Khói trắng về trời

Tôi đứng bên hàng rào rải thóc cho gà ăn, má kêu ra cái ao sau nhà bắt cặp vịt để ngày mai giỗ ngoại. Anh hai đi tuốt ở đồng bưng đến giờ vẫn chưa t

Khi giấc mơ cha mang dáng hình con
Cười hay khóc!
Một ngày mưa nhưng có nắng trong lòng
Tôi đứng bên hàng rào rải thóc cho gà ăn, má kêu ra cái ao sau nhà bắt cặp vịt để ngày mai giỗ ngoại. Anh hai đi tuốt ở đồng bưng đến giờ vẫn chưa thấy trở về. Đám giỗ năm nay thật khác so với những năm trước, má làm mâm cơm nhỏ gọn cúng kiến ăn uống chỉ bà con trong nhà. Tôi nhớ năm trước ngày giỗ ngoại đông lắm! Cả một cái sân rộng mà đã chật kín người. Một bàn bảy mâm với thức ăn đầy nhóc, khách khứa hàn huyên đến chạng vạng mới về, năm nay thưa người hơn. Tôi ra bụi chuối men theo lối bờ ao. Cả đàn vịt trắng rộ lên ào ào rồi chạy đi toán loạn, chúng nhảy xuống cái ao bơi về hướng bờ kia. Phải vất vả lắm mới bắt được hai con mang vào nhốt trong lồng. Bóng chiều đã đổ xuống vàng hoe, nhìn bờ tre ngoài đầu ngõ như đang treo mặt trời ở tuốt ngọn đỉnh đầu. Tiếng phát thanh còn rộn ràng xóm nhỏ, phía ngoài đê ấy là những cánh cò trắng bay xa thẳng tắp trời. Đã quá chiều vẫn chưa thấy cái bóng của anh hai trở về đặng ăn cơm. Tôi chạy ra bờ đê ngồi trên bãi cỏ mắt hướng về cánh đồng, thấy những người trở về với chiếc cuốc trên vai và chắc chắn sẽ có anh hai tôi trong đó. Tôi ngồi bên dòng sông nghe trôi rất lặng lẽ, như ngọn gió thời gian lướt qua cuộc đời rồi xa ngái muôn trùng, nó có bao giờ sẽ trở lại như những tháng ngày ấy. Ngày ấy là tuổi thơ tròn trịa như quả bóng lăn dưới đôi chân lũ trẻ. Hay ánh trăng đêm rằm thắp sáng cả một vùng trời. Tôi gắn liền với con trâu rong ruổi cùng đám bạn trên cánh đồng xanh ngát, xanh mơn mởn tận hồn man mác trời nhớ thương. Nhớ hương đồng cỏ nội mùi đất cày khoai khoái, mùi rơm gốc rạ ướp thấm vào người thành màu da rám nắng, cái gió chiều đồng biếc tôi đã nuốt vào người từ thuở trên lưng trâu. Cái ngày ba má bán đi đôi trâu tôi ôm mặt mà khóc, vì chẳng được gần gũi với cánh đồng như hồi còn bé tí, tôi như người bất hạnh, đã xa xôi khoảng thần tiên mất rồi. Tôi ngồi bên dòng sông mà cứ ngẫm nghĩ về phận người với hai tiếng quê hương, tuy hai là một chẳng thể nào tách rời. Cái chiều ráng đỏ nghiêng lên bờ nỗi nhớ, chẳng nhớ gì như nhớ màu tuổi thơ. Từ đôi mắt thăm thẳm tiếng cười và giọng nói, chúng đã rớt lại ở cánh đồng còn vọng trong dư âm. Anh hai về chiếc cuốc buộc dây cỏ lủng lẳng đầy những con chuột đồng. Con chó đi sau lưng với chiếc đuôi ngúng nguẩy, có được chuột này là nhờ vào sự tài tình từ công lao của nó. Tôi cùng anh hai đi về bỏ lại cánh đồng thênh thang với cái bóng chiều đang trải xuống vàng hoe.
Cứ mỗi năm cứ ngày giỗ của ngoại, tôi để ý thấy đôi mắt của má vời vợi một nỗi buồn rất lạ. Khác với thường ngày, đôi mắt ấy chứa đựng một khung trời kỷ niệm, những năm tháng gian truân gánh gạo gánh nước cả làng cùng nhau chạy giặc, với những thứ lo toan ăn không ngon ngủ chẳng tròn một giấc yên lành. Nó buồn như vạt khói bếp đong đưa trong không gian mái nhà, chút mường tượng của một trời xa xăm trong điêu tàn khói lửa đã lấp đi cái thanh xuân tuổi trẻ. Chỉ còn là sự hỗn loạn ngổn ngang, từng ngọn lửa phừng phực bốc cháy thiêu rụi những mái nhà tranh thành tro bụi, và tiếng bom rơi đạn nổ ùng ùng giáng xuống xóm nghèo, khói đen giăng kín trong đôi mắt và cả trong tâm hồn của má! Những người con bình an trong vòng tay của ngoại. Mỗi năm giỗ ngoại bên bếp lửa nổ lép bép, má đang nấu nướng mà miệng cứ nhắc tới chuyện hồi đó! Mà hồi đó là hồi nào? Mà sao má cứ nhắc đi nhắc lại hai từ “hồi đó”! Là hồi má còn con gái đang sống trong căn nhà của ngoại. Chỉ là căn nhà vách đất chật chội nhưng có tới sáu người cùng chung sống. Má là chị cả trong nhà, cũng đồng nghĩa với việc mọi chuyện to nhỏ trong nhà đều do má và ông bà ngoại gánh vác. Ngoại sắm cho cái táo đong lúa má đội lên đầu đi rong ruổi khắp nơi tìm mua lúa về bán lại kiếm lời, chỉ có công việc ấy thôi mà đã nuôi được các em vượt qua đói khổ cả một thời gian dài. Ngoại thương lắm, đến nỗi tới tuổi đi lấy chồng ngoại không chịu bất cứ một mối nào tới dạm hỏi, vì tiếc đứa con gái đã cực khổ từ thuở nhỏ mà chưa được thảnh thơi và đền đáp từ tình thương của cha mẹ để dành. Chẳng hiểu do duyên nợ hay tại vì đâu mà ngoại đồng ý gả má cho ba, về làm dâu nhà nội. Tuy má đã lập gia đình và cuộc sống riêng lập nhưng ngoại luôn bù đắp từ thuở ấy đến khi ngoại vĩnh viễn không còn.
Cứ mỗi năm đến giỗ những câu chuyện về ngoại được nghe má tôi kể rành rọt chẳng thiếu bất cứ chi tiết nào. Chuyện từ thuở xa lắc xa lơ chân lấm tay bùn trên cánh đồng cấy mạ, những cây lúa mạ non xanh từ những giọt mồ hôi và bao công sức đã tạo ra một bức tranh tuyệt đẹp, sắc xanh rờn cho màu áo quê hương, và đến mùa lúa chín cánh đồng thay áo vàng như màu nắng chiều vương trên ngọn tóc của những thôn nữ quê. Có phải là người nông dân, họ chính là những họa sĩ vĩ đại? Đã tạo ra một bức tranh thiên thu đã có từ thuở nào? Từ bao giờ chẳng ai nhớ! Chỉ biết từ thời cha ông đã đi khai hoang lập nghiệp, cái gốc nhà nồng cấy cày đã truyền qua bao nhiêu thế hệ và đã tồn tại cho đến tận bây giờ. Má kể về cánh đồng đã đến mùa gặt hái, con trai con gái già trẻ, lớn bé cùng lũ lượt ra đồng. Họ mang theo lưỡi liềm như ánh trăng vàng khuyết, những cái lưng khom nhấp nhô đang gặt như con sóng vỗ về của dòng sông quê hương. Gặt xong trâu kéo về, những bó to sẽ chuẩn bị cho người dân đập lúa, đập xong còn phơi thóc phơi rơm. Những chú trâu vất vả cả một mùa cũng đến lúc phải nghỉ dưỡng, quà cho nó là những cây rơm to đùng để đáp đền công sức. Những hình ảnh quê hương thân thuộc đã gắn liền trong cuộc đời của má, từ những việc giê lúa, phơi lúa, và những tiếng giã gạo thục thịch vang mãi đến tận khuya.
Từ câu chuyện của má kể bên bếp lửa cháy đỏ! Tôi lại thấy nhớ khoảng thời gian say này. Đó là sự phát triển cải tiến đổi mới, máy móc hiện đại đã đưa vào hoạt động trong đời sống hàng ngày. Dường như máy móc đã thay thế con người nó làm nên tất cả, những hình ảnh khom lưng gặt hái cũng mất từ độ ấy, rồi những chú trâu kéo cày cũng ngày một hiếm đi. Nhớ nhất là những năm phơi lúa trên khắp con đường làng và những bóng sân quê. Cứ mỗi khi trời bắt đầu chuyển mưa, người người tấp nập vội vàng cào lúa vào thành đống, rồi kéo tấm tủ che đậy dằn kín mít. Chẳng cần biết quen hay lạ cứ thấy lúa của bất kỳ ai ở đó, như một trách nhiệm buộc họ phải làm – cào lúa vào không để cho bị mưa ướt. Chẳng ai bị bỏ lại ở phía sau, thế mới hiểu tấm lòng của con người nhà quê họ gần gũi bao bọc đáng yêu đến chừng nào.
Bên bếp lửa đìu hiu, giọng của má ngập ngừng như trũng sâu của những đoạn kể buồn thênh thang trong vòng tay của ngoại. Cũng như cánh cửa hoài niệm đang mở toang và những luồng gió mang theo ký ức xa xưa, nó thổi lùa vào tràn đầy trong căn nhà lồng lộng, làm những vạt khói bếp đong đưa rồi tan biến đi rất vội vàng nhanh chóng. Tôi khẽ khàng hỏi “má ơi! Có phải khói bếp, nó chỉ bay một lát rồi mất dần như tan vào không khí ”. Má cười rồi bảo với tôi rằng: “không đâu con! Làn khói trắng ấy nó sẽ theo gió bay về cuối trời xa xôi”. Cũng chẳng hiểu vì sao mỗi năm cứ tới ngày giỗ ngoại lại thấy má buồn hiu một hình ảnh rất quen thuộc chỉ có trong những ngày sắp giỗ ngoại, toàn kể chuyện về ngoại theo những câu từ như: “hồi đó, năm ấy, ngày xưa, từ thuở lâu lắm rồi, năm tháng xa lắc xa lơ” luôn luôn nhắc tới ngoại trong bất cứ câu chuyện nào. Nhìn má đăm chiêu tay chụm củi mắt ngó vào bếp lửa, tôi chợt hỏi nhỏ : “má ơi! Có phải má đang nhớ tới ngoại không? Má cười rồi trả lời ngắn gọn: “ngoại mất lâu lắm rồi má không còn nhớ tới đâu”. Cái ngày ngoại mất tôi hay hỏi má rằng “ngoại đã không còn ở trên đời thế ngoại sẽ đi về đâu hả má”? Má nắm lấy đôi bàn tay, xoa đầu tôi rồi âu yếm trả lời “ngoại của con sẽ đi về với trời, ngoại sẽ không trở lại nữa” bỗng nhiên tôi nhớ ra câu nói của năm ấy rồi quay sang hỏi má “ngoại đã về trời, thế thì những làn khói trắng nó cũng bay về trời, sao má không nhắn gửi mấy lời thương lời nhớ để gửi tới cho ngoại”. Má im lặng rồi nhìn theo làn khói trắng, bỗng nhiên hai hàng nước mắt của má đang lặng lẽ lăn dài! Tôi thì thầm một mình “má ơi! Nào có phải là khói bếp cay nồng mà bay vào trong đôi mắt. Phải không má”?.
tác giả: Quang Nguyễn

BÌNH LUẬN