Cái từ quê nhà nghe thân thương đến lạ, nhưng một khi đảo ngược lại nghe sao cả một nỗi tủi hờn chạy qua.
Ở thành phố, khát nước giữa đường đâu dám vào nhà hai bên đường để xin, ở quê, nếu khát, cứ ghé chân nhà nào đó ven đường, mình được người ta bưng ly nước lá ngọt lịm, thơm thơm mùi khói, được người chị, người được mẹ ấy phe phẩy cái nón rồi đon đả “đi đâu mà khát thế con”. Người quê thiếu thốn tiền của nhưng tình cảm không bao giờ thiếu cả với những người xa lạ.
Một lần, mình đem ba đi khám ở bênh viện trung ương, hai cha con có phần xộc xệch vì đường xa, cái vẻ nhà quê có xóa cũng không thể hết. Ngồi chờ tới lượt khá lâu, chợt thấy cái cảnh hai vợ chồng nhà nọ còn thảm hơn. Chiếc dép dưới chân người vợ đứt quai, bàn tay nhăn nheo chai sạn, nỗi đau in hằn trên gương mặt khắc khổ đen đúa, thấy rõ là người ở quê lên. Khi người vợ dìu chồng ngồi xuống, mình trông thấy cái bà mặc váy, nước hoa thơm phức bên cạnh nhích nhẹ phần mông lùi ra xa, quay mặt đi chỗ khác, rồi bĩu môi cứ như tránh né điều gì ghê gớm lắm. Tự nhiên thấy sống mũi cay cay. Ba bảo, cái bà ấy, về tra gia phả ba đời, lẽ nào không có một hai ông bà cố xuất phát từ thành phần bần nông mà cư xử thế kia. Bàn tay đen sạm, móng tay vàng khè, thì bởi hơi bùn hơi đất bám riết qua bao thế hệ lấy đâu ra mà thơm với trắng.
Ngẫm mà buồn, bao rau củ, gà vịt người phố ăn cũng từ những mảnh vườn ở quê lên đó thôi. Cũng bởi tay bùn tay lấm của người quê mà có, rồi còn tất tả gồng gánh ra phố bán cho kịp buổi chợ mai. Thời đại đổi khác, nhà phố bây giờ cũng có người trồng rau đảm bảo vệ sinh nhưng dẫu gì ăn bữa rau ở quê cũng ngon cho tới ngày mai.
Hình như, cái gì không tân tiến, hơp thời đổ là nhà quê. Cái gì chậm tiến chậm đổi mới cũng là nhà quê . Thậm chí đôi lúc lắm thứ bân bẩn xâu xấu cũng bị gắn mắc là quê mùa.
Người nhà quê chẳng thể gọi đúng tên một căn bệnh, một loại nước uống có tên nước ngoài nhưng khách khứa, con cháu ở xa về, thể nào cũng được thưởng thức những món ngon nhất, gà vịt nuôi bao nhiều, mang hết ra mà thiết đãi. Lòng dạ chân thực đôi khi thẳng thừng chẳng cần ý tứ.
Một bữa vũ trường của anh trên thành phố bằng công sức ba mẹ làm cả năm, một bữa nhậu, một bữa karaoke bằng cả nhà tảo tần suốt mấy tháng. Thế mà đến lúc học xong thành tài, lắm anh về quê rồi chê bai người quê mình này nọ.
Cái gì cũng có thể mất đi, riêng tình quê, hồn quê xin hãy níu giữ. Nếu quá khó cho cuộc mưu sinh thì hãy cất giấu nó thôi, chứ xin đừng vứt bỏ.
BÌNH LUẬN