“Anh! Chúng mình có đến được với nhau không?” Thuận nghiêm túc hỏi Ba, hai người cũng như bao đôi uyên ương khác đang hẹn hò trong cái sân bóng được lát sỏi tự nhiên của làng Đô Lương nghèo nhất xã này. Không mất một giây để suy nghĩ và như một phản xạ tự nhiên. Ba trả lời.
“Đương nhiên là chúng mình sẽ trở thành vợ chồng rồi, có ai có thể ngăn cản điều đó cơ chứ? Như hai đứa đã dự tính từ ngày mới yêu, chúng mình sẽ sẽ sinh hai đứa con kháu khỉnh nhất quả đất này. Đứa lớn anh sẽ đặt tên con là Mộc Miên và đứa thứ hai là Diệu Phố. Những cái tên nghe thật đáng yêu làm sao!”
“Rồi chúng ta sẽ dựng nhà ở mảnh đất bên dòng sông Bé, ở đó có những bãi đất phù sa màu mỡ hứa hẹn cho những luống ngô và khoai ta trồng, rồi khó khăn cũng sẽ qua, gia đình nhỏ của chúng ta sẽ có của ăn của để. Con cái sẽ được tới trường, chúng sẽ học lên tới đại học và mang kiến thức về xây dựng quê hương này. Cây cầu bắc qua dòng sông Bé sẽ không còn là ước mơ của cái làng này nữa.”
“Được rồi, em tin anh mà, chỉ là em thấy lo lắng chút thôi. Tự nhiên em thấy thế nên chẳng kịp suy nghĩ trước khi hỏi anh.”
“Em lo lắng về ông chú của anh phải không?”
“Vâng, em thấy chú Đàn chưa bao giờ ủng hộ chuyện hai đứa mình, mà chúng mình đã yêu nhau tới bảy năm rồi, nếu thay đổi ý định thì chú ấy đã thay đổi từ lâu rồi anh ạ.”
“Hay là chúng mình cứ c.u.o.i, cưới. Thuận nói rụt rè.”
“Không được đâu em, chú Đàn là trưởng dòng họ Hoàng, chú ấy sẽ là người quyết định tất cả.”
Ba nói thêm, “kể từ cái ngày Bố anh mất, anh coi chú ấy như cha và anh thấy chú ấy cũng rất quý anh. Sớm muộn thì chú sẽ phải ủng hộ chuyện hai đứa mình thôi, vấn đề là thời gian, em hiểu không? Để trọn vẹn đôi đường sau này thì việc được chú Đàn đồng ý là rất quan trọng.”
“Em yêu anh nhiều như anh yêu em mà! Em sẽ đợi.”
Nói xong, Thuận ngả đầu vào vai Ba. Đôi uyên ương cùng im lặng nhìn về phía vì sao xa xăm sáng nhất bầu trời đêm nay. Hy vọng như lại được thắp sáng một lần nữa.
Đêm đã muộn, Ba chở Thuận trên cái xe đạp cổ như không thể nữa. Chờ cho Thuận khuất xa cái cổng tre ọp ẹp, Ba mới quay đầu xe rồi nhảy choàng lên cái yên xe không còn lớp đệm cao su, cái yên trơ khung với hai cái lò xo rỉ cục. Nó làm cho Ba cứ phải chồm người lên mà đạp vì cái đường đồi đất đỏ này ổ trâu ổ voi còn nhiều hơn cả ổ gà ổ vịt. Tiếng Dế đêm kêu râm ran bên đường khi qua đoạn bãi đất tha ma khiến cho Ba cứ như một cua rơ thực thụ.
Nhắc tới cái yên xe, Ba chưa bao giờ quên cái thằng ăn cắp nó. Mấy thằng nhãi con dưới sự chỉ đạo của thằng đầu sỏ ‘Dần đầu trọc’ đã lấy cắp cái yên xe, để ngăn thằng Ba không còn đến cưa cẩm cái Thuận nữa. Thằng Dần cũng say đắm cái Thuận ba năm nay rồi. Hắn tuyên bố không thằng nào được động đến cái Thuận. Hắn cũng bắt bố mẹ hắn phải hỏi cưới bằng được cái Thuận chứ nhất định không chịu lấy đứa con gái nào khác. Mặc dù với danh tiếng giàu nhất làng, có cả tá con gái muốn làm vợ hắn. Hắn là thằng con một, hắn đã quyết thì bố mẹ hắn là ông Tư và bà Mùng cũng chịu khó uốn nắn mà nghe theo.
Một lần muốn khuyên thằng con, ông Tư nói.
“Cái đứa xinh đẹp hơn cái Thuận, nhà cửa khá giả hơn cái Thuận ở cái xã này không thiếu. Mày mù hay sao mao mà mày định lấy nó rồi rước cả nợ nần mà ba đời nay nhà nó trả chưa hết về nhà mình. Mày là thằng khôn ngoan, bị bỏ bùa mê thuốc lú gì mà ba năm chưa tỉnh hở con?”
Thằng Dần lờ đi tất cả những gì ông Tư nói, hắn như muốn phát điên nếu như có ai đó có ý định muốn khuyên nhủ hắn từ bỏ cái Thuận. Có lần hắn đã đâm chính anh họ của mình vì ông anh họ say rượu cứ là cà, nhắc đi nhắc lại việc hắn phải lấy đứa này đứa nọ con nhà ông Súng bà Xung nhà ở ngay đầu làng, còn cái Thuận thì theo tao là vứt. Thằng Dần tính nóng có sẵn, nghe đến đó thôi là hắn chạy vù vào nhà bếp cầm con dao nhọn hoắt mà người ta vừa mới chọc một con lợn trước đó. Vậy là trong cái ngày tổ chức sinh nhật cho ông Tư hôm ấy tưởng vui vẻ hóa ra lại là ngày buồn nhất trong năm. Cũng còn may là hôm đó án mạng đã không xảy ra không thì thằng Dần có mà ngồi tù đến mọt ghông. Bà Mùng tính vốn yêu con nên đôi khi hóa chiều quá thảy, được đà thằng Dần chẳng còn coi trời đất là gì nữa. Có số có má ở cả cái xã này chứ ít đâu, đi đâu cũng khư khư kẹp nách hai thằng đệ tử đầu xanh tóc đỏ hai bên.
Lội qua con sông Bé để về nhà, lúc này Ba đang dắt xe lên cái dốc đất đỏ mà giờ này nó chuyển thành màu đất đen vì mấy rạng tre đã chùm qua cả đầu người, che đi chút ánh sáng le lói của lưỡi liềm những ngày đầu tháng. Con đường đất vẫn chung thủy với cái làng này, những hố bùn sâu tới đầu gối hễ có mưa to làm cho bất cứ nhà ai trong cái làng này đều có mấy đôi cà kheo dự phòng trong bếp. Những người nông dân cũng hóa là diễn viên xiếc tài ba vì hoàn cảnh trời cho.
Ba đi qua bốn căn nhà đầu làng trên tổng số bảy hộ của cả làng. Tiếng chó sủa ầm ĩ ngay từ cái nhà trên đầu dốc làm cho cả một loạt chó nhà tiếp theo hừng hực chờ Ba đi ngang qua, rồi chúng trao cho Ba cái nhìn xăm xỉa kèm theo đôi mắt rất địa ngục, chắc chắn chúng đang coi Ba như một kẻ cắp bóng đêm thực sự.
Chú Đàn là một người cảnh giác, chú có hẳn một cái đèn pin có thể rọi xa cả trăm mét, chú sắm cái đèn vì gần đây bọn trộm cắp còn nhiều hơn số khẩu của cái làng này. Vì không yên tâm nên chú bật dậy đi ra đầu ngõ xem sự thể thế nào.
Đúng lúc đó Ba đi tới, “thằng nào đấy?”
Chú Đàn lên tiếng rồi rọi thẳng cái đèn pin sáng hoắc vào mặt kẻ bị tình nghi.
“Là cháu, là cháu, thưa chú cháu Ba đây ạ!” giọng nói của Ba nghe có vẻ vừa bị chú Đàn làm cho giật mình.
Tiếng sạt sạt đứt đoạn bởi đôi dép tổ ong, rà rà trên mặt đất phanh cái xe nó lại. Thằng Ba cúi gằm mặt xuống đất, một tay che mắt, nó không biết là nó đang hít lấy hít để cái bụi đang bay lên như hương khói, do chính cái phanh chân bằng đôi dép tổ ong rách tạo ra và có thể nhìn thấy rõ bởi ánh đèn pin.
“Mày đi đâu giờ này mới về?”
Ông chú nổi tiếng khó tính về giờ giấc, không cho Ba lên tiếng, chú lên giọng tiếp.
“Mày cứ liệu lấy cái thân, gần ba chục tuổi đầu rồi còn tính dính lấy cái đứa nhà có con ma gà đấy làm vợ. Mày rước con ma đấy về cái làng này rồi mày sẽ thấy con trâu chết ngoài đồng, con lợn chết trong chuồng, rồi đến cả con người cũng chết vì con ma ấy. Nó ăn tim, ăn gan của mày trước rồi mày cũng sẽ chết mà không bao giờ mày biết được chính nó đã giết mày. Chính vợ mày sẽ giết mày đấy, mày không nghe lời tao thì cái làng này cũng sẽ mất hết, chết hết, đến mồ mả của bố mày cũng sẽ không được yên tha đâu. Cho tới chừng nào tao còn sống ở cái làng này thì tao không bao giờ đồng ý cho mày cưới con ma ấy. Nếu mày cứ nhất quyết thì tốt nhất mày nên đi khỏi cái làng này, và phải tránh xa cả những cái làng khác, mày không thể đem cái chết đến bất cứ nơi nào có con người sinh sống được. Họ sẽ chết oan vì mày đấy. Mày phải vào rừng mà ở, đúng rồi, chỉ còn cách đó thôi. Chỉ có rừng rậm là nơi tốt nhất mà sau này những con ma khác là con của hai đứa mày sẽ không thể làm hại được ai như bố mẹ của chúng đã định làm…”
Chú Đàn nói một liên một hồi mới chịu dừng lại để ho một tiếng nặng nề, như thông báo rằng hôm nay ông không được khỏe cho lắm, rồi chú ấn tẹt một cái, cái đèn pin được giảm xuống mức sáng thấp nhất cho tiết kiệm điện.
Lúc này Ba mới ngẩng được cái mặt lên đàng hoàng vì không bị chói nữa.
“Thưa chú cháu biết là chú làm như thế cũng là vì cái làng này nhưng sao chú lại gán cho nhà Thuận có con mà gà? Điều đó chỉ là xuy diễn của các cụ ngày xưa để lại. Bây giờ là thế kỉ hai mươi mốt rồi, chúng ta không còn nên tin vào những điều đó nữa chú ạ. Chúng ta đã có kiến thức, có khoa học lý giải cho những cái chết mà ngày xưa chúng ta đã vì thiếu cái chữ mà đổ thừa cho những người tốt không may. Họ đã bị những người như chú từ đời này tới đời khác dị nghị, xa lánh, hắt hủi chỉ với một cái mác là con ma gà to đùng đang tồn tại trong nhà họ. Cháu có nghe ai đó đã nói con ma đó được gia chủ nuôi trong cái chum được giấu kĩ sau vườn. Nó có sức mạnh vô biên, muốn giết ai chỉ cần lấy đồ đặc của người muốn giết, viết tên người đó lên vật đấy rồi thả vào trong cái chum, và đâu đâu cũng chỉ là nghe nói là sau một tuần trong cái chum chỉ còn lại những con sâu. Khi đó, xuất hiện cùng những con sâu là một cái tin giật gân không kém, ‘có một người vừa chết ở đâu đó cái xã này.’ Cũng có thể làm như thế với con trâu , con bò hay nhỏ hơn là con gà con vịt… Tất cả những lý thuyết trên đều là phỏng đoán một cách mù quáng không dựa trên cơ sở nào thưa chú.”
Ba dừng không nói nữa nhưng khuôn mặt vẫn đỏ bừng như bị kích động.
“Tao không cần tin cái lý luận của mày, tao sống bằng này tuổi rồi kinh nghiệm của tao là tao tự cho tao, chứ không ai có thể dạy tao cả, mày là con cháu của tao nên tao cần phải có trách nhiệm tìm cho mày đứa vợ tử tế. Trước hết mày phải kết thúc ngay với cái Thuận rồi tao sẽ nói chuyện tiếp với mày.”
Chú Đàn tắt bụp cái đèn pin rồi đi thẳng vào căn nhà đang lập lèo lúc sáng lúc tối, được tạo ra bởi chế độ cái bóng ngủ quả nhót chú đã cài đặt.
Vẫn khuôn mặt ủ rũ như mọi khi, Ba chưa bao giờ thuyết phục được ông chú của mình. Bần thần nghĩ, cùng những bước chân chậm dãi lê cái xe đạp tới cây si xanh đầu ngõ thì.
“Mày làm tao giật bắn cả mình.”
Nhận ra giọng nói của ông chủ, con Mực bốn mắt không sủa nữa, quẫy đuôi mừng rỡ phi ra cái lỗ hổng hàng rào sân.
Tựa cái xe đạp không còn chân chống vào cái chum tương rỗng ruột cả tháng nay ở góc thềm. Ba lẳng ra phía sau nhà rồi thò ngón tay giữa ma thuật được tu luyện từ bé để đẩy cái que gỗ chốt cửa ra, tiếng rít của cái bản lề đã rỉ cùng màu của ba tấm ván xoan mục được đóng làm cửa, làm cho bà Păn đang tẽ những hạt ngô cứng đầu không chịu buông khỏi lõi cũng phải giật mình.
Sau hai tiếng đồng hồ bà Păn dùng cái gậy tre già to bằng cổ tay tra tấn chúng một cách yếu ớt. Ở cái tuổi 70 bà Păn có muốn thể hiện thêm cũng chẳng xong. Lúc này bà phải dùng những đầu ngón tay nứt nẻ như những cánh đồng hạn hán để lột sạch từng bắp ngô. Bà phải làm nốt chúng vì ngày mai là phiên chợ, tuần lễ vừa rồi bà Păn và thằng Ba chỉ ăn khoai sọ chấm mật mía. Nếu ngày mai bán được số ngô này thì hai mẹ con sẽ có tiền đong gạo và mua vài lạng bạc nhạc mỡ lợn. Rồi thằng Ba sẽ mừng quýnh lên cho mà xem, vì món sở trường của thằng Ba là món ‘cơm nóng chan mỡ trộn muối’ sẽ trở lại vào ngày mai.
Tài sản duy nhất mà ông Châu để lại cho mẹ con thằng Ba là căn nhà gỗ, ngót đã được bốn mươi năm tuổi. Nếu coi đó là một hộp quà bằng gỗ thì trong cái hộp đó không có bất kì một món quà nào cả. Căn nhà rỗng tuếch từ trước tới nay, ngày nay những con mọt làm việc ngày đêm bên cạnh lũ mối đã đánh chén đến tận nóc, nhìn xa xa người ta thấy mái nhà như cái đòn gánh đang quá tải và sẵn sàng gãy đôi bất cứ lúc nào. Tính mạng của hai mẹ con Ba lúc nào cũng như ngọn đèn dầu treo trước bão.
Chín năm qua, kể từ ngày chồng mất, bà Păn và thằng Ba luôn cố gắng làm lụng để tích góp đủ số tiền sửa lại căn nhà, khổ nỗi năm nào cũng mùa mất, mùa hụt vì lũ trắng, vì sâu bệnh hoành hành… Đến thằng Ba theo học được tới lớp sáu rồi cũng phải nghỉ học vĩnh viễn vì không có tiền đóng học phí. Nhà không đủ tiền sửa đã đành, đến việc cất cái xương chồng lên cho vào cái chum rồi đặt chỗ nào đó khô ráo, cũng phải gác lại mấy năm nay rồi.
“Ở cái chốn mà lũ năm nào cũng hai ba lần ngâm cho cả tuần lễ mới rút thì đến xương bố mày là sắt cũng chỗ mất chỗ còn.”
Bà Păn than với thằng con, bởi cái số bà đã khổ rồi nhưng chưa khổ bằng số của chồng bà.
“Người ta chết cùng lắm là năm năm cũng được cải lại xương với tro, đằng này bố mày đã ngâm ở cái đất trũng ấy thiếu hai ngày nữa là tròn chín năm rồi” bà than miết như muốn trực khóc bất cứ lúc nào.
Thằng Ba thấy mẹ mình ngồi ở góc bếp liền nói.
“Khuya lắm rồi, mẹ cứ để lại đó con làm nốt, mẹ đi nghỉ đi kẻo ngày mai cái lưng của mẹ lại dở chứng đấy”
Thằng Ba lao vào làm lấy làm để, nửa giờ sau nó cũng đóng được một bao ngô hoàn chỉnh, vì nhà không có cái cân nào nên thằng Ba thử dùng hai cánh tay đen gầy sách nhẹ bao ngô lên,
“Ái chà, chắc cũng được ba mươi cân chứ ít đâu”
Nó lẩm bẩm rồi thả uỵch bao ngô xuống đất, nó tỉ mỉ dùng sợi dây cao su buộc chặt miệng bao rồi lê chừng hai mét là có thể tựa vào cái cột phụ chống mái nhà mà thằng Ba mới dựng thêm vào chiều ngày hôm qua.
Để giữ lửa cho sáng mai, Ba dùng cái cặp tre bị lửa bén, giờ còn bên thấp bên cao, vun đống tro lên ngọn lửa đang cháy lay lắt trước khi đi ngủ.
Tinh mơ tỉnh dậy, nó chẳng kịp ăn sáng, mà thực ra thì có cái gì trong cái chạn cũ rích đấy đâu. Đến bốn cái chân chạn được kê trong bốn cái đít vỏ chai được rót nước xung quanh ngăn không cho lũ kiến bò được lên thì lâu nay cũng đã cạn sạch nước. Bởi trong chạn mà không có gì thì lũ kiến cũng chẳng rảnh mà bò lên đó để chơi. Từ ngày thằng Ba còn đi học, thì hai từ ‘ăn sáng’ nghe thật xa vời với nó, điều đó cũng lý giải vì sao những ngày ở cái tuổi dậy thì mà hình dáng nó không thay đổi là mấy cho tới tận bây giờ. Trong kí ức nó chưa bao giờ quên được cái tạng người nhỏ bé bền vững nhất lớp này là khởi nguồn của việc điểm kiểm tra môn thể dục của nó luôn rất thấp.
Nhưng còn may vì ông trời thương nó nên nó chẳng bao giờ biết ốm đau là gì, âu cũng là cái số bởi cơm còn chẳng đủ ăn nữa là, vì nó mà ốm thì cũng chỉ biết nằm chờ chết như bố nó ngày xưa.
“Ông trời vẫn còn có mắt vì đã không lấy tất cả của tôi đi”.
Bà Păn cứ lẩm bẩm một mình, vừa thổi cái ống tre vào vị trí mấy que đóm gác lên viên than lụi còn xót lại nhờ thằng Ba giữ từ đêm qua. Lấy hết hơi sức trong cái bụng già tóp tép không có miếng ăn từ cả ngày hôm qua mà thổi. May thay, đến ngọn lửa cũng cảm động trước số phận người đàn bà nên tia lửa le lói ban đầu rồi cũng bùng cháy chào bình minh. Lửa nhanh chóng bám vào những tấm ván mục khô, được rỡ ra làm củi từ bức tường gỗ ở hiên nhà, bà Păn phải gỡ những tấm ván mục xuống trước khi nó đổ xập xuống vì lũ mối, rồi bà thay vào những khoảng trống đó bằng những tấm lợp bà tự đan từ cỏ tranh.
Bà đặt nồi cháo ngô già mà bà đã ngâm từ đêm qua lên bếp ninh, trong lúc chờ đợi thằng Ba đi bán ngô về. Nồi cháo sôi lăn tăn, những hạt ngô già như đang được tung hứng bởi ngọn lửa, chúng thay phiên nhau nổi lên rồi lặn biến. Thoạt một cái con Mực bốn mắt nhổm dậy, ngay từ đầu nó vẫn nằm canh nồi cháo cùng bà Păn, nhưng khi đánh hơi được là chủ nhân của nó đang về thì nó cũng quên đi cơn đói mà chạy vù ra cổng. Bà Păn cũng biết con Mực báo hiệu điều gì nên bà vịn vào cái gậy chống cái lưng còng như nửa chữ O của mình , đo từng bước chân đi ra thềm nhà, ngước đôi mắt lúc nào cũng được làm phiền bởi bầy đom đóm, phóng tầm mắt tới tận cây xi xanh đầu ngõ bà nói:
“Đúng là thằng Ba rồi! Mày giỏi lắm Mực bốn mắt.”
Nhưng sao hôm nay nhìn bộ dạng của nó khác thế hả Mực? Bà Păn thoáng nhận ra cái lạ lùng. ‘Cái quần mặc ba năm nay, bên rách tới đầu gối, nó không thèm dùng sợi rơm buộc lên như hằng ngày, mà nó buông xõa xuống như cái áo mưa đang bay tà tà trong gió, che lấy tấm thân nhỏ bé là cái ống đồng gầy gộc xương khô ấy. Mỗi lúc bàn chân ấy nghỉ thì cái gấu quần lại hôn lấy hôn để cái bụi của con đường đất thế kỷ này.’
Rồi cái miệng già khô khốc nước bọt vì đói lại tự hỏi:
“Chẳng nhẽ nó bị dòng nước xiết, siết cả số tiền vừa bán ngô hay sao?”
Càng gần càng thấy rõ bộ dạnh thằng Ba lúc này, cái cổ nó như bị gãy treo cái đầu vô thức của nó xuống, chằm chằm nhìn xuống mặt đất, lê được tới cây nhãn cổ thụ cách cấy xi xanh độ mươi mét thì thằng Ba ngồi gục xuống hẳn, cằm nó vẫn ngoan ngoãn gác lên hai cái đầu gối ướt sũng. Nó nhìn không chớp mắt về phía cái ao mà ngày xưa ông Châu tự đào để nuôi cá, bây giờ trông như cái ruộng cạn nứt mà bao năm chưa được uống nước. Thằng Ba nghĩ bây gì nó chẳng khác gì tình cảnh cái ao đấy, trái tim nó bây giờ cũng đang vỡ vụ từng mảnh, đầy những rãnh sâu sắc cạnh cứa vào nó những nhát dao làm cho nó chưa bao giờ phải chịu đau đớn thế này.
Bà Păn cuối cùng cũng tiến sát được tới gần con trai mình, bà biết điều gì đó thực sự kinh hoàng vừa xảy ra với thằng con bé bỏng của bà.
Bà ân cần nói.
“Nếu mày có lỡ làm mất số tiền thì cũng không cần phải buồn như thế, tao không trách cũng chẳng mắng mày nửa câu.”
Thằng con với hai bàn tay run rẩy, vẫn còn dính nước mắt trên mu, thò vào túi lấy ra một bọc ni lông màu đỏ được gói cẩn thận đưa cho mẹ. Bà Păn mở gói ni lông ra thì thấy số tiền bán ngô vẫn còn nguyên. Bà hiểu đã có một mất mát gì khác lớn hơn rất nhiều số tiền cỏn con này, và thứ đó dường như đang như giết chết con trai bà trong đau đớn.
Dòng nước mắt mặc chảy, không để bà mẹ già chờ lâu, Ba ngước mắt lên rồi nói trong tiếng nấc dữ dội.
“ Cái , cái th.thu.thua.thua…n, cái thuận, nó sẽ lấy thằng Dần, nhà thằng Dần vừa cho người đưa lễ hỏi qua thưa chuyện rồi, đám cưới sẽ được tổ chức trong nay mai thôi. Con đứng ở chợ, con nhìn thấy rõ, đúng là thằng Dần nó đi qua chợ, rồi hắn còn khoe với cả cái chợ đấy rồi.”
Bà Păn nghe tới đó thì cây gậy chống lưng đang nằm trong tay bà bỗng nhiên rơi xuống đất và bà cũng lịm đi, bà mắc sẵn bệnh cơ tim nên những tin sốc như vừa rồi hoàn toàn có thể hạ gục bà bất cứ lúc nào. Thằng Ba bật dậy bế sốc mẹ vào giường nghỉ, nó gọi một câu, hai câu rồi ba câu, nó lay người bà trong lo lắng, nhưng không hề có mộ dấu hiệu gì cho thấy bà Păn sẽ tỉnh lại. Nó chạy hết tốc đi gọi người giúp đỡ, chỉ vài phút sau Ba cùng chú Đàn và cả bà thím vợ chú là bà Ngân chạy ngược lại nhà Ba thì lúc này một cảnh tượng khinh hoàng, máu cứ tuôn không ngừng từ miệng và mũi bà Păn. Ở cái đất rừng rú này không có cây cầu nào có thể kết nối với thế giới bên ngoài thì việc cứu bà Păn là không thể, có một sự thật là rất nhiều người đã từng chết ở cái làng này chỉ vì không được cấp cức kịp thời…
Vậy là một lúc hai nỗi đau, còn có ai trên thế giới này đau đớn hơn thằng Ba lúc này?
Ngày mai là ngày chôn bà Păn và nghe đâu người trong đám tang, xì xào cái tin là ngày mai cái Thuận cũng lên xe hoa. Nó sẽ chính thức làm dâu nhà ông Tư bà Mùng, cái Thuận sẽ làm vợ của thằng Dần đầu trọc. Suy nghĩ đó cứ như muốn đan lấy cái nỗi buồn chịu tang mẹ. Cả bầu trời là tấm màn khổng lồ u ám không lối thoát vây kín Ba.
Khi thắp nén nhang lên nấm mộ vừa đắp xong, quỳ gối ngẩng mặt lên trời Ba nói được một câu duy nhất và cũng là câu cuối cùng mà người ta còn nhớ được trước khi nó được đưa vào trại tâm thần.
“Liệu với tôi ngày mai mặt trời có còn mọc?…”
BÌNH LUẬN