Ngoại ơi

Con đường đất dẫn vào khu xóm nghèo dài tít tắp. Hai bên đường, những thân cây còi cọc đứng nép mình bên đám cỏ dại bám đầy đất đỏ. Đám con nít đang chơi đồ hàng trước sân dõi những đôi mắt nửa tò mò nửa cảnh giác về phía người lạ. Tôi những muốn vẫy tay chào tụi nhỏ, nhưng cái khao khát được tìm lại thứ quý giá của cuộc đời mình đã không thể ngăn những bước chân vội vã của tôi bước nhanh về phía cuối xóm.

Có một người đã hứa ở cạch tôi mãi mãi
Nỗi lòng của mẹ
Nếu có kiếp sau, tôi muốn làm con trai

Căn nhà xiêu vẹo nằm đơn độc giữa bãi đất trống cuối cùng cũng hiện ra . Dẫu biết căn nhà đã bị bỏ trống nhiều năm nhưng sự yên ắng và điêu tàn của cảnh vật vẫn khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi đặt nhẹ chân lên thềm nhà, hít một hơi thật sâu, cảm nhận luồng không khí quen thuộc đang len lỏi vào trong từng tế bào phổi. Tôi tra chìa khóa vào ổ. Lần cuối cùng tôi còn ở trong căn nhà này tới giờ, mọi thứ hầu như đều không hề thay đổi. Tôi sờ từng kỉ vật trong ngôi nhà đã đóng bụi theo tháng năm mà nghe bồi hồi, bao kí ức của tuổi thơ chợt tràn về quanh tôi, thực đến nỗi như mới xảy ra ngày hôm qua mà thôi…

Ngày đó kinh tế rất khó khăn. Ba má tôi thì đi làm cả ngày, chỉ có mình tôi ở lại trông nhà. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm. Thấy tôi suốt ngày lang thang ngoài ngõ chơi, hết í ới hái hoa rồi lại thơ thẩn bắt bướm, ngoại đã chủ động đón tôi về để tiện bề săn sóc, chăm nom. Thế là tôi về ở với ngoại.

 

Hồi ấy, cứ mỗi lần ngoại đi chợ về là tôi lại chạy ào ra sân, reo hò, đòi ngoại mở cái giỏ đi chợ cũ kĩ ra xem hôm nay ngoại mua những món gì. Lần nào ngoại cũng mua cho tôi cái gì đó, khi thì một nửa cái bánh đa, có khi lại là một củ khoai sứt đầu mẻ trán. Tuy những món quà quê ấy chỉ là những thứ quê mùa dân dã , nhưng tôi vẫn không ngăn được cảm giác tò mò mỗi khi ngoại xách giỏ đi chợ, háo hức lục giỏ ngoại và nhảy cẫng lên vui sướng khi được chạm tay vào những cái kẹo, cái bánh.

Tuổi thơ bên ngoại cũng là những tháng ngày cùng đám bạn chơi thả diều trên những cánh đồng chỉ còn trơ rạ, đi theo đám con nít lớn hơn xem tụi nó bắt cá hay leo hết từ cành cây này sang cành cây khác chỉ để tỏ ra ai là đứa “gan dạ” nhất… Nhớ nhất là những đêm trăng sáng, ngoại thường ngồi trên cái phản dài trước sân, miệng bỏm bẻm nhai trầu và kể chuyện. Đám trẻ con thì ngồi túm tụm xung quanh, tranh nhau ngồi gần ngoại để được nghe kể chuyện cho rõ hơn. Có những câu chuyện ngoại đã kể đi kể lại tới mấy lần nhưng lần nào đám nhóc tì chúng tôi cũng háo hức, miệng đứa nào cũng há hốc, chăm chú lắng nghe. Còn những hôm không kể chuyện cổ tích thì tôi thường nhổ tóc sâu và nghe ngoại kể chuyện đời. Lúc đó tôi còn ham chơi lắm nên những lời ngoại nói tôi chẳng để ý mấy. Tuy bình thường ngoại cưng chiều và hay mua quà bánh nhưng những khi tôi làm điều sai trái, ngoại đều nghiêm khác dạy dỗ.

Lớn lên một chút, tôi trở thành con nhóc cực kì quậy phá và ngang bướng. Có lần tôi rủ đám bạn cùng xóm trốn người lớn bơi sang phía bên kia sông hái ổi dại ăn, xui xẻo thế nào một đứa trong đám lại bị chuột rút, suýt chết đuối. Ngoại nghe tin, chạy ào ra đê, thấy cháu ngoại đang đứng run lẩy bẩy, mặt cắt không còn một giọt máu liền kêu về. Ngoại giận lắm, bắt tôi nằm sấp trên phản, lấy roi mây đánh cho tôi một trận. Tôi vừa đau vừa sợ, gào khóc xin ngoại tha thứ. Ngoại ném cây roi xuống sàn rồi ôm tôi vào lòng, khóc “sao dại quá vậy con ơi…”

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mọi vật đều bị sự chi phối của thời gian làm cho thay đổi. Ngoại đã già hơn, lưng đã còng và ngày càng yếu, thỉnh thoảng tôi lại thấy ngoại ho. Giữa lúc người lớn bắt đầu họp nhau lại nói chuyện gì đó đằng sau nhà (mà tôi đoán là nói về ngoại) thì tôi vẫn là con nhóc hồn nhiên chạy chân đất quanh con đê đầu làng, miệng tíu ta tíu tít. Cho đến một hôm…

Ngày ngoại mất. Lúc đó tôi vẫn chưa đủ lớn để ý thức được rằng ngoại đã rời xa tôi mãi mãi. Thấy nhà có đông người ra vào, nhưng mặt thì cứ buồn thỉu buồn thiu vì ngoại không biết đã trốn đi đâu mất tiêu. Hỏi má thì má chỉ nhìn “cái hộp” cao cao bằng gỗ kê ở giữa nhà mà người ta mới chở tới hồi hôm, rồi lặng lẽ khóc.

Tôi cũng sẽ nhớ mãi cái ngày mà người ta mang ngoại tôi đi mất. Hôm ấy trời đổ cơn mưa, không lớn nhưng cứ rả rích, âm ỉ suốt cả ngày trời. Tôilúc ấy chỉ khoảng tám, chín tuổi, đầu đội tang, áo xô gai lấm lem bùn, chân trần chạy trên nền đất nhẽo nhoét. Vừa dõi đôi mắt tuyệt vọng về phía những người đưa ma phía trước, tôi vừa gáo khóc “trả ngoại lại cho connnn… “. Ở đâu đó, mẹ tôi cũng đang dấu mặt vào đôi bàn tay gầy guộc, khóc nức nở…

Chớp mắt một cái mà đã mười mấy năm trôi qua. Bây giờ tôi đã không còn là đứa con nít hay khóc nhè và giận hờn vu vơ nữa. Nhìn lên bàn thờ hương bay nghi ngút, hình ảnh của ngoại năm xưa lại tràn về, khuôn mặt hiền như một bà tiên, những nếp nhăn như dài ra đằng sau mỗi nụ cười… Chợt thấy sống mũi mình cay cay, thấy nhớ ngoại da diết, muốn được lao vào lòng ngoại như đứa con nít nũng nịu của ngày hôm qua và cất tiếng gọi “Ngoại ơi…”

Diep Le

BÌNH LUẬN