KHU VƯỜN NHỎ Tôi là một cô bé khá nhút nhát so với tuổi chúng bạn. Ngại đối diện trước đám đông, sợ luôn từng nụ cười trêu ghẹo đan
KHU VƯỜN NHỎ
Tôi là một cô bé khá nhút nhát so với tuổi chúng bạn. Ngại đối diện trước đám đông, sợ luôn từng nụ cười trêu ghẹo đang hướng về tôi của những người xung quanh. Tôi thích được ca hát dang đôi tay để múa như một nàng công chúa trong khu vườn cổ tích đẹp. Có gì thú vị hơn khi một điệu ba-lê cổ điển nhẹ nhàng trong chiếc váy tung xòe giống cánh hoa đang nở mỗi độ sáng bình minh. Tôi chưa bao giờ dám thể hiện trước bao nhiêu ánh mắt! Mặc dù đó là sự khao khát, ước mơ còn mãi đang ấp ủ. Được biểu diễn ở lớp, cả trước sân trường mỗi lần có tổ chức văn nghệ! Phía dưới biết bao nhiêu bạn bè chìm đắm trong những tràng pháo tay đầy ngợi ngợi những khi tôi xoay mình! Chao ôi! Hạnh phúc lắm chẳng có gì mà tuyệt vời hơn thế.
Tôi là Kim! Cũng chẳng biết cái tên này có mang ý nghĩa gì? Có lần hỏi mẹ Hằng về nội dung của nó. Vì tôi luôn tin rằng mọi thứ trên đời này đều có một mật mã riêng biệt, người tạo ra dãy số lẫn ký hiệu ấy là đang giữ đáp án chính xác nhất và cần được giải mã để bước vào mà khám phá. Với tôi cái tên cũng chính là cánh cửa đã được cha mẹ đóng lại! Tôi phải tìm ra chiếc chìa khóa nhằm mở ra để đi vào trong thế giới của mình. Điều bí mật đang dần dần hé lộ, những tia nắng xuyên vòm lá óng ánh làm nổi bật cả khu rừng muôn hoa bướm lung linh. Mẹ Hằng cứ bảo rằng «Sở dĩ đặt tên là Kim: muốn tôi cứng cỏi mạnh mẽ không yếu mềm như mẹ». Giải đáp xong, tôi thấy trong đôi mắt của mẹ Hằng có vương gì chút buồn! Như hạt sương ban mai còn đọng trên phiến lá đang chuẩn bị rơi xuống. Mẹ Hằng sắp khóc! Tôi hiểu, và thôi sẽ không hỏi nữa! Tôi sà vào lòng như an ủi, mẹ nâng niu vuốt tóc rồi hôn nhẹ lên đầu. Thực ra tôi không hề mạnh mẽ hay cứng cáp như cái tên mẹ nói! Tôi cũng quá yếu mềm như chính cái cảm xúc mẹ, rất dễ bị tổn thương, thường xuyên hay cứ khóc một mình.
Tôi đi học hay bị bạn bè xa lánh và trêu chọc, chỉ vì cái bớt son nằm trên gò má trái từ lúc mới chào đời. Họ nói tôi xấu xí và chẳng chịu chơi cùng! Những lần như thế tôi cứ như chiếc lá vàng giữa mùa thu bị hàng cây lẫn bóng chim quên lãng. Tôi cảm thấy tủi thân rồi gục mặt xuống mà khóc! được cô giáo dỗ dành nâng niu với tấm lòng thiết tha, bao la tựa mẹ Hằng. Cô ôm vào lòng rồi thì thầm nói khẽ:
– Bạn bè nói gì em đừng quá bận tâm những bạn nói vậy, tức là chưa ngoan ngoãn. Cô sẽ dạy lại để ai rồi cũng cần phải có một cái nhìn đúng đắn, gần gũi và tử tế nhau hơn! Đối với cô thì Kim chính là đứa trẻ rất nhân hậu và vô cùng đặc biệt.
Tôi im lặng thôi không khóc nữa, đôi mắt tròn xoe nhìn về phía các bạn. Dè dặt rồi nói trong lo âu.
– Cô đừng phạt các bạn nhé. – tôi nói thế.
– Kim à! Thương người là một chuyện nhưng vẫn chưa trọn vẹn. Giúp người khác nhận ra điều sai trái và sửa lỗi thì đấy mới là tình yêu thương vẹn toàn. Cô không phạt các bạn ấy đâu, nhưng dạy các bạn nên người là trách nhiệm chung của thầy cô giáo và luôn cả phụ huynh! Kim biết không? Vẻ bề ngoài chỉ là nét tạm thời mà trực diện không hề có đẹp xấu. Người đẹp là người luôn có một tâm hồn rộng mở đầy màu sắc rực rỡ, mà tâm hồn thì lại chẳng ai có thể nhìn thấy được. Nhưng nếu ai thấy thì đó mới là người tri kỷ của sự đồng cảm và thấu hiểu những điều quá sâu xa. Vẻ ngoài không quan trọng bằng tâm hồn! Rồi nó cũng sẽ bị tàn phá đánh chiếm bởi lớp bụi thời gian, có một thứ duy nhất mà thời gian vĩnh viễn không bao giờ đánh bại! Kim có biết thứ đó là gì không? – Hỏi xong cô giáo đưa đôi bàn mềm mại ướm vào làn má tôi, nơi đấy có cái bớt son đỏ quạch.
– Dạ! Thứ đấy chính là “tâm hồn”. – tôi nhanh nhảu trả lời.
– Đúng là như vậy! Kim rất thông minh.- Cô gật đầu với nụ cười yêu thương rồi hôn lên bờ má như chẳng hề có bớt son nào tồn tại, ngược lại chính nó đại diện cho yêu thương.
Tôi được cô giáo khen ngợi trước cả lớp! Có lẽ nhờ điều ấy mà tôi không còn bị bạn học trêu chọc vì cái bớt trên má. Nhưng họ càng xa lánh, ganh tị, hoặc lý do nào mà tôi chẳng được biết. Từ đó tôi thiếu tự tin, rụt rè, tách dần với đám đông nhưng chưa từng lẻ loi. Mẹ Hằng nói tên Kim là cứng rắn nhưng tôi thấy nó trái ngược vô cùng thậm chí là yếu mềm như cái tính của mẹ đã có từ bao giờ. Ngay hồi bé đã nhiều lần trông thấy mẹ khóc suốt cả mấy đêm liền! Mãi sau này khi nghe ngoại kể tôi mới biết mẹ buồn vì chuyện hôn nhân đổ vỡ. Nhưng hôn nhân là cái gì? Tôi hoàn toàn chẳng biết! Chỉ biết là tôi không có cha! Tôi sống cùng mẹ và ông bà ngoại trong căn nhà nằm sát với con sông. Bên kia là cánh đồng cứ mỗi độ lúa chín chúng vàng ươm trải dài tít tắp, trông ôi sao đẹp mắt. Khi lớn dần nghe mẹ Hằng và ngoại nói mới nhận ra rằng! Tôi vẫn có đầy đủ cha mẹ như nhiêu bao bạn bè có mặt trong lớp học! May quá tôi không phải là một đứa trẻ mồ côi. Chỉ khác họ là cha mẹ ly hôn từ lúc tôi mới có hai tuổi, chưa biết mặt mũi của cha mình thế nào.
Tôi cứ hình dung ra rằng: cha hiền như ông tiên trong mấy truyện cổ tích mà người lớn hay kể. Có vóc dáng cao to, nước da ngăm đen, giọng nói êm ái tương tự như ông ngoại. Nhưng mùa hè năm ấy tôi được mẹ Hằng cho về nội để vui chơi thì mới thực sự nhận ra, những thứ ấy thật khác biệt với hình dung ban đầu.
Thế là tôi từ biệt nhà ngoại, chia tay khu vườn nhỏ thân yêu, theo mẹ để trở về quê nội trong ba tháng ngày hè. Quê nội trải dài với những hàng cây cao vút, nơi này khá ồn ào, còi xe inh ỏi, phố xá nhộn nhịp nhà cửa san sát nhau! Chẳng bình yên như căn nhà của ngoại. Mẹ dặn tôi ở đây ngoan ngoãn phải nghe lời nội, mẹ về nhà để lo công việc giúp ngoại để sớm được hoàn thành. Khi nào muốn về thì mẹ sẽ lên đón! Đây là lần đầu tiên tôi xa mẹ. Nhà nội chẳng có khu vườn nào để tôi được vui chơi thoải mái để thích thú vui sướng. Chỉ có những người con của các cô chú sống tại đây, thường nô đùa với tôi! Đã có bạn rồi, mà gọi bạn cũng không đúng, chính xác hơn chúng đều là em tôi.
Người đàn ông đến ôm tôi vào lòng có làn da trắng trẻo, thân người nhỏ nhắn và giọng nói sang sảng, người đó không ai khác chính là cha tôi. Chao ôi! Lần đầu tiên trong cuộc đời đã được biết vẻ mặt cha mình. Nhưng sao tôi thấy xa lạ chẳng có bất cứ cảm xúc nào dâng trào, nhằm hòa nhập tâm trạng để hiện ra trong chính cái gương mặt của mình. Tôi buồn bã như chính lúc ra đi, rồi cứ nhìn ngó cái khu vườn nhỏ ở ngay sau góc vườn. Có những cây hoa mẹ trồng với sắc màu đượm thắm, thoang thoảng mùi hương thật nhẹ nhàng quyến rũ, gọi ong bướm qua cùng vui đùa với gió. Có bóng mát yên ả với tàng cây khổng lồ mà ngoại trồng từ thuở nào lâu lắc. Từng đàn chim về ríu rít như khúc nhạc rộn ràng. Tôi múa ba lê hòa điệu theo tiết tấu của thiên nhiên thật say đắm thích thú! Bỗng rơm rớm nước mắt mà vẫy tay tạm biệt rồi theo mẹ để trở lên quê nội.
Cha kề mặt sát vào má tôi rồi hôn lên đến mấy lần liên tục. Cái nhột nhạt từ những chiếc râu cằm, và mùi thuốc lá trông thật khó chịu lạ thường. Tôi cố vùng vẫy ra khỏi vòng tay cha nhằm tiến về phía trước để chơi cùng lũ bạn. Nghe ba thì thầm với nội rằng.
– Chắc nó chưa quen. Còn xa lạ với mình! Chơi vài ngày rồi cũng sẽ thân ngay thôi ấy mà.
Người mà tôi gọi là nội, một bà lão tóc trắng phơ với thân hình béo to. Bà chẳng mấy quan tâm tới câu nói của cha, đang cầm bình sữa cho vào miệng đứa trẻ rồi nâng niu cùng nó. Được biết đứa trẻ ấy là em cùng cha khác mẹ với tôi! Có nghĩa là cha đã có gia đình riêng từ lúc ly hôn với mẹ Hằng. Tôi được những đứa trẻ ở đây chúng nó quý mến lắm. Tôi dạy cho chúng ca hát, cả những điệu múa ba-lê đầy uyển chuyển như nhành hoa đang nở bung trước gió. Tôi vẽ vài bức tranh với gam màu chì chưa thực sự sống động nhưng được khen ngợi là cô bé đầy tài hoa. Điều ấy khiến tôi cảm thấy hạnh phúc muốn làm nhiều hơn thế nữa. Nghĩ rằng những bức ký họa sẽ trông tuyệt hảo hơn khi tô thêm sắc màu. Tôi đem những tác phẩm ấy để khoe với cha rằng:
– Con vừa vẽ xong. Đây là phong cảnh của khu vườn nhà ngoại. Phía trước có con đường hai bên trải dài với muôn hoa cúc tím. Phía sau là dòng sông với con đò nghiêng bóng. Bên kia cánh đồng lúa chín nặng trĩu đang trong mùa gặt hái. Cha cảm thấy bức họa như thế nào?
– Được đấy! Nếu con không nói thì cha cũng chẳng biết là vẽ về cái gì. Nếu phía trước có bông cúc tím thì nó phải là một màu tím. Nếu bên kia là cánh đồng lúa chín thì nó phải có màu vàng chứ. – Cha nói chỉ có bấy nhiêu rồi nô đùa với thằng bé đang trong vòng tay nội.
– Vậy cha cho tiền để con mua hộp màu sáp về để tô đi. Con chắc chắn rằng nó sẽ là một bức tranh thật hoàn chỉnh trước mắt. – Tôi nở nụ cười nói cùng cha và đưa tay chỉ vào bức tranh mới.
– Mua chi cho tốn tiền, dù có tô màu cũng không ăn được đâu. Cha để tiền để mua bánh cho em Tài. Thôi con cứ chơi cùng với các em nhỏ nhé – Cha nói xong rồi quay lưng bỏ đi.
Tôi bỗng thấy có chút buồn buồn thoáng lên trên gương mặt. Cha thật khác xa với mẹ Hằng. Vào những mùa hè năm trước tôi luôn được mẹ mua cho những gì mà bản thân mình thích. Nhất là tổng kết cuối năm, đạt được học sinh giỏi với tờ giấy khen khi mang theo về nhà. Mẹ Hằng mua cho đủ thứ, nào là những con búp bê thật ngộ nghĩnh xinh xắn, vài cây cọ bé xíu, đủ loại màu sắc để tôi được vẽ tranh! Có màu sáp, màu nước và cả màu bột pha. Ôi vui sướng biết bao! Đó là ước mơ từ bấy lâu mà tôi chẳng hề dám đòi hỏi. Tôi hiểu rằng mẹ Hằng chỉ là một công nhân với đồng lương ít ỏi, nhưng phải chi đủ thứ kể cả tiền học phí, học múa ở trung tâm. Thế mà mẹ Hằng rất tâm lý, biết được sở thích của tôi rồi mua quà thưởng về thành tích học hành với sự nỗ lực suốt cả một năm dài. Điều hạnh phúc hơn mẹ luôn là khán giả xem tôi múa với tiếng vỗ tay cùng hòa lẫn tiếng cười. Mẹ luôn là người thưởng thức những bức tranh tôi vẽ rồi âu yếm ngợi khen.
Nhưng bây giờ tôi thấy buồn vì quên đem theo những loại màu tô ấy! Tôi phải làm sao đây? Em Tài mà cha đang nói, chính là cậu bé đang chơi đùa cùng tôi, tức là anh ruột của đứa bé mà nội đang bế bồng. Tôi tạm gác nỗi buồn sang một bên để tập trung vào việc vẽ tranh bằng chính chiếc bút chì. Tôi đang say mê vẽ, thì tiếng gọi của nội chợt vang lên ở phía dưới nhà bếp.
– Con bé, cái mặt có cái bớt son đâu! Đi xuống đây ăn cơm. – tiếng gọi vang lên chỉ một lần rồi ngưng bật.
Tôi biết nội đang gọi tôi! Nhưng sao không gọi chính cái tên như những đứa cháu của bà đang có mặt xung quanh! Lẽ nào nội lại chẳng biết tên tôi? Có thể vậy, vì từ bé đến giờ có sống gần bà đâu. Tôi đi xuống ăn cơm cùng với gia đình nội, một số đứa trẻ cũng đã trở về nhà từ lúc hồi nào rồi, giờ này chỉ còn tôi và cậu bé tên Tài. Ăn cơm xong tôi và em Tài đi lên nhà trước để tiếp tục vẽ tranh. Nội lụ khụ từ nhà bếp đi tới tay cầm hai quả chuối chín đang tiến về chúng tôi. Tôi và em Tài đều xòe tay ra để nhận quà từ nội! Nhưng bà lại cho cả hai quả vào tay của em Tài, mặc dù bàn tay tôi còn xòe vẫn chưa chịu khép lại. Có lẽ món quà ấy chẳng phải là chia đôi như ban đầu tôi nghĩ, đúng hơn nó là của em Tài! Tôi đành rút tay lại và tiếp tục vẽ tranh. Thế là cả ngày hôm đó nội chẳng hỏi han gì đến tôi! Cứ như tôi là một kẻ vô hình chưa từng xuất hiện trong chính căn nhà này. Nếu có nói thì cũng là những câu la mắng và trách móc bất cứ vấn đề gì.
– Tập sách của thằng Tài đừng vẽ linh tinh vào đó, viết ngoằn ngoèo thì sang năm sao nó học được. Còn nữa! Có muốn chơi thì tự mà chơi một mình, để thằng Tài nó ngủ trưa, cấm không được rủ rê. Chơi một mình thì tuyệt đối không được phá bất cứ cái gì trong nhà này. Nội ngồi đó nhìn tôi rồi nói những lời như thế.
– Với lại con phải giữ im lặng vào buổi trưa nhé. Vì trưa cả nhà sẽ nghỉ ngơi. – Cha đứng cạnh bên, nghe nội nói vậy, nên cũng tiếp lời bà.
– Dạ! Con biết rồi. – Tôi nói xong rồi gục mặt xuống. Tay cầm cây bút chì với cuốn tập để trả lại cho em Tài.
Cả trưa đó, nhà nội đang nghỉ ngơi! Chỉ còn có mình tôi đang thui thủi dưới bóng sân trước nhà. Chẳng có ai chơi cùng như lúc đầu tôi đến! Tôi ra phía sau nơi có khoảng đất trống, nhặt một viên gạch nát vẽ lên những gì mà mình thích. Viên gạch này thay cho chiếc bút chì, và nền đất trống kia như một tờ giấy thỏa mãn bức phác họa rất mới. Tôi cảm thấy nhớ nhà! Tôi nhớ mẹ Hằng! Nhớ ông bà ngoại! Nhớ luôn cái khu vườn bé nhỏ. Ai cũng có một khoảng riêng cho mình! Tôi cũng không ngoại lệ. Cái khoảng trời riêng của tôi là khu vườn bé nhỏ. Nơi này có anh nắng cùng chị gió đến đây nghe tôi hát, tiếng lung lay xào xạc như một tràng pháo tay mỗi khi tiết mục vừa diễn xong. Đàn chim cũng ríu ra ríu rít nhằm hòa điệu cùng lời ca tiếng hát. Những bạn bướm lượn lờ làm khán giả say sưa trong mấy nhịp hân hoan. Nhưng bây giờ trước mắt sao im ắng đến thế! Có lẽ tôi đã bước vào một thế giới đầy xa lạ, thế giới này chỉ có duy nhất mỗi mình tôi nơi ấy. Tôi buồn hiu khi nhớ lại những câu nói của mẹ.
– Hè năm nay mẹ sẽ dắt con về nhà nội. Dù sao cũng phải biết mặt mũi của cha mình như thế nào! Con không phải mồ côi như bạn bè ở lớp nói. Nơi ấy có nhiều bạn nhỏ, con tha hồ mà vui chơi, không phải cứ quanh quẩn nơi chính căn nhà ngoại trong mấy độ hè về.
– Hay quá! Mẹ cho Kim về nội để chơi cùng cha nhé.
Nhắc đến cha tôi có chút xao xuyến và luôn mường tượng đã từ lâu lắm rồi. Chẳng biết cha ra làm sao? Hình dáng như thế nào? Thầm nghĩ cha cũng như mẹ Hằng! Cũng yêu thương tôi lắm! Tôi háo hức chờ đến ngày để gặp, ngày ấy là bây giờ. Nhưng khi gặp rồi tôi thấy mình bị lạc lõng giữa một cõi riêng biệt, thật khác xa với suy nghĩ ban đầu. Cha và nội chẳng quan tâm gì đến! Ôi tại sao như thế trong khi tôi cũng mang dòng máu của họ. Em Tài đã thức dậy từ bao giờ, cậu bé đứng ở sau lưng xem những nét vẽ đầy nguệch ngoạc rối rắm. Thấy tôi đang chăm chú vẽ, cậu bé hỏi làm tôi thoáng giật mình.
– Chị Kim đang vẽ gì thế?
– Em Tài đã thức dậy rồi à? Chị Kim đang vẽ cái căn nhà của ngoại. Đây là mái ngói đỏ, bên hông có một cây phượng già mùa hè này những cánh hoa rơi lả tả đỏ lòm như thắp lửa trong gió. Còn đây là khu vườn đầy ắp những loài hoa bé nhỏ. – tôi đưa tay chỉ từng chi tiết, những bố cục dưới đất mà ai nhìn vào sẽ chẳng hình dung ra.
– Em thực sự không nhìn thấy như những gì chị Kim nói. – Em Tài nói xong rồi đưa tay gãi đầu.
– Đành chịu thôi vì chị Kim không mang theo giấy, bút chì và cả những cây màu để tô. Vẽ dưới đất thì chỉ có như thế.
– Sao chị Kim không lấy bút và tập của em để vẽ cho rõ ràng?.
– Bà nội và cha không cho chị Kim lấy. Bà nói không được vẽ linh tinh lên đó vì em còn phải dùng học năm tới.
– Sao chị Kim lại vẽ cái căn nhà của ngoại? Có phải chị Kim đang nhớ nhà không?
– Phải! Chị Kim đang nhớ nhà.
– Vậy để em vào lấy tập vở và cả bút cho chị.
– Thôi không được đâu! Nội sẽ rầy la đấy.
– Không đâu, đó là tập vở cũ đã học rồi kia mà, nó chỉ còn lại vài trang trống ở sau cùng.
Nói rồi em Tài vội vàng chạy một mạch vào trong nhà! Khi trở ra trên tay cầm cuốn tập, bút chì, và những cây màu sáp, có cây bị gãy đôi. Tôi vui mừng vì mình không còn phải vẽ ở dưới ngay nền đất trông nó xấu xí chẳng có chút hồn nào. Tôi chăm chú vẽ lại, đường nét thật dứt khoát, sinh động theo những gì đang hiện diện trong đầu, cũng như tâm trạng nhớ nhà lại nổi lên ngay trong chính giây phút này. Em Tài tấm tắc ngợi khen.
– Chị Kim vẽ đẹp quá! Chị đúng là thiên tài. Trong bức tranh em thấy cả một trời hè với màu phượng đỏ rực. Một phong cảnh quá đỗi là yên bình! Ước gì em cũng vẽ được y chang như chị.
Tôi cười, gương mặt không giấu được niềm vui. Bức tranh phong cảnh cũng mới vừa hoàn thành.
– Cảm ơn em Tài đã xem tranh của chị Kim. Tặng cho em nè. Tâm hồn thì mỗi người khác nhau, vì thế cách đặt bố cục và chọn màu nó cũng sẽ khác nhau. Tùy thuộc vào sự sáng tạo và điểm nhấn của chính mình. – tôi nói xong em Tài vẫn ngây ngô gãi đầu trong đôi mắt khó hiểu.
– Em thích nhân vật siêu nhân in trên cái áo em đang mặc. Chị Kim vẽ siêu nhân cho em nhé.
– Được thôi! Chị sẽ vẽ cho em Tài. – tôi lưỡng lự một xíu rồi gật đầu đồng ý, bảo em phải đứng im để tôi được thoải mái mà nhìn theo cái mẫu áo đã có sẵn trước mắt.
Sau một hồi lâu thì tác phẩm siêu nhân cũng đã hoàn thành xong. Trông em vui lắm! Tay cầm bản phác họa nhảy múa rồi chạy vào nhà nhằm khoe với gia đình. Tiếng hét của em thật lớn làm mọi người tỉnh giấc, tôi nghe thấy tiếng càm ràm cáu gắt từ trong phòng của cha, còn nhà trên là nội. Tôi đang vui mừng vì bức tranh của mình tạo ra đã thuyết phục được em! Chưa hết thì cha với nội, hai người đi ra cùng một lúc, đối diện trước tôi mà tháo quát mấy lời.
– Đã nói không được đụng vào tập sách, dụng cụ học tập của em mà sao con không nghe vậy Kim. – cha có vẻ như đang tức giận. Ánh mắt ấy nhìn tôi không mấy thiện cảm.
– Dạ! Con không có lấy! Là do em Tài mang tập cũ ra để con vẽ hình siêu nhân. – tôi ấp úng, lo sợ rồi cũng nói thành lời.
– Em còn nhỏ thì biết cái gì mà mang nếu con không xúi giục.
Mặc dù em Tài nói là do tự đem ra hoàn toàn không liên quan gì đến tôi, nhưng có vẻ cha và nội hoàn toàn chẳng nghe những lời ấy. Tôi gục mặt xuống đầy buồn hiu! Nội nhìn tôi rồi nghiêm giọng.
– Không ngủ trưa thì để cho thằng nhỏ ngủ. Rủ rê nó ra đây làm gì? – nội nói xong rồi nắm tay dắt em Tài đi vào trong. Cha cũng vội vã theo sau.
Bây giờ chỉ còn một mình tôi ở lại với khung cảnh bốn phía thật vắng lặng đìu hiu. Chẳng hiểu sao ngay lúc này tôi thấy nhớ ngoại, nhớ mẹ Hằng và chỉ muốn trở về! Tôi tủi thân rồi khóc. Nghe đâu văng vẳng bên trong nhà, nội nói với cha rằng.
– Con bé mặt bớt son còn ở đây thì thằng Tài nó không ngủ trưa được đâu. Cứ theo rủ thằng nhỏ chơi suốt thì ăn ngủ gì mà được.
Giọng nói của nội vang lên rồi bỗng chợt im lặng! Cha trả lời gì đó mà tôi nghe chẳng rõ ràng. Tôi đứng chơ vơ như bóng cây xa mà không có gió lay! Lòng buồn man mác dâng tràn như nắng ngập trời hè. Tôi lấy tay lau nước mắt rồi nhặt viên gạch tiếp tục vẽ như mới lúc ban đầu. Tôi lắng tai nghe em Tài có bị cha đánh hoặc nội la rầy hay không? Nhưng tuyệt nhiên chẳng hề nghe thấy gì! Tôi yên tâm hơn, nếu điều tồi tệ ấy xảy ra thì quả là tội nghiệp cho em, đó là việc tôi hoàn toàn không muốn. Tôi cố gắng để tạo ra khoảng trời riêng bằng hình vẽ dưới đất nhằm làm niềm an ủi động viên cho chính bản thân mình.
Chiều đó ăn cơm xong tôi lên nhà trên, em Tài cùng nội đang ngồi xem tivi. Thấy em vừa bấm qua một kênh mà tôi vô cùng thích! Đó là kênh ca nhạc thiếu nhi với những điệu múa mà ở nhà ngoại cứ mỗi buổi chiều tôi đều bật tivi lên xem rồi học múa theo các bạn. Nhưng bây giờ em Tài đang xem phim hoạt hình chẳng mấy chú tâm vào! Mặc dù rất thích chương ca nhạc nhưng chẳng dám bảo em chuyển kênh cho tôi xem. Nội cứ nhìn tôi chằm chằm, thôi thì em Tài mở kênh nào thì xem cùng cái đó vậy. Ngay lúc ban đầu tôi đã không thấy thoải mái khi đến nhà của cha. Cha lo cho cuộc sống và mái ấm của riêng mình, tôi bỗng nhiên lại trở thành thừa thãi. Có lẽ từ lúc cha mẹ ly hôn nên giờ đối với nội, tôi không còn là cháu như hai em nữa rồi.
Tối đó đã đến giờ phải đi ngủ! Tôi không được ngủ cùng với cha và nội. Tài ngủ cùng nội, cha thì ngủ phòng riêng, còn tôi ngủ một mình ở cái chõng nhà trên. Đây là lần đầu tiên tôi ngủ một mình, lại ngủ ở một nơi đầy xa lạ chẳng phải như nhà ngoại. Tôi khóc nức nở trong nỗi nhớ mẹ và cả nỗi sợ hãi. Tôi đành bất lực với mọi thứ xung quanh, dặn mình phải vượt qua tất cả! Chẳng phải là con người thì ai cũng có lần đầu tiên đối diện với sợ sệt đấy sao. Chỉ mong rằng mẹ Hằng sớm đón tôi trở về. Được về với căn nhà ngoại đầy tình thương yêu, được thả mình hòa quyện với thiên nhiên, tự do vẽ tranh và tự do múa hát! Với tôi không thứ gì có thể hơn thế nữa. Khu vườn cổ tích của riêng tôi nó như một phép màu rất lạ. Tôi lạc vào trong những giấc mơ, có hoa thơm bướm lượn, có muôn màu lấp lánh, dòng suối trong suốt tinh khiết tựa pha lê. Những gam màu ấy tôi tô lên bức họa và thấy chính mình đang hiện diện trong tranh. Chỉ có thể là nhà ngoại! Hơi thở như gió thu hiền hòa, những hàng cây cứ như biết nói chuyện. Tôi muốn đi khắp mọi miền quê hương đất nước và vẽ thật nhiều bức tranh, thổi hồn vào đó chút yêu thương tự phát của riêng mình. Ôi cuộc đời đẹp biết bao khi những sắc màu cứ lung linh trong mắt! Cuộc sống này dù bế tắc đến đâu vẫn có nhiều gam màu để ta được lựa chọn nhằm tô lên cuộc đời. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao khi con người chìm vào sự rối của tơ vò, thì họ lại lựa chọn màu đen hoặc một màu trắng xóa. Nó chẳng có ý nghĩa gì ngoài sự yếu đuối, chịu thua với hoàn cảnh trước đó. Chính vì lẽ đó mà tôi lại yêu thích vẽ tranh, và thường chọn những gam màu nổi bật để làm chủ đạo cho bức họa của mình. Là một cô bé khiếm khuyết, bị bạn bè xa lánh, nhưng tôi vẫn tự hào vì tôi có một tâm hồn luôn tràn ngập hoa xuân! Nó giúp tôi đứng vững vàng trên mỗi đoạn đường gập ghềnh lẫn quanh co.
Sáng mai thức dậy tôi chẳng nghe bất kỳ một tiếng gà nào gáy. Có lẽ cuộc sống của phố thị nơi này nó hoàn toàn không phù hợp với cái tính của tôi. Bỗng nhiên tôi nhận được tin vui khi nghe cha nói lại rằng.
– Mẹ con vừa gọi điện cho cha, muốn đón con trở về! Vậy con có muốn về hay không?
– Dạ con muốn về ngoại! Con rất nhớ nhà. – tôi nói ngay mà không cần phải suy nghĩ hoặc đắn đo lâu hơn.
– Vậy thì con đi vào trong mà thu xếp đồ đạc, mẹ con ngày hôm nay sẽ lên đón.
Tôi mừng quá! Tôi sự thật rất mừng. Tôi chạy ra phía sau rửa mặt rồi chạy lên nhà trên để nói lời tạm biệt cùng mấy bạn nhỏ hàng xóm mới quen chỉ 1 ngày. Nghe tôi sắp rời khỏi nơi đây trông chúng bạn buồn lắm. Có đứa nắm tay tôi và thủ thỉ bên tai rằng.
– Chị Kim ở lại chơi đi! Em rất muốn được nghe chị Kim hát và múa điệu ba lê! Chị Kim ở lại nhé. – nó nói xong gương mặt buồn hiu như muốn sắp khóc.
Tôi phải xoa đầu từng đứa và nói cho chúng hiểu.
– Chị Kim phải về, vì đây chẳng phải là nhà chị. Các em ở lại học cho thật giỏi nhé.
Những đôi mắt thơ ngây buồn đang nhìn về phía tôi! Có chút lưu luyến của sự ly biệt, mặc dù tôi vẫn là cô bé hơn chúng chỉ có vài tuổi thôi! Nhưng sao chúng cứ xem như tôi như một người lớn lắm. Khi mẹ Hằng vừa tới nơi! Tôi chạy vào trong khoanh tay thưa tất cả những người lớn để trở về. Cha nhìn tôi rồi mỉm cười, nội thì chẳng nói bất cứ một lời nào và chẳng nhìn tôi mà bận tâm. Tôi theo mẹ Hằng lên xe để về nhà! Tôi kể lại cho mẹ nghe những chuyện vui buồn mà tôi có thời gian qua ở đây. Bỗng nhiên mẹ Hằng buồn hiu mà tôi chẳng hiểu đó là vì sao. Mẹ ôm lấy tôi vuốt tóc rồi vỗ về.
– Con đã biết cha rồi đó! Con không hề mồ côi đâu. Con vẫn có cha như bao bạn học khác.
Nhưng sao giờ này tôi chẳng cần bận tâm đến việc ấy, mặc dù trước đây tôi luôn luôn quan tâm về nó. Được trở về nhà ngoại là một niềm vui vô cùng to lớn đối với tôi bây giờ. Tôi khao khát được múa ca hát và đắm chìm vào trong những gam màu phác họa. Tôi như một nàng công chúa cổ tích được muôn hoa chào đón. Tôi lại về với khu vườn nhỏ – khoảng trời riêng của chính mình. Sau một thời gian tôi trở thành diễn viên múa của trung tâm văn hóa tỉnh! Ước mơ được biểu diễn trước đông đảo mọi người từ lâu đã ấp ủ nay trở thành hiện thực. Tôi tự tin biểu diễn ở lớp trường luôn được sự cổ vũ nhiệt tình từ thầy cô bạn bè. Tôi chẳng còn nghe ai nhắc tới bớt son trên gương mặt của mình nữa! Họ gần gũi tôi chẳng còn một sự chế giễu nào. Mãi sau này gia đình tôi nhận được tin báo từ hội mỹ thuật: tôi đã đạt giải nhất trong cuộc thi vẽ tranh với chủ đề là “gương sáng” do hội mỹ thuật tỉnh tổ chức, với hơn 200 tác giả tham gia dự thi, tôi là người nhỏ tuổi nhất và tác phẩm sắp được công bố triển lãm. Nghe mẹ Hằng nói và rơi hai hàng nước mắt! Tôi cảm thấy thật hạnh phúc biết ơn mọi người và biết ơn luôn cuộc đời đã ban tặng một tâm hồn quá đẹp. Mẹ Hằng ôm tôi vào lòng, đôi mắt còn rưng rưng.
“Con của mẹ đã trở thành họa sĩ rồi! Con hãy tiếp tục phát huy, như cánh chim cứ tung bay trên bầu trời của mình”.
Tôi nghẹn ngào cảm xúc nó cứ như dòng thác đang tuôn xuống thật mạnh. Mẹ hôn lên phía má nơi có cái bớt son đỏ! Nó vốn dĩ không hề xấu. Tôi hôn lên trán mẹ rồi khe khẽ thầm thì.
“Mẹ Hằng ơi! Con sẽ dùng màu sắc để tô lên cuộc đời! Cuộc đời quá đẹp phải không mẹ”?
Tôi nắm lấy tay mẹ đi ra khu vườn nhỏ! Nơi này là khoảng trời của riêng tôi. Những cánh hoa đang cười trong nắng nhẹ! Hoàng hôn sắp về tít tắp ở phía ngoài xa.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn
BÌNH LUẬN