Hầu hết lũ trẻ con có mặt trên đời, khi tập nói chúng cũng đều gọi “Mẹ!”. Riêng tôi thì ngược lại, ngay từ thủa lọt lòng, hình ảnh mẹ đưa nôi, bố cất lời hát ru luôn theo tôi vào giấc ngủ. Thủa nhỏ, tôi dùng tiếng “Bố” gọi chung cho cả hai người. Các bác ở nhà trẻ đến giờ gặp tôi vẫn nhắc: Những đứa trẻ khác trong những ngày đầu đến lớp, khi khóc đều gọi mẹ, chỉ có mỗi cháu lúc khóc lại gọi: “Bố ơi!”
Bố mẹ tôi gặp nhau nên vợ, nên chồng trong trại điều dưỡng thương binh. Hạnh phúc lớn nhất của một người phụ nữ khi làm mẹ là được cất lời hát ru. Vậy mà mẹ tôi, một ca sĩ có hạng của đoàn văn công giải phóng lại không có cái diễm phúc đó. Mẹ đã mất đi tiếng nói và nhiều thứ khác trong chiến tranh.
Có một lần vắng bố, tôi hờn khóc, mẹ vỗ về thế nào cũng không nín. Mẹ mở nhạc, múa, tôi nhìn chăm chú rồi toét miệng cười. Bắt gặp hình ảnh đó, bố động viên mẹ theo học ở trường dành riêng cho những người câm điếc. Học xong mẹ xin ở lại, gia đình tôi gắn bó với trường từ đó.
Đến tuổi đi học, một buổi tôi cắp sách tới trường như những đứa trẻ bình thường khác, buổi còn lại tôi ngồi cùng các bạn trong lớp của mẹ. Công việc đã trả lại cho mẹ niềm tin, sự yêu đời. Mẹ vui thấy mình có ích. Cả nhà tôi chỉ nhìn nhau đã hiểu điều định nói. Tôi trở thành cái gạch nối giữa mẹ, các bạn câm điếc với mọi người xung quanh. Tôi “nói” hộ họ trong những lúc giao tiếp. Có người đã khóc, họ không ngờ tới những “lời” thổ lộ chứa chan tình cảm của con mình. Họ yêu cầu tôi dạy cho biết thứ tiếng nói lặng im. Vô tình tôi trở thành “cô giáo” từ những ngày ấy. Thời gian sau, lớp học của mẹ được đầu tư nâng cấp trở thành nơi đặc biệt, đón nhận cả lũ trẻ con bị di chứng của chất độc da cam. Gọi là lớp cho oai, chứ thực ra đây chỉ là nơi dự bị, nhằm giúp cho các bạn ấy nắm được những kiến thức sơ đẳng nhất, tạo điều kiện cho việc tiếp cận hoà nhập với xã hội, giống như những đứa trẻ bình thường khác. Lớp ghép, được chia ra làm nhiều loại hình đào tạo.
Khuyết tật của các bạn đa dạng, trí tuệ cũng chẳng giống nhau. Di chứng chất độc da cam trong chiến tranh biểu hiện rất rõ trên cơ thể của từng người. Các bạn thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, nhưng cũng có mặt mạnh. Vấn đề cơ bản ở đây là tìm cho ra, khuyến khích động viên phát huy những ưu điểm và giúp họ có được niềm tin trong cuộc đời. Mẹ vất vả nhiều, vì ở mỗi một dạng tàn tật, phải tìm một cách học riêng sao cho phù hợp. Nhưng cuộc sống chẳng bao giờ lấy đi của một con người tất cả mọi thứ mà họ có.
Thấy mẹ băn khoăn, lo lắng trong việc tìm người làm MC cho chương trình Hội diễn văn nghệ của các bạn nhỏ trong trường, tôi ngỏ lời:
– Mẹ để con làm cho.
Ban đầu mẹ từ chối với lý do:
– Không được! Năm nay là năm con chuẩn bị thi chuyển cấp. Mẹ sợ bài vở quá nhiều, thời gian con học còn không đủ nữa là…
Sau tôi nài nỉ và chứng minh bằng lực học, mẹ xuôi dần. Thực ra việc tôi làm MC cũng thật đơn giản, chẳng tốn nhiều thời gian, công sức. Nhà tôi lại nằm ở kế bên khuôn viên của trường.
Chương trình tham gia hội diễn văn nghệ của các bạn trong lớp học đặc biệt của mẹ được bố trí vào thời gian cuối. Mặc dù đã được thông báo và thuộc lầu nội dung, song mẹ tôi không khỏi băn khoăn lo lắng. Sự lo lắng ấy chẳng phải là không có căn cứ. Liệu bọn nhỏ có làm được điều chúng muốn. Khán giả sẽ phản ứng ra sao, tình cảm của người thân và thái độ của ban giám khảo. Những tiếng xì xầm xung quanh càng làm mẹ hồi hộp căng thẳng. Mẹ có cái cảm giác dường như chính bản thân mình phải chịu sức ép tâm lý này, chứ không phải lũ trẻ. Ban Giám khảo có người bày tỏ thái độ ái ngại: “Những đứa lành lặn, được đi học hết lớp năng khiếu này đến chương trình khác còn biểu diễn chẳng ra gì. Huống hồ bọn trẻ tật nguyền”.
Trái ngược với sự lo lắng của người lớn, tôi và các bạn vô tư thể hiện. Các tiết mục: Đơn ca, đọc tấu nhạc cụ, ngâm thơ, tốp ca được chúng tôi trình bày khá suôn sẻ. Đến màn diễn tổng hợp, cái chốt của chương trình bắt đầu. Đột nhiên, toàn bộ đèn trong rạp vụt tắt. Khán giả bực bội lên tiếng: “Lại mất điện rồi. – Không! Chắc diễn kịch hoặc múa đây. Phải thay đổi bài trí lại sân khấu, đạo cụ. – Vậy tắt đèn trên đó là được, sao phải ngắt cả cầu dao tổng…”. Những bóng đen di chuyển trên sân khấu, tiếng lịch kịch vang lên. Rồi cả rạp bừng sáng, các loại đèn pha bật đồng loạt, tập trung rọi thẳng lên sàn diễn.
Mọi người ồ lên, khi thấy lũ trẻ lặng im như những pho tượng, đứng ngồi vạ vật đủ kiểu. Họ đưa mắt dò hỏi, chúng định biểu diễn loại hình nghệ thuật gì thế nhỉ?
Những âm thanh quen thuộc của cuộc sống hàng ngày nổi lên. Các bạn tôi thể hiện những động tác sinh hoạt đời thường. Với những người khoẻ mạnh hoàn thiện, điều đó thật dễ dàng. Song, đối với lũ trẻ tật nguyền, việc tái hiện quả là một kỳ công. Có thao tác các bạn làm trong những tư thế, ta không hề tưởng tượng nổi.
Một bạn miêu tả cảnh vừa dỗ em, vừa nấu cơm. Hôm nay, bố mẹ về muộn, em đói, bạn ấy phải tự xoay sở. Trong lúc chờ cơm chín, bạn sắp đũa chọn bát bày ra mâm. Sự túng thiếu hiện rõ qua hơn chục cái bát, bị sứt mẻ đủ kiểu. Bạn giơ một cái bát men B52 của bộ đội bị thủng cho mọi người xem, thấy chiếc bát vô dụng, bạn đưa cho em chơi. Đứa em giơ cao cái bát, nhìn khán giả qua lỗ thủng, nhoẻn miệng cười. Rồi bạn múc nước đổ vào từng cái một.
Mọi người sốt ruột: Chúng định giở trò gì đây? Bất chợt, cả hai đứa trẻ dùng đũa ăn cơm cùng gõ vào dãy bát bằng những cánh tay lành lạnh duy nhất. Phải chăng bố thường làm trò này dỗ chúng, giờ đây bọn trẻ bắt đầu phải tự an ủi mình.
Bản nhạc: “Nổi lửa lên em” được thể hiện bằng những chiếc bát sứt đủ loại vang lên dồn dập. Mọi người ồ lên tán thưởng. Tiếng nhạc đưa con người ta trở lại trạng thái vui vẻ. Đây đó có tiếng xuýt xoa: “Giỏi thật! Hay! Khá quá! Độc đáo ghê! Nghệ sĩ chuyên nghiệp chắc gì làm được như vậy”. Bản nhạc chấm dứt. Cả không gian như bị vỡ tung ra bởi những tiếng vỗ tay hoan hô vang dội.
Hai em bé dùng cánh tay lành, cầm cái tay bị tật của nhau giơ lên, cúi chào khán giả. Các bạn khác đứng thành hàng, chăm chú nhìn bạn mình chơi. Rồi một nhóm tiến ra phía trước, giơ tay ra hiệu. Khán giả xì xào, Ban Giám khảo nhìn nhau lắc đầu. Có người lên tiếng, nuối tiếc: “Kết thúc như vừa rồi hay hơn”.
Cả rạp lặng im, người ta nghe thấy hơi thở của nhau. Các bạn còn lại lần lượt bước ra. Ánh sáng tập trung rọi thẳng vào từng người. Các động tác khác nhau lần lượt được thể hiện. Đúng lúc đó tiếng của tôi vang lên trong hệ thống loa: “Các bạn ấy vừa nói gì mọi người có hiểu không?”
Đèn pha được điều chỉnh, chiếu tìm người vừa nói. Tôi MC xuất hiện ăn mặc như nữ thần Tự do, vòng hào quang trên đầu được kết bằng những cái gai bồ kết nhọn hoắt, đâm tua tủa, tay cầm míc đứng trước hàng ghế đại biểu, hỏi mấy người nước ngoài – những Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Việt Nam, đang nghỉ tại Hạ Long. Khách mời đặc biệt của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Thấy họ lắc đầu, tôi tiếp tục: “Những tiếng nói này các ngài phải dùng cả trái tim lắng nghe mới thấy được”.
Ánh sáng được chiếu trở lại sân khấu. Hệ thống loa lại vang lên tiếng tôi: “Phải chăng người cổ xưa khi tạc những bức tranh trên đá, đã thả hồn mình vào đó. Để đến bây giờ, khi xem tranh chúng ta hiểu được điều họ định nói. Điệu bộ, cử chỉ của con người chính là linh hồn của ngôn ngữ. Những người câm dùng đôi tay để nói, cặp mắt lắng nghe, còn trái tim cảm nhận. Chúng tôi, những nạn nhân của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải ở Việt Nam phải dùng cả tấm thân của mình để trình bày điều muốn thể hiện. Xin mọi người hãy lắng nghe và cảm nhận. Vấn đề chúng tôi định bày tỏ hôm nay là: Sự rủi may nào đã đến với các bạn trong quá khứ. Điều gì đang mỉm cười chờ đón mọi người ở tương lai. Cho dù ngày mai, dòng xoáy của cuộc đời này có xô đẩy số phận của mỗi chúng ta về đâu đi chăng nữa. Tất cả chúng tôi cũng xin nguyện cầu”. Tôi chỉ vào những tấm bảng được các bạn đồng loạt giơ cao – trên đó được ghi những chữ bằng song ngữ Việt – Anh – “Xin mọi người hãy đọc to cùng tôi”.
Hệ thống míc được bố trí xen kẽ tại các vị trí khác nhau trong rạp, được các anh chị thanh niên tình nguyện đồng loạt bật. Cả rạp vang lên tiếng nói của họ: “Cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người. Xin chúc các bạn hạnh phúc”. Những lời trên được nhắc lại một lần nữa bằng Anh ngữ.
Kết thúc đêm diễn, có nhà báo – một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam, tìm mẹ tôi nêu câu hỏi:
– Xin được giải thích thêm: Hạnh phúc trong lời nguyện cầu là gì?
Mẹ tôi trả lời:
– Ông có thể hỏi bất cứ đứa trẻ nào cũng được, vì chúng là chủ nhân của lời nguyện cầu đó!
Nhà báo Mỹ quay sang hỏi một bạn ngồi trên chiếc xe lăn. Bạn hồn nhiên gãi cái đầu trọc lốc không một sợi tóc trả lời:
– Hạnh phúc là gì nhỉ? Khó quá.
Bạn ngần ngừ nói tiếp:
– Thôi, hạnh phúc nó là cái chi cũng được, tuỳ theo sự mong ước của mỗi con người.
Hôm sau, một tờ báo nước ngoài đăng bài của phóng viên này, nói về chương trình văn nghệ đặc biệt ông được chứng kiến. Bài viết có đoạn dịch nghĩa như thế này: “… Thật kỳ lạ, những đứa trẻ không hoàn thiện về thể chất, chẳng ước mong gì cho riêng mình, mà lại cầu xin hạnh phúc cho những con người đầy đủ khác. Kể cả những kẻ đã gieo rắc cái chết cho mảnh đất này…”.
BÌNH LUẬN