Nàng là ai? Chính ông cũng không biết. Khi ông đến thì nàng đã chết. Nàng để lại một linh hồn sương khói ảo. Linh hồn ấy đã kết đọng trong trái tim ông, để suốt một đời ông nao nao thương nhớ khôn nguôi một người tình đã mất. Ông thốt lên: "Núi vẫn đôi mà anh mất em!".
Ông kể với chúng tôi rằng ông nhớ thương, ông buồn. Bây giờ thỉnh thoảng ông vẫn về Núi Đôi. Ông đi tìm nàng. Ông gọi tên nàng: “Ở đâu cô gái làng Xuân Dục?”. Ông nhớ hồi đó, năm 1956, ông mới hơn ba mươi tuổi. Cái tuổi trái tim căng tràn nhựa sống, dào dạt yêu thương. Anh chàng nhà báo từ Hà Nội cuốc bộ về làng Xuân Dục (nay thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), nơi có hai ngọn núi lặng lẽ ngàn đời, viết kí sự về bộ đội. Anh sống chung với dân làng, cùng ngủ dưới nền đất, vách tranh. Khi mát lòng với bát nước vối, khi ấm bụng với củ sắn, củ khoai, bắp ngô nướng nồng đượm tình xóm làng. Và anh nghe dân làng kể về nàng. Mỗi người kể một cách, nhưng ai cũng đều xót thương và cảm phục nàng,… Nàng là cô du kích trẻ đẹp nhất làng, lại nết na, hiền thảo,… Nàng có người yêu đi bộ đội. Nhưng họ không gặp được nhau. Bất ngờ, giặc Pháp giết nàng giữa tuổi mười bảy trắng trong,… Dân làng cứ kể. Anh cứ nghe. Những lời thương, lời yêu, lời tiếc nhớ xao động hồn anh. Hai ngọn núi còn đây, ngọn thấp, ngọn cao. Ngôi mộ nàng còn đó thơm hương lúa. Dấu chân nàng in trên con đường nghẽn lối “ngổn ngang, bờ bụi, cánh dơi bay”,… đi trong sương trắng, nắng chiều. Đêm đêm nằm ngủ giữa hai ngọn núi, cảm xúc đau thương, âu yếm về nàng trào nghẹn trong lòng anh,…
BÌNH LUẬN