Lặng lẽ ô cửa thiền

Mùa thu lại về! Con sông gợn đều như tiếng thở. Mặt nước yên bình, không nổi

Tết đoan ngọ
Tình sử bông cỏ may
Bóng cò chiều
Mùa thu lại về! Con sông gợn đều như tiếng thở. Mặt nước yên bình, không nổi sóng dữ dội thét gào một nỗi niềm chênh chao. Dìu dịu khẽ khàng trôi theo thời gian xuôi về miền cửa lớn. Bông lục bình tím cũng muốn du lịch trên khắp vùng đó đây. Em có hẹn với mùa thu không? Sao ngủ quên ô cửa chẳng nhớ mở. Thôi thức dậy, đón gió thu hôn mái tóc xõa, để bay nhè nhẹ thả hương bỏ vào những tâm hồn say mê. Nghe hàng cây rung lá đổ, tiếng chim vừa mới rụng! Đoản ca tiếng đời bật lên làm tần sóng dắt em vào mơ hoang. Em không dậy, để hướng mắt vào xem mùa thu trở mình dưới cây bàng lặng lẽ. Bóng sân lá ngập chẳng quét như năm trước những buổi sớm anh qua. Cảnh mùa thu luôn làm người ta mường tượng thả hồn bay bổng, cảm xúc đi hoang như gió đìu hiu gạ hôn vào vòm lá xào xạc. Chút ngượng ngùng duyên dáng lồ lộ qua khe hở thời gian. Tôi ví mùa thu như con gái đang ngái ngủ trong một buổi sáng sớm. Thức dậy soi gương chải tóc, diện áo quần đón chào ngày mới lên! Ra với đời hòa mình vào cuộc sống trôi đi khắp ngả đường xuôi ngược! Nét duyên ấy không còn riêng tư trong căn phòng với ô cửa khép kín! Như mùa thu đang về hiện diện cho những tâm hồn thưởng thức sự man mác hiền ngoan.
Những nắng mưa vội vã nối tiếp nhau đi qua. Ướt rồi lại khô, dấu vằn vện trên lưng tường làm rêu phong trầm tích minh chứng cho sự thời gian đã tháo chạy, lột đi vẻ đẹp chỉ còn lại sự cũ kỹ hiện diện nét hoài niệm về một thời đã xa. Ngôi chùa nhỏ cổ kính bên kia sông lẫn vào hàng cây cao, mỗi mùa thu lá bay tiếng chim chẳng sót giờ kinh nào. Chẳng biết cái chùa đã có từ bao giờ tọa lạc nơi vắng vẻ hoang vu. Tách biệt với cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp của dòng chảy thời gian. Chùa như một thế giới riêng tư đầy tĩnh lặng, sự trang nghiêm từ ngoài cổng đến chánh điện, hiện lên nét mặt của một vị sư già. Bên ngoài mảng rêu phong bám tận nền, mái ngói đỏ au xa xa ẩn hiện dưới những tàng cây xanh. Chùa có một trụ trì và bốn chú tiểu cùng nhau sống tu tập! Nơi này hiếm có người tới lui lễ Phật! Dù các ngày lễ, rằm, cũng chả có mấy ai. Tôi tình cờ đến trong một đêm mưa gió bão bùng thành vị khách lạ lỡ đường dừng chân trú mưa dưới mái hiên chánh điện. Sư thầy già cầm ngọn đèn đi ra nhìn tôi ướt sũng từ trên xuống dưới, không dè dặt nói ngay.
– Vào trong nhanh lên! Kẻo lạnh rồi mắc bệnh.
Tôi đứng e ngại nhìn sư, nhìn xuống cái bộ dạng ướt như chuột, rồi nhìn vào chánh điện. Sư hiểu ra ngay.
– Không sao, cứ vào! Nền ướt và sức khỏe con người thì cái nào mới thực sự quan trọng hơn.
Theo sư vào trong chánh điện, nơi này thật ấm áp. Sư bảo chú tiểu đi vào lấy bộ đồ lam cho thay, rồi tiến hành bước xuống bếp nấu nước pha trà. Bộ đồ rộng thùng thình quá khổ so với tướng tá bé nhỏ. Chú tiểu nhìn tôi qua bộ dạng không vừa vặn chẳng giống ai, nhe răng cười làm những chú tiểu khác cũng ra chiêm ngưỡng nét khôi hài lập dị. Vị sư già đi lên, các chú tiểu ngay lập tức trở lại vị trí nằm ngủ như mới lúc ban đầu. Sư mời tôi ngồi, rót nước vào cốc, ôn tồn nói.
– Uống đi cho ấm. Nếu mưa không dứt thì cứ qua đêm tại đây, sáng mai hãy về.
Tôi đón nhận cốc trà nóng hổi, ậm ừ nói cảm ơn. Sư không hỏi nhiều, cũng không cần bận tâm nguyên nhân vì sao lại ghé chùa trú mưa. Có lẽ hiểu rằng, quanh đây chẳng có căn nhà nào cho tôi trú tạm. Nhưng chắc hẳn sư sẽ không biết tôi từ đâu đi ngang đây, nhà cửa ở nơi nào, tên gì, bao nhiêu tuổi. Hoàn toàn không đề cập tới, chỉ im lặng nhìn chằm chằm vào khoảng không, tay cầm chuỗi hạt như đếm từng viên. Ngoài trời còn mưa, mỗi cái chớp nháy của tia sét, gương mặt bình tâm ấy hiện rõ chỉ trong chốc lát, nhưng nó đủ thể hiện cái đức độ của người mang giáo lý nhà Phật. Để xua tan cái không gian buồn bã! Tôi dè dặt hỏi sư.
– Thưa sư! Con không biết sư năm nay đã được bao nhiêu tuổi.?
– Tôi đã 83. Xuất gia năm 13 tuổi. Anh có đói bụng không? Để gọi chú tiểu xuống bếp lấy cơm. Chỉ còn một ít rau và chao, phiền anh ăn tạm. – Bây giờ sư mới nhìn sang.
– Thưa sư, con không đói.
– Cơn mưa này có lẽ sẽ tới sáng! Anh cứ ngủ lại đây. Chùa thì cũng như nhà, xin anh chớ có ngại mà mất đi tự nhiên.
– Thưa sư! Nhà con ở xóm dưới cầu bên sông, chưa bao giờ đi chùa chiền. Đây là ngôi chùa lần đầu tiên trong cuộc đời con được hân hạnh đặt chân tới.
Sư chỉ im lặng rồi cười nhẹ. Đọc suy nghĩ của thầy rằng: có lẽ người đang nghĩ tôi là tín đồ của một tôn giáo khác. Nếu đúng vậy thì sư đã sai, tôi đích thực thuộc đạo Phật. Tuy nhiên người vẫn không nói thêm gì. Tôi nhìn ra bên ngoài cơn mưa thêm nặng hạt, tiếng gầm từ xa lắc nháy đỏ bầu trời rồi đùng đùng chát chúa, bỗng giật mình. Sư nhìn tôi rồi nói.
– Anh là người thuộc tín ngưỡng tôn giáo nào?
Đấy! Biết ngay. Thì ra suy nghĩ của người tu hành cũng không có gì cao siêu lắm, tôi đã bước vào cõi riêng của thầy như bao nhiêu người khác một cách rất tâm lý thông thường.
– Thưa sư! Con là người đạo Phật.
Người nhẹ nhàng gật đầu. Tôi tiếp tục dò thám suy nghĩ “có lẽ thầy đang trách tại sao thuộc tôn giáo Phật mà chưa từng đi chùa”. Nhưng khi nghe câu nói của sư, giật mình nhìn nhận: chính thầy mới là người nhìn thấu tâm lý của tôi.
– Đi chùa mà trong tâm không có Phật thì đi chùa để làm gì? Hãy làm việc có lợi cho cuộc đời sẽ thấy ý nghĩa hơn. Thời giờ luôn là thứ quý giá mà con người đang lãng phí với những điều vô bổ. Nó như một công cụ giết chết thời gian đầy phí phạm mà kết quả thu về chỉ đúng bằng con số 0.
Thật quá đỗi ngạc nhiên! Không tin vào tai mình khi nghe những lời ấy lại phát ra từ một nhà tu hành. Chẳng phải người xuất gia luôn mong muốn ai cũng phải tu tâm dưỡng tánh. Đến chùa lễ Phật, đọc kinh nguyện cầu! Riêng sư thì trái ngược hoàn toàn. Có lẽ hiểu ý tôi qua đôi mắt hoang mang, thầy liền giải thích thêm:
– Ý tôi muốn nói đi chùa thì nên mang theo cái tâm hướng Phật. Chẳng phải đi cho vui, cho có phong trào. Đương nhiên chùa thì ai cũng có thể đến, cửa Phật luôn rộng mở đón chào.
– Thưa sư! Họ đến chùa thì chắc chắn đã có lòng hướng Phật. Nếu không thì đến để làm gì?
– Anh hỏi rất hay. Anh là người hiểu biết sâu sắc, nhìn xa trông rộng. Tôi kể anh nghe câu chuyện này rồi tự xâu chuỗi và đúc kết những gì chúng ta đang đề cập:
«Có một gia đình Phật tử nọ, nhà ở Xóm Bến rất ngoan đạo. Vào dịp lễ vu lan cả nhà hết thảy 6 người cùng nhau đi chùa để báo ân mẹ cha, nhưng lại không cho mẹ già theo cùng. Lý do hết sức đơn giản, vì tuổi già sức yếu chậm chạp, ăn mặc xuề xòa, những người con ngại khi đi cùng bà phải đối diện trước đám đông chung quanh. Đứa con lớn nói với bà:
– Mẹ hãy ở nhà, trên đó đông người mệt mỏi lắm. Lại thêm khói nhang nghi ngút. Chùa to, có nhiều bậc thang để dẫn tới chánh điện, người đông như quân Nguyên mà phải dắt theo mẹ ì ạch lê la từng bước, chẳng biết khi nào chúng con mới được vào trong cúng bái.
Gương mặt bà mẹ buồn vì sắp phải đón nỗi cô đơn quạnh hiu một mình trong căn nhà quá lớn. Cũng thấy quen vì đây chẳng phải lần đầu tiên lủi thủi một mình, những lần con cái đi chơi ở xa tận mấy ngày trời, cũng có khi chốc lát rồi về. Những lần như thế bà chỉ ước ao có ai đó bên cạnh hàn huyên cho qua thì giờ. Chiếc tivi là người bạn không cảm xúc nhưng nó cũng giúp vơi đi nỗi lòng được đôi chút. Bà mê coi đài cải lương, nhưng ác nỗi mỗi lần xem thường có tật ngủ quên không tắt. Những người con trở về thấy cảnh tượng này luôn la rầy, mẹ quá lãng phí không hề biết tiết kiệm điện. Hèn gì tháng nào con số trong hóa đơn cũng cao lên ngất ngưởng! Đã không làm ra tiền mà còn bày phá thêm ra. Từ đó bà không dám xem tivi, thậm chí tắt đèn tối thui theo ý muốn của con cái mình. Họ đi chùa, bà buồn quá sang nhà hàng xóm nói chuyện giải khuây.
Nhưng khuya quá chẳng thấy ai về, bà cũng không thể nào ở lì mãi nhà hàng xóm vì họ còn phải ngủ để sớm mai đi làm. Đành trở lại với căn nhà tối thui chỉ một bóng bơ vơ! Do trời tối kèm đôi mắt kém, ánh trăng không đủ độ sáng nhằm soi kỹ lối đi! Bước lên bậc tam cấp trượt chân té ngã, đầu đập xuống tử vong ngay tại chỗ. Cái chết của bà diễn ra im lặng chẳng lấy một ai hay. Những người con từ chùa trở về, tới cổng hàng rào ánh đèn xe máy lần lượt pha vào thấy rõ cái tướng của mẹ nằm trông rất khó coi. Đầu úp xuống nền, hai chân duỗi thẳng, họ nói thành lời.
– Đấy! Đụng đâu nằm ngủ đó! Vậy mà cứ đòi đi chùa. Lên cửa Phật mà nằm vật vờ như thế, có phải đội quần thiên hạ không? Chùa chiền là nơi tôn nghiêm kia mà.
Nói chưa lâu thì họ hốt hoảng khi bước tới trông thấy một cảnh tượng quá đỗi thê thảm. Một vũng máu loang lổ còn tươi rói trên sàn nhà tanh tưởi! Mẹ đã tắt thở từ bao giờ. Họ gào khóc rất thảm thiết! Lúc ở chùa có cầu nguyện trước đức Phật cho mẹ được sống lâu trăm tuổi, sao chỉ mới đó thôi bà đã vĩnh viễn ra đi. Mặc dù họ luôn là người tích cực đi khắp nơi trong chùa từ chánh điện đến phía ngoài thắp hương dâng lên các vị Phật. Hăng hái đọc kinh to nhất nhằm thể hiện sự thành tâm so với các Phật tử khác. Luôn quỳ lâu, lạy nhiều gấp đôi người chung quanh, thế mà Phật vẫn không minh chứng cho lòng thành vừa gửi gắm. Họ tin rằng chùa hoàn toàn không có Phật hiện diện bên trong. Thế là từ giã, tìm ngôi chùa lớn hơn nhằm trao đức tin, chùa to nhiều người đến viếng thì đó mới là nơi linh ứng luôn có Phật hiện ngự».
Câu chuyện sư vừa kể chẳng có gì mới mẻ. Nó được lan tỏa đồn đại khắp nơi chính tôi cũng được nghe loáng thoáng trước đó đôi lần. Giờ thì đã hiểu ra câu nói của thầy vì sao khi đến chùa phải mang theo cái tâm Phật. Tôi nói vui cùng với thầy.
– Thưa sư! Không phải nói hết tất cả, thấy một số sư sãi có cuộc sống rất sung túc ấm êm. Họ sống trong chùa nhưng chẳng khác gì một cung điện quyền quý. Có xe sang, có tài sản cá nhân, người đời kính trọng được ví như một vị Phật sống. Sư suy nghĩ sao về điều này?
– Tôi không biết! Vì là người tu tập nên không màng chuyện thế sự bên ngoài. – Thầy đáp ngắn gọn, không do dự.
– Thưa thầy! Con thấy chùa mình quá nhỏ bé, lại cũ kỹ xuống cấp. Tại sao không trùng tu lại cho khang trang to lớn.
– Tiền ở đâu ra mà xây?. Anh nghĩ rằng họ làm không mà chẳng cần tiền để sống ư?
– Điều này rất đơn giản. Sư chỉ cần kêu gọi các Phật tử chung tay đóng góp, xem đó là việc cúng dường để họ được hưởng phước. Chẳng phải những ngôi chùa lớn họ cũng làm thế hay sao?
– Phật tử cũng là những con người, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, kiếm từng đồng nhằm nuôi sống gia đình. Phước hay không là do tích đức mà thành, không thể quy ra bằng tiền cho được. Ngày xưa đức Phật có kêu gọi bá tánh cúng dường bằng hình thức quyên góp để làm chùa lớn không? Vì sao ngài lại từ bỏ tất cả để tìm tới con đường tu hành? Vì sao lại ngồi nhập định dưới cây Bồ Đề 49 ngày, tại bờ sông Falgu chịu mưa nắng khổ cực mà không phải ngôi chùa rộng lớn nguy nga. Đi khắp nơi để giảng đạo truyền bá suốt 45 năm ròng rã. Anh nên nhớ ngài chính là hoàng tử Gautama Siddhartha con của vua Suddhodana và hoàng hậu Maya. Một gia đình có nhiều quyền thế nhưng ngài vẫn từ bỏ để tìm đến con đường chánh đạo.
Tôi chẳng tha thiết gì đến những chuyện này nên ậm ừ cho qua. Sư bảo vào trong ngủ, chỗ nằm đã chuẩn bị sẵn sàng trước đó do bốn chú tiểu bố trí. Chỉ là một góc nhỏ với mùng chăn gối cũ, nhưng sao lại ấm áp quá chừng! Cũng có thể do tôi dầm mưa cả đêm, hai hàm răng đánh bọ cạp liên hồi trong giá lạnh co ro. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, chẳng gì hơn thế nữa, tôi đánh một giấc cho tới sáng.
Sớm mai thức dậy nghe tiếng gõ mõ phát ra từ chánh điện, sư và các chú tiểu ngồi đọc kinh đã từ bao giờ rồi. Tôi dạo quanh một vòng trong khuôn viên của chùa, cỏ cây phảng phất mùi lạnh vì cơn mưa đêm qua. Dưới màn sương dày đặc là cái nhà bếp trông xập xệ tiêu điều, xung quanh vườn rau đủ các loại xanh mơn mởn. Sư đi tới nói với tôi đôi lời.
– Anh thức dậy rồi à! Chúng tôi không tiện gọi vì thấy ngủ rất say.
Tôi mỉm cười gật đầu chào.
– Thưa sư! Đây là rau tự cung tự cấp cho cuộc sống hàng ngày của chùa mình đúng không?
– Đúng vậy. Chúng tôi cũng đem ra chợ để đổi lấy một số tương chao, đậu hũ và các gia vị về dùng.
Tôi tạm biệt sư cùng các chú tiểu để trở về nhà. Không quên nói lời cảm ơn vì những người thiện lành đã cho tá túc qua đêm trong trận mưa tầm tã. Sư chỉ nhận lời chào tạm biệt, riêng câu cảm ơn nhất quyết khước từ vì cho rằng giúp đỡ lúc khó khăn là từ bi của người tu hành mà Phật đã dạy, điều ấy trải qua mấy nghìn năm vẫn còn tồn tại trong các giáo lý. Đây, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cuộc sống ở chùa bằng thực hành chẳng còn là lý thuyết. Tuy không đầy đủ cho một thời gian nhất định, nhưng nó cũng nói lên một phần cốt lõi, các yếu tố được thể hiện thông qua lời nói, hành động với chiều hướng trung gian. Từ đó có thể kết luận đánh giá theo sự nhìn nhận khách quan của mỗi chủ nghĩa cá nhân.
Đạo Phật không đơn thuần chỉ là một tôn giáo lấy từ bi độ lượng để làm chủ đạo mà còn là triết lý cao siêu, huyền nhiệm giữa khổ và giải thoát khỏi sự đau khổ, khác biệt với triết học Tây Phương. Triết lý nhà Phật rõ ràng bài trừ mê tín dị đoan. Không có bất cứ một đấng tối cao nào có thể cứu con người thoát khỏi sự mê muội khổ ải, chỉ có chính bản thân tự giải thoát thông qua hệ tư tưởng giáo lý tu tập và trí tuệ theo con đường Phật học.
Mùa vu lan năm nay những ngôi chùa chuẩn bị khá chỉn chu nhằm đón tiếp phật tử xa gần tới viếng. Chùa lớn đông đúc người lui tới tấp nập, khói hương nghi ngút làm mắt ai cũng cay xòe rơi lệ. Đương nhiên nước mắt là do khói cay, chẳng phải khóc vì nỗi thương mẹ, thương cha đầy cảm xúc khi nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng nuôi, tần tảo hi sinh một đời vì con. Tôi nghĩ rằng «báo hiếu cha mẹ không chỉ có ngày vu lan, mà phải mỗi ngày, từng phút, từng giây. Ngày nào cũng phải là lễ vu lan trong mỗi chúng ta». Không nói hết tất cả, một số chùa chiền sư sãi thời nay đã đi trái ngược lại con đường của Phật. Các hình thức mê tín dị đoan được tổ chức ngay tại chùa, trục vong, bói toán, cúng sao giải hạn, ban phước vv… Lợi dụng đức tin tín ngưỡng của người đời bá tánh, mượn danh nghĩa nhà Phật để tha hồ trục lợi.
Ai cũng có quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, nhưng sùng đạo thái quá kém hiểu biết dễ dẫn tới “ngộ độc đạo” bị tiêm nhiễm vào tư tưởng những tiêu cực hiện hành, nhìn nhận một cách thô thiển sai lệch, dần dần trở thành công cụ của mọi sự bày vẽ có chủ đích lợi lộc cá nhân. Lợi dụng đức tin, thao túng tâm lý đại chúng, dẫn vào mê hồn trận đầy mù quáng không còn tôn kính bề trên mà còn phỉ báng đi trái ngược với tất cả các giáo lý nguyên thủy, đối lập lời Phật dạy. Người ta ào ạt kéo nhau đi chùa để cúng sao giải hạn, họ tin rằng các sao xấu chiếu mệnh sẽ gặp trắc trở, chuyện không may thường xuyên xảy ra, thậm chí là tai ương sẽ giáng xuống bất kỳ lúc nào. Để phòng chống, đồng thời tránh các sao nặng quấy phá: la hầu, thái bạch, kế đô. Họ thường nhờ các sư sãi tổ chức một buổi cúng bái nhằm hối lộ xua đuổi. Các sư sãi trở thành vị cứu tinh như một Phật sống hiện diện ngay trước mắt. Lời nói cả hành động khiến người khác phải răm rắp nghe theo như một mệnh lệnh bắt buộc! Vì cãi sư tức là đang cãi Phật. Chùa là nhất, cái gì người ta cũng tìm đến, cứ như chùa có thể nan giải mọi vấn đề trên đời. Từ công việc làm ăn, xây cất, cưới vợ gả chồng, bệnh tật, các vấn đề liên quan đến tâm linh, bói toán v…v…
Tôi nhớ ra câu chuyện của ba năm về trước. Cạnh nhà có một đám tang do người chồng bị bạo bệnh qua đời, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, người thân chạy đôn chạy đáo để tìm thuê trống kèn đội mai táng. Bên cạnh đó không thể thiếu sư từ chùa đến đọc kinh cầu siêu. Vì không có nhiều tiền gia chủ mặc cả tới lui, vị sư ấy chẳng đồng ý giá trên nên bỏ về. Chị nói với tôi rằng.
– Khổ lắm em ơi. Nhà không có tiền mà sư lại chẳng chịu tụng với giá thấp. Phải là chi phí cao ngài mới đồng ý nhận lời.
Tôi cười rồi nghĩ thầm, y hệt tiền cát xê của ca sĩ nổi tiếng khi được mời về biểu diễn trong các chương trình đại nhạc hội. Chẳng khác nhau là mấy.
– Chứ không phải tụng kinh là làm phước vì tâm thiện cứu rỗi hay sao? Lại có chuyện tiền bạc? Nghĩa tử là nghĩa tận kia mà. – Tôi nói.
– Tâm gì! Giá đó mà còn chưa chịu tụng đấy. Thời buổi này cái gì mà chẳng tiền. Thôi để chị đi tìm thầy khác xem sao? Cũng chẳng biết họ có bằng lòng với mức giá này không nữa?.
Nói xong chị quay lưng đi ngay. Tôi thấy bản thân mình như đang lạc vào một thế giới đầy xa lạ. Cái gì cũng mới mẻ chưa biết. Thế mà nào giờ luôn mang tư tưởng trong tiềm thức, các sư phục vụ cho người đời vì tâm thiện của nhà Phật. Hóa ra không đơn giản ngu ngơ như cái nhìn nhận mặc định lúc ban đầu! Bỗng thấy mình như chú nai tơ ngơ ngác trong khu rừng già cỗi. Tôi thấy cuộc đời này quá nhiều sự giả dối, nó được dựng lên từ sự tin tưởng vô hạn của những người gắn mác đạo đức! Đương nhiên có người này người kia không phải ai cũng thế, nhưng con số nhiều lại hơn hẳn con số ít. Lại nhớ ra những câu nói vui của bạn bè, đã nói với nhau trước đó trong các buổi gặp mặt “trên đời có một việc không cần phải bỏ ra vốn liếng vẫn sống êm ấm như chơi. Đó là công việc làm thầy chùa! Chỉ cần xuống tóc mặc áo tu, nói nắng, nói gió vẫn có vô số người nghe mà không có bất cứ ý kiến phản bác nào”.
Chỉ là câu nói vui để làm không khí thêm huyên náo nhưng lại gần đúng với sự thật trong cuộc sống bây giờ. Tôn giáo là một hệ thống văn hóa, bao gồm đức tin, tín ngưỡng, dạy con người đi đúng hướng sống tốt, thể hiện qua sự bình đẳng tự do, yêu thương giữa con người với con người. Không có bất kỳ tôn giáo nào trên Trái Đất dạy cướp của giết nhau, lừa lọc, hãm hại đồng loại, sống ác, nếu đi trái ngược lại với những điều trên thì tất cả được gọi là phản đạo. Sự từ bi độ lượng, tâm thiện lành, thương yêu cứu giúp luôn làm chủ đạo chính hiện hình trong mọi tôn giáo khác nhau. Không bạo lực chiến tranh, không lớn hiếp yếu, không kỳ thị phân biệt chủng tộc, không dã tâm cực đoan.
Dù nghèo hay sang, ở bất cứ địa vị nào con người đều có quyền được sống, được tự do tôn giáo tín ngưỡng, được quyền yêu thương. Được làm bất cứ điều gì, miễn hợp pháp trong khuôn khổ nhân quyền. Chế độ nô lệ ở Đại Tây Dương xảy ra từ thế kỷ 16 đến 19 đã thực sự cướp mất quyền tự do. Người da màu bị phân biệt đối xử, cùm kẹp, xiềng xích, đánh đập, ép lao động khổ sai, dưới bàn tay man rợ của những kẻ da trắng. Họ như một món hàng được mua bán trao đổi, mọi quyền hạn làm người cũng bị tước mất kể từ đó.
Nạn diệt chủng Holocaust do Đức Quốc Xã thực hiện khiến vô số người Do Thái phải bỏ mạng một cách đầy oan uổng. Cuộc thảm sát bài trừ đẫm máu là những tội ác đi trái ngược lại với mọi tôn giáo trên thế giới. Nhân loại sống bình yên hạnh phúc khi không có chiến tranh, không có sự thù hằn, tham vọng, vũ lực, cực đoan, dã tâm, bạo quyền. Chẳng thứ gì trên Trái Đất này có thể quý hơn mạng sống con người. Tôn giáo mọc lên đi đôi với ý thức hệ dựa trên cơ sở thiện lương, làm lành tránh dữ. Nhưng lợi dụng tôn giáo để phục vụ cho mục đích xấu xa thì đó là một tội ác rất phỉ báng.
Sáng nay tôi tình cờ gặp lại chú tiểu của năm nào. Vẻ ngoài to lớn, mập mạp hơn xưa! Chú báo tin sư thầy đã viên tịch cách đây vài tháng. Nghe xong, tôi như mùa thu mà chẳng có chiếc lá nào bay! Thấy buồn vì người là bậc chân tu đúng nghĩa so với một số sư sãi khác. Một chân lý rất hiện hành mà tôi nghiệm ra được «một ngôi chùa bề thế, tượng Phật được đúc kích thước khổng lồ, nhưng sư không tu đúng theo giáo lý nhà Phật, thì nơi ấy hoàn toàn chẳng có vị Phật nào hiện diện. Các bức tượng vô hồn chỉ là hình thức tượng trưng với sắt thép, xi măng được tạo thành từ bàn tay nghệ nhân. Ngược lại, một ngôi chùa cũ nát, các tăng ni một lòng giữ giới theo lời Phật dạy với những giáo lý tu tập nguyên thủy đúng nghĩa, chắc chắn sẽ có đức Phật đang thực sự ngự trị bên trong. Nhìn, cảm nhận bằng tâm sẽ thấy được hào quang mầu nhiệm vây quanh».
Mùa thu về, mùa vu lan báo hiếu cũng đang tới. Các chùa trang trí rất tôn nghiêm chuẩn bị đón các Phật tử tới viếng. Tôi trở lại ngôi chùa cũ, vẫn là màu rêu xanh bám chặt lưng tường hiện lên nét trầm tích cổ kính, nhìn qua ô cửa nhỏ không còn bóng dáng của sư thầy ngồi xếp bằng thiền định với đôi mắt nhắm nghiền, chẳng một cử động dù chỉ là nhỏ nhặt. Mùa thu lá rụng, chim vẫn hót, nắng ngập tràn khắp sân! Thấy chạnh lòng mỗi độ nhìn qua ô cửa! Nơi ấy bây giờ là khoảng trống của chánh điện, có điều gì đó rất lặng lẽ vô thường.
Tác giả Quang Nguyễn

BÌNH LUẬN