Chị xinh đẹp, thông minh và kiêu hãnh. Học hết phổ thông, chị được chọn đi học nước ngoài. 6 năm ở đó, chị theo học thêm một chuyên ngành nữa ở cùng trường và tốt nghiệp với 2 bằng đại học.
Được chuyển sang nghiên cứu sinh, song chị lại quyết định về nước, phần vì bố mẹ đã già cần nơi nương tựa, phần vì nghĩ rằng phụ nữ giỏi quá cũng chẳng để làm gì. Đằng nào chẳng lấy chồng, sinh con. Phấn đấu gì nữa mà bằng cấp?
Nhưng cuộc sống không diễn ra như chị muốn. Về làm việc ở một cơ quan khoa học, chị trở thành tâm điểm bàn tán của cả cái viện lâu nay vẫn xám xịt với toàn các ông đầu to mắt cận. Sếp phát hiện ra năng lực của chị, giao việc cho chị, chị hoàn thành tốt, ông cất nhắc chị – thế là chị trở thành cái bung xung để đám đàn ông bàn tán.
Họ kháo chị là bồ của ông giám đốc già, khiến bà vợ ông ghen lồng ghen lộn. Thế là chị dứt áo ra đi khỏi cái viện khoa học thừa chất xám thiếu văn hoá ấy.
Chị đi làm báo, và ở đây sắc đẹp và trí thông minh của chị có cơ hội phát triển. Các bài viết sắc sảo của chị khiến các đồng nghiệp lúc đầu tưởng cô này chỉ là bình hoa di động phải thừa nhận và vị nể. Chị bị đám phụ nữ ghen ghét còn đám đàn ông ngưỡng mộ. Anh nào cũng nghĩ mình là đối tượng xứng đáng nhất để kết đôi với chị. Khi vỡ lẽ ra chị chẳng mê anh nào trong số đó, họ quay ra nói xấu chị. Chịu không nổi, chị lại ra đi.
Chị chọn một trường đại học để giảng dạy. Môi trường sư phạm có vẻ như thuần chất hơn. Chị vỡ lẽ ra một điều: “Chị xinh đẹp – anh nào cũng muốn. Chị thông minh – anh nào cũng sợ. Chị kiêu hãnh – anh nào cũng nói xấu”. Chị cố gắng sống thu mình, rồi lấy chồng, sinh con. Cuộc sống trở nên tương đối bình ổn giống như chị muốn.
Dạy đại học bắt buộc phải có bằng cấp. Chị chậc lưỡi, thôi ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, muốn dạy học thì phải học thôi. Chị lại miệt mài 2 năm cao học, 3 năm nghiên cứu sinh. Khi đứa con trai được 6 tuổi thì chị có được bằng tiền sĩ, và cũng là lúc chị đau khổ vỡ lẽ ra chồng chị không cảm thấy thoải mái với học vị đó. Chẳng người đàn ông nào muốn kém vợ. Họ lặng lẽ chia tay.
Chị nuôi con một mình, ngày ngày đi dạy, nỗi đau nguôi đi, cuộc sống dần rồi cũng đi vào nền nếp.
Khi chị bước vào độ tuổi 40, thì cũng là lúc ông Trưởng khoa về hưu. Ông Phó lên thay và cái ghế của ông bỏ trống. Chị là một trong 3 giảng viên có khả năng được đôn lên làm Phó khoa, cái chức mà thực ra chị chẳng màng. Hai nhân vật đàn ông lobby ráo riết và đều được ông Trưởng mới hứa hẹn.
Chị không lobby. Nhưng oái oăm là ông Hiệu trưởng, một nhân vật trẻ trung và cấp tiến, lại rất muốn bổ nhiệm chị. Ông Trưởng khoa cũng chỉ còn đôi ba năm nữa là về hưu, và ông Hiệu trưởng nhìn thấy ở chị một vị Trưởng khoa mới, có năng lực thực sự và tâm huyết với công việc. Thậm chí, chị có thể trở thành Hiệu phó, một cánh tay trợ giúp đắc lực của ông trong 5 năm tới.
Thấy cơ hội có thể bị tuột khỏi tầm tay, hai nhân vật kia bèn mở chiến dịch nói xấu chị. Nào là chị lăng nhăng tới mức chồng phải bỏ nhà ra đi. Nào là chị là bồ của ông Hiệu trưởng nên mới được ông này ưu ái v.v và v.v…
Lòng tự trọng của chị bị tổn thương. Chị trình bầy thật với ông Hiệu trưởng là chị không hề có ham muốn trở thành lãnh đạo. Ông Hiệu trưởng nói: “Chị là người phụ nữ thông minh và có năng lực, tôi muốn tạo mọi điều kiện để chị cống hiến”. Chị cảm ơn: “Đàn bà thông minh thì không nên làm lãnh đạo anh ạ, tôi nghĩ thế”.
Chị xin chuyển vào chi nhánh của trường ở phía nam và chỉ làm giảng viên bình thường.
Khi chị đi rồi, hai người đàn ông quay ra đánh nhau để tranh chức Phó khoa. Anh nọ tố cáo anh kia, có bao nhiêu lỗi lầm đều bị vạch ra hết. Kết cục là chẳng anh nào được bổ nhiệm. Cái ghế Phó khoa vẫn để trống. Nghe đâu, ông Hiệu trưởng đang thuyết phục để chị trở về….
BÌNH LUẬN