Không đọc nếu bạn sợ ma Dương bằng tuổi tôi.Thời ấy, nó là đứa con gái trẻ đẹp nhất Làng Lòi. Đêm nào, bọn con trai ngoài xóm cũng đến tán tỉnh rất đông. Những đêm có bọn con trai tới chơi, nó trốn sang nhà tôi buôn dưa lê cho tới khi nghe tiếng chó phía ngõ nhà nó sủa thưa hơn thì mới về học bài.
Ở lớp, nó học giỏi nên được rất nhiều thầy cô quý mến, nhiều thằng để ý. Chả bù cho tôi, có nhồi vào đầu cả tá sách cũng không đọng lại câu nào. Đã thế, mặt tôi lại còn nổi mụn lổm ngổm như nghĩa địa nên chả ma nào ngó tới.
Chơi với nó, tôi không bị ăn hiếp. Vì bọn bạn học cùng trường đều nể nó.Nó lại chơi thân với tôi nên tôi được hưởng xái. Đứa ghét tôi thì xỉa xói: “Xấu như ma trơi mà chơi với người đẹp”… Về sau tôi ít chơi với nó hơn, phần vì tôi tự ti với bản thân mình, phần vì đã lớp mười hai nên tôi phải tập trung học để đậu tốt nghiệp.
Dương thi đậu đại học, còn tôi chỉ xong cấp ba là ở nhà cắt cỏ chăn trâu, quanh quẩn nơi luỹ tre làng. Thời gian đầu mới đi học xa, nó hay viết thư về kể những chuyện sinh hoạt hàng ngày trên phố cho tôi nghe. Nó khoe có người yêu đẹp trai, lại người Hà Thành hẳn hoi.Tôi mừng cho nó nhưng lại buồn cho số phận hẩm hiu của mình.
Ít lâu sau thì thư của nó gửi cho tôi thưa dần. Tôi nghĩ nó bận bịu chuyện học hành nên không có thời gian hồi âm cho một đứa vô công rồi nghề như tôi.Lâu dần khoảng cách giữa tôi và nó giãn ra xa hơn.
***
Ông Lục hớt ha hớt hải chạy qua nhà tôi mượn tiền để lên phố. Bố tôi hỏi ông có chuyện gì mà hớt ha, hớt hải thế. Ông nói công an thành phố nơi Dương học gọi ông lên có việc gấp. Bố tôi đưa số tiền bán con bò cái lúc sáng cho ông mượn. Ông cầm những tờ tiền trên tay, rối rít cảm ơn bố tôi rồi đi nhanh về nhà.
Chiều hôm ấy, khi mọi người đi làm đồng về thì trông thấy một chiếc xe có dán chữ thập, rú còi inh ỏi chạy vào làng. Ai cũng có linh tính chuyện gì đó không lành. Có người bảo: “Chắc Bạch Mai trả ông Múp về. Nghe đâu mấy ngày nay con cháu cụ Múp bảo ông khó qua cơn lao phổi.”
Thế nhưng chiếc xe lại đỗ ngay trước ngõ nhà Dương, những người thân trong nhà nó ùa ra khóc thảm thiết. Dân làng chẳng mấy chốc đã vây kín vòng trong, vòng ngoài. Tôi sang tới nơi nhìn thấy một chiếc quan tài trắng toát, được thắt ba dải vải trắng. Trên nắp thiên những ngọn nến đang cháy nhễu nhại. Mấy chú công an đưa giấy tờ gì đó cho ông Lục ký, rồi vội lên chiếc xe chữ thập rú còi rời khỏi làng.
Phong tục ở quê tôi người chết ngoài đường thì không được đưa vào nhà mà phải đặt ở ngõ để cúng tế.Và chết trẻ thì thường được chôn cất sớm. Thế nhưng, cái hôm Dương chết, gặp ngày xấu nên phải để sang ngày hôm sau mới đưa ma. Trời cuối thu gió lành lạnh, kèm theo những cơn mưa khuya rả rích, tiếng kèn đám ma ai oán bao phủ lên xóm nghèo.
Đi đưa đám Dương chủ yếu là người già và phụ nữ. Cánh đàn ông con trai, thanh niên thì thường đi làm xa cuối năm mới về. Huyệt mộ được đào sâu, nghĩa địa nằm giữa thung lũng, tối lại có mưa nên nước nhỉ vào rất nhanh, phải dùng cán xẻng đè lên ván thiên thì chiếc quan tài của Dương mới chìm xuống.Đắp mộ xong, người ta lấp một lớp đất sét nhầy nhụa rồi phủ lên một lớp đá để chống xói.
Mọi người quá bất ngờ với cái chết của Dương, lại trong lúc tang gia bối rối nên chưa ai hỏi về lý do cái chết ấy. Người nhà của Dương chỉ nói là Dương chết vì bị người khác hãm hại, nhưng công an chưa đưa ra kết luận nên không ai giám khẳng định gì.
Từ ngày Dương chết, mấy người đi lấy nước đêm kể, họ hay gặp một cô gái mặc đồ trắng, bay là là trên mặt đất ngay trục đường chính dẫn vào làng. Những lời đồn đãi khiến lũ trẻ con tè dầm ra quần vì sợ, nhiều người yếu bóng vía không dám ra khỏi nhà ban đêm.
***
Tôi tỉnh giấc thì thấy Dương đứng ngay cạnh giường. Nó ôm ghì lấy tôi khóc thảm thiết: “Hiền ơi! Tao chết thảm quá Hiền ơi? Bọn nó bóp cổ tao, lùng sục khắp cơ thể tao. Cho đến khi tao không còn thở nữa bọn nó mới buông tha. Nhưng tất cả là cũng tại tao. Tại tao quá tin thằng khốn nạn ấy. Nó bảo là sẽ yêu tao trọn đời. Sẽ cưới tao làm vợ… Vậy mà nó dùng thân xác tao để hiến tặng bạn bè nó trong một đêm vui. Tao sẽ không tha cho bọn nó đâu.”
Dương đang nói với tôi thì con mèo đen nhà tôi nhảy ụp từ phía cửa sổ vào, nó tan vào đêm tối. Thân thể tôi lạnh buốt như đang dựa vào một cây đá lạnh. Tôi cố lấy sức để gọi mẹ, nhưng dường như mọi cố gắng của tôi đều vô vọng. Tôi chìm vào giấc ngủ mê lúc nào không biết.
Tối hôm sau, Dương lại về. Lần này, nó mặc chiếc áo choàng đỏ mà tôi và nó đi mua trên thị trấn hồi còn học cấp ba. Nó lay nhẹ tôi dậy, dắt tôi đi theo nó. Nó bảo với tôi: “Con mèo nhà mày ghê quá!”
Ra đến gần ngã ba xóm, nó lấy trong túi ra một chiếc xích đu mắc lên cây đa, bảo tôi ngồi lên, nó vừa xít đu vừa kể chuện cho tôi nghe: “Giá mà ngày ấy tao nghe mày đừng quá tin vào đàn ông thì giờ tao vẫn còn sống. Mà lũ sinh viên bây giờ rất nhiều đứa lăng loàn. Bọn nó dắt nhau đi nhà nghỉ là chuyện thường. Nằm với nhau mấy bữa rồi bỏ. Đến ngay cả tao đây còn bị bọn nó hãm hiếp. Nhưng tao đành chọn cái chết chứ không bao giờ để mình nhơ nhớp được. Tao là con ma còn trinh đấy.”
Nói xong Dương cười ha hả. Nó còn dặn tôi: “Mày là chị cả ở cái làng này, phải có trách nhiệm nhắc nhở các em nó. Bây giờ lên phố lớ ngớ là bọn đàn ông nó xơi ngay. Rồi có ngày mang si đa về làng đấy.”
Khi tôi về tới đầu ngõ thì trời tờ mờ sáng. Mẹ thấy chân tôi dính đầy bùn đất, đầu tóc bù xù thì hỏi: “Con làm sao thế?”. Tôi trả lời mẹ: “Con đi chơi với bạn Dương về”.
Mẹ nghi tôi bị ma ám nên đưa tôi lên chùa gửi. Tôi biết nỗi oan khuất của Dương nhưng không dám nói với ai. Vì dù sao những chuyện nó kể với tôi cũng chỉ là chuyện của ma kể với người. Có nói ra cũng chẳng ai tin, nên tôi đành im lặng.
***
Có giấy gọi ông Lục lên thành phố hầu toà. Dân Làng Lòi lại bàn tán xôn xao về cái chết của Dương. Họ đặt ra rất nhiều giả thiết. Nào là Dương bị phê thuốc nên chết. Người thì bảo Dương chết là do đi làm ca ve nên mất sức…
Lần này ông Lục về tới đầu làng đã mở miệng chào hỏi mọi người. Điều ấy khiến dân Làng Lòi ngạc nhiên. Từ khi con gái ông qua đời hiếm khi người ta thấy ông nói chuyện với ai. Ông Lục ôm chầm lấy vợ và khóc: “Con mình nó chết thảm lắm bà ơi! Nó bị người ta bóp cổ cho tới chết. Hai thằng tội phạm ấy đã phải ngồi tù mọt gông rồi. Đây là số tiền nó bồi thường tính mạng con mình. Thế nhưng tiền này để làm gì đâu khi không còn con nữa.”
Mấy ngày sau dân Làng Lòi đi đâu cũng xót xa cho thân phận cô con gái nhà ông Lục. Mộ Dương được sửa sang khang trang hơn.
Tôi lên chùa đi lễ cùng mẹ. Lúc ngồi chờ mẹ lấy số tử vi, tôi ra ao chùa ngắm sen. Bỗng một búp sen nở bung ra trước mắt tôi. Dương đứng trên cánh sen nhìn tôi cười rất rạng rỡ, rồi nói: “Tao được bố gửi lên chùa rồi. Thầy cử tao trông nom vườn sen này. Mày có thấy mộ tao nở nhiều hoa cúc tím không? Sau này, làng mình nếu có em nào đỗ đại học thì mày ra mộ tao hái một bông hoa cúc tím tặng các em nhé! Tao sẽ ở bên các em để bảo vệ bọn nó. Mà mày trả lễ đi còn lấy chồng nữa chứ? Người ta đã hai ba mặt con rồi đấy”. Mẹ lay khẽ vai tôi giục về thì bông sen vội vàng khép lại.
Từ đó tôi không gặp Dương nữa. Tôi lấy chồng rồi có con. Mùa thu nào tôi cũng ra mộ nó tỉa tót những bông cúc tím, để mộ phần của nó bớt đi chút hiu quạnh giữa núi rừng hoang vu.
Thiên Thiên
BÌNH LUẬN