Vé số nơi chiều muộn

Người đàn ông ấy bị cụt cánh tay, giơ xấp vé số mời tôi: – Cô mua giúp tui tờ vé số?

Bao giờ cho đến nghỉ hè
Lời nói dối giúp kẻ hoàn lương
Áng mây trôi

Cánh tay ông run run giơ tờ vé số trước mặt tôi, tôi lắc đầu và nói không mua. Ánh mắt ông cụp xuống, ông thở dài và xoay mặt bước đi. Dáng người khắc khổ trong cái nắng xế chiều.

– Chú ơi, để con mua giúp chú. – Tôi gọi với theo ông chú ấy.

Ông mừng rỡ xoay mặt lại, khẽ cười chìa lại tôi tờ vé số, gương mặt cười đầy những nếp nhăn. Người đàn ông này khoảng hơn năm mươi tuổi, làn da ông đen sạm trong cái nắng, ông đội cái nón tay bèo, mang đôi dép da đã cũ, nhưng ánh mắt đó khiến tôi không sao quên được, ánh mắt hiền hòa và đầy tình cảm. Tôi không phải người trong chờ vào vận may, nên cũng chẳng mặn mà với việc mua vé số. Tôi thấy ông đi bộ bán vé số, tôi thấy tội cho ông. Vì đa số những người bán vé số thường đi xe đạp hoặc xe máy. Riêng ông chỉ đi bộ.

– Sao chú không đi xe đạp cho đỡ cực? – Tôi hỏi ông.

– Tui không biết chạy xe cô ơi, với lại tay tui vầy! – Ông trả lời, rồi khẽ thở dài nhìn vào tay mình.

Hỏi ra mới biết, cánh tay của ông bị cụt vậy là do ông bị tay nạn lao động. Khi trẻ, ông đi làm trong xưởng mộc trên thị trấn. Một ngày kia, trong lúc đưa gỗ vào máy cưa, không cẩn thận, ông bị lưỡi cưa chặt đứt đi cánh tay trái. Tuy đã gần chục năm, nhưng vết thương trái gió trở trời vẫn khiến ông đau nhức không thôi. Từ sau khi bị nạn, ông không làm thợ mộc được nữa, chỉ biết cặm cụi ở nhà trồng cây, nuôi gà giúp vợ, nuôi con. Đến khi con ông lập gia đình, tuổi đã cao. Vì không muốn đeo bám các con, ông bà đã tự đi bán vé số để kiếm cái ăn. Hằng ngày, ông lặn lội trên con đường từ thị trấn xuống huyện khoảng chừng 7 cây số. Đi một vòng về đến nhà, những khi bán được nhiều, ông còn đi xe ôm cho đỡ mệt, nhưng nhiều khi ế quá, tiền không đủ ăn, ông đành đi bộ tiếp. Nhiều khi trời mưa thì coi như bữa đó lỗ nặng, có khi phải tốn thêm tiền mua thuốc cảm sốt để uống thêm, rồi lại nghỉ vài ngày.
Tôi hỏi ông sao không vào quán nhậu mời khách, nhiều khi khách nhậu có thể mua giúp ủng hộ ông, chớ ông đi ngoài đường sẽ ít khi bán được. Như hôm nay, trên tay ông vẫn còn một xấp dày vé số, trong khi cũng gần ba giờ chiều.

Ông chỉ lắc đầu, cười buồn nói với tôi, ông muốn vào quán nhậu bán lắm, nhưng chủ quán thường đuổi đi, nhiều chỗ lịch sự thì không cho vô. Có nhằm quán, có bảo kê bên ngoài, còn hăm dọa ông nếu còn lảng vảng xung quanh làm phiền khách của họ. Nên vậy, ông chỉ có thể đi bộ quanh các con hẻm nhỏ, con đường nhỏ để bán. Nhiều người thấy tội thì mua ủng hộ.

Chợt tôi nhớ đến một câu chuyện cách đây không lâu xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một người đàn ông giả tật nguyền bò trườn trên tấm ván để bán vé số, khi thấy lực lượng chức năng thì đứng bật dậy như bình thường, mọi người đều “ném đá” ông ấy. Có chân, ông ấy có lỗi là khi giả vờ bệnh tật để xin lòng thương hại của mọi người, nhưng thời buổi này, người bán vé số thì rất nhiều mà người mua thì lại ít. Hoặc là họ tiếc số tiền đó.

Họ có thể vào quán, chi trả hàng triệu đến hàng chục triệu cho một chầu nhậu linh đình, hay muộn món đồ phù phiếm, nhưng với người bán vé số thì mười ngàn cũng không thể mua giúp, cho dù đó là những người lớn tuổi. Thậm chí, họ có thể buông lời khiếm nhã với những người bán vé số, với những người đáng thương đó. Có phải con người đã ngày càng vô cảm trước những người khó khăn hơn mình trong xã hội này không?

Tôi tranh thủ hỏi thêm vài câu về cuộc sống của chú bán vé số. Hỏi ông có mệt không, có khát nước không? Ông chỉ lắc đầu, nói chú vừa uống nước. Nhưng với người bán vé số, sao họ dám mua được chai nước để uống.

– Chú đợi con lát. – Tôi nói với chú.

Tôi chạy vào quán mua cho ông chai nước suối ướp lạnh và cái khăn lạnh để lau mặt. Nhận từ trên tay tôi, cặp mắt chú rơm rớm nước mắt. Ông cười và nói với giọng run run:

– Cảm ơn cô! Cô tốt quá.

– Thôi chú tranh thủ đi bán đi, chiều rồi, sắp tới giờ ra kết quả rồi. – Tôi cười đáp lại chú.

Ông cười rạng rỡ rồi xoay người rời đi, ánh nắng chiều vẫn tiếp tục phía trước, Ông vươn bàn tay cầm xấp vé số khẽ lau giọt mồ hôi, đôi chân chập chững bước trong cái nắng nóng. Bóng dáng cô quạnh đó mãi khắc sâu vào tim tôi. Nắng chiều trong ngày dần tắt nơi trời tây, kết thúc một ngày cho những người lao động cực khổ về sum họp bên mâm cơm gia đình. Mong sao ông về kịp giờ cơm với vợ con.

Tiên Phương

Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN