Chị tung tăng đi khắp các ngả đường, mặc trời mưa hay nắng, dáng chị thong dong bên dòng đời vội vã. Đầu xù tóc rối, bộ quần áo trông quá lập dị, mi
Chị tung tăng đi khắp các ngả đường, mặc trời mưa hay nắng, dáng chị thong dong bên dòng đời vội vã. Đầu xù tóc rối, bộ quần áo trông quá lập dị, miệng luôn nở nụ cười. Nụ cười ấy ẩn chứa bên trong như một thời say đắm với niềm vui tràn ngập. Cũng có thể điều chua cay, nỗi đau tột đỉnh, tan tác kiếp phù sinh, bởi cái nhếch môi bất cần đời, nửa bão tố, nửa ấm êm! Chẳng ai biết. Đám trẻ nhỏ chạy theo trêu ghẹo không có sự tôn kính dành cho chị. Xung quanh chẳng mấy ai để ý đến người phụ nữ có hành động lạ kỳ này.
Giữa cơn nắng như nung đỏ Sài Gòn, gió thổi vô da thịt nóng rát, xa xa con đường bốc hơi tựa làn khói, như nồi chảo lửa đang nấu oi bức cả không gian. Có người phụ nữ đôi chân trần lang thang bước đi rất hồn nhiên, lả lướt như đời chỉ có duy nhất mỗi mùa xuân, rộn rã trong hạnh phúc của riêng mình. Bên trong nụ cười ấy chứa một trời đau thương lẫn nước mắt. Tôi hiểu ra bể hồn của loài người, nỗi niềm sự tiến thoái lưỡng nan, quá nhiều cùng lúc, bể sắp tràn không còn cách xả cho vơi. Đành buông xuôi hứng trọn sự nghiệt ngã đổ về dồn dập. Kết quả hồn vỡ nước chảy tràn lan. Từ đây, ác mộng tung hoành xô tinh thần té xuống vực thẳm trong hoảng loạn ám ảnh, cuối cùng điểm đến đích của chứng bệnh tâm thần.
Thuở ấy, chị vẫn có gia đình như bao người phụ nữ người khác, cuộc sống hạnh phúc viên mãn trong căn nhà đầy ắp tiếng nói cười. Đảm đang, giỏi trong chuyện mua bán. Siêng năng, chịu khó, tính toán tỉ mỉ chẳng lâu sau trở thành người giàu. Ba mẹ chồng thương yêu hết mực, hãnh diện về đứa con dâu. Khác với cô em chồng chẳng được tích sự gì. Sáng bài tứ sắc, trưa ăn lại nằm, tối kè cặp bạn bè đến vũ trường thâu đêm suốt sáng, cứ thế hết ngày qua tháng nọ. Hai mươi ba tuổi chưa có mối nào dám rước. Ba mẹ than phiền về đức tính con gái rượu. Từ lúc có chị dâu về, thấy lười biếng hẳn ra, nhà không dọn dẹp, chén bát chẳng rửa, tất cả mọi việc trong nhà chỉ mình chị dâu gánh vác lo liệu. Một hôm bà nói với con gái.
“Cái gì đỡ đần được với chị dâu thì cứ làm. Chị em chồng phải biết thương yêu nhau. Cứ xem như ruột rà trong nhà. Việc to hay nhỏ cũng bắt chị dâu lo! Coi kỳ không?. Nó về làm dâu chứ không phải đầy tớ nhà mình đâu con”.
Cha đang ngồi chiếc ghế xếp, tay cầm ly trà nóng đưa sát môi thổi vù vù, chép miệng tỏ ra vẻ bất lực mỗi lần nhắc tới con.
“Lớn rồi chứ còn nhỏ nhoi gì nữa đâu. Sống trong một căn nhà có trách nhiệm đều như nhau. Không thể dùng các từ “giúp đỡ, làm dùm”. Đó là việc chung mang ý nghĩa tập thể, chẳng phải cá nhân nào. Một mình chị không thể xuể mọi việc, chăm sóc chồng bệnh tật, chuyện buôn bán ngoài cửa hàng. Chẳng có phút nào được thảnh thơi. Riêng mày chỉ biết đi chơi. Anh hai tật nguyền không được việc, đáng lý ra phải thay thế, cùng chị lo toan mọi chuyện mới phải quấy”.
Nghe xong cô con gái ném cái quạt cầm tay xuống nền nhà tỏ thái độ bực bội.
“Mệt ba má quá, làm dâu thì phải phục vụ cho nhà chồng. Chẳng lẽ anh hai lấy vợ về cho chị ăn rồi đẻ, sau này lấy hết tài sản. Ở đâu ra cái chuyện này hay vậy”. Từ bao đời nay, không một truyền thống nào về làm dâu mà hưởng thụ trở thành bà hoàng. Trừ khi lấy vua. Anh hai có phải vua chúa đâu.
Ông hớp vài ngụm trà nghiêm giọng quát tháo con.
“Mày nói vậy mà nghe được hả Phương?. Anh hai tàn tật, nó lấy làm chồng là phước đức ba đời nhà mình, lại còn muốn biến thành kẻ hầu người hạ. Người ta gả con chứ không phải là bán! Đừng mang tư tưởng cục bộ ấy về đây”.
Bà lắc đầu quay sang chồng tỏ thái độ bất cần.
“Đừng nói chuyện với nó. Mất công một hồi ói máu chết tức tưởi. Con với cái, chẳng coi sao cho được”.
Phương khó chịu bắt đầu lớn tiếng vì lời nói của cha mẹ hoàn toàn không có yếu tố thuyết phục.
“Sẵn ba má nói, giờ tôi đề cập ra những điều đã chịu đựng từ bấy lâu nay. Tôi là con ruột của ba má mà chưa bao giờ nhận được tình thương trọn vẹn. Cái gì tốt đẹp cũng con Liên chị dâu. Riêng bao nhiêu thứ xấu đều dồn về phía tôi. Nghĩ mà xem, trước đây chị Liên chưa về thì mọi việc trong nhà ai gánh vác? Ai lo cho ba má luôn cả anh hai? Phải một tay tôi chu toàn không? Giờ có thì những điều nhỏ nhặt tự liệu là quá đỗi bình thường. Tài sản sau này thuộc về chị kia mà”.
Ông đập tay xuống bàn, hướng thẳng vào mặt Phương. Cơn thịnh nộ bùng phát đang điều khiển hành động.
“Mày im miệng ngay. Lý lẽ trịch thượng mà nói ra được sao?. Cha mẹ còn sống đã đề cập đến chuyện tài sản. Sao không giết ông bà già này chết rồi lấy của cải theo những thành phần bất hảo đầu đường xó chợ chia nhau ăn chơi cho sướng cái cuộc đời”.
Bà nhìn sang con rồi nhẹ giọng van lơn nhằm làm giảm tình hình đang căng thẳng. Nếu tiếp tục mà chẳng có sự can thiệp, chuyện tồi tệ diễn ra là điều không tránh khỏi.
“Thôi im. Cha đang nóng. Đừng lớn tiếng người ta cười nhà mình. Ông vào nghỉ ngơi nhé”.
“Nói có sai đâu mà hai ông bà bênh vực cho người ngoài rồi trách móc con cái. Anh hai bị bệnh sống nay chết mai. Ba má già rồi cũng sẽ chết. Tôi thì đi lấy chồng, thế thì tài sản này thuộc về ai”?
Nghe nhà trên có chuyện cãi vã to tiếng. Anh hai ngồi xe lăn di chuyển một cách đầy khó khăn. Bị bại não từ nhỏ, đủ thứ chứng bệnh khác đang hoành hành trong người. Khiến phải bại liệt tay chân teo héo, hình hài trông như một đứa trẻ nhỏ. Bác sĩ chuẩn đoán anh không sống được lâu, do cơ địa vốn dĩ suy yếu từ bé, chẳng thể đẩy lùi các chứng bệnh nan y ra ngoài. Anh may mắn có được một người vợ đẹp, đảm đang, hiếu thảo. Đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời, xem như ông trời lấy đi cái này, bù đắp lại cái khác vậy. Anh rất thương vợ, biết về làm dâu sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Thấy những người đàn ông dìu dắt vợ con đi chơi mà buồn đến phát khóc, bản thân anh không làm được như họ. Tội nghiệp cho Liên, không tiếc thanh xuân mà đến với anh bằng tình cảm chân thành, lấy người chồng tật nguyền. Xe lăn tiến sát đến nơi em gái, đôi bàn tay teo tóp bé nhỏ đang cố lấy hết sức. Anh tát vào mặt Phương vì dám xấc xược nói xấu chị dâu. Lần đầu tiên trong cuộc đời đánh cô em ruột, dù biết cái tát ấy chẳng thấm đâu vào đâu bởi sức anh quá kém cỏi. Giọng nói đầy căm phẫn tức tối.
“Đồ mất dạy”.
Sau cái tát ấy Phương ôm mặt khóc chạy vào trong, dù đánh không đau nhưng cô cảm thấy như trời giáng! Bởi vì đây là cú đánh đầu tiên từ bé cho tới giờ. Anh thở dồn dập trong người còn uất ức. Hai ông bà tới khuyên sợ có chuyện xảy ra liên quan tới sức khỏe. Bà bóp tay rồi vuốt ngực, nói những lời nhẹ nhàng.
“Bình tĩnh đi con. Nó nói vậy chứ không có ý gì đâu”.
Ông cũng tới dỗ dành đồng thời động viên an ủi.
“Kìa! Con đang bệnh, bác sĩ có dặn đừng nên quá xúc động, cũng không được tức giận, sẽ gây ảnh hưởng dễ chấn thương tâm lý. Cũng do con nghiệp chướng kia mà ra! Ông trời ơi, tôi có làm gì ác mà giờ phải chịu bị trừng phạt”.
Mắt anh nhìn chằm chằm ra cửa, nói những lời uất nghẹn gọn gàng.
“Liên không mong tài sản nhà này. Điều cô ấy cần nhất là tình yêu thương. Con cũng thế.
Anh di chuyển ra phía trước ngồi đó nhìn trầm ngâm. May là vợ vắng nhà ở cửa hàng. Nếu Liên đang hiện diện chắc chắn sẽ bị tổn thương bởi những lời khó nghe từ cô em gái.
Phương nằm trong phòng khóc sướt mướt. Suy nghĩ đủ thứ chuyện về quãng thời gian qua. Một người anh thương mình nhất, nay lại đánh chỉ vì dám nói tới Liên. Từ lúc chị dâu về nhà, trong mắt người thân mọi thứ đều hơn cô. Cha mẹ thương Liên nhất, hay so sánh con gái với chị dâu. Tất cả tài sản của nhà mình sau này sẽ thuộc về Liên. Nếu không có chị dâu, đâu xảy ra chuyện anh em mất hòa thuận, chẳng bình yên như trước. Cha mẹ không còn nuông chiều. Bỗng nhiên trở thành kẻ thừa thãi trong chính gia đình mình. Nghĩ tới việc phải thủ tiêu Liên, nhưng thấy quá nhiêu khê, bởi hành động này không trước thì sau, nhà chức trách sẽ vào cuộc điều tra nguyên nhân cái chết, thủ phạm lộ diện rơi vào vòng lao lý với tội danh giết người. Bèn nghĩ cách khác, làm sao để Liên rời khỏi căn nhà mà không phải tù tội. Cuối cùng cũng tìm ra được một phương kế hữu hiệu, đó chính là vu khống. Trò ném đá giấu tay luôn thú vị của những kẻ tiểu nhân, ngồi trong bóng tối tha hồ mà phóng dao, bởi ta thấy kẻ thù rất rõ, ngược lại đối phương lại không nhìn ra ta, cũng chẳng biết đó là ai? Phương nhép miệng gật gù.
Còn chưa tới nửa tháng là ngày giỗ nội. Cô thừa biết năm nào gia đình cũng mời đầy đủ họ hàng, có luôn cha mẹ của Liên. Cô sẽ làm nhục chị dâu trước tất cả mọi người. Nghĩ tới việc lúc ấy Liên sẽ gào khóc rồi thanh minh trong sự đau khổ oan ức tột cùng, nhưng chả lấy một ai tin. Cô vui mừng nở nụ cười đắc chí của kẻ đang thắng cuộc.
Từ dạo ấy Phương giả vờ ăn năn về hành vi của mình. Mới đó thôi mà trở thành đứa con ngoan, chẳng còn rách việc, ai cũng lấy làm lạ. Mọi người vui khi thấy cô thay đổi một cách đầy bất ngờ. Cứ theo tình hình này thì gia đình làm gì có chuyện xào xáo mất đoàn kết như thời gian trước đây.
Mai tới ngày giỗ, chiều Phương gọi anh hai ra nói nhỏ trước khi đưa đi bệnh viện để bác sĩ theo dõi.
“Thời gian qua đã không đưa anh đi viện. Em cảm thấy có lỗi. Thực sự, em không muốn trở thành người vô tâm nhất là ruột thịt trong nhà. Nó có lý do! Nhưng rất khó nói. Mong anh thương rồi bỏ qua cho đứa em này”?
“Anh vui lắm, đây mới chính là đứa em của ngày nào! Mọi việc đã qua, nên quên để bắt đầu niềm vui hạnh phúc đang đợi ở phía trước! Mà lý do của em là gì? Anh em trong nhà tại sao lại khó nói?
“Vì em muốn giữ tài sản của nhà mình, không lọt vào tay của người lạ”.
“Em nói gì vậy. Anh là ruột kia mà, người lạ nào ở đây?”.
“Chẳng phải anh mà là người khác”.
“Ý em nói chị dâu Liên sao”?
“Nếu chị dâu hưởng được thì mừng, dù sao cũng là người nhà, nhưng rất tiếc không phải?”.
“Thế thì là ai? Người ngoài nào”?
“Là người tình của chị dâu. Chị đang ngoại tình cắm sừng anh rất nhiều lần. Em chỉ sợ tài sản này lọt vào tay của người đàn ông đó”.
“Em nói cái gì vậy Phương! Nè, anh cấm…”
Cô đã kịp thời cắt ngang.
“Nói nhỏ tiếng thôi, ba mẹ nghe thấy thì sẽ không hay đâu. Biết anh chẳng tin! Ngay cả em cũng không muốn điều ấy thành sự thật. Thôi tùy anh. Hãy giữ kín đồng thời theo dõi sẽ có kết quả bất ngờ! Em không muốn gia đình mình mang tiếng xấu giữa xã hội.
“Em dựa vào đâu mà nói Liên ngoại tình?”.
“Anh nghĩ đi, tàn tật thế này thì ai mà chịu lấy làm chồng, nếu có cũng chẳng qua là cái tài sản, huống gì chị dâu đi suốt đến tận khuya mới về! Thời gian đó chị đã làm gì? Đi đâu? Gặp những ai? Anh có biết hết không?”.
“Chỉ có vậy mà cho rằng Liên ngoại tình sao Phương. Anh cấm em không được suy diễn lung tung. Cô ấy là người thế nào anh rõ nhất. Có biết Liên bận buôn bán ở ngoài cửa hàng không”?
“Buôn bán ngoài cửa hàng ư! Đúng là có buôn bán, nhưng anh dựa vào đâu để khẳng định rằng chị dâu không rước trai vào. Bằng lòng tin tuyệt đối à! Thế thì nhầm to. Chính mắt em nhìn thấy”.
“Ăn nói hồ đồ xằng bậy, dẹp cái tư tưởng ấy lại ngay. Liên không bao giờ làm những chuyện động trời này”.
“Đừng nóng vội, để em nói hết. Đêm đó anh nằm viện chưa về, đang ngủ bỗng nghe tiếng chó sủa ầm trời. Bước ra nép sau tấm rèm thấy chị dâu ngoài ngõ nói chuyện với một người đàn ông lạ, trông họ rất lén lút. Một lát sau chị dẫn người ấy vào nhà rồi khép nhẹ cánh cửa, cùng bước vô phòng. Đi theo dõi, rõ ràng chị đang ngoại tình, trên người cả hai đều lõa lồ. Em hốt hoảng phát ra tiếng thì người đàn ông ấy đã nhanh chân chạy thoát vì cửa khép hờ không có khóa. Chắc là họ đã tính toán trước, dự bị cho việc thoát thân”.
Anh ngồi trên xe lăn chết lặng, hỏi lại để xác minh sự việc cô em vừa kể. Đúng là có nhiều đêm nằm viện vắng nhà, nửa tin nửa ngờ, khi xâu chuỗi lại tất cả mọi chuyện. Cũng là câu hỏi đã nhiều lần anh tự hỏi chính mình. Tại sao Liên đồng ý lấy một người tàn phế làm chồng, anh hơn những người đàn ông khác ở điểm nào? Những lần nằm viện, điều gì Liên không theo ngủ cùng mà cứ thoái thác với lý do chẳng chịu nổi mùi nhà thương. Cũng có vài lần đưa đi rồi ngủ lại, nhưng rất ít.
“Có thật là như vậy không?.
“Anh không tin thì thôi, em không nói nữa. Tài sản là của anh, chỉ muốn giữ cho anh, em chẳng có gì trong ấy dựng chuyện để làm chi. Lấy chồng, theo chồng thì vốn dĩ của cải này đâu phải thuộc về em. Thôi tùy anh vậy, ra xe chúng ta đi, khi nào thấy khỏe muốn về em sẽ tới rước”.
Nằm trong bệnh viện anh nghĩ đến lời nói của em gái lúc chiều. Nếu đúng là sự thật thì quả là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời. Tình cảm dành cho Liên luôn hết mực với một lòng chung thủy. Cũng có chút nghi ngờ cô em gái của mình. Từ lúc Liên về làm dâu, hình như Phương chẳng ưa cứ liếc ngang liếc dọc, lại nói xấu chị đủ điều. Biết đâu đây chỉ là lời gây chia rẽ tình cảm của vợ chồng với mục đích nào đó thì sao. Anh nằm thao thức trong bệnh viện đầy hiu quạnh. Hôm qua Liên có ý định đưa đi, đồng thời ngủ lại sáng sớm về, nhưng anh đã từ chối, vì mai là ngày giỗ, không có Liên thì ai lo việc bếp núc. Dù biết sáng sớm về, nhưng vẫn thấy bất tiện, đành để vợ ở nhà. Huống gì Phương chủ động đưa đi, cũng là lần đầu tiên rồi yêu cầu chị dâu nên ở nhà mai hai chị em lo liệu chuẩn bị cho ngày giỗ để hoàn thiện một cách đầy chu đáo.
Phương biết hôm nay chị dâu đóng cửa tiệm nghỉ bán, ở nhà lo việc như hàng năm. Liên dậy rất sớm lục đục nấu nướng dưới bếp đến khi trời đã sáng hẳn. Họ hàng tới rất sớm, hàn huyên uống trà nói chuyện đủ các thể loại, các đề tài. Bỗng dưng ở đâu xuất hiện một gã đàn ông mặc quần ngắn, mình trần, từ phòng Liên chạy ra, trên tay gã còn cầm chiếc quần dài với cái áo còn chưa kịp mặc. Gương mặt thất thần lộ vẻ sợ hãi khi thấy xung quanh có quá đông người. Bao nhiêu đôi mắt đều hướng về kẻ lạ mặt mà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Gã nhanh chóng rời khỏi với tiếng gọi của những người xung quanh.
“Ai đó… ai đó…”???
Họ nhìn nhau không hiểu gì, người nào cũng hoang mang ngỡ ngàng. Bà quay sang hỏi ông.
“Thằng đó là ai vậy? Sao có mặt trong phòng của con dâu mình”?.
Cha ruột của Liên phân vân. Vì sợ sự hiểu lầm xảy ra.
“Có khi nào là họ hàng của ông bà sui tới đây ăn để giỗ không”?
Bà phủi tay trố mắt nói để khẳng định.
“Làm gì có. Con cháu của nhà này thì phải biết mặt. Nếu là họ hàng sao phải lén la lén lút như vừa làm một chuyện đầy tội lỗi như vậy”.
Mẹ của Liên im lặng một hồi, giờ mới lên tiếng.
“Chỉ có thể là ăn trộm. Chị vào kiểm tra kỹ nhà có mất cái gì không”?
Ông chép miệng lắc đầu.
“Càng không thể nào là trộm. Nếu đúng thì phải che mặt, không cho ai thấy, đằng này đưa ra rõ rành rành trước bàn dân thiên hạ. Trộm nào mà cởi trần, mặc quần ngắn như vừa mới ngủ dậy”.
Ba mẹ Liên chỉ biết im lặng nhìn nhau không hiểu cớ sự gì. Mẹ của Phương nói nhỏ vào tai chồng.
“Ông ơi, có khi nào lời con gái nói với mình chiều hôm qua là đúng sự thật không. Nếu gã đàn ông ấy mới vào nhà sáng nay thì tất cả mọi người ở đây đều phải nhìn thấy. Ai cũng ngồi trước cửa uống trà từ lúc tờ mờ sớm đến giờ kia mà. Chỉ có thể là nó tới từ tối hoặc khuya hôm qua. Trời ơi! Là thật rồi ông.”?
“Chắc chắn. Vậy mà từ bấy lâu nay tôi cứ tưởng con Liên công dung ngôn hạnh, một lòng vì chồng. Giờ mới biết mình đã lầm”.
Ba mẹ của Liên đứng như trời trồng, không biết nói như thế nào cho phải phép. Cuối cùng bà cũng lên tiếng.
“Anh chị sui, nói lầm là sao, chưa hiểu cho lắm! Thì thầm nhưng tôi vẫn nghe thấy. Con tôi không làm vậy đâu, nói oan thì tội nghiệp cho nó”.
Mẹ của Phương lắc đầu đáp.
“Anh chị chưa hiểu thì đi gọi con gái cưng của mình lên mà hỏi. Phụ nữ đã có chồng còn dẫn trai vào nhà để mèo mỡ thì chẳng còn từ gì mà diễn tả. Con trai nhà tôi thật đúng quá vô phước”.
Mẹ của Liên chảy hai hàng nước mắt. Bà thấy hổ thẹn khi con mình bị xúc phạm trước đám đông. Ông tức giận gọi to.
“Liên! Mau lên đây cha bảo”.
Nghe cha gọi tên mình thật lớn, chị bỏ hết công việc dưới bếp vội vàng chạy lên.
“Thưa cha gọi con”.
“Còn dám kêu tao là cha nữa hay sao”.
“Cha nói gì con không hiểu”.
“Tại sao mày lại dám dẫn trai vào phòng, khi chồng vừa vắng nhà”.
“Cha nói sao, con có dẫn ai vào đâu”.
Phương từ dưới bước lên, hai tay chắp sau lưng nói giọng đầy mỉa mai.
“Tôi đã bắt gặp rất nhiều lần nhưng không có bằng chứng! Nói cũng chẳng ai tin. Giờ thì mọi người đều sáng mắt.”.
“Em đang nói vậy là thế nào? Chị có dẫn ai vào nhà mình đâu”.
“Thì tôi có nói chị dẫn đâu. Ai cũng nhìn thấy rồi mà”
Liên khóc thành tiếng, quỳ xuống hết nắm tay ba mẹ ruột rồi tới cha mẹ chồng.
“Ba mẹ ơi, con không phải là người có chồng mà còn vụng trộm tội lỗi, cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, cầu xin mọi người hiểu. Con không biết người nào đã từng vào đây”.
Ông tức giận, đưa tay tát chị thật mạnh một cú như trời giáng.
“Mày đúng là thứ đàn bà đĩ thỏa lăng loàn. Tao không có đứa con như mày. Từ nay về sau sống hay chết không liên quan gì đến nhà tao. Uy tín mấy đời tổ tiên họ Dương bị mày đem đổ xuống sông hết rồi Liên ơi”.
Ông quay sang cúi đầu trước ba mẹ của Phương.
“Tôi xin lỗi hai ông bà, vì không biết dạy dỗ con cho tốt. Tôi giao lại, muốn xử lý thế nào thì tùy. Chẳng còn mặt mũi nào ở đây nữa. Tôi về đây”.
Ông và vợ bước chân ra về, gương mặt đầy nỗi tức giận. Liên ôm mặt khóc, tiếng khóc uất nghẹn trong cổ họng không còn phát ra âm rõ ràng, chỉ nghe hít hít của niềm bi thảm rồi im dần câm lặng… Phương đứng bên trong liếc mắt nở nụ cười, hài lòng với màn kịch mình đã dựng nên. Ông cha chồng gằn giọng.
“Mày ra khỏi nhà ngay, từ nay về sau cấm quay lại. Không có đứa con dâu lăng loàn như mày, thà cưới đĩ cho con tao còn hơn! Cút mau”.
Chị bước chân ra đi như một kẻ mất hồn, cứ đi trong vô định, không biết đi về đâu. Lang thang khắp con phố, đói bụng, mệt rã rời, chẳng biết trút tâm sự để chia sớt cùng ai. Trời đổ mưa mặt phố lạnh như băng. Chị vội vã xuống gầm cầu, ngồi bó gối co ro cúi đầu như bóng ma ẩn hiện. Cuộc đời chưa bao giờ thê thảm như đêm nay, chẳng khác gì một kẻ ăn mày lê la. Mới đó thôi còn là bà chủ, ăn mặc đẹp xinh, có nhiều tiền của trong tay, một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vậy mà bây giờ ra chị ra nông nỗi như thế này. Tất cả những gì chị có được đều bị nhà chồng tịch thu, vì cho rằng số ấy là của họ. Chị ra đi với bộ quần áo chỉ duy nhất trên người.
Đôi khi nhớ gia đình trở về thăm, nhưng lần nào cũng bị xua đuổi không cho vào. Chỉ còn biết đứng trước cổng nhìn vô, miệng ú ớ không nên lời. Kể từ ấy, trên gương mặt chị thường xuất hiện nụ cười, đi lang thang khắp nơi, khi ca hát nhảy múa rồi tự vỗ tay thích thú, khi tự nói chuyện với cái bóng của chính mình. Từ ấy chị không trở về nữa.
Sau lần đuổi Liên đi, cha mẹ chồng thấy buồn, ngày nào con dâu còn cũng chu toàn mọi việc, giờ căn nhà bề bộn chưa từng thấy. Phương thì vẫn tính nào tật nấy, thâu đêm suốt sáng thường xuyên vắng nhà. Cha mẹ bị bệnh không có một ai chăm sóc, bỗng nhiên họ thấy nhớ Liên vô cùng. Giờ đôi vợ chồng già phải tự chăm sóc nhau, còn thêm người con trai tàn tật, mọi việc rối cả lên từ lúc không có Liên.
Một hôm ông bà đưa anh hai đi bệnh viện trên chiếc camry cũ. Được một đoạn xe chết máy phải dừng lại. Ông gọi mọi người xuống đón taxi cho kịp giờ khám bệnh. Vẫy chiếc xe bên kia đường, cả ba người cùng lên. Khi người tài xế quay mặt lại hỏi.
“Hai bác và anh đi tới đâu”?
Hai ông bà đứng hình ú ớ khi nhận ra! Tài xế này chính là gã hôm giỗ đã lẻn vào nhà ông. Người đã ngoại tình với Liên. Làm sao hai ông bà có thể quên được gương mặt của gã. Mọi biến cố gia đình suy sụp như hôm nay do chính hắn và con dâu gây ra, đã ám ảnh cho tới tận bây giờ. Hình như gã hoàn toàn không nhận ra hai ông bà. Ông nháy mắt với vợ rồi bình tĩnh trả lời.
“Chúng tôi tới Chợ Rẫy.”
Hắn gật đầu, thản nhiên huýt sáo lái xe, trên đường đi gã liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại. Riêng có một cuộc gọi làm hai ông bà lặng người.
“Tiền cô thuê tôi vào phòng chị dâu để vu khống ngoại tình, định khi nào trả đây. Nếu không đưa đủ tôi sẽ đến tận nhà để vạch trần nói ra sự thật thì lúc ấy đừng trách. Trong vòng ba ngày nữa nhé cô Phương! Tôi nói là sẽ làm.”?
Hai ông bà cả người con trai, trố mắt nhìn nhau trong bất ngờ lẫn đau đớn tột cùng. Ông yêu cầu dừng xe để nói chuyện.
“Chúng tôi là người thân của Phương đây! Nó nợ anh bao nhiêu, sẵn tiện có tiền tôi trả ngay bây giờ”.
Hắn giật mình khi được nghe giới thiệu là người thân của Phương. Ấp úng nói không trọn câu
“À không. Phương bạn cháu không phải là con của hai bác đâu. Trùng tên thôi mà”.
Bà nghiêm giọng với gã.
“Nếu anh không nói, chúng tôi sẽ trình báo với nhà chức trách có thẩm quyền. Nói sự thật, tiền của Phương tôi trả thay đồng thời tặng thêm một số nữa”.
Gã cứ do dự, cuối cùng cũng khai thật, vì chẳng còn đường nào để thoát khi biết mình đã gây ra tội tày đình, đã làm một gia đình tan nát. Lại liên quan đến trách nhiệm dân sự đối với mặt pháp luật. Hai ông bà có hứa, khi sự thật chính thức đã phơi bày thì họ sẽ bỏ qua không truy cứu tội lỗi ấy.
“Con của hai ông bà, thuê cháu vào phòng chị dâu tên Liên, để vu khống ngoại tình”.
Ông tiếp tục xét hỏi.
“Nhưng anh vào nhà tôi bằng cách nào”?.
“Lúc năm giờ sáng! Phương ra mở cửa chính, đợi người con dâu xuống bếp làm công chuyện. Cửa phòng không khóa, cháu lẻn vào chui vô tủ đồ. Chờ đến khi nào Phương làm ám hiệu, thì lột áo ở trần, mặc quần ngắn bước ra đúng như kế hoạch cho mọi người cùng nhìn thấy. Cháu chỉ làm việc theo yêu cầu của Phương với giá đã thỏa thuận, chỉ 1 lần duy nhất. Ngoài ra không biết gì nữa, xin hai bác bỏ qua cho”.
“Nhưng làm sao anh quen biết với con gái tôi?”. Ông tiếp tục dò hỏi, những chi tiết cặn kẽ để biết thêm.
“Chẳng giấu gì 2 bác. Cháu hay đưa đón khách tới vũ trường, Phương là mối ruột thân quen suốt mấy năm nay.”
Ông túm lấy cổ áo của gã, vung tay muốn giáng những cú đấm vào mặt cho hả cơn tức giận nhưng đã bị bà cản lại đồng thời khuyên phải giữ bình tĩnh. Ông quát lớn.
“Tụi bây là một lũ ác nhân thất đức, đã ám hại hủy diệt một gia đình đang êm ấm. Tao có thù oán gì với chúng mày”. Đúng là đang nuôi thứ nghiệt súc trong nhà. Thì ra nó dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản có tiền mà ăn chơi”.
“Cháu xin bác bớt nóng giận niệm tình bỏ qua. Cũng do cháu tham tiền nên bị lôi kéo vào. Thật không ngờ việc nhỏ nhưng gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Cháu thấy quá hối hận.”
Nói xong, gã gục đầu im lặng như một sự sám hối. Cả ba người nghe như tiếng sét đánh bên tai. Người con trai bị tim nên ngất ngay tại chỗ. Hai ông bà òa lên khóc như trẻ con. Ông hét lên điên cuồng.
“Liên! Bây giờ con đang ở đâu? cha xin lỗi… Liên ơi…. Hãy tha lỗi cho cái gia đình đầy ác nghiệt này”.
Đưa người con tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch phải thở bằng oxy. Chiều ấy hai ông bà tức tốc đón xe ra Chợ Lớn gặp sui gia để nói ra sự thật đồng thời lời xin lỗi. Trình bày rõ ràng đầu đuôi câu chuyện về sự oan ức của Liên.
Khi nghe xong đã thấu hiểu. Mẹ ruột nói trong hoảng loạn.
“Con tôi… Con tôi. Trời ơi tôi phải đi tìm”.
Bà chạy nhanh vội vàng ra khỏi nhà, ba người còn lại cùng khóc trên cùng một nỗi đau. Tối hôm đó người con trai bị trụy tim không chịu được cú sốc đã mất ngay tại bệnh viện. Vài tháng sau ông tiêu điều trong tuổi già bệnh tật, kèm nhớ đứa con trai vắn số, mà nhiều nhất là lương tâm bị giày vò cắn rứt, không lâu sau cũng mất. Bà chỉ thui thủi một mình chống chọi lại tất cả, không còn ai chăm sóc mỗi khi bệnh tật ốm đau, cũng trả nợ trần rồi nhắm mắt đi theo ông. Riêng về phần Phương do ăn chơi lêu lổng tài sản cũng từ đó mà đội nón ra đi hết sạch. Căn nhà đã bán, trở thành người vô gia cư lang thang khắp các con ngõ trong cơn nghiện ngập phê pha. Một lần sử dụng ma túy dẫn đến sốc, té xuống dòng kênh nước dơ đầy hôi hám kinh tởm. Được phát hiện khi cái xác đã trương sình thối rữa không còn nhận dạng trông khiếp đảm vô cùng ám ảnh. Người ta nói đó là quả báo mà Phương phải chịu cho những việc độc ác do chính mình gây ra. Có câu “gieo gì gặt nấy – có vay ắt có trả” quả không sai chút nào.
Những lời của người xung quanh kể về cuộc đời chị làm người nghe cảm thương muốn rơi hai hàng nước mắt. Tôi đồng cảm cùng nỗi lòng người phụ nữ sau khi trải qua những biến cố dẫn tới niềm đau đớn tột cùng. Vào một chiều trở lại nơi đường cũ, bầu trời kéo mây đen giăng kín, sắp có một cơn mưa thật lớn như chính ông trời cũng khóc thương cho cái số phận con người. Chị vẫn còn nơi ấy. Tôi tiến tới gần nắm lấy bàn tay! Ôi cái đôi tay gầy guộc trơ xương nhỏ bé, nhưng đã chạm vào sóng gió những cay đắng cuộc đời. Ba mẹ ruột đã từng đón về chăm sóc đồng thời chữa trị, nhưng chị lại muốn lang thang như không có bất kì ràng buộc nào. Phụ nữ là phải đẹp, phải có tiền để không lệ thuộc bất kỳ ai, chăm chút và yêu bản thân, nhưng chị không được điều đó. Chị giờ như một đứa trẻ còn thơ ngây mà miệng đời gọi là “người điên”. Một người điên không suy, không nghĩ, không toan tính, không dối trá, chỉ biết cười bên những hành động kỳ quặc mà chẳng thấy bất cứ giọt nước mắt nào rơi xuống. Cũng tốt thôi, nó giúp chị quên đi một kí ức đau buồn, đó là nỗi ám ảnh mà chẳng ai muốn nhớ tới. Vẫn giữ nụ cười rất hồn nhiên, nó hồn nhiên nhưng chưa từng có bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời của chị.
Đôi khi trong cuộc sống người ta mệt mỏi với những thứ lo toan, áp lực, nỗi buồn đang chiếm lấy tinh thần lẫn thân xác. Họ cũng muốn được như chị để quên hết tất cả, đổi lại sự bình yên giữa giông bão cuộc đời. Chẳng biết sau này khi trở lại đây có còn thấy nữa không? Hay đây là lần cuối cùng trong tương lai chị sẽ được chữa khỏi trở thành một con người bình thường. Dù kết quả của cuộc đời ra sao tôi vẫn hoài niệm phút giây này. Cơn mưa vừa tới, chị thích thú dang tay ca hát nhảy múa, chị vui trong niềm vui của riêng mình, chẳng ai biết đó là niềm vui gì?. Chị đi tới cuối con đường hòa mình dưới màn mưa chiều hối hả ướt Sài Gòn. Cái dáng mịt mờ như làn sương ảo ảnh, nhưng sẽ hiện rõ trong tâm trí tôi từ đây luôn cả về sau này. Nụ cười ấy thật ám ảnh chua cay, bên trong chứa đựng cả một trời đau thương, bi thảm, nghiệt ngã đến chấn động tâm lý. Dáng chị vừa khuất cuối con đường, nhưng tiếng cười vẫn còn vọng lại trong màn mưa hiu hắt: ha ha ha… ha ha ha…ha ha ha…ha ha ha.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
BÌNH LUẬN