Xóm đường rày

Nó về sống ở cái xóm này cũng đã 25 năm. Cha ông thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Ấy thế mà nó thấy sống ở cái xóm này tuy “đen” thật nhưng gần cũng chẳng sao. Xóm là xóm đường rày. Cái tên nghe có vẻ lạ và độc đáo vì gần xóm nó ở có đường ray xe lửa băng qua.

Cười hay khóc!
Đúng hay sai
Ký ức tuổi thơ

Cạnh nhà nó có anh Hiệp mà mọi người thường gọi là anh Hiệp Gà. Anh Hiệp sống với toàn thể đại gia đình toàn những người không có nghề ngỗng, chuyên đánh bài, đánh bạc. Chị dâu anh Hiệp Gà tên là Na. Chị là người thương chồng, thương con. Vậy nhưng chuyện chị bị chồng cho ăn tát, ăn chửi là thường xuyên. Cứ mỗi lần chồng đi bia ôm về là vợ chồng chị lại gây lộn. Thế là xóm nó lại rộn lên như loa phát thanh báo B52 rải thảm Hà Nội. Cả xóm đóng cửa lại và lên lầu ngóng xem chén, bát loảng xoảng. Rồi đến tiếng hét, tiếng đập cửa ầm ầm. Tiếp theo là tiếng chạy thình thịch và tiếng la thất thanh. Mọi việc sau đó trở nên quen thuộc. Công an phường xuống làm việc. Màn đêm ném cái tĩnh mịch vào không gian. Xóm làng lại trở nên yên bình.

            Sáng sớm, bà Tư bán phở bò đã dậy. Bà Tám bán sữa đậu nành cũng dậy theo. Đây là cặp bài trùng của xóm. Đã có Tư thì phải có Tám. Tư và Tám là mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi, chứ không phải “Được mùa lúc thì mất mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa”. Bà Tư bán phở thì bà Tám là người phụ giúp đem tô phở cho khách. Cứ khi khách nhận bát phở từ bá Tám thì bà Tám liền nở một nụ cười thân thiện “Anh (chị) có dùng thêm ly sữa đậu nành hay không?” Người khách khó lòng mà từ chối được nụ cười như vậy nên thường thì gọi thêm một ly sữa đậu nành. Và như thế nồi sữa đậu nành của bà Tám cũng vơi dần.

            Ông Sáu da nhăn nheo ngồi nhâm nhi một ly cà phê. Ông Sáu về trọ ở xóm này cũng đã nhiều năm. Ông không con, không cái. Nụ cười méo mó của tuổi già cõng trên tay một xấp vé số đầy ắp. Chuẩn bị lại đến một ngày lao động. Ông không đi đâu xa. Ông đi đến trường THPT Hưng Đạo ở đường Thích Quảng Đức và chọn cho mình một chỗ ngồi quen thuộc. Cứ thế một tay chống ba-toong và một tay cầm vé số mời khách. Trời nắng thì không sao, nhưng những lúc trời mưa nom ông thật tội. Đôi mắt già nua khẩn cầu về nơi xa lắm. Khách đi đường hờ hửng. Bàn tay run run trong giá lạnh. Cái lạnh của những cơn mưa Sài Gòn làm tê tái phận đời của một con người coi cái hẩm hiu là chân lý sống của chính mình.

            Bà Phương là người làm tư pháp. Bà là người đon đả, xởi lởi với mọi người. Ai mới gặp đều yêu quý bà. Mọi người đề cảm mến trước lối sống hòa nhã đó. Thế nhưng, quả là “sống trong chăn mới biết chăn có rận”. Bà Phương là người luôn vì lợi ích của mình trước tiên chứ không bao giờ vì mục đích chung. Bà về xóm này mà đã lừa mấy nhà bao nhiêu vố. Từ tiền đền bù của một số hộ xóm bên kia cho xóm bên này vì xây tường gây ảnh hưởng chung cho đến lừa những nhà hàng xóm xung quanh về xây dựng nhà. Kể cũng lạ! Tưởng lừa xong thì đường ai nấy đi nhưng sau đó ít lâu lại thấy bà đon đả như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

            Bà Hai là người theo đạo Phật. Bà bị chồng bỏ từ khi còn tuổi thanh xuân. Bà cứ ở vậy nuôi các người con nên người. Cứ sáng sớm là nghe bà tụng kinh. Tiếng kinh lên trầm xuống bổng như dòng đời mà bà đã trải. Trước đây bà bán bánh mì kẹp thịt. Nay già rồi, các anh, các chị đã có công ăn việc làm nên bà đã thảnh thơi. Giờ về già bà sống hiền lành, chan hòa, không gây sự với ai.

            Covid tới. Thực sự đây là một cơn bão mà xóm đường rày đã mong manh nay càng mong manh hơn. Chị Na sau một thời gian chịu đựng với chồng không nổi liền tự tử ở sông Sài Gòn. Ngày đưa tang chị, cả xóm không ai nói với nhau một lời. Mọi người đều thương cho chị sống nhầm kiếp. Chắc đó cũng là số phận. Không ai biết trước được. Khi mang thai người ta có thể biết trước được ngày sinh chứ khi mất thì không ai biết đâu mà lường. Mấy đứa con gái của chị từ đó cũng tan đàn xẻ nghé. Đứa đi lấy chồng biệt tích, biệt tăm không về thăm bố. Mà chắc gì nó đã thương bố khi bố nó làm cho mẹ nó như vậy! Đứa có hiếu thì muốn về cũng không dám về, vì về thì sợ giang hồ đòi mạng do nợ nần cờ bạc quá nhiều. Đứa lấy chồng thì ở với bố nhưng cũng không đi làm. Nó với chồng nó li dị cũng vì cờ bạc. Thân mình lo chưa nổi thì sao làm trọn chữ hiếu đây?

            Bà Tám đã bán nhà đi chỗ khác. Nhà của bà tuy nhỏ nhưng là nhà mặt đất nên bà bán được khoảng 1 tỉ rưỡi. Bà mua một căn hộ chung cư và sống với con gái nuôi của mình. Xóm đường rày giờ thêm những thành viên mới. Căn nhà bà Tám giờ được người khác mua và cho đôi vợ chồng trẻ thuê. Nhà bà Phương cũng cho người khác thuê. Những người xưa cũ giờ càng ngày càng vơi dần. Thằng Tí nhà bà Tư lập gia đình ra riêng. Chị Dương nhà bà Phương đi lấy chồng Hàn Quốc đã lâu không thấy liên lạc về.

            25 năm không phải là dài nhưng cũng không phải quá ngắn. Nhiều khi nó tự hỏi “Cuộc đời vô thường lắm sao?” Những người mình gặp giống như đi trên một chuyến xe. Xuống xe rồi liệu có còn gặp lại nhau? Không phải Trịnh Công Sơn viết “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” mà cuộc đời ai cũng vậy chứ đâu riêng gì người tình? Từng con người cứ lướt qua nhau như đoàn tàu vào ga cập bến rồi lại rời ga tiếp tục hành trình. Bạn đã tự bao giờ ôn lại kí ức của đời mình rằng hồi nhỏ mình học với ai, lớn lên yêu ai, trưởng thành lập gia đình với ai, về già sống với ai chưa? Dòng đời nhiều khi tôi nghĩ tựa như những cơn mưa tháng tám. Cứ mưa rồi tạnh rồi lại mưa. Mà Sài Gòn mùa này… mưa nhiều lắm!

Nguyễn Ngọc Giang, 07/08/2022

Địa chỉ email: nguyenngocgiang.net@gmail.com

Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN