Thầy ơi, em yêu anh

Vừa xong việc, tôi vội vàng chạy đến nhà thờ giáo xứ gần chỗ làm để tham dự thánh lễ chiều thứ bảy thay cho thánh lễ Chúa Nhật, vì ngày mai tôi phải đi công tác từ sáng sớm. Tôi thầm nghĩ, nếu biết tôi theo đạo và ngoan đạo thế này, chắc Sơn sẽ vui lắm. Tôi mỉm cười khi bước vào nhà thờ, nhưng khi thấy thấp thoáng một bóng dáng cao gầy quen thuộc đang đứng gần cung thánh, bỗng nhiên toàn thân bắt đầu lạnh toát. Ngơ ngẩn đứng nhìn kĩ hơn, tôi xác định đó chính là người mà tôi đã cố công tìm kiếm và chờ đợi suốt ba năm qua. Tôi bàng hoàng choáng váng. Trời đất xung quanh tôi quay cuồng, tối mịt. Không lẽ những điều bạn bè nói về Sơn là đúng sao? Sơn thực sự đi tu? Và tôi không còn hy vọng nào nữa sao? Sự chờ đợi và trông ngóng của tôi trở nên vô nghĩa và vô ích? Tôi như chết lặng, quờ quạng đi đến chỗ ngồi gần đó, cố lấy lại bình tĩnh…

Chuyện lạ có thật về một con người
Hồng vệ binh: Hung bạo, tàn ác
Trùm giang hồ Thảo “lụi” là ai?
Thấy dáng vẻ liêu xiêu, mặt mày tái mét của tôi, chị ngồi kế bên quay sang hỏi nhỏ: “Em có sao không?”. Tôi hít thở sâu, nhún vai trả lời: “Cám ơn chị, em không sao!”. Tôi đứng, ngồi, quỳ, thưa đáp trong thánh lễ hôm đó như người mất hồn, đầu óc miên man suy nghĩ một cách vô định. Thì ra, một trong những thầy dòng sẽ về giúp xứ mà cha xứ thông báo tuần trước chính là Sơn.

Bảy năm trước, tôi và Sơn học chung lớp ở trường đại học. Thấy Sơn hiền lành, tinh tế, nhẹ nhàng từ cách ăn nói cho đến lối cư xử, tôi quý mến Sơn dễ dàng và tự nhiên. Tuy ban đầu vẫn còn e ngại, nhưng dần dần sau một thời gian học chung, làm việc nhóm, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau và trở thành bạn bè thân thiết.

Ban đầu, câu chuyện giữa chúng tôi chủ yếu là việc học hành và chuyện về quê hương của mỗi đứa. Tôi đến từ miền Tây sông nước, còn Sơn đến từ miền Trung xa xôi, hai miền đất xa nhau với nhiều đặc trưng khác nhau đem lại cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên thú vị. Về sau, chúng tôi hàn huyên tâm sự về đủ mọi chuyện trên đời. Sơn là người không có khiếu ăn nói, nhưng lại biết lắng nghe với sự thấu cảm sâu sắc. Những lúc phiền muộn, tôi luôn tìm đến Sơn để nói lên hết những tâm sự, những buồn bực của mình. Chính thái độ lắng nghe đầy thông cảm của Sơn an ủi tôi và làm cho nỗi buồn của tôi vơi đi rất nhiều. Tôi rất trân trọng điều đó.
Khi đã thân thiết hơn, mặc dù biết tôi không phải là người Công giáo, Sơn vẫn thường rủ tôi đi lễ nhà thờ. Lúc đầu vì tò mò mà tôi đi, nhưng về sau, mỗi khi đến nhà thờ như vậy, tôi cảm thấy một sự nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên. Tôi thích nhìn Sơn nghiêm trang làm dấu Thánh giá, mắt lim dim thầm thì những lời kinh, cảnh tượng đó làm cho tôi vui vui. Sơn đặc biệt yêu quý Đức Mẹ, nên luôn dành thời gian để đứng trước các tượng Đức Mẹ với một thái độ đầy hiếu kính và thành khẩn. Sơn còn hay giải thích cho tôi về đạo Công giáo, nhờ vậy, tôi không còn hiểu sai về đạo nữa. Đôi khi chúng tôi đến nhà thờ ngoài các giờ lễ, chỉ để nói chuyện với nhau. Có những lúc, đặc biệt khi có chuyện buồn hay căng thẳng vì học hành, chính tôi lại rủ Sơn đi nhà thờ.
Theo thời gian, tôi nhận thấy tình cảm Sơn dành cho tôi không dừng lại ở tình bạn thuần tuý, nhưng bởi vì Sơn rụt rè, e ngại nên tình cảm ấy được thể hiện qua sự quan tâm đặc biệt, cho dù giản dị, thầm lặng, tinh tế nhưng rất thực tâm và chân thành. Tuy Sơn không nói, nhưng tôi vẫn nhận ra Sơn yêu tôi. Tôi cũng rất quý mến Sơn, nhưng tình cảm tôi dành cho Sơn không phải tình yêu. Đối với tôi lúc đó, tình yêu phải là một điều gì đó độc đáo hơn, mãnh liệt hơn, nhiều cảm xúc dâng trào hơn. Trong khi tôi với Sơn chỉ trải qua những ngày tháng êm đềm, nhẹ nhàng, bình dị, đều đặn. Tôi vẫn còn mộng tưởng và trông chờ một tình yêu theo những gì tôi tự nghĩ ra, tôi đọc trong truyện hay xem trên phim ảnh. Với lại lúc đó tôi vẫn còn ham chơi, vẫn muốn tự do để tiếp tục học hành và đầu tư cho sự nghiệp tương lai.
Khoảng một tháng trước khi ra trường, có lần Sơn hỏi tôi sau một hồi lâu đắn đo suy nghĩ: “Uyên có muốn theo đạo không?”. Tôi mỉm cười: “Để làm gì?”. Thay vì trả lời, Sơn lại hỏi tiếp: “Nếu yêu người có đạo, Uyên sẽ theo đạo để làm đám cưới với người đó chứ?”. Tôi trả lời thẳng thắn: “Hai việc đó khác nhau mà, không thể theo đạo chỉ để lấy chồng”. Im lặng một lúc, tôi lại nói thêm: “Nhưng Uyên sẽ không yêu người có đạo đâu, rắc rối lắm!”. Sơn nói thật khẽ: “Sơn biết rồi”. Sau đó là tiếng thở dài, Sơn gượng cười rồi tiếp tục im lặng. Trong tháng cuối cùng ấy, Sơn không còn vui vẻ nữa, thay vào đó là khuôn mặt đăm chiêu như đang dự tính điều gì đó quan trọng. Tôi cảm thấy áy náy về việc này, nhưng không biết làm sao.
Trước ngày tốt nghiệp, Sơn hẹn gặp tôi trong một quán nước quen thuộc gần trường. Không khí giữa chúng tôi vẫn trầm lặng, nặng nề như nghẹt thở. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm trong bầu khí này, tôi cũng không biết nói gì. Để phá tan bầu khí tĩnh mịch ấy, Sơn hỏi tôi một điều mà Sơn đã biết: “Uyên được giữ lại trường làm trợ giảng và học tiếp lên thạc sĩ phải không?”- “Đúng rồi, còn Sơn có dự định gì?”, tôi hỏi lại. Sơn không nói, ánh mắt nhìn xa xăm, tôi nhẫn nại chờ đợi câu trả lời. Một lát sau Sơn thở dài rồi nói: “Sơn có một chương trình riêng, sẽ đi xa, nhưng không biết tới đâu, nên Sơn không dám nói trước”. Rồi Sơn đưa cho tôi một phong thư mỏng, bảo tôi: “Sau khi tốt nghiệp, Uyên mới được mở ra đọc nha! Uyên hứa nha!”. Tôi đưa tay cầm và trả lời: “Ừm, Uyên hứa!”.
Chờ cho đến buổi tối của ngày tốt nghiệp, tôi mới mở phong thư Sơn trao như đã hứa. Trong đó, một mảnh giấy nhỏ được ghi bằng nét chữ nắn nót cẩn thận, cứng rắn, vỏn vẹn một câu: “Uyên! Anh yêu em!”. Tôi không ngạc nhiên về điều đó, vì tôi đã nhận ra tình ý của Sơn trong thời gian gần đây. Và rồi tôi không thể liên lạc với Sơn được nữa. Tôi nghĩ Sơn đi xa để thực hiện ước mơ của mình, còn tôi thì lao vào việc học tiếp lên thạc sĩ cũng như bắt đầu làm việc tại trường. Tôi bước sang chặng đường đời mới mà không có Sơn bên cạnh.
* * *
Sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy lòng mình trống trải do thiếu vắng Sơn. Lúc đầu chỉ là một cảm giác hụt hẫng, nhưng dần dần khoảng trống Sơn để lại cứ lớn lên không ngừng. Những giây phút ở bên Sơn, những gì Sơn dành cho tôi trước đây tôi xem là bình thường, thì giờ đây lại là điều tôi cảm thấy quý giá vô cùng khiến tôi mong mỏi, khát khao. Tôi hẹn hò với một vài bạn nam, dù thực sự cố gắng nhưng chúng tôi không thể nào tiến xa hơn. Những gì đã trải qua với Sơn khiến tôi luôn đưa Sơn ra để so sánh. Và thật là đáng tiếc, không ai có thể so sánh với Sơn từ sự tinh tế trong cư xử, tính cách hiền hoà, hay sự thấu cảm sâu sắc…
Những lúc buồn phiền, mệt mỏi, tôi càng mong muốn có Sơn hơn bao giờ hết. Tôi quay quắt tiếc nuối và nhớ thương Sơn da diết. Hình bóng Sơn luôn ở trong tâm trí tôi. Tôi đi tìm Sơn trong vô vọng nơi những con đường chúng tôi hay đi, những công viên, nhà sách, quán nước và đặc biệt là những nhà thờ mà tôi và Sơn thường đến. Nhưng tôi thấy rất lạ, mỗi khi ngồi trong nhà thờ hay trước tượng Đức Mẹ, tôi cảm thấy yên bình và như được an ủi rất nhiều. Và khi rời nhà thờ, tôi cảm thấy lòng nguôi ngoai hơn, nhẹ nhàng hơn, do đó tôi thường xuyên đến nhà thờ hơn.
Năm ngoái, thấy bảng thông báo mở lớp giáo lý dự tòng ở nhà thờ Kỳ Đồng, tôi ghi danh tham gia. Lúc đó, tôi muốn học để giết thời gian và cũng để tìm kiếm Sơn một cách nào đó, chứ tôi chưa có ý định theo đạo. Trước đây, được Sơn giải thích về đạo khá nhiều, nên tôi đã nắm bắt những điều giáo lý căn bản. Các cha và các giảng viên ở lớp giáo lý dự tòng đánh giá cao những hiểu biết sẵn có của tôi. Trong lớp học, tôi còn được hướng dẫn cầu nguyện một cách sâu sắc hơn, đức tin của tôi được khơi gợi và phát triển. Tôi gặp được Chúa, được sự nâng đỡ ủi an của Mẹ Maria. Sau khi được rửa tội, tôi tiếp tục tăng trưởng trong đời sống đức tin.
Dù không còn quay quắt đau đớn và dằn vặt, tôi vẫn luôn đợi trông Sơn, mong Sơn trở lại. Tôi không ngừng cầu nguyện về điều này. Tôi tiếp tục dò la tin tức về Sơn qua các bạn bè. Nhưng ngay cả những bạn thân nhất của Sơn cũng chỉ biết loáng thoáng là Sơn đi tu. Bạn khác thì biết Sơn ở Nha Trang. Tôi thầm cầu mong những điều đó là không đúng.
* * *
Và hôm nay tôi tình cờ nhìn thấy Sơn trong chiếc áo chùng thâm, lòng tôi bối rối khôn tả. Lúc này tôi phải làm gì đây? Đến gặp Sơn và thổ lộ hết tình cảm của mình? Nhưng như vậy để làm gì? Tôi yêu Sơn thật đó, nhưng không phải vì thế mà tôi ích kỉ muốn Sơn bỏ áo dòng để cưới tôi. Và liệu rằng Sơn còn yêu tôi không? Còn nếu lặng lẽ bỏ đi thì tôi không đành lòng, tôi đã chờ đợi quá lâu. Tôi vẫn cứ miên man suy nghĩ như vậy cho đến khi đi lên rước lễ.
Tôi tìm kiếm và đi đến chỗ Sơn đang trao Mình Thánh Chúa, hồi hộp chờ đợi, bàn tay ướt đẫm, hơi thở gấp, tim đập thình thịch như muốn vỡ tung cả lồng ngực. Tôi chờ cho đến khi biết chắc rằng không còn ai lên rước lễ nữa, tôi mới đứng vào hàng để làm người cuối cùng bước lên. Đứng trước Sơn, cố giữ bình tĩnh, tỏ ra mạnh mẽ, tôi ngước mắt nhìn thẳng vào Sơn. Sơn giật mình khi nhìn thấy tôi, khựng lại, dừng tay đang cầm Mình Thánh Chúa. Thấy nét mặt vui nhưng đầy vẻ ngạc nhiên của Sơn, tôi nói thầm nhưng cũng rõ tiếng đủ nghe: “Sơn! Em yêu anh!” Sơn nhíu mày tỏ vẻ bối rối. Tôi quay người bước đi như không có chuyện gì xảy ra.
Về lại chỗ ngồi, tôi mất hết kiểm soát, như quả bóng được bơm căng, nay bị tác động bởi một vật nhọn, nên nó bùng nổ. Nước mắt chảy dài, thấy mình không thể chịu đựng thêm được nữa, tôi vội vàng ra khỏi nhà thờ, dẫn xe ra, nổ máy chạy đi, mà không biết đi đâu. Tôi cảm thấy mình đang trốn chạy. Tôi tự hỏi liệu rằng tôi có thể trốn chạy cả đời sao? Có chắc rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại Sơn như hôm nay? Tôi biết tôi có thể gặp lại Sơn, và thực sự tôi rất muốn gặp Sơn. Tôi sẽ gặp Sơn, nhưng không phải lúc này.

BÌNH LUẬN