Cô có một năng lực đặc biệt, không giống những nhà ngoại cảm giao tiếp với người chết, cô có khả năng thấu cảm với người sống. Cô đến hiện trường và đặt mình vào vai hung thủ để tìm hiểu suy nghĩ của hắn lúc gây án. Và đôi khi, cô mất kiểm soát vì đi quá xa vào tâm trí chúng. Cô khóc cho những tên sát nhân và hành động như một kẻ tâm thần, nhưng may mắn tay cô chưa nhuộm máu.
Cô đến nơi khi trời vừa sáng. Vườn trầu đẹp nhất Mười Tám Thôn vẫn chìm trong giấc ngủ. Ánh nắng soi lên những phiến lá bóng ngời xanh mướt lấp lánh sương mai như bàn tay vẫy gọi. Hàng cau thẳng tắp hai bên lối đi lát gạch tàu phủ rêu dẫn đường vào ngôi nhà gỗ cổ kính cuối vườn. Thanh âm của những chiếc phong linh gốm sứ treo trước hiên du dương đón khách.
Cô ngồi xuống bộ ghế mây, nhìn tách trà uống dở đang bốc khói mờ và khung thêu trên bàn vừa mới xong hình phụng. Cô biết chủ nhân vườn trầu rất đẹp và tao nhã. Lần đầu gặp, nàng cũng ngồi nơi đây, mặc áo bà ba tím quần lãnh đen, mái tóc dài ngang lưng thắt bím để bên vai, tay đeo vòng cẩm thạch xanh biếc. Ánh mắt nàng nhìn cô vô cùng bình thản, mỉm cười dịu dàng mời một tách trà. Loại trà Shan Tuyết ướp sen Tây Hồ chỉ dành cho khách quý.
Cô đã uống, mặc các đồng nghiệp can ngăn. Cô biết mình sẽ không chết. Nàng không có động cơ giết cô. Nàng giết người vì mục đích khác. Nhưng không ai ngờ một sát nhân tàn bạo lại đẹp mong manh đến thế.
Nàng bị kết tội giết ít nhất ba mạng người. Nạn nhân cuối cùng là một thanh niên ba mươi tuổi, bị ung thư gan giai đoạn cuối. Nơi tìm thấy xác là cánh đồng lúa cách vườn trầu hai mươi cây số. Một bác nông dân thăm đồng lúc sáng sớm đã phát hiện. Nạn nhân bị chặt làm chín khúc, bụng bị mổ nhưng không mất nội tạng. Nàng chặt xác người điêu luyện như làm thịt một con cá.
Khi cô đến hiện trường, cảm nhận đầu tiên là sự thương tiếc và kính phục hung thủ dành cho nạn nhân. Bởi vì những phần cơ thể không bị quăng lung tung mà được sắp xếp đúng vị trí trong bộ quần áo mới, máu được lau khá sạch, xung quanh là hoa cúc cùng huệ trắng và ba cây nhang đã tàn. Kẻ giết người còn để lại vài quả cau, mấy lá trầu và dấu vân tay của mình. Nhiệm vụ của cô là tìm hiểu ý nghĩa hành động kỳ quái đó, dù không có ai để thẩm tra.
Cô có một năng lực đặc biệt, không giống những nhà ngoại cảm giao tiếp với người chết, cô có khả năng thấu cảm với người sống. Cô đến hiện trường và đặt mình vào vai hung thủ để tìm hiểu suy nghĩ của hắn lúc gây án. Và đôi khi, cô mất kiểm soát vì đi quá xa vào tâm trí chúng. Cô khóc cho những tên sát nhân và hành động như một kẻ tâm thần, nhưng may mắn tay cô chưa nhuộm máu.
…
“Tôi đã giết lầm người. Anh ta không phản bội người yêu. Anh biết mình bị ung thư giai đoạn cuối nên lấy tôi làm cớ để cô ấy bỏ đi. Anh đã đến bệnh viện hiến giác mạc cho cô ấy. Tôi biết chuyện này nhờ đọc những giấy tờ trong phòng anh sau khi đã ra tay. Cô gái lẽ ra đã được phẫu thuật sáng mắt. Tôi đã sai nên phải chuộc lỗi”
Căn phòng ẩn sau những tủ sách tối mờ u ám. Ánh sáng bên ngoài chỉ chiếu vào một nửa, bị chắn bởi những dây trầu quấn trên song cửa. Nhiều chiếc khăn long phụng đỏ rực phủ mâm quả trong lễ cưới treo trên móc. Từng cặp gối uyên ương tinh xảo xếp trên kệ chờ người đến nhận. Nàng làm những thứ này cho các cặp vợ chồng sắp cưới đến tận vườn lựa trầu cau như một món quà chúc mừng hạnh phúc.
Cô nhắm mắt lại, tưởng tượng cảnh mình ngồi thêu gối ở đây. Ánh đèn nhợt nhạt soi dáng hình cô và hai chiếc bình phoóc-môn ngâm đầu người bị giết. Một nam, một nữ. Gương mặt cả hai trắng nhờ, tóc họ lững lơ trong nước, mắt họ mở lớn nhìn cô. Họ mất tích và chết vì xyanua trong một chuyến du lịch kỷ niệm ba năm ngày cưới. Không ai nghi ngờ cô, vì cô đã chết trước họ.
Chàng trai này là chồng cô, người cô nuôi ăn học thành tài, đánh đổi tương lai để giúp đỡ suốt sáu năm. Cô đã mơ về một ngôi nhà êm ấm, những đứa con chăm ngoan cùng người chồng tài giỏi. Nhưng khi hắn thành bác sĩ đã bỏ rơi cô. Hắn muốn cưới con gái rượu của giám đốc bệnh viện lớn nhất Cần Thơ khi đứa trẻ trong bụng cô đã tượng hình. Cô gái này chính là người vợ mơ ước của hắn, kẻ đã sỉ nhục đánh đập cô. Họ cùng ép cô bỏ cái thai, mua chuộc lẫn đe dọa.
Cô đưa hai bàn tay áp lên gương mặt hắn. Chiếc vòng cẩm thạch vô tình đánh vào thành bình giá lạnh. Tiếng keng sắt gọn vang vọng trong không gian tĩnh mịch. Chiếc vòng này là hắn tặng cô vì chưa có tiền mua vàng cưới. Ngày đó, cô còn quá ngây thơ khờ dại, hy sinh tất cả vì hắn không chút oán than. Cô nhẹ nhàng ôm bình phoóc-môn. Thủy tinh lạnh lẽo không chút hơi ấm. Cô vừa khóc vừa thì thầm van xin.
– Em yêu anh, vẫn luôn yêu anh mà… Anh đừng bỏ em, đừng bỏ em có được không… Anh nói gì em cũng nghe…
Cô kề sát mặt hắn, hôn lên môi hắn qua lớp kiếng trong. Nhắm mắt lại, cô có thể cảm nhận hơi thở ấm áp của hắn, trái tim tràn đầy sức sống của hắn. Đột nhiên, cô bị xô mạnh. Cô ngã sóng soài trên nền gạch một nhà trọ tồi tàn tường vàng vôi tróc. Bóng đen cao lớn đổ trên người cô. Ánh đèn tù mù không soi được gương mặt hắn. Giọng nói tàn nhẫn rít qua kẻ răng.
– Con đàn bà điên. Đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi, nếu không tôi sẽ giết cô, nghe chưa !
Hắn quay đi, cô lao đến ôm lấy chân hắn.
– Anh đừng đi. Em xin anh đừng đi… đừng bỏ em…
Hắn đạp cô ra, đóng sập cửa. Cô đau đớn ôm bụng, nước mắt lăn dài. Bụng càng lúc càng đau, đau lắm. Máu chảy ra đọng vũng trên gạch. Tay chân cô mềm nhũn, cố lết ra cửa. Máu kéo vệt bê bết trên sàn. Mưa đội ầm ầm trên mái tôn át tiếng kêu cứu. Cô nắm cánh cửa, mắt mờ đi, nhưng tai nghe rõ tiếng gào khóc của một đứa bé. Tiếng sấm đùng đùng cùng ánh chớp nhá lên rồi tất cả chìm vào bóng tối.
…
“Tôi nhờ người chung khu trọ báo với hắn mình đã chết cùng đứa bé, nhờ họ làm đám tang rồi bỏ đi. Tôi biết hắn mừng lắm. Nhưng cuộc đời nhân quả luân hồi. Hắn và cô ta phải đền tội. Máu chỉ trả bằng máu mà thôi. Họ chết vẫn không nhắm mắt. Cũng dễ hiểu thôi. Chết mà không biết vì sao mình chết.”
…
Cô ủ phân hữu cơ xong, lau chùi máy móc và rửa sạch cơ thể. Mùi óc hến, cá vụn, rơm mục, xương gia súc… phân hủy cùng đất rất khó chịu nhưng tâm trạng vui vẻ đã xóa hết mệt mỏi. Cô nhìn vườn trầu xanh mướt chìm trong sương khuya lãng đãng thật yên bình. Không gian tĩnh lặng thanh nhàn, chỉ có tiếng gió lay tàu cau lá trầu, tiếng phong linh thánh thót vang lên nhè nhẹ.
Cô đã ở nơi đây từ ngày mình chết. Mảnh đất này của bà nội đã mất, anh chị khác đều là dân công sở nên nhường lại cho cô, họ thương cô mồ côi cha mẹ. Từng góc nhỏ trong vườn đều gắn bó với cô, là nước mắt là máu xương để vun trồng trầu cau xanh tốt. Cô yêu thương nơi đây, luôn tự nhắc phải cẩn thận trong mọi việc, nhưng cuối cùng vẫn phạm sai lầm.
Ngày còn nhỏ, nội kể cô nghe Sự tích trầu cau, nói về tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắt, khuyên về tình cảm anh em hòa thuận keo sơn. Cô chỉ làm được việc thứ hai, việc thứ nhất thất bại thảm hại. Mấy ai lấy thước mà đo lòng người, còn là người không cùng dòng máu. Phận nữ thời nào cũng như miếng cau khô, người thanh tham mỏng, người thô tham dày.
Cô tạo ra những lá trầu buồng cau thật đẹp để trai gái se duyên kết tóc đến bạc đầu. Cô an ủi bản thân khi vui niềm vui của người khác. Cô mang đến cho mọi người thứ mình không có được. Cô đưa những kẻ phụ nghĩa đến đây để chúng tận mắt chứng kiến kết quả của tình yêu chân thành mà tự vấn lương tâm. Cô muốn chúng chuộc tội vong ân bằng cách góp sức chăm sóc vườn trầu.
…
“Tôi rất yêu quý vườn trầu này cho nên đừng đào bới lung tung. Tôi chôn họ dưới nền nhà của căn phòng sau mấy tủ sách, đào khoảng một hai thước sẽ thấy. Tất cả bọn họ đều háo sắc và tham tiền, cũng không khó lừa gạt. Đôi khi giết họ ngay lập tức, cũng có khi từ từ bằng thủy ngân hoặc xyanua. Những kẻ đó đều ở xa nơi này nên tôi phải chặt ra, đóng thùng ướp đá rồi chở về. Những kẻ đáng chết như vậy cũng chẳng ai thèm quan tâm đâu”
…
Trời chuyển mưa, một giờ trưa mà như sáu giờ chiều. Vườn trầu rập rờn vẫy lá, hàng cau vươn tay với nền trời mây đen mờ mịt. Gió thốc ào ào, phong linh réo rắt.
Cô ngồi nghỉ cùng đồng nghiệp trước thềm nhà. Họ đã đào được mười ba sọ người trong căn phòng đó. Tất cả lần lượt bị giết trong bảy năm. Nàng giữ lại đầu nạn nhân để họ nhìn thấy những lễ cưới. Họ không được gia đình báo mất tích hay bị giết, ở cách xa nhau và không có bất cứ mối quan hệ nào. Họ giống nhau chỉ ở điểm là nam giới, từ hai mươi lăm đến bốn mươi tuổi và phạm tội phụ nghĩa bạc tình. Tội đó chỉ có lương tâm chứ không pháp luật nào phán xét.
– Chị khỏe chưa? Mặt chị xanh quá.
Đồng nghiệp ngồi bên cạnh đưa cô chai nước. Cô cười thay câu trả lời, lúc nào nhập vai cô cũng vậy, giống như một con điên, làm rất nhiều anh em lo lắng.
– Những phần cơ thể khác ở đâu?
Tổ trưởng căng thẳng hỏi cô. Trách nhiệm của anh là đứng mũi chịu sào. Cô hiểu nhưng thứ anh muốn mãi mãi không tìm được.
– Tất cả đều ở đây.
Cô chỉ tay ra vườn trầu, giọng nhẹ tênh.
– Tất cả đều bị nghiền thành phân bón.
Mọi người im lặng nhìn vườn trầu trầm mình trong màn mưa trắng xóa. Mưa nơi đây lạnh giá cắt da. Làn hơi lạnh dọc sống lưng luẩn quẩn.
Trong cơn mưa, cô trong thấy một bóng dáng mảnh mai nhạt nhòa loay hoay kéo lưới che những gốc trầu. Chúng là loại cây đỏng đảnh nắng không ưa, mưa không chịu. Nàng làm xong, đứng bên thân cau có dây trầu xum xuê quấn lên tận ngọn, áp má mình vào một lá trầu xanh, mỉm cười hạnh phúc. Những giọt mưa trong suốt buông mình khỏi lá trầu như muôn giọt máu rơi xuống từ trái tim tan vỡ.
…
“Phụ nữ không biết yêu thương bản thân là tự chuốc lấy khổ. Tôi biết điều đó, nhưng đã đi quá xa nên không thể quay lại… Tôi muốn tặng cô một món quà. Cô có thể nhận không? Bức tranh thêu trầu cau đó chỉ tặng cho người hiểu tôi.”
…
Chuyên án kết thúc. Nàng bị tử hình. Bức tranh của nàng được cấp trên đặc cách cho cô mang về nhà. Nó được treo một mình trên khoảng tường ố vàng trống trải. Bức tranh đơn độc có nền vải đỏ bầm, không biết là màu bã trầu hay máu khô đọng lại. Mấy quả cau, lá trầu được thêu tinh xảo nhìn như thật. Hai câu thơ trong bài Mời trầu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương theo kiểu thư pháp nổi bật trên tranh:
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
…
“Tất cả chúng ta đều là những kẻ bệnh hoạn, vấn đề là kiểm soát và thỏa mãn sự bệnh hoạn của mình như thế nào.”
BÌNH LUẬN