Tết đoan ngọ

Nhớ năm ấy trời mới tờ mờ sáng, mọi thứ xung quanh đã không còn im ắng. Các âm thanh của cuộc sống bắt đầu rộ lên, rộ lên một cách n

Bóng cò chiều
Lặng lẽ ô cửa thiền
Tình sử bông cỏ may
Nhớ năm ấy trời mới tờ mờ sáng, mọi thứ xung quanh đã không còn im ắng. Các âm thanh của cuộc sống bắt đầu rộ lên, rộ lên một cách nhịp nhàng để đón chào một ngày mới bắt đầu hiện rõ. Tiếng gà gáy từ nhiều phía liên tiếp chồng lên nhau. Từ bụi chuối sau hè, giàn mướp bên hông, bờ tre và cây rơm trước ngõ, cả trong nhà kho cái chuồng gà của má. Ò ó o giục giã gọi người thức dậy, người đi chợ sớm, người vác cuốc ra đồng. Tôi cũng bị đánh thức bởi những thứ tiếng quê. Trong lim dim mơ hồ có giọng nói của má, tiếng lục đục nồi xoong kêu lẻng xẻng. Dưới bếp lửa tiếng nổ lép bép từ những chiếc củi khô. Tôi thức dậy cái miệng ngáp ngáp, còn ngái ngủ. Nhìn xung quanh thấy trời chưa sáng hẳn, dáng má cặm cụi dưới bếp đã từ hồi nào rồi. Anh hai ngủ say sưa, tay gối đầu cái miệng nở nụ cười hí hửng, chắc là trong giấc mơ có điều gì đó thật tươi đẹp. Tôi lấy tay dụi mắt bước ra khỏi giường, đứng tần ngần nhìn má bên bếp lửa cháy đỏ.
“Dậy rồi đó hả. Sao không ngủ thêm lát nữa, trời còn sớm lắm”.
Má nói, rồi chìa tay lấy những que củi chụm liên tiếp vào, lửa cháy thêm cao tiếng nổ nghe lụp bụp.
“Má đang nấu cái gì vậy”? – Tôi hỏi với cái miệng ngáp ngắn đến ngáp dài.
“Má nấu xôi với chè”.
“Sao hôm nay tự nhiên má lại nấu xôi, nấu chè”?
“Vì hôm nay là mùng năm tháng năm, nấu để cúng lúc giờ ngọ”.
“Ủa! Hôm nay là mùng năm tháng năm sao.? – Tôi giật mình, người tỉnh táo hẳn”.
“Phải. Lát nữa con đi ra chợ xay bột dùm má để về đổ bánh xèo”.
Như hàng năm mỗi lần tới tết đoan ngọ, tôi thường được giao nhiệm vụ đi xay bột, rồi ghé mua một ít hoa quả như theo lời đã dặn, năm nay cũng không ngoại lệ. Trưa cúng xong mấy anh em cùng chia đồ nhau ăn. Anh hai thích nhất cái món xôi chè, ăn mà chẳng biết ngán có thể thay thế cơm hàng ngày! Anh đã từng nói «ước gì ngày nào cũng được ăn, ngày nào cũng là tết đoan ngọ, để có được món này thì sướng nhất trần đời» . Anh ba thì chẳng có gì ngoài cái đùi gà mập mạp, chẳng cần chấm muối tiêu chanh, cứ đưa lên miệng cắn xé ngấu nghiến mà vui cười tít mắt. Riêng tôi khoái khẩu bánh xèo được làm ra từ chính đôi bàn tay của má. Cho rau vào bát, lấy chiếc bánh đặt lên rưới chút nước mắm trộn đều ăn ngon lành. Cứ như thế mà niềm đến vui rộn ràng, tiếng cười vang vội dưới mái nhà liêu xiêu. Chúng tôi được ăn ngon trong mỗi độ tết đoan ngọ.
Tôi nhớ có một lần đứng sau lưng, coi má đổ bánh xèo. Đôi tay linh hoạt theo từng động tác như thợ nấu chuyên nghiệp. Má xoa dầu lên trên bề mặt chảo, đổ bột trán đều theo hình vòng tròn. Múc chút thịt bằm, trộn sẵn những con tép khô, cho vào giữa bánh rồi dùng nắp đậy lại. Mở nắp ra lấy chiếc bánh ươm vừa mới hoàn thành đặt vào chiếc mâm đã lót sẵn lá chuối. Chiếc bánh xếp lại còn bốc khói nóng hổi, màu tươi rói trông thơm giòn đẹp mắt, tôi thấy trong miệng nổi bùng lên sự thèm thuồng như đói từ rất lâu. Lấy tay xé một miếng, bị má bắt gặp mắng một trận tơi bời.
“Những cái gì cúng tổ tiên thì không được ăn vụng. Có đói cỡ nào cũng phải đợi cúng xong”.
Má lấy cây đũa bếp chỉ về phía tôi. Tôi nói khéo để tránh bị mắng bằng một câu hỏi mà vốn dĩ trước đây tôi chưa từng được biết:
“Vì sao lại có ngày tết đoan ngọ vậy má”?
Má khẽ cười nhìn tôi rồi âu yếm mà hỏi:
“Có thấy bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp như năm trước không”?
“Dạ thấy. Nhưng tại sao lại có những thứ này”?
“Để lát nữa nhà mình ăn nhằm giết sâu bọ”.
“Sâu bọ, sâu bọ ở đâu mà giết. Thật vô lý, ăn những thứ này thì có dính líu gì”?
“À cái này có liên quan đến một câu chuyện! Lại đây má kể cho nghe «Từ thuở xa xưa, người nông dân trồng cây luôn bị sâu lũ bọ phá hoại mùa màng. Không biết làm cách nào để tiêu diệt được chúng! Rồi ở đâu xuất hiện một ông già có tên là Đôi Truân. Ông dạy cho người dân biết cách để loại trừ sâu bọ. Vì thế cứ mỗi năm cứ đến ngày này là phải cúng nhằm tạ ơn ông đã giúp người nông dân có mùa màng êm ấm. Đó là chuyện dân gian má cũng được bà ngoại kể lại thôi».
“Chỉ có vậy thôi hả má”?
“Phải chỉ có thế thôi. Nhưng phải cúng vì đây là truyền thống đã có từ xa xưa”.
“Vậy tết đoan ngọ năm sau má làm bánh xèo cho con ăn nữa nghen”.
“Ừ, ráng học giỏi đi, rồi năm sau sẽ làm”.
Vừa dứt lời, tôi chạy lon ton lên xóm trên để chơi cùng chúng bạn. Cũng từ đó tôi biết vì sao lại có ngày gọi là tết đoan ngọ. Thật thú vị từ câu chuyện má kể. Tôi thường lấy nó kể cho lũ bạn, từ đầu trên xóm dưới chúng nghe thật khoái chí. Có đứa hỏi “vì sao mày lại biết” tôi cười khà khà rồi tự nâng mình lên. Những ai không tin tôi cứ bảo “cứ về nhà mà hỏi ba má mày xem có đúng như lời tao nói không” rồi đi đâu cũng tự hào với câu chuyện má kể. Ngày ấy cứ như là giấc mơ, những giấc mơ muôn màu ngập tràn trong tâm trí… Có muôn thứ để làm người ta hồi tưởng gợi nhớ lại, nhưng chẳng nhớ gì ngoài nhớ tết đoan ngọ. Năm tháng cứ thế nó lặng lẽ trôi ký ức nó giống như lọ than cứ bám đen dưới đáy nồi. Tôi nhảy xuống dòng thời gian bơi ngược lại quá khứ! Ôi chạnh lòng, đôi mắt thơ cay xòe. Tâm hồn tôi là mái nhà tranh khói tỏa với dáng má bên bếp lửa ấm nồng. Những giấc mơ còn đọng mùi củi cháy.
Tuổi thơ đã đi qua những ký ức còn ở lại. Nhớ mãi một miền quê thanh bình, nơi í ới tiếng gọi trong giấc ngủ chân phương. Nơi phủ trắng ảo trong những làn khói chiều, bình minh đến sương trùm lên xóm nhỏ. Tôi thấy rõ ràng hình bóng dáng quê hương. Cứ mỗi năm tới tết đoan ngọ lòng xao xuyến bồi hồi! Nỗi nhớ của người tha phương ngập tràn miền đất lạ. Nhớ má cặm cụi bên bếp lửa với món bánh xèo vị ngon còn ở đây. Nhớ mái nhà tranh xiêu thoang thoảng khói lam chiều đã ướp tuổi thơ nồng nặc suốt 23 năm ròng rã. Khói ấy đã loang vào ký ức rồi dội lên đôi mắt, cứ vào tết đoan ngọ rưng rưng nỗi nhớ má. Má đã không còn! Má hóa thành khói bếp, bay vào miền tuổi thơ riêng con. Ngày tết đoan ngọ – cũng là ngày giỗ của má. Má là màu thời gian, tô đậm nét hoài niệm những tết đoan ngọ xưa. Nay đã tết đoan ngọ rồi, chẳng còn hương vị bánh xèo những ngày xưa thân ái. Dù biết, bây giờ nó được bày bán khắp mọi nơi, vẫn màu vàng, vẫn nước mắm, rau xanh, nhưng vị từ đôi bàn tay má lại ngon hơn tất cả có trên cuộc đời này.
Sáng nay tôi thức dậy thật sớm để nhặt chút dư âm tuổi thơ mình rớt lại trên mấy ngõ thời gian. Ghé qua cái chợ nhỏ, thấy người quá thưa thớt! Không như tết đoan ngọ xưa, các sạp hàng nối liền nhau rất nhộn nhịp nhịp huyên náo, tiếng rao réo rắt mời gọi, ồn ào mang âm hưởng của chợ, trộn lẫn vào cuộc sống thấy vui tai, dòng trôi cuộc đời đang âm thầm chảy. Nơi bán hoa quả, nếp bột, gà, vịt, nhiều hơn ngày thường để phục vụ cho việc mua sắm nhân ngày tết đoan ngọ. Bây giờ thật khác xưa, biết tìm đâu cái ngày ấy để mường tượng nhớ nhung, ôm ghì vào lòng, hôn lên thắm thiết khi soi mình trong tấm gương ấu thơ. Với tôi tết đoan ngọ không những là nét phong tục tập quán bắt buộc mỗi năm phải có, mà nó còn gợi nhớ miên man về những ngày xa vắng bên mái nhà tranh nổi bật cái dáng má dưới bếp lửa cháy hồng. Như một thước phim chậm lặp đi lặp lại chỉ phân cảnh duy nhất, làm người xem khó quên. Đứng trước di ảnh khói hương nghi ngút nhớ đủ thứ chuyện xưa! Dòng đời vẫn trôi, mỗi năm tiếp đến tết đoan ngọ lại về! Tôi thấy mình ngược dòng neo ở bến quá khứ! Tất cả diễn ra rất nóng hổi như mới vừa hôm qua! Như bên bếp lửa nghe má kể đủ thứ chuyện rồi tay chống cằm hình dung ra hoàn cảnh bên trong với đôi mắt ngây ngô. Những lần như thế, tôi lại quen miệng gọi với mấy cụm từ:“má ơi” – “rồi sao nữa, tiếp đến là gì?” – “đã chín chưa?”. Tôi giật mình trở lại thực tế, nói rất thầm lặng lẽ! Má còn đâu mà trả lời.
Tác giả:Quang Nguyễn
Truyện mới hơn
Truyện cũ hơn

BÌNH LUẬN