Bà đưa tay đánh vào người chị, thật nhiều nhưng lại chẳng để lại nổi một chút đau.

– Mày thì giỏi rồi, đủ lông đủ cánh rồi. Có gan bỏ đi thì tại sao không biến cho khuất mắt tao luôn đi. Mày có cần cha, cần mẹ mày đâu. Trời ơi là trời, sao số tôi lại khổ vậy trời. Con với chả cái… – Bà đấm tay vào ngực mình rồi loạng choạng ngã hẳn xuống. Bà khóc, bà thương cho đứa con tủi phận của mình.

Ba chị nhìn cảnh ấy, rồi nhìn đứa bé chị đang bế trên tay, nét mặt bỗng dưng tái hẳn đi.

– Mày… mày… – Ông tức giận xoay người vào nhà, mặt đỏ phừng phừng.

Chị biết, rồi đây với cái tin chị không chồng mà có con này sẽ lại lần nữa khiến ba mẹ chị điêu đứng. Sống đến ngần này tuổi vậy mà chị vẫn không thể làm ba mẹ yên lòng.

Đêm, chị ngồi bên giường, nhẹ nhàng ru con ngủ. Phía nhà trên, ba chị vẫn lặng lẽ ngồi nốc từng cốc rượu trắng, thi thoảng lại hướng cái nhìn trầm ngâm vào màn đêm đen kịt ngoài cửa. Phía đối diện, dưới ánh đèn mờ ảo, mẹ chị lại cặm cụi với công việc thường ngày, thi thoảng lại đưa tay lau vội dòng nước mắt.

Kí ức lại mênh mang trôi về những ngày ấy, ngày mà chị vẫn còn là cô gái trinh nguyên, hồn nhiên trong vòng tay cha mẹ, lớn lên trong sự thương yêu của xóm làng. Chị cũng có tuổi thơ như bất kì đứa trẻ nào, có những tháng ngày thả diều, bắt bướm, có những khi hái trộm trái cây nhà hàng xóm để rồi chạy tóe khói khi bị phát hiện. Chị lớn lên, không xinh đẹp rạng rỡ nhưng lại có nét duyên đậm đà của gái quê. Rồi chị yêu, phải lòng một chàng thanh niên xóm bên mà khi ấy chị cho là đáng để chị giao phó cả cuộc đời. Bỏ ngoài tai lời thủ thỉ yêu thương của mẹ, sự trách mắng của ba và cả những câu khuyên chân thành của bạn bè, chị vẫn yêu anh ta, cuồng dại như con thiêu thân lao đầu vào lửa. Rồi chị bỏ trốn theo anh ta, với ý nghĩ khờ dại rằng, chỉ như thế, hạnh phúc của chị mới được vẹn tròn. Để rồi, những năm tháng ấy cho đến bây giờ vẫn là địa ngục trong cuộc đời chị.

– Mẹ ơi… – Tiếng thỏ thẻ của con trẻ kéo chị về với thực tại.

– Sao con?

– Con nóng! – Con bé lật người, áo ướt đẫm mồ hôi.

Chị xoay người, tìm miếng giấy nào dày dày để quạt cho con. Mẹ chị bất chợt ngẩng lên, nhìn con bé hồi lâu, khẽ thở dài rồi gọi với lên nhà trên…

– Ông sang nhà con Hương lấy một cái quạt máy mang về đây. Hồi vợ chồng nó có mang về cho mình 1 cái mà tôi mang trả lại mất rồi.

Ba chị ngồi ráng thêm chút nữa rồi xỏ dép sang nhà chị gái. Nhìn bóng lưng ba khuất dần vào đêm đen, chị chợt thấy khóe mắt cay cay. Ba mẹ chị, họ dùng cách riêng của mình để yêu thương và đùm bọc lấy hai mẹ con chị.

– Dù sao điện cũng kéo được về đây rồi, sao ba mẹ cứ dùng mãi đèn dầu vậy? Như thế có hại cho mắt lắm.

Mẹ chị chẳng ừ hử gì, cũng chẳng thèm ngẩng lên nhìn chị. Chị biết, mẹ vẫn còn giận ghê lắm. Nhưng ít ra, còn giận cũng chỉ bởi vì quá thương chị. Chờ đến khi con bé ngủ say, chị ra sau nhà gội đầu. Cả hai ngày dài mệt mỏi trên chuyến xe đò chật hẹp khiến chị mệt lả cả người. Chị xõa mãi tóc bóng mượt, đưa tay lần tìm cái gáo nhỏ múc nước.

– Không lấy ấm bồ kết thì mày gội bằng gì?

Thì ra mẹ đã theo chị ra đây, trên tay bà còn cầm theo ấm bồ kết nóng hổi.

– Chưa kịp nấu nên con định dùng dầu gội có sẵn.

– Cũng phải, chắc giờ mày cũng quên luôn cái mùi bồ kết này rồi. – Miệng thì nói thế nhưng mẹ chị vẫn rót hết nước trong ấm ra cái thau nhỏ rồi xách nước từ giếng lên đổ vào cho vừa. Chị muốn xách thay cho mẹ nhưng khổ nỗi bà lại không chịu.

Không đâu, làm sao chị có thể quên được cái hương thơm tuy nồng nhưng lại thanh khiết đến say lòng người ấy. Hay hơn cả thế, là chị nhớ dáng mẹ trong những lần giúp chị xối từng gáo nước lên mái tóc mây. Có lẽ, mẹ chị biết chị đã chịu khổ nhiều nhưng sẽ không thể nào biết được chính cái khổ ấy đã khiến chị trưởng thành hơn biết bao nhiêu.

Mẹ lại múc từng gáo nước nhỏ, xối nhẹ lên tóc chị như những ngày xưa ấy. Bàn tay mẹ thô ráp như bất cứ người phụ nữ nông dân nào nhưng lúc này đây với chị, nó lại mềm mại biết bao nhiêu. Mẹ chà nhẹ đuôi tóc, rồi gãi nhẹ vào da đầu chị. Chị khẽ khép mắt, lo sợ đây chỉ là một giấc mơ…

– Vào tắm đi, đồ để sẵn cả rồi. – Mẹ rửa tay vào nhà, để lại chị vẫn chưa hết ngỡ ngàng.

Nhìn bộ bà ba vẫn còn thơm mùi nắng mới nằm sẵn trên giá mắc, chị lại không kìm nổi nước mắt.

Chị ra sân thì thấy mẹ đang ngồi trên tấm phản trước nhà, một chân gác lên, một chân buông thõng, thẫn thờ. Chị ngồi xuống bên mẹ, ngả vào lòng bà như những ngày còn bé.

– Con xin lỗi.

Mẹ chị vẫn ngồi lặng như thế một lúc lâu rồi mới đưa tay vuốt nhẹ tóc chị. Chị biết ơn khi ba mẹ chỉ dang rộng vòng tay cưu mang chị mà không hỏi han thêm bất cứ điều gì.

– Mẹ, hay là…

– Mày dám bước ra khỏi cái nhà này nữa đi, coi tao có chặt đứt cặp cẳng mày không. – Ba chị từ nhà trong đi ra, vừa hay nghe được câu nói của chị nên nổi giận đùng đùng. Tuy chị vẫn chưa nói hết nhưng ông vẫn thừa sức để hiểu. Ông vẫn chẳng thể nào chấp nhận chuyện này, nhưng để con đi, có cha mẹ nào nỡ. Vả lại đánh kẻ chạy đi chứ ai đành đánh người chạy lại.

– Miệng đời mà, có ai ngăn được. Người nói người, tai truyền tai, nhưng rồi sống thì vẫn phải sống. Mày trốn một ngày, sao trốn được cả đời hả con? Ít ra mày vẫn còn lương tâm mà giữ lại máu mủ của mình. – Mẹ chị lại thở dài, đôi mắt buồn vẫn hướng cái nhìn đăm đăm về phía trước.

Chị nép sâu vào lòng mẹ, hít hà mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc, nước mắt từng giọt lăn dài. Chị khóc, thỏa thuê nhuộm màu áo mẹ bằng thứ nước mặn mòi. Chị khóc, gom hết nước mắt của hơn 10 năm tủi hờn để khóc một lần cho thỏa. Tuổi trẻ của chị là những năm tháng ngây ngô đến dại khờ, là cả một quãng thời gian dài đánh đổi bằng nước mắt để trưởng thành. Không ai muốn giữ lấy nỗi đau cho riêng mình. Người ta không sẻ chia bởi vì đơn giản không có ai nghe họ mà thôi.

“Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi…

Khó đi, mẹ dắt con đi.

Con đi trường học… mẹ đi trường đời”

Mẹ chị lại cất lên lời ru thuở nào, tiếng ru man mác buồn ấy khiến lòng chị bất chợt nhẹ tênh. Bao bối rối, âu lo, thấp thỏm cũng dần trôi đi mất. Chị nhìn theo ánh mắt của mẹ, nhận thấy trong màn đêm ấy vẫn lóe lên ánh sáng lung linh mà mấy con đom đóm gom lại. Chị chợt nhận ra rằng, hạnh phúc chẳng bao giờ là cái được cho không. Muốn có hạnh phúc, phải học được cách đánh đổi. Với chị giờ đây, hạnh phúc hóa ra lại đơn giản đến vậy. Được trở về mái ấm thật sự của mình, được tự tay chăm sóc ba mẹ lúc tuổi xế chiều, được nhìn con lớn lên từng ngày cũng là một niềm hạnh phúc.

Còn nhớ ban sáng khi nghe câu trả lời “Mẹ con mình đang về với hạnh phúc” con gái chị đã nhíu chặt đôi mày khi chẳng thể nào hiểu được. Bất giác, chị có cảm giác như mình được bé lại, được một lần quẳng đi gánh âu lo trên đôi vai đã quá mỏi mệt. Chị khép mắt, dần chìm sâu vào giấc ngủ trong cơn gió thoảng mùi tanh ngai ngái của bùn, trong tiếng ru hời của mẹ…

“Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi…

Khó đi, mẹ dắt con đi.

Con đi trường học… mẹ đi trường đời”

Diên Vỹ.

Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN